Hưng Yên thời kỳ tái lập tỉnh từ 1997-2003

Ngày 1/1/1997: Tỉnh Hưng Yên được tái lập sau 28 năm hợp nhất với Hải Dương (từ tháng 1 năm 1968 đến tháng 1/1997).

Đón đoàn cán bộ tỉnh từ Hải Dương
ngày tái lập tỉnh, 1-1-1997
Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX về việc phân chia lại địa giới hành chính tỉnh, tỉnh Hải Hưng được chia thành hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên. Từ ngày 1/1/1997, tỉnh Hưng Yên chính thức làm việc theo đơn vị hành chính mới. Sau khi tái lập, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Hưng Yên có 36 ủy viên, trong đó có 9 ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Theo sự chỉ định của Trung ương, đồng chí Đặng Văn Cảo làm Bí thư Tỉnh ủy.

Ngày 2/1/1997: Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 01/TTG thành lập Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh Hưng Yên gồm 7 đồng chí. Trong đó, đồng chí Phạm Đình Phú làm Chủ tịch; các đồng chí Nguyễn Thước, Bùi Quang Huy, Lê Thị Kim Dung làm Phó Chủ tịch, các đồng chí ủy viên là Phạm Văn Thụy, Nguyễn Văn Cường, Đào Văn Son.

Ngày 15/1/1997: Thành lập Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Thùy, Đại tá làm Chỉ huy trưởng.

Mít tinh ngày tái lập tỉnh (1-1-1997)
Ngày 20-21/1/1997: Hội nghị Tỉnh ủy lâm thời lần thứ nhất họp tại Hội trường Ủy ban nhân dân tỉnh. Hội nghị đã thảo luận quyết định kế hoạch kinh tế-xã hội năm 1997 và quy chế làm việc của Tỉnh ủy. Mục tiêu chủ yếu trong năm 1997 là: Tổng sản phẩm GDP tăng hơn 10% so với năm 1996, giá trị sản lượng công nghiệp tăng 18%, giá trị sản lượng nông nghiệp tăng 6%, kinh tế dịch vụ tăng 15%, kim ngạch xuất khẩu đạt 85 tỷ đồng, phấn đấu giảm tỷ lệ sinh 0,6 phần nghìn, tỷ lệ phát triển dân số 1,1%. Chăm lo giáo dục toàn diện và nâng cao sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, không để dịch bệnh xảy ra. Tạo môi trường thuận lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài, giải quyết thêm 2 vạn lao động có việc làm mới và thường xuyên.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV
Từ ngày 24-25/1/1997: Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XII họp kỳ họp thứ nhất thông qua mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 1997 và kế hoạch các năm 1997-2000, đồng thời kiện toàn bộ máy chính quyền cấp tỉnh. Đồng chí Trần Đăng Ninh được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng chí Phạm Đình Phú giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Cuối tháng 1/1997: Trường Cao đẳng sư phạm kỹ thuật I tổ chức đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập trường do Chính phủ tặng.

Ngày 24/2/1997: Chính phủ ra Nghị định số 17-NĐ/CP chia huyện Phù Tiên, thành lập một số phường, thị trấn thuộc thị xã Hưng Yên và huyện Mỹ Văn.

Chia huyện Phù Tiên thành 2 huyện Phù Cừ và Tiên Lữ:

  • Huyện Phù Cừ có 9.127 ha diện tích tự nhiên và 86.197 nhân khẩu gồm 14 đơn vị hành chính trực thuộc là các xã: Nguyên Hòa, Tống Trân, Tam Đa, Minh Tiến, Tiên Tiến, Nhật Quang, Đình Cao, Tống Phan, Quang Hưng, Trần Cao, Minh Tân, Phan Sào Nam, Minh Hoàng và Đoàn Đào.
  • Huyện Tiên Lữ có 11.304 ha diện tích tự nhiên và 132.555 nhân khẩu gồm 22 đơn vị hành chính trực thuộc là các xã: Lệ Xá, Minh Phượng, Cương Chính, Trung Dũng, Thuỵ Lôi, Đức Thắng, Hải Triều, An Viên, Dị Chế, Ngô Quyền, Hưng Đạo, Nhật Tân, Trung Nghĩa, Liên Phương, Thủ Sĩ, Thiện Phiến, Phương Chiểu, Tân Hưng, Hồng Nam, Quảng Châu, Hoàng Hanh, và thị trấn Vương.

Thành lập các phường thuộc thị xã Hưng Yên:

  • Thành lập phường Quang Trung trên cơ sở 48,28ha diện tích tự nhiên và 7.959 nhân khẩu của phường Lê Lợi.
  • Phường Lê Lợi sau khi điều chỉnh địa giới hành chính còn lại 40,82 ha diện tích tự nhiên và dân số là 5.006 nhân khẩu.
  • Thành lập phường Hiến Nam trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số  của xã Hiến Nam. Phường Hiến Nam có diện tích tự nhiên là 721,5 ha và dân số là 12.486 nhân khẩu.
  • Thành lập phường Hồng Châu trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số xã Hồng Châu. Phường Hồng Châu có 383,6 ha diện tích tự nhiên và và dân số là 5.200 nhân khẩu.
  • Thành lập phường Lam Sơn trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Lam Sơn. Phường Lam Sơn có 752,9 ha diện tích tự nhiên và dân số là 6.515 nhân khẩu.
  • Thành lập thị trấn Như Quỳnh thuộc huyện Mỹ Văn trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số xã Như Quỳnh. Thị trấn Như Quỳnh có 650 ha diện tích tự nhiên và dân số là 10.852 nhân khẩu.

