Những chuyến thăm và làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại Hưng Yên

Đăng ngày 21 - 12 - 2004
Lượt xem:
100%

Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm và làm việc
tại Hải Hưng 10-1980
Ngày 01/10/1958: Thủ tướng Phạm Văn Đồng về dự Lễ khởi công xây dựng hệ thống Đại thủy nông Bắc - Hưng- Hải tại cống Xuân Quan (huyện Văn Giang). Đây là công trình có quy mô lớn nhất miền Bắc lúc đó. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã bổ nhát cuốc đầu tiên mở đầu việc xây dựng công trình Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải.

Ngày 22/10/1958: Phó Thủ tướng Phạm Hùng đã về trao tặng Huân chương lao động hạng Ba cho cán bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên do đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn trong công tác chống hạn, giành thắng lợi lớn về diện tích và sản lượng lúa trong vụ chiêm năm 1958. Lễ đón nhận Huân chương được tổ chức tại xã Phan Chu Trinh (nay là xã Đặng Lễ), huyện Ân Thi, có 8.000 cán bộ và nhân dân tham dự.

Ngày 6/1/1959: Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm công trình Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải và dự lễ khánh thành cống Xuân Quan cùng đông đảo cán bộ, nhân dân các địa phương đón dòng nước đầu tiên chảy vào hệ thống thủy nông Bắc - Hưng - Hải.

Tháng 1/1959: Đồng chí Lê Duẩn, ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng về tìm hiểu công tác xây dựng Đảng trong phong trào thủy lợi hóa và hợp tác hóa tại Hưng Yên. Đồng chí đã đánh giá: "Tất cả các đoàn viên thanh niên hăng hái tham gia phong trào thủy lợi hóa, phong trào xây dựng hợp tác xã kể cả ba ngọn cờ hồng, đặc biệt những đoàn viên đi đầu trong các phong trào có tinh thần làm chủ tập thể cao, đạt năng suất lao động cao, được tập thể suy tôn là kiện tướng, chiến sĩ thi đua đều xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng quang vinh. Đảng bộ Hưng Yên xứng đáng được Bác Hồ khen là tỉnh tiên tiến".

Ngày 21/4/1959: Đồng chí Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về thăm và nói chuyện tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hưng Yên lần thứ hai.

Ngày 29/1/1961: Đồng chí Trường Chinh, ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã về dự Hội nghị tổng kết phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở Hưng Yên. Đồng chí đã nói chuyện trước 1.526 cán bộ đảng viên các cơ quan tỉnh, thông tấn xã và các đại biểu dự Hội nghị hợp tác hóa và Đại hội phụ nữ tỉnh. Tại hội nghị đồng chí đã khen: "Hưng Yên căn bản hoàn thành cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp với 93% số hộ tham gia. Trên cơ sở phong trào hợp tác hóa nông nghiệp được phát triển và củng cố, tỉnh đã đạt được nhiều thắng lợi to lớn về mọi mặt: thủy lợi, năng suất cây trồng, mở rộng diện tích, phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập, đưa thanh niên đi tham gia khai hoang tại Tây Bắc, đẩy mạnh văn hoá-xã hội. Những việc ấy, chúng ta không thể làm nổi trong điều kiện còn làm ăn riêng lẻ". Đồng chí tới thăm Bảo tàng Cách mạng tỉnh và về thăm xã Trường Chinh (nay là xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ). Tại buổi nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong xã, đồng chí nhắc nhở cán bộ đảng viên phải đoàn kết gương mẫu, đoàn thanh niên phải làm nòng cốt, chú trọng đến phong trào phụ nữ, mọi người hăng hái quyết tâm nhất định sẽ thu được nhiều thắng lợi.

Ngày 21-29/3/1961: Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng và đồng chí Lê Văn Lương, Bí thư Trung ương Đảng về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ V (vòng 2), diễn ra tại Hội trường Trường Đảng tỉnh.

Ngày 12- 17/2/1962: Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng về dự Hội nghị tổng kết phong trào hợp tác hóa nông nghiệp năm 1961 của Hưng Yên, tại xã Phan Chu Trinh (nay là xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi).

Ngày 24/6/1962: Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng về thăm tình hình sản xuất của tỉnh Hưng Yên. Đồng chí Lê Duẩn đã nghe báo cáo của Tỉnh ủy Hưng Yên về tình hình hợp tác xã thu chiêm, làm mùa và làm nghĩa vụ lương thực với Nhà nước. Đồng chí đã đến thăm 3 cơ sở hợp tác xã: Phan Chu Trinh, Quang Vinh (huyện Ân Thi) và hợp tác xã Ninh Tập (huyện Khoái Châu).

