Lê Văn Lương (1912-1995)

Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28 tháng 3 năm 1912 trong một gia đình nho giáo tại xã Nghĩa Trụ huyện Văn Giang. Ông là em ruột nhà văn Nguyễn Công Hoan.

Ông sớm giác ngộ cách mạng, năm 1927 tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Tháng 6/1929 gia nhập nhóm Cộng sản Đông Dương. Tháng 1 năm 1930 vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 3/1931 ông bị thực dân Pháp bắt giam ở khám lớn Sài Gòn rồi bị chúng kết án tử hình. Sau do phong trào đấu tranh của các lực lượng tiến bộ buộc thực dân Pháp giảm xuống án chung thân, đày đi Côn Đảo. Trong tù, ông tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ nhà tù, cùng các đảng viên trung kiên lãnh đạo đấu tranh chống lại chế độ nhà tù hà khắc của thực dân Pháp, biến nhà tù thành trường học của những người cách mạng.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được đón về Nam Bộ. Tháng 10/1945 được cử làm ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam Bộ. Tháng 1/1946 Lê Văn Lương ra Bắc giúp Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo báo Sự Thật và Nhà xuất bản Sự Thật. Sau ngày toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946) ông được cử làm Bí thư Văn phòng Thường vụ Trung ương, Trưởng ban tổ chức Trung ương, Bí thư Trung ương Đảng.

Hòa bình lập lại, ông làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ năm 1956 đến năm 1986 ông liên tục giữ các chức: Bí thư khu Tả ngạn, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Đại biểu đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ II, III, IV, V ông đều được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, là ủy viên Bộ Chính trị các khóa II, IV và Ban Bí thư khóa III. Ông còn là đại biểu Quốc hội khóa VI và VII.

Năm 1986 do tuổi cao, sức yếu Bộ Chính trị phân công ông tham gia tổng kết công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ.

Gần 70 năm liên tục hoạt động cách mạng, ông đã có nhiều công lao to lớn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương cao quý khác.

Ông mất ngày 25/4/1995, hưởng thọ 83 tuổi.

Dương Thị Cẩm

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
170 người đang online