Đưa Nghị quyết Đảng vào cuộc sống
Ngày 1/4/1997: Chính phủ đã có văn bản số 03 -VB/KCN do Phó Thủ tướng Trần Đức Lương ký đồng ý bổ sung khu công nghiệp Phố Nối vào danh mục các khu công nghiệp. Khu công nghiệp Phố Nối dự tính được hình thành trên diện tích rộng 200 ha, bước đầu sẽ xây dựng khoảng 100 ha.

Ngày 11/4/1997: Đại hội Hội phụ nữ tỉnh Hưng Yên lần thứ XI. Về dự Đại hội có 114 đại biểu, đại diện cho gần 250 ngàn hội viên  trong tỉnh. Đại hội đã đánh giá tình hình công tác, đề ra phương hướng cho nhiệm kỳ mới. Đại hội bầu đồng chí Doãn Thị Thanh Hoa làm Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Hưng Yên.

Ngày 2/5/1997: Thực hiện Nghị quyết số 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 5/3/1997, hai huyện Phù Cừ và Tiên Lữ hoạt động theo đơn vị hành chính mới. Đồng chí Nguyễn Văn Phụng giữ chức Bí thư lâm thời  huyện Phù Cừ, đồng chí Nguyễn Quang Bạ giữ chức Bí thư lâm thời huyện Tiên Lữ.

Đầu tháng 5/1997: Khởi công xây dựng tuyến đường nối quốc lộ 39 với phà Yên Lệnh. Tuyến đường dài 2.338 m, nền đường rộng 34m kể cả hè mỗi bên 5 m.

Ngày 6/6/1997: Thông xe bến phà Yên Lệnh. Phà Yên Lệnh nối hai tỉnh Hưng Yên và Hà Nam được khởi công xây dựng từ tháng 6/1994 đến tháng 6/1997 đã hoàn thành. Bến chính về phía tỉnh Hưng Yên dài 35m rộng 14m, kết cấu bằng bê tông cốt thép, độ cao đỉnh bến 3,8m, độ cao mút bến 0,5m. Bến chính phía tỉnh Hà Nam dài 53m, rộng 14m. Tổng số vốn đầu tư là 9 tỷ 450 triệu đồng.

Nông nghiệp liên tục được mùa
Ngày 20/7/1997: Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X. Cử tri toàn tỉnh đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa X và bầu bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, số cử tri đi bầu 639.584 người, đạt 99,06%. 6 đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên được bầu là các ông, bà: Đặng Văn Cảo, Nguyễn Văn Yểu, Trần Đình Hoan, Hoàng Thiện Cát, Nguyễn Chí Mát, Đỗ Thị Hoan và bầu bổ sung 20 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII.

Ngày 24/9/1997: Chính phủ ra Nghị định số 102-NĐ/CP thành lập thị trấn Khoái Châu trên cơ sở toàn bộ diện tích, dân số xã Kim Ngưu và 10,13 ha diện tích đất tự nhiên của xã An Vĩ. Như vậy, thị trấn Khoái Châu có 412,92 ha diện tích đất tự nhiên và dân số là 9.662 nhân khẩu.

Ngày 7/10/1997: Đại hội Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Hưng Yên lần thứ XI được tổ chức. Về dự Đại hội có 131 đại biểu thay mặt cho 38 vạn đoàn viên thanh niên trong toàn tỉnh. Đại hội bầu Ban chấp hành gồm 27 đồng chí. Đồng chí Đặng Minh Ngọc được bầu làm Bí thư. Đại hội cũng bầu đoàn đại biểu gồm 12 đồng chí đi dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VII.

Ngày 11/11/1997: Khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIV. Đại hội tiến hành từ ngày 10 đến ngày12 tháng 11. Về dự Đại hội có 250 đại biểu đại diện cho hơn 45.000 đảng viên trong toàn tỉnh. Đại hội đã đánh giá kết quả lãnh đạo của Đảng bộ qua 1 năm và xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2000 và các giải pháp lớn nhằm phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 14%, trong đó nông nghiệp tăng 6%, công nghiệp xây dựng tăng trên 20%, dịch vụ tăng trên 18%, cơ cấu kinh tế theo tỷ lệ nông nghiệp 40%, công nghiệp - xây dựng 28%, dịch vụ 32%.

Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 350 USD năm 2000. Tỷ lệ phát triển dân số dưới 1,2%; tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%; có 30% số làng được công nhận là làng văn hóa; trên 70% số xã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở; 50% trạm xá xã có bác sĩ. Khắc phục đáng kể tình trạng thiếu việc làm. Tổng kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 25 triệu USD/năm. Đại hội bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV gồm 41 đồng chí. Đồng chí Đặng Văn Cảo được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí Phạm Chung Đỉnh, Trần Đăng Ninh được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Ngày 18/12/1997: Khởi công trùng tu quần thể di tích Phố Hiến. Dự  án được tiến hành trong 3 năm. Năm 1997 trùng tu Văn Miếu Xích Đằng và Chùa Chuông, tổng kinh phí cho đợt đầu là 1,4 tỷ đồng.

Ngày 20/1/1998: Khai mạc kỳ họp thứ 3 Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XII tại Nhà Thành. Kỳ họp tiến hành trong 3 ngày 20-23/1/1998, đã thông qua 3 Nghị quