07/08/2018 | lượt xem: 12 NGÔ QUANG HUY (1835- 1889) Ngô Quang Huy sinh năm 1835 ở làng An Lạc, tổng Thái Lạc (nay thuộc xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm) trong một gia đình khoa bảng, có nhiều người đỗ đạt cao, làm quan to trong triều. Ông là người thông minh, năm 17 tuổi đậu cử nhân khoa thi Hương năm Nhâm Tý (1852) tại trường thi Hà Nội, làm quan tới chức Đốc học. Năm 1882, Henri Rivère ra đánh Bắc Kỳ. Cuối năm 1883 triều đình ký hiệp ước với Pháp (Hiệp ước Harmand) tiếp tục nhượng bộ thực dân Pháp. Tự Đức đã ra lệnh bãi binh ở Bắc Kỳ và đòi các quan về kinh đợi chỉ. Ông cùng với em là Ngô Quang Chước, chiêu mộ nghĩa sĩ đến hiệp sức cùng Nguyễn Thiện Thuật. Ngày 12/11/1883, nghĩa quân tấn công tỉnh lỵ Hải Dương, nhưng lực lượng còn non yếu nên phải lui quân. Khi Nguyễn Thiện Thuật sang Trung Quốc, ông lui về quê chờ thời. Năm 1885, ông cùng với Nguyễn Cao, Tạ Hiện xây lực lượng nghĩa quân ba tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh thành “Đại nghĩa đoàn” còn được gọi là “Tam tỉnh nghĩa quân” song việc không thành. Tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương. Nguyễn Thiện Thuật trở về nước được sắc phong “Bắc kỳ hiệp thống quân vụ đại thần gia chấn trung tướng quân”. Ngô Quang Huy lại cùng với cử nhân Nguyễn Hữu Đức giúp Nguyễn Thiện Thuật tiếp thu lực lượng còn lại của nghĩa quân Đổng Quế phát triển cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy lên một quy mô cao hơn. Ông coi công tác tuyên truyền trong nhân dân chống Pháp là vô cùng cần thiết nên đã tập trung một số nho sinh đi tới các làng, họp tổng lý, họp nhân dân tố cáo tội ác của giặc Pháp và tội bán nước của vua quan triều Nguyễn, kêu gọi mọi người ra nhập nghĩa quân Bãi Sậy, ủng hộ nghĩa quân đánh Pháp. Ông lại cùng cử nhân Nguyễn Hữu Đức thảo ra các bản tuyên cáo kêu gọi nhân dân đứng lên chống Pháp, rào làng chiến đấu, kêu gọi binh sĩ ngụy trở về với Tổ quốc. Ngô Quang Huy được vua Hàm Nghi phong cho Tán lý quân vụ, được Nguyễn Thiện Thuật giao cho phụ trách mặt bắc tỉnh Hưng Yên, bắc Hải Dương và nam Bắc Ninh, nên nghĩa quân và nhân dân gọi ông là “ông Tán Bắc” và coi ông là thủ lĩnh thứ hai của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Ngô Quang Huy chẳng những là tướng lĩnh xuất sắc trong phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy mà còn là một trong số người lãnh đạo phong trào Cần Vương ở Bắc Kỳ. Năm 1887, khi giặc Pháp xử chém Nguyễn Cao tại Vườn Dừa (phía bắc Hồ Gươm) vào ngày 14/4/1887, Ngô Quang Huy đã có bài văn tế Nguyễn Cao vô cùng xúc động. Ngày 12/11/1888, Ngô Quang Huy đã hội quân với chủ tướng Nguyễn Thiện Thuật đánh trận Liêu Trung giết chết tên bang tá Nguyễn Hữu Hào, tên Louis Ney còn gọi là “Tây cấp rậm” chỉ huy đồn Mỹ Hào, suýt bắt được Hoàng Cao Khải, tên này phải chạy vào chùa Liêu Trung cải trang làm anh đánh dậm mới chốn thoát. Tháng 3 năm 1889, nghĩa quân đánh phá vùng nam Bắc Ninh, bắc Hải Dương, bắc Hưng Yên, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Sơn Tây. Nghĩa quân đánh thắng nhiều trận lớn ở Mễ Đậu (Văn Lâm), Đại Đồng, Quế Võ, Từ Sơn (Bắc Ninh), Kim Anh, Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Pháp huy động lực lượng đem quân vây ráp, nghĩa quân bị thiệt hại nặng. Ông cùng Ngô Quang Chước và một số người nữa chạy lên phủ Lạng Thương. Ông mất ngày 1 tháng 4 năm 1889 (âm lịch). Tài liệu tham khảo: - Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy- Thư viện Hải Hưng. - Lịch sử 80 năm chống Pháp- Trần Duy Liệu. - Những ông nghè, ông cống triều Nguyễn. Vũ Thanh Sơn - Danh nhân Hưng Yên tháng 12-2006