06/08/2018 | lượt xem: 8 NGUYỄN GIA CÁT (1760 – 1816) Nguyễn Gia Cát còn gọi là Gia Kiết, hiệu Địch Hiên người xã Hoa Cầu, huyện Văn Giang (nay là thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang), sinh năm 1760 (có sách ghi ông sinh năm 1762). Thuở nhỏ rất thông minh lanh lợi, nhưng có tính hay đùa nghịch. Một lần, có ông nghè làng bên cạnh về vinh quy, đường phải qua làng ông. Ông đang chơi bèn lấy gạch viết ra đường một chữ Môn rất to. Ông nghè thấy thế hỏi, ông trả lời: “Cổng to thì voi ngựa võng lọng mới qua được. Quan nghè không nhớ chữ “đồng khai trùng môn” của Tống Thái Tổ sao ?”. Quan nghè hơi ngượng, nhưng bảo ngay: - Em này giỏi thật, ta ra vế đối, đối được sẽ thưởng. Liền ra: Ngói đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới (ý nói nghè vừa là cái nhà vừa là tiến sĩ) Không nghĩ ngợi, ông đối luôn: Đá xanh xây cống, hòn dưới nống hòn trên. (ý nói cống vừa là cái cống vừa là hương cống (cử nhân) học vị dưới tiến sĩ) KIM BẢNG LƯU PHƯƠNG VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ Quan nghè phải chịu là hay, thưởng cho ông một quan tiền. Năm 26 tuổi, ông thi đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi, niên hiệu Chiêu Thống 1 (1787) đời Lê Mẫn Đế. Tháng 12 năm 1787, Tây Sơn ra Bắc, ông về làng ở ẩn, dạy học không ra làm quan. Năm 1802, Gia Long lên ngôi, ra Bắc. Ông không đến yết kiến, vua định bắt tội. Ông bảo với các bạn rằng: Có một ông Gia Cát mà lại bị tội, thì lấy ai làm quân sư. Câu nói đến tai Gia Long, ông được mời ra làm quan. Năm 1803, ông cùng Lê Quang Định và Lê Chính Lộ đi sứ nhà Thanh. Khi vào chầu vua Thanh, ông bị hỏi vặn: “Vua nước Nam đặt niên hiệu Gia Long, có phải nhặt lấy trong hai niên hiệu của thiên triều là Gia Khánh và Càn Long không?”. Ông đáp: “Nước chúng tôi từ Trần, Lê về trước, Nam Bắc chia đôi nhau mà tự quyết lấy được. Nay vua tôi dấy lên từ Gia Định, thành công ở Thăng Long, nên đặt hiệu là Gia Long”. Vua Thanh rất mực khâm phục. Khi về, ông được thăng chức Tả tham tri bộ Lễ, tước Quỳ Giang hầu. Ông có tiếng về thơ văn, thường cùng nhóm “Gia Định tam gia” (Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh, Trịnh Hoài Đức) gia du thân thiết. Sau ông bị dính dáng về việc khai gian thần tích cho Hoàng Ngũ Phúc nên bị bãi chức, giam vào ngục mất 4 năm. Sau khi được tha, ông về làng mở trường dạy học và mất năm 1816. Tác phẩm của ông có: - Hoa trình thi tập - Bi nhu quân phương trích lục. Tài liệu tham khảo: - Trạng nghè cống.- Hà Bắc: Sở Văn hóa – Thông tin, 1984. - Từ điển các nhân vật lịch sử Việt Nam.-H: KHXH, 1993. - Các nhà khoa bảng Việt Nam.-H: KHXH, 1993. Phạm Như Tiên - Danh nhân Hưng Yên tháng 12-2006