Ngày 12/8/1962: Đồng chí Nguyễn Chí Thanh ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng về thăm, nói chuyện với gần 600 cán bộ và các đồng chí phụ trách các ban, ngành của tỉnh Hưng Yên tại Hội nghị học tập cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp tỉnh Hưng Yên. Đồng chí nhấn mạnh: "Làm tốt công tác quản lý hợp tác xã phải được thể hiện bằng chăm bón tốt vụ mùa, chuẩn bị cho vụ đông-xuân và tiếp tục đưa người đi khai hoang".

Ngày 11/9/1962: Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm và làm việc tại Hưng Yên. Thủ tướng đi thăm một số nơi như cống Kênh Cầu (Yên Mỹ), xã Tân Dân (Khoái Châu), xã Phan Chu Trinh (Ân Thi), xã Hải Triều (Tiên Lữ) và các xã Hùng An, Phú Cường, Hùng Cường (Kim Động). Thủ tướng căn dặn Đảng bộ nhân dân Hưng Yên cần phát huy hơn nữa truyền thống anh dũng, sức lao động sáng tạo, thực hành tiết kiệm đẩy mạnh sản xuất, mau chóng đưa mức sống lên kịp và vượt mức sống của trung nông lớp trên trước kế hoạch 5 năm.

Ngày 4/2/1963 (sáng mồng 3 tết Quý Mão): Thủ tướng Phạm Văn Đồng đồng chí Lê Văn Lương Bí thư Trung ương Đảng về thăm Hưng Yên. Thủ tướng căn dặn cán bộ và nhân dân Hưng Yên: "Tuy hạn nhưng Hưng Yên còn nhiều nước tát. Cán bộ và đồng bào không được chủ quan, phải tích cực và chủ động tìm mọi biện pháp chống hạn và chăm bón, trừ sâu để đề phòng hạn có thể kéo dài, phải quyết tâm giành bằng được vụ đông-xuân thắng lợi". Thủ tướng và đồng chí Lê Văn Lương đã đến thăm xã Ngô Quyền (huyện Tiên Lữ) - xã có nhiều thành tích làm thủy lợi và công tác lương thực.

Đầu tháng 2/1963: Phó Thủ tướng Phạm Hùng đồng chí Lê Văn Lương, Bí thư Trung ương Đảng đã về thăm Hưng Yên. Phó Thủ tướng và đồng chí Lê Văn Lương đã đi thăm nhân dân ở các huyện Tiên Lữ, Khoái Châu đang tích cực chống hạn và dự Hội nghị của tỉnh bàn về nạo vét sông Bắc - Hưng - Hải.

Ngày 23-26/4/1963: Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng, về thăm và dự Hội nghị thanh niên toàn miền Bắc do Trung ương Đoàn thanh niên lao động Việt Nam tổ chức tại thôn Đỗ Thượng xã Quang Vinh (huyện Ân Thi) bàn về công tác của Đoàn tham gia vận động cải tiến quản lý kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc.

Ngày 31/5/1964: Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm tỉnh Hưng Yên. Thủ tướng đã tới thăm và kiểm tra sản xuất đông xuân của các hợp tác xã Muội Sảng, Ninh Hạ (huyện Tiên Lữ); hợp tác xã mua bán Toàn Thắng (huyện Kim Động).

Ngày 2-3/10/1964: Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng, về dự và nói chuyện với Hội nghị kiểm điểm 4 năm thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) của tỉnh Hưng Yên.

Ngày 15/1/1967: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thanh Nghị, ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng về thăm Hưng Yên. Sau khi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, Phó Thủ tướng đã đi thăm Xí nghiệp cơ khí 1-5 là xí nghiệp thành công đầu tiên trong việc luyện gang dẻo sản xuất ra những nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp miền Bắc.

Ngày 24/12/1968: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thanh Nghị, ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, về thăm xã Đức Hợp (huyện Kim Động).

Ngày 16/6/1974: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thanh Nghị, ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng về thăm lúa chiêm xuân ở Hải Hưng. Phó Thủ tướng cùng các đồng chí lãnh đạo của tỉnh xuống thăm lúa ở huyện Văn Lâm - huyện có nhiều diện tích lúa gieo thẳng nhất trong tỉnh.

Đầu tháng 02/1976 (mồng một tết): Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thanh Nghị về thăm, chúc tết cán bộ và nhân dân tỉnh Hải Hưng. Phó Thủ tướng đã đến thăm, chúc tết và tặng quà gia đình cụ Đàm Văn Tôn có 3 con là liệt sĩ, cụ Oanh có 6 con tòng quân (trong đó có 2 liệt sĩ, 1 thương binh) ở xã Thuỵ Lôi (huyện Tiên Lữ); thăm và chúc tết Trường văn hóa bổ túc cấp III thương binh huyện Khoái Châu và huyện Văn Giang.

