Tô Hiệu (1912-1944)

Tô Hiệu
Tô Hiệu người làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang. Cha ông làm nghề dạy học. Ông đi học từ năm lên 6 tuổi, nhà nghèo nhưng học rất chăm chỉ.

Những năm 1925-1926 ông theo học trường Pháp - Việt tại thị xã Hải Dương, tham gia phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh nên bị đánh trượt trong kỳ thi tiểu học.

Năm 1927 Tô Hiệu lên Hà Nội, vừa học vừa kiếm tiền nuôi thân, vừa tham gia hoạt động yêu nước trong phong trào học sinh. Sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1930 ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt, chúng kết án 4 năm tù giam, đày đi Côn Đảo. Ra tù ông bị bọn mật thám xếp vào loại “nguy hiểm”, phải về quê nhà và bị quản thúc.

Trong những năm tháng sống ở quê, không bỏ phí thời gian, ông tìm mọi cách liên lạc với Đảng và lại lao vào hoạt động. Ông còn vận động bà con thôn xóm góp công sức xây dựng trường học cho con em. Năm 1935 ông được điều lên Thái Nguyên để xây dựng cơ sở cách mạng. Sau chuyển về Hà Nội làm ủy viên Ban Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ, phụ trách tuyên huấn, trực tiếp lãnh đạo phong trào ở Hà Nội. Ông viết bài đăng trên các báo công khai để hướng dẫn công tác và cử cán bộ xuống vùng mỏ hoạt động, nhờ đó phong trào đấu tranh của công nhân mỏ lên mạnh.

Mùa thu năm 1938, ông được Trung ương Đảng phân công phụ trách miền duyên hải Bắc kỳ, trực tiếp làm Bí thư Ban cán sự Đảng Hải Phòng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh được đẩy lên mạnh mẽ. Các cuộc đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, đòi cải thiện đời sống của công nhân các nhà máy xi măng, máy điện, máy tơ, máy nước… đạt kết quả. Điển hình là cuộc đấu tranh của 3000 công nhân nhà máy tơ từ ngày 16 đến 22/4/1939 do Tô Hiệu trực tiếp chỉ đạo, bọn chủ đã phải giải quyết toàn bộ yêu sách của công nhân.

Ngày 30/5/1939, Tô Hiệu lãnh đạo cuộc đấu tranh chống thuế đèn, thuế nước. Cảnh sát Pháp đàn áp bắt 72 người, nhờ sự bảo vệ của anh em công nhân, ông trốn thoát. Thời gian này Tô Hiệu bị bệnh lao phổi nặng, sức khoẻ giảm sút. Xứ ủy yêu cầu nghỉ chữa bệnh nhưng ông vẫn thiết tha xin tiếp tục công tác. Ông tổ chức chỉ đạo báo “Chiến đấu” bí mật lưu hành ở Hải Phòng, số đầu tiên ra ngày 7/11/1939 - số đặc biệt kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga. Ông chủ trì hội nghị Trung ương lần thứ 6.

Ngày 1/12/1939, ông bị bắt trên đường đi in tài liệu ở Hải Phòng. Bọn giặc tra tấn rất dã man nhưng ông tỏ rõ khí phách hiên ngang của người cộng sản. Những lúc hồi tỉnh ông lại tiếp tục tuyên truyền động viên anh em trong nhà lao Hải Phòng giữ vững chí khí cách mạng, đấu tranh chống chế độ nhà tù, tổ chức kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2/1940 trong nhà tù đế quốc. Chính quyền thực dân đưa ông ra xét xử ở toà án Kiến An, kết án 5 năm tù.

Năm 1940 ông bị đày lên Sơn La. Tại đây Tô Hiệu được bầu làm Bí thư chi bộ Đảng, ông đã lãnh đạo anh em kiên trì đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù. Ông cùng với mới số đồng chí viết tài liệu, mở lớp chính trị, văn hóa giảng dạy cho bạn tù “biến nhà tù thành trường học” và đào tạo cán bộ cách mạng, tìm cách liên lạc với tổ chức Đảng ở bên ngoài. Tên công sứ Pháp ở tỉnh Sơn La là Cút - xô thẳng tay đàn áp, chế độ nhà tù ngày một hà khắc. Anh em tù tuyệt thực để phản đối, nhiều người bị chúng giam trong hầm tối.

Do cuộc sống khắc nghiệt của nhà tù cùng với sự tra tấn tàn bạo của kẻ địch, sức khỏe Tô Hiệu ngày một giảm sút, nhưng ông vẫn tin tưởng, lạc quan. Năm 1943, nghe tin Hồng quân Liên Xô thắng lớn ở Lêningrát, tuy đang mệt nhưng ông đã nhận định “Liên Xô sẽ thắng, phát xít sẽ thua, chiến tranh sẽ kết thúc, cách mạng Việt Nam sẽ thắng lợi”. Ngày 7/3/1944 Tô Hiệu qua đời tại Sơn La. Mộ ông được an tháng tại nghĩa địa Vườn ổi.

Ngày nay, đến thăm nhà tù Sơn La, giữa bức tường đá nhà ngục lạnh lẽo, cây đào do ông trồng vẫn xanh tươi đầy sức sống. Cành đào được mang về từ Sơn La cứ mỗi lần xuân về tết đến lại nở hoa đỏ thắm ở làng Xuân Cầu quê hương ông. Nhiều đường phố, trường học, nông trường mang tên Tô Hiệu.

Dương Thị Cẩm

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
44 người đang online