07/08/2018 | lượt xem: 10 PHẠM SĨ ÁI (1806 - 1840) Phạm Sĩ Ái tự là Đôn Nhân, hiệu Nghĩa Khê, sinh năm Bính Dần (1806) tại xã Trung Chí, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương(sau đổi là xã Trung Lập, huyện Mỹ Hào), nay là xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Phạm Sĩ Ái là cháu 4 đời cụ Tiến sĩ khoa Quý Dậu (1743) Phạm Sĩ Thuyên. Thân sinh Sĩ Ái là cụ Sĩ Từ, danh y nổi tiếng một thời. Phạm Sĩ Ái sau khi học xong hương học, được cho lên Thăng Long thụ giáo với các thày nổi tiếng, trong đó có cụ Phạm Quý Thích và kết bạn với nhiều người, sau thành danh sĩ Bắc Hà như Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Lý. Năm 1828, Phạm Sĩ Ái đỗ cử nhân, năm 1832 khoa Nhâm Thìn ông đỗ Hoàng Giáp. Tiếp đó ông được bổ làm Tu soạn ở Hàn lâm viện, rồi Tri phủ Cam Lộ (Quảng Trị). Năm 1838, làm Án sát tỉnh Hà Tĩnh, năm sau làm Lang trung bộ Binh. Năm 1840, ông được cử làm Chánh chủ khảo trường thi Hương ở Gia Định nhưng rất tiếc, đang làm nhiệm vụ thì ông bị bệnh nặng và qua đời tại trường thi. Tin đưa về triều đình, vua Minh Mệnh cho lệnh đưa thi hài ông về quê an táng, cấp tiền cho xây lăng, xây miếu thờ, lại sắc phong cho làm thành hoàng làng Nghĩa Lộ (cũng thuộc xã Trung Lập ngày ấy). Sau đó, triều đình còn cấp ruộng cho làng này để hàng năm vào ngày giỗ (mùng 9 tháng 7 âm lịch) làm lễ tế ông tại đình. Các nho sĩ trong hàng huyện cũng cho lập bài vị thờ ông ở Văn chỉ huyện Mỹ Hào. Như vậy, Phạm Sĩ Ái là một sĩ phu được nhân dân ngưỡng mộ và triều đình trọng vọng. Quan mới làm đến chức Lang trung mà vua lại rất trọng, đối xử như các danh tướng, danh thần. Theo các tài liệu còn lại thì Phạm Sĩ Ái là một bậc văn chương xuất chúng. Khoa thi Hội năm 1832, trên 300 cử nhân của cả nước về Huế dự thi, chỉ có khoảng năm chục người được vào thi Đình và kết quả có tám người đỗ: hai Hoàng giáp và sáu Tiến sĩ. Như vậy Phạm Sĩ Ái là một trong hai người đỗ đầu khoa. Tuy cuộc đời làm quan có tám, chín năm mà vua Minh Mệnh đã phải khen: “Văn chương Phạm Sĩ Ái, chính sự Hà Tông Quyền” (Hà Tông Quyền quê ở Cát Lộng, Thanh Oai, nay thuộc Hà Tây làm quan ở Nội các, giỏi về chính trị). Tuy thọ 36 tuổi, việc quan bận rộn, nhưng ông cũng đã để lại nhiều sáng tác thơ văn. Hiện ở Viện nghiên cứu Hán Nôm còn có hai tập thơ của ông: Đường Trung Phạm Đôn Nhân nguyên thảo với 162 bài và Nghĩa Khê thi tập với 170 bài. Ngoài ra cũng ở Viện trên còn ba tác phẩm có phần đóng góp của ông: Chí Hiên thi thảo là tập thơ của Nguyễn Văn Lý do Phạm Sĩ Ái phẩm bình, Liễu Đường biểu thảo gồm một số bài sớ, tấu, biểu của các ông Hà Tông Quyền, Phạm Sĩ Ái, Nguyễn Tư Giản và Tại Kinh lưu thảo là tập hợp một số bài văn của các quan chức ở kinh đô trong đó có Phạm Sĩ Ái. Thơ ông lời đẹp, tứ sâu. Đường làm quan của ông nói chung là hanh thông nhưng ông rất hiểu chốn quan trường, nhất là thời đại ông đang sống là lúc mà vua Minh Mệnh rất khắc nghiệt với người tài. Có thể nêu vài ví dụ: Hà Tông Quyền, Nguyễn Công Trứ, Phan Huy Thực, đều là đại thần tài năng, chính Minh Mệnh đã nhiều lần khen ngợi họ, thế mà chỉ một vài sơ xuất nhỏ là bị cách chức, bắt làm lính hoặc đi theo hầu các sứ bộ ra các nước ngoài phía biển Nam (ngày ấy đi các nước ngoài biển là rất nguy hiểm, dễ chết). Cho nên Phạm Sĩ Ái thân làm quan tại triều nhưng tấm lòng thì nhiều trăn trở. Như trong một bài thơ nhan đề Trung dạ thuật hoài (tâm sự nửa đêm) gửi tặng bạn thân là Nguyễn Văn Lý, người Hà Nội cũng là Tiến sĩ, từng làm Đốc học, tâm sự thật ai hoài: Nhất liêm tà nguyệt ngũ canh phong Tâm sự du du bất khả cùng Nhập thế kỷ ưng yên thiệu liệt Tại quan vị cảm thuyết ai thông Kỷ hành phát biến sầu trung bạch Vô sở hoa khai phận ngoại hồng Khả thị đồng niên đồng bệnh khách Tri tâm ứng dữ thử tâm đồng Tạm dịch: Một mảnh trăng tà bên rèm và gió suốt năm canh Tâm sự rối bời khôn cùng Nhập thế phải chăng là vẻ vang Giữ chức quan không dám nói đến sự buồn thương Đôi phen do sầu muộn mà tóc bạc cả rồi Không hay biết hoa nở phô vẻ hồng Khá là người bạn cùng tuổi, cùng mang bệnh Hiểu tấm lòng ta và cũng một tấc lòng như ta Phạm Sĩ Ái là bạn của Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, ông có mối cảm thông với Cao Bá Quát. Trong tập Đường trung có tới hơn chục bài viết cho danh sĩ họ Cao: Cao Mẫn Hiên du Tây Hồ, Văn Cao Mẫn Hiên bất đắc nhập trường chi tín, Tống Phú Thị Cao cử nhân, Hòa tiễn Cao Mẫn Hiên, Dữ Cao Chu Thần dạ tịch mạn thành, Ức Cao Mẫn Hiên (Chu Thần, Mẫn Hiên là tên hiệu của Cao Bá Quát). Dưới đây trích dịch mấy câu đầu bài Ức Cao Mẫn Hiên (Nhớ Cao Mẫn Hiên): Nhớ ai da diết không quên Lòng ta nhớ bác Mẫn Hiên Bắc Hà Kinh người khi chọn bút sa Tưởng như sóng dậy đổ ra muôn trùng Hải hồ khí phách hào hùng Ôm tài lỗi lạc đầy lòng thanh cao Lê Hoàng - Danh nhân Hưng Yên tháng 12-2006