Ngày 20-22/10/1977: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Phó Chủ tịch nước về thăm xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi, Phó Chủ tịch tới thăm xưởng cơ khí sửa chữa máy nông cụ của hợp tác xã và tới thăm hỏi cụ Đào Thị Lâm có chồng, con, cháu là liệt sĩ; cụ Đinh Thị Lự có một con trai duy nhất đã hy sinh ở chiến trường miền Nam và cháu Vũ Thị Phí, học sinh lớp 5, con liệt sĩ chống Mỹ.

Ngày 31/1/1981: Đồng chí Trường Chinh, ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thăm khu vực chế biến thức ăn cho gia súc của hợp tác xã Đức Hợp huyện Kim Thi (nay là huyện Kim Động).

Ngày 16/8/1985: Đồng chí Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước về thăm phong trào "Vườn quả Bác Hồ" và kinh tế vườn ở Hải Hưng. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đến thăm xã Hồng Nam (huyện Tiên Lữ) và xã Đặng Lễ (huyện Ân Thi) là những nơi có phong trào xây dựng vườn quả Bác Hồ và phát triển kinh tế vườn khá của tỉnh.

Ngày 1-2/3/1990: Đồng chí Nguyễn Đức Bình, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về thăm huyện Mỹ Văn và các xã Tân Quang, Đại Đồng (nay thuộc huyện Văn Lâm).

Ngày 8/7/1991: Tổng Bí thư Đỗ Mười về thăm và làm việc tại Hải Hưng. Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, đồng chí đã tới thăm huyện Mỹ Văn và xã Tân Quang (nay thuộc huyện Văn Lâm), một trong những xã có phong trào khá toàn diện của tỉnh.

Ngày 12-13/5/1994: Chủ tịch nước Lê Đức Anh về thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh. Sáng ngày 12/5, đồng chí tới thăm xã Mễ Sở (huyện Văn Giang) - xã được tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng năm 1989. Gặp gỡ và nói chuyện thân mật với cán bộ và nhân dân địa phương, Chủ tịch nhắc nhở phải biết khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế-xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Chủ tịch cũng tới thăm và tặng quà cụ Trần Thị Phú 80 tuổi, mẹ của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Ngọc Sâm.

Ngày 1-2/8/1994: Đồng chí Nguyễn Văn Linh cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng về thăm Hải Hưng. Đồng chí đã về thăm xã Giai Phạm, huyện Mỹ Văn (nay là huyện Yên Mỹ). Đồng chí vui mừng trước sự "thay da đổi thịt" mau chóng của quê hương. Đồng chí đã tặng giáo viên học sinh trường Giai Phạm một hệ thống tăng âm và cùng các đồng chí lãnh đạo huyện Mỹ Văn, xã Giai Phạm tham gia khởi công xây dựng trường tiểu học và trung học cơ sở tại quê hương, nay trường mang tên đồng chí Nguyễn Văn Linh. Trong dịp về thăm quê hương, đồng chí đã trồng 3 cây lưu niệm tại công viên Bạch Đằng (thị xã Hải Dương), trụ sở Huyện ủy Mỹ Văn và ở trường phổ thông xã Giai Phạm.

Ngày 24-25/5/1996: Phó Thủ tướng Trần Đức Lương về thăm và làm việc tại tỉnh. Sau khi làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Phó Thủ tướng đã đến thăm và làm việc với Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Văn và thăm một số danh lam thắng cảnh ở thị xã Hưng Yên.

Ngày 9/3/1997: Phó Thủ tướng Phan Văn Khải thăm và làm việc tại Hưng Yên. Cùng đi có các đồng chí Trần Đình Hoan, Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh xã hội; Lê Ngọc Hoàn, quyền Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Ngày 24/6/1997: Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đã về thăm và làm việc tại tỉnh Hưng Yên. Cùng đi với Phó Thủ tướng có các đồng chí Bộ trưởng, Thứ trưởng của 13 bộ và một số chuyên viên của Văn phòng Chính phủ. Phó Thủ tướng đã tới thăm Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm thần kinh của tỉnh, Trường Cao đẳng sư phạm, Đài PT - TH tỉnh và các di tích lịch sử văn hóa. Phát biểu tại buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đã biểu dương những nỗ lực mà Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, chỉ ra những yếu kém mà Đảng bộ cần khắc phục. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Hưng Yên phải phấn đấu vươn lên trong nền kinh tế thị trường ở vùng đồng bằng Bắc Bộ vốn có nền văn minh đang đi vào cơ chế thị trường. Các chỉ tiêu phát triển của Hưng Yên phải vượt mức trung bình cả nước".

