NGUYỄN VĂN SAN (1808 - 1883)

Nguyễn Văn San tên húy là Đăng, tự là Hải Châu, hiệu Văn Sơn, biệt hiệu Văn Đa Cư Sĩ, quê làng Đa Ngưu, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang. Ông sinh trưởng trong một dòng họ có nền nếp thi thư: Thân phụ là Thanh Nhã làm quan Cai án (Án sát) tước Bá, hàm ngũ phẩm và thân mẫu cũng sinh trưởng trong một gia đình thi thư truyền thống đã chăm lo đến việc học của ông. Ông được theo học do ông ngoại và bác (anh của mẹ) là Vũ Tố Hiên (cử nhân) triều Lê trực tiếp dạy bảo.

Từ nhỏ đã thông minh đĩnh ngộ, ham học hỏi lại được sự chăm chút của gia đình nên Nguyễn Văn San đã nổi danh khắp vùng, được bạn bè rất quý trọng. Tuy nhiên con đường khoa cử của ông lại lận đận. Ông đỗ tú tài 6 khoa, hai khoa thi cuối, ông cùng thi với con trai cả là Bắc Mỹ và hai cha con cùng đỗ Tú tài (bố đỗ 6 khoa nên gọi là cụ Cựu, con đỗ hai khoa nên gọi là ông Kép).

Sau khi thi đỗ, ông không ra làm quan, lui về quê dạy học và viết sách. Ông tích cực tham gia các học hội như Thành Chương hội, Quế Giang hội… Bằng tài năng và đức độ, ông được cử làm Hội trưởng Hội Thành Chương. Hội Thành Chương được đông đảo các nhà khoa bảng tham gia, số hội viên tới 170 người, trong đó có 2 Hoàng giáp, 1 Tiến sĩ, 4 Phó bảng, 5 Giải nguyên, 23 Cử nhân, hơn 70 Tú tài.

Ông còn làm Hội trưởng Hội Như Lan ở vùng Phương Đình, Vân Đình.

Cả cuộc đời ông quyết tâm đi vào con đường học vấn. Sau khi làm tròn đạo hiếu với song thân, ông bán hết gia sản đưa các em và con ra Hà Nội vừa dạy học vừ kiếm sống.

Nguyễn Văn San có nhiều trước tác. Song đáng tiếc là nhà chứa sách Văn Sơn Đường để trong nhà thờ họ Nguyễn Xương ở làng Đa Ngưu đã bị ngọn lửa chiến tranh thiêu hủy hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Những gì còn lại chỉ là một dòng ghi trong gia phả “…Sở trứ Thế truyền bảo huấn khắc bản công truyền, hựu trứ Cách ngôn thư, Quốc ngữ thư, Quá đình huấn…” (Đã trước tác Thế truyền bảo huấn, khắc in phổ biến rộng lại trước tác Cách ngôn thư, Quốc ngữ thư, Quá đình huấn)… Tuy nhiên, cho tới giờ mới chỉ sao chụp được cuốn Đại Nam quốc ngữ (ký hiệu AB 106 Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm).

Theo sách Tìm hiểu kho sách Hán Nôm thì còn 3 cuốn nữa được xác định là:

- Quan Châm Tiệp Lục A. 217

- Độc Thư cách ngôn A. 219

- Quốc Văn tùng ký

Sách Đại Nam quốc ngữ đã được cuốn Tìm hiểu kho sách Hán Nôm đặt vào mục ngôn ngữ, coi là một cuốn từ điển Hán Nôm. Với 50 lĩnh vực được đề cập tới, từ khoa học tự nhiên như “bách quả”, “bách thảo”, “lân trùng”, “vũ trùng”…, tới khoa học xã hội nhân văn như “hôn nhân”, “tang tế”, “tục ngữ”, “nhân phẩm”… có thể nói, Đại Nam quốc ngữ là một cuốn sách quan trọng, nó bao trùm một kiến thức bách khoa đề cập nhiều tới các vấn đề thuộc về khoa học tự nhiên là một lĩnh vực mà rất ít học giả nho học đề cập tới. Đại Nam quốc ngữ đã đánh dấu một bước chuyển mới trong nhận thức học thuật của sĩ phu nước ta ở thế kỷ XIX và tác giả Nguyễn Văn San là một nhà văn rất đáng trọng.

Tài liệu tham khảo:

- Gia phả họ Nguyễn ở Đa Ngưu.

- Tìm hiểu kho sách Hán Nôm của Trần Văn Giáp.

Nguyễn Mộng Hưng - Danh nhân Hưng Yên tháng 12-2006

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
23 người đang online