NGUYỄN TUYỂN (1872 – 1909)

Nguyễn Tuyển hay Cả Tuyển là con đầu của Nguyễn Thiện Thuật, sinh năm 1872. Khi thực dân Pháp chiếm Bắc Kỳ, ông mới 11 tuổi. Sống trong một gia đình yêu nước, ông tham gia nghĩa quân rất sớm. Khi cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy thoái trào, Nguyễn Thiện Thuật sang Trung Quốc tìm sự liên minh, ông tham gia chiến đấu dưới sự chỉ huy của người chú ruột là Nguyễn Thiện Kế. Khi Nguyễn Thiện Kế bị bắt và đày ra Côn Đảo, nghĩa quân Bãi Sậy tan rã, giặc bao vây khủng bố khắp nơi ông vẫn không nản chí, quyết tâm đánh giặc giữ nước đến cùng. Khi nghĩa quân Yên Thế còn hoạt động mạnh. Ông tìm đường lên Bắc Giang hội nhập với nghĩa quân Yên Thế, thuyết phục Hoàng Hoa Thám sử dụng sĩ phu, trí thức yêu nước, được Hoàng Hoa Thám tin dùng. Do có học vấn khá, lại được rèn luyện trong chiến đấu với ý chí quật cường nên không bao lâu sau, ông trở thành một trong những dũng tướng của nghĩa quân Yên Thế.

Trong một trận đánh, giặc vào Lục Hà, một làng gần dốc Đanh (Yên Thế) tập kết lực lượng để chuẩn bị tấn công Phồn Xương, ông đã dẫn quân tập kích Lục Hà, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá tan kế hoạch tấn công Phồn Xương của giặc, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân sĩ.

Năm 1908, giặc Pháp bao vây, cô lập và liên tục tấn công Yên Thế. Cả Tuyển rút về núi Hàm Lợn (Vĩnh Phúc) thu mộ nghĩa quân để hỗ trợ cho Yên Thế. Giặc phát hiện, tấn công căn cứ Hàm Lợn. Do bị đau mắt nặng, lại bị Bá Ước phản bội chỉ đường cho giặc, nên ông đã bị bắt. Ngày 21/3 năm Kỷ Dậu (1909), giặc giải ông về Bần Yên Nhân xử chém. Bước lên đoạn đầu đài ông vẫn ung dung bình thản, mang khí phách của người quyết chiến đấu đến cùng để giải phóng dân tộc. Hình ảnh ấy làm quân thù khiếp sợ, nhân dân thương xót, sĩ phu kính trọng và được lưu truyền đến nay.

Trước khi mất, ông có thư gửi đồng bào: “Hỡi đồng bào, hỡi đồng bào, đừng thấy tôi chết mà nản lòng”, và có câu tuyệt mệnh:

Dục đãi thử hà thanh, nhất tử, bách ưu thiên hạ tận

An năng điền hải thạch, tái sinh Tam Đảo, Nhị Hà vô.

Tạm dịch:

Mong đợi sông trong một chết trăm lo thiên hạ hết

Khôn lấp biển cạn, sống lại, sông Hồng, núi Tam Đảo cón có không.

Soạn theo gia phả họ Nguyễn do ông Nguyễn Tất ghi

Danh nhân Hưng Yên tháng 12-2006

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
264 người đang online