Ngày 19/2/1998: Đồng chí Đỗ Mười, cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng đã về thăm và làm việc tại Hưng Yên. Sau khi nghe các đồng chí lãnh đạo tỉnh báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng sau một năm Hưng Yên được tái lập. Buổi chiều, cố vấn về thăm thôn Cao Xá, xã Trần Cao, huyện Phù Cừ.

Ngày 23/2/1998: Đồng chí Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng bảo trợ Quỹ trẻ em Việt Nam về thăm và làm việc tại Hưng Yên. Sau khi làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã đi thăm Trường phục hồi chức năng huyện Tiên Lữ, thăm và tặng quà các cháu mẫu giáo xã Nhật Tân (Tiên Lữ) - là một trong những xã dẫn đầu huyện về công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Ngày 3/8/1998: Phó Thủ tướng Chính phủ Ngô Xuân Lộc về thăm và làm việc tại Hưng Yên. Phó Thủ tướng đã làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh và tới thăm Công ty đay Hưng Yên, Liên doanh may Phố Hiến (là liên doanh giữa hai công ty May Hưng Yên và đay Hưng Yên) hiện đang làm ăn có hiệu quả, thăm Liên doanh sản xuất ti vi màu Goldstar tại cụm công nghiệp Như Quỳnh.

Ngày 28/9/1998: Các đồng chí: Đỗ Mười, cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam; Lê Minh Triết, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban dân vận Trung ương; Trần Đình Hoan, ủy viên Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng đã về dự Hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm việc làm điểm xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo Chỉ thị 30-CT/TW, ngày18/2/1998, của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Nghị định 29-NĐ/CP của Chính phủ, đồng thời triển khai làm điểm ở tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh.

Ngày 19- 20/1/1999: Đồng chí Nông Đức Mạnh, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã về thăm và làm việc tại Hưng Yên. Cùng đi với Chủ tịch có các đồng chí Vũ Mão, ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đã tới thăm xã Nhật Tân (Tiên Lữ), thăm và tặng quà các cháu ở trường mầm non xã Nhật Tân. Chiều đồng chí thăm Công ty đay Hưng Yên, Công ty may Hưng Yên và Trường phổ thông năng khiếu tỉnh. Chiều ngày 20/1, đồng chí cùng đoàn đến thăm và làm việc tại huyện Mỹ Văn.

Ngày 17/2/1999: Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Lê Khả Phiêu về thăm và chúc tết Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên. Đồng chí đã tới thăm đền Đa Hòa xã Bình Minh (huyện Khoái Châu) và ghi vào sổ vàng lưu niệm: "Vua Hùng có công dựng nước. Con cháu Vua Hùng tiếp tục đi mở mang đất nước - giữa vua và dân là một lòng dựng nước - con vua và thứ dân cũng là một và không có phân cách. Nhân dịp năm mới Kỷ Mão tôi đến thăm bà con xã Bình Minh vui tết. Thấy không khí văn minh và vật chất khá. Xin chúc bà con và xã phát triển về mọi mặt". Sau đó, đồng chí Tổng Bí thư cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh về thăm hội làng truyền thống và trồng cây lưu niệm ở Yên Duyên, xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động.

Ngày 28/3/1999: Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng về thăm và làm việc tại tỉnh Hưng Yên. Buổi sáng, đồng chí cùng đoàn nghe báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh năm 1998. Buổi chiều, đồng chí đến thăm và thắp hương tại Chùa Chuông, thị xã Hưng Yên; thăm công ty Đay Hưng Yên và thăm xã Hùng An (huyện Kim Động). Nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong xã đồng chí nhấn mạnh: "Đảng, Chính quyền vững mạnh không có nghĩa là cán bộ, đảng viên chỉ lo giữ làm sao để không có sai phạm mà phải biết chăm lo, làm việc cho dân, phải mang lại sự phát triển cho xã, nâng cao đời sống cho nhân dân".

Ngày 30/5/1999: Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn về thăm và làm việc tại Hưng Yên. Trước khi làm việc với các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, đồng chí Phó Thủ tướng đã đi thăm, kiểm tra tình hình sản xuất, thu hoạch vụ chiêm xuân, tình hình chuyển đổi hợp tác xã nông nghiệp ở hợp tác xã Nhật Tân (Tiên Lữ). Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, sau khi nghe báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 5 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng đã hoan nghênh những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã đạt được. Đồng chí cũng góp một số ý kiến như mở rộng diện tích các giống lúa có năng suất cao, chất lượng gạo ngon; chú trọng đến các sản phẩm mũi nhọn như nhãn, rau quả tươi, tận dụng thị trường Hà Nội và xuất khẩu; phát triển chăn nuôi bò sữa, tiếp tục đổi mới và phát triển các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp để vừa phục vụ tốt sản xuất của nhân dân, vừa làm ăn có lãi. Đồng chí lưu ý tỉnh cần tập trung làm tốt việc phòng chống lụt bão, bảo vệ đê điều, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa lũ.

Ngày 12/6/1999: Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn về thăm và kiểm tra tuyến đê ở Hưng Yên. Đồng chí đã đi thăm và kiểm tra một số vị trí trọng điểm trong công tác chống lụt bão của tỉnh Hưng Yên dọc tuyến đê sông Hồng; khu vực kè Hàm Tử (Khoái Châu); các vết nứt đê tại xã Dạ Trạch, xã Chí Tân (Khoái Châu) và các vị trí xung yếu trên tuyến đê Phú Thịnh - Đức Hợp - Mai Động thuộc huyện Kim Động.

Ngày 29/6/1999: Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm thăm và làm việc tại Hưng Yên. Đồng chí đã nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm; một số kết quả thực hiện trên lĩnh vực văn hóa, y tế, đào tạo dạy nghề… kể từ khi tái lập tỉnh cho đến năm 1999. Phó Thủ tướng cho rằng: "Hưng Yên có nền nông nghiệp ổn định và vững chắc, công nghiệp đã có bước phát triển đáng mừng nếu biết chớp thời cơ, có sự vận dụng linh hoạt, tỉnh sẽ có bước phát triển mạnh vững chắc. Hưng Yên là tỉnh có truyền thống giáo dục, là vùng đất địa linh nhân kiệt vì vậy cần quan tâm hơn đến giáo dục, đặc biệt về cơ cấu cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực. Chiến lược con người sẽ tạo đà ổn định và phát triển vững chắc". Phó Thủ tướng cùng các đồng chí lãnh đạo đã đến thăm Chùa Chuông, Trung tâm Y tế dự phòng và Đài PT-TH tỉnh.

Ngày 7/1/2000: Đồng chí Phạm Thế Duyệt, ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thăm và chúc tết Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên. Đồng chí đã tới thăm và chúc tết cán bộ đảng viên và nhân dân xã Tân Quang (Văn Lâm). Trong bài nói chuyện với Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đồng chí nói: "Năm 2000 không chỉ là năm có ý nghĩa lịch sử quan trọng với nhiều ngày lễ lớn mà còn là năm thời cơ để phát triển đất nước. Cán bộ và nhân dân Hưng Yên cần suy nghĩ nắm thời cơ để chuyển nhanh kinh tế-xã hội của địa phương lên bước phát triển mới. Chúng ta đã qua 15 năm đổi mới cần đúc rút những thành công, tránh những sai lầm, tiếp tục phát huy những gì đúng đắn tốt đẹp đã đạt được nhất là những truyền thống tốt đẹp của dân tộc".

Ngày 7/2/2000: Đồng chí Phạm Thanh Ngân, ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng về thăm và chúc tết tỉnh Hưng Yên. Đồng chí rất vui mừng được về thăm và chúc tết tỉnh Hưng Yên nhân dịp năm mới, chứng kiến những thành tựu to lớn mà Đảng bộ Hưng Yên đạt được trong năm 1999. Đồng chí đã đến thăm huyện Tiên Lữ, về thăm xã Nhật Tân.

Ngày 16/4/2000: Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, đã về thăm và làm việc tại Hưng Yên. Đồng chí đã tới thăm và làm việc với cán bộ huyện Yên Mỹ, thăm Công ty Giày Hưng Yên và Nhà lưu niệm Danh y Lê Hữu Trác. Tại Nhà lưu niệm Danh y Lê Hữu Trác, đồng chí đã trồng cây đa lưu niệm để tưởng nhớ bậc đại danh y của dân tộc. Nhân dịp này, đồng chí cũng về thăm thôn Nghĩa Trai, thị trấn Yên Mỹ nơi đồng chí đã từng sống và làm việc trong những năm đầu tập kết ra Bắc.

Ngày 12/5/2000: Cố vấn Võ Văn Kiệt về thăm và làm việc với Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên. Tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Hưng Yên, đồng chí đã tỏ ý vui mừng thấy Hưng Yên đã và đang tiếp cận kịp với sự đổi mới của đất nước và khu vực. Đồng chí nói: "Tỉnh cần đánh giá tình hình địa phương một cách cụ thể, đúng đắn; phải thấy được những lợi thế so sánh của Hưng Yên với các tỉnh trong khu vực, phát huy các tiềm năng để từ đó đề ra chương trình, mục tiêu cho giai đoạn tới, góp phần cùng cả nước theo kịp sự phát triển của các nước khác trong khu vực và thế giới". Đồng chí tới thăm và tặng quà cho các cháu thiếu nhi trường Mầm non 19/5 thị xã Hưng Yên. Tại buổi nói chuyện, đồng chí căn dặn các thầy cô giáo và cán bộ trong trường: "Cần chăm sóc giáo dục các cháu tốt hơn nữa vì trong tương lai các cháu sẽ là người chủ xây dựng đất nước, quê hương".

Ngày 2/1/2001: Đồng chí Nguyễn Thị Xuân Mỹ, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương về dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XV.

Ngày 20/1/2001: Đồng chí Lê Minh Hương, ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an về Hưng Yên kiểm tra tình hình đảm bảo an ninh trật tự, đồng thời thăm và chúc tết cán bộ, chiến sĩ công an tỉnh Hưng Yên.

Ngày 20/1/2001: Đồng chí Trần Đức Lương, ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về thăm và chúc tết cán bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên. Buổi sáng, Chủ tịch đến thăm, chúc tết gia đình ông Trần Văn Tạ (cán bộ lão thành cách mạng ở Phường Hiến Nam, thị xã Hưng Yên) và ba gia đình chính sách khác ở xã Dị Chế (Tiên Lữ). Chủ tịch cũng đến thăm và chúc tết thầy trò trường Phổ thông năng khiếu tỉnh và trồng cây lưu niệm đầu xuân tại trường. Buổi chiều, tại Văn phòng Tỉnh ủy, Chủ tịch Trần Đức Lương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch nói: "Ngoài việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Hưng Yên cần năng động tìm nguồn đầu tư của nước ngoài và các tỉnh bạn; bên cạnh đó có trách nhiệm hơn nữa đối với nhân dân, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân nói chung".

Ngày 29/1/2002: Đồng chí Đỗ Mười nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng đã về thăm và làm việc tại tỉnh. Sau khi làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, buổi chiều đồng chí đến thăm hợp tác xã may Đại Đồng và phường Hồng Châu (thị xã Hưng Yên).

Ngày 10/2/2002: Đồng chí Trần Đức Lương, ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã về thăm, chúc tết cán bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên. Sau khi nói chuyện với cán bộ và nhân dân tại Nhà văn hoá trung tâm tỉnh, Chủ tịch Trần Đức Lương cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi thăm, chúc tết và tặng quà một số đối tượng chính sách của tỉnh gồm: Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Lành 87 tuổi ở thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn (thị xã Hưng Yên) và bà Lê Thị Thi 78 tuổi, cán bộ tiền khởi nghĩa Huy hiệu 50 tuổi Đảng ở thôn Tiên Cầu, xã Hiệp Cường (huyện Kim Động).

Ngày 3/3/2002: Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Mạnh Cầm về thăm và làm việc với tỉnh Hưng Yên. Sau khi làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, buổi chiều, Phó Thủ tướng đi thăm khu di tích lịch sử ở thị xã Hưng Yên gồm chùa Hiến, đền Mẫu, đền Thiên Hậu, chùa Chuông và Văn Miếu. Tiếp đó, Phó Thủ tướng đi thăm và dâng hương tại khu di tích lịch sử văn hoá Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại Liêu Xá (Yên Mỹ), thăm công ty Hòa Phát và công ty Liên doanh sản xuất phụ tùng ô tô xe máy thuộc khu công nghiệp Như Quỳnh (Văn Lâm).

Ngày 21/10/2002: Đồng chí Trần Đình Hoan, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh  về thăm và làm việc tại Hưng Yên. Buổi sáng, đồng chí đã làm việc với lãnh đạo tỉnh, Sở Nông nghiệp và các phòng nông nghiệp của tỉnh. Buổi chiều, đồng chí đi thăm một số cơ sở chăn nuôi ở hai huyện Kim Động và Văn Giang.

Ngày 25/1/2003: Đồng chí Trương Mỹ Hoa, ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã về thăm và chúc tết cán bộ và nhân dân Hưng Yên. Đồng chí đã tới thăm, tặng quà cán bộ, bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm điều dưỡng thần kinh tỉnh, thăm, tặng quà một số cán bộ lão thành cách mạng, gia đình chính sách tiêu biểu ở phường Quang Trung (thị xã Hưng Yên) và xã Lý Thường Kiệt (huyện Yên Mỹ).

Ngày 19/5/2003: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng, đã về kiểm tra tuyến đê kè trên sông Hồng thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: "Việc phát hiện và xử lý kịp thời vết nứt đê Văn Giang là sự nỗ lực tích cực của tỉnh, và các cơ quan đơn vị chuyên ngành", đồng thời Phó Thủ tướng yêu cầu các bên liên quan tiếp tục lập dự án khảo sát, đưa ra các phương án xử lý tối ưu nhất bảo đảm sự an toàn cho tuyến đê. Phó Thủ tướng đến thăm đền Đa Hòa (huyện Khoái Châu), đền thờ Chử Đồng Tử- Tiên Dung, di tích lịch sử  văn hóa. Đồng chí đã ghi vào sổ lưu niệm của đền Đa Hòa: "Rất mong đền Đa Hòa được giữ gìn tôn tạo ngày càng bền vững và đẹp hơn".

Ngày 27/7/2003: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An về thăm, tặng quà các gia đình chính sách tại Hưng Yên nhân kỷ niệm 56 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7). Chủ tịch Quốc hội đã đi thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hợp 83 tuổi ở thôn Ngọc Lịch, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm có 3 con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, bà Nguyễn Thị Lịch 86 tuổi có công nuôi giấu cán bộ cách mạng của Trung ương và của tỉnh trước năm 1945 ở thôn Vân Ngoại (huyện Khoái Châu). Trong bài nói chuyện của mình với các gia đình chính sách, đồng chí nói: "Đất nước ta được to đẹp, vững mạnh như ngày hôm nay là do công lao của Đảng, Bác Hồ, sự đóng góp công sức của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã mang nặng đẻ đau cống hiến cho Tổ quốc những người con anh dũng".

Ngày 7/8/2003: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan về thăm và làm việc tại Hưng Yên. Buổi sáng, đồng chí đi thăm và làm việc tại một số công ty ở khu công nghiệp Như Quỳnh (Văn Lâm) như Công ty Liên doanh sản xuất tivi LG-SEL, Công ty thép Hòa Phát và Công ty may Global Sourcenet và thăm khu di tích lịch sử  văn hóa Chử Đồng Tử-Tiên Dung ở Khoái Châu. Buổi chiều, Phó Thủ tướng làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đồng chí đã đánh giá cao sự tiến bộ mọi mặt kinh tế-xã hội của Hưng Yên. Theo Phó Thủ tướng: "Hưng Yên đang đứng trước vận hội phát triển mới. Bên cạnh đó, tỉnh cần lưu ý giải quyết tốt các vấn đề như cùng với phát triển đường bộ, Hưng Yên chú ý phát triển đường sông. Công nghiệp phát triển nhanh, nông nghiệp chuyển biến không kịp dễ nảy sinh mất cân đối, giải quyết các vấn đề lao động trong các khu công nghiệp; các vấn đề môi trường và tệ nạn xã hội…".

Ngày 22/8/2003: Đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam; đồng chí Trần Đình Hoan, ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban tổ chức Trung ương và các đồng chí nguyên là ủy viên Bộ Chính trị về dự Lễ khánh thành Nhà tưởng niệm đồng chí Lê Văn Lương tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang. Đồng chí Đỗ Mười đã cùng các đồng chí khác trồng cây lưu niệm tại khu tưởng niệm.

Ngày 3-4/9/2003: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An về thăm và làm việc tại Hưng Yên. Buổi sáng ngày 3 tháng 9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An tới thăm 3 doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh gồm Công ty chế biến thực phẩm Thiên Hương đóng tại xã Dị Sử (huyện Mỹ Hào); Nhà máy thép Việt - Ý thuộc Tổng Công ty xây dựng Sông Đà đóng tại xã Giai Phạm (huyện Yên Mỹ) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tae Yang của Hàn Quốc đóng trên địa bàn huyện Văn Lâm. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng tới thăm mô hình trang trại trồng cam đường canh và chăn nuôi lợn nái ngoại của gia đình anh Nguyễn Văn Thiết ở thôn Đông Tảo đông, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu. Buổi chiều, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đến thăm dây chuyền sản xuất của Công ty may Hưng Yên, thăm và tặng quà 2 gia đình chính sách, gia đình cách mạng tiêu biểu gồm gia đình ông Đoàn Đức Hợi 81 tuổi đời, 55 tuổi Đảng là cán bộ tiền khởi nghĩa ở thôn Đặng Cầu, xã Trung Nghĩa, huyện Tiên Lữ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Bông 80 tuổi ở xóm 3, thôn Mễ Xá, xã Nguyễn Trãi, huyện Ân Thi. Tiếp đó, đồng chí đi thăm một số di tích văn hoá của tỉnh như quần thể kiến trúc và khu di tích đền Phù Ủng thờ Tướng quân Phạm Ngũ Lão tại xã Phù Ủng, huyện Ân Thi và khu Văn Miếu thị xã Hưng Yên.

Ngày 4 tháng 9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cùng dự Lễ khai giảng với thầy trò Trường THPT chuyên ban thị xã Hưng Yên. Tại buổi lễ, đồng chí đã nói: "Hưng Yên là tỉnh có truyền thống văn hóa và đấu tranh cách mạng kiên cường, nơi sinh ra nhữg người con ưu tú cho đất nước. Sau hơn 6 năm tái lập tỉnh, cùng với tốc độ phát triển kinh tế- xã hội đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhân dịp khai giảng, tôi mong các thầy giáo, cô giáo cùng các em học sinh trường THPT chuyên ban thị xã Hưng Yên cùng các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh của tỉnh phát huy hơn nữa những thành tích đã đạt được, thi đua dạy tốt, học tốt, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ muôn vàn kính yêu". Sau buổi lễ khai giảng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã trồng cây đa lưu niệm tại trường. Tiếp đó, đồng chí đã đi thăm một số khu di tích lịch sử văn hoá tại thị xã Hưng Yên gồm đền Thiên Hậu và đền Mẫu.

Tại buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã phân tích những thuận lợi, khó khăn của Hưng Yên và đồng chí tỏ ý tin tưởng rằng bằng ý chí tự lực tự cường, bằng sự đoàn kết nhất trí cao độ trong toàn Đảng bộ và nhân dân, Hưng Yên sẽ vượt qua những khó khăn và sớm trở thành một tỉnh công nghiệp.

Ngày 16/11/2003: Đồng chí Trần Đình Hoan ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban tổ chức Trung ương cùng Đại sứ Nhật Bản Noriohattori và phu nhân cùng nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt-Nhật thăm và làm việc tại Hưng Yên. Đoàn đã tới thăm một số di tích lịch sử (quần thể di tích phố Hiến như Văn Miếu, chùa Chuông, đền Mẫu, khu Đông Đô Quảng Hội) và Công ty nhựa Hưng Yên.

Ngày 18/1/2004: Đồng chí Trần Đình Hoan, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng về thăm và chúc tết Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên. Đồng chí đã đến thăm hỏi, tặng quà tết Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Nghĩa, thôn Tỉnh Binh, xã Trung Nghĩa, thị xã Hưng Yên.

Ngày 20/1/2004: Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nông Đức Mạnh thăm và chúc tết Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên. Đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã tới thăm, chúc tết một số gia đình chính sách, trồng cây lưu niệm tại Văn Miếu; thăm các cán bộ, công nhân đang thi công cầu Yên Lệnh.

Ngày 4/2/2004: Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải thăm và làm việc tại huyện Yên Mỹ và Văn Giang. Thủ tướng cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trồng cây lưu niệm tại trụ sở Ủy ban huyện, dành thời gian về thăm thôn Nghĩa Trang (thị trấn Yên Mỹ) - nơi Thủ tướng đã từng sống và công tác; thăm, tặng quà gia đình ông bà Nguyễn Văn Đài. Buổi chiều, Thủ tướng tới thắp hương, thăm nhà tưởng niệm đồng chí Lê Văn Lương, nguyên ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang và trồng cây đa lưu niệm tại nhà tưởng niệm đồng chí  Lê Văn Lương.

Ngày 10- 11/2/2004: Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng về kiểm tra tình hình phòng chống dịch cúm gia cầm tại Hưng Yên. Đồng chí đã tới kiểm tra tình hình phòng chống dịch cúm gia cầm tại xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ và hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của Đảng bộ và nhân dân địa phương đã kịp thời phát hiện xử lý triệt để ổ dịch không cho lan ra diện rộng.

Ngày 15/5/2004: Thủ tướng Phan Văn Khải và các đồng chí lãnh đạo Trung ương về dự Lễ cắt băng khánh thành và thông xe cầu Yên Lệnh của hai tỉnh Hưng Yên và Hà Nam. Tại buổi lễ đồng chí đã phát biểu: "Cầu Yên Lệnh được khánh thành góp phần tạo điều kiện thuận lợi không chỉ cho phát triển kinh tế của đồng bằng sông Hồng mà còn đối với các địa phương cả nước đặc biệt là hai tỉnh Hưng Yên và Hà Nam, giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội… chúng ta hoàn thành cầu Yên Lệnh mở ra một kỷ nguyên mới, một hình thức mới trong việc huy động nguồn nội lực của đất nước. Đây là một cây cầu Trung ương, địa phương, các công ty, doanh nghiệp góp vốn cùng làm. Từ đó mở ra một  khả năng mới cho rất nhiều công trình dự án của đất nước ta có thể được làm theo dạng này… Đó là kết quả của sự vận dụng phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, tạo cho bộ mặt đất nước thay đổi nhanh chóng".

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phố Hiến, thương cảng lớn nhất của Đàng Ngoài(20/04/2005 2:50 CH)

Hưng Yên trước khi thành lập tỉnh (1831 về trước)(29/12/2004 2:49 CH)

Hưng Yên sau khi thành lập tỉnh (1831)(28/12/2004 2:49 CH)

Hưng Yên thời kỳ thực dân Pháp đô hộ (1883-1945)(27/12/2004 2:49 CH)

Chùm hình ảnh về Hưng Yên trong thời kỳ khôi phục kinh tế(26/12/2004 2:50 CH)

°
279 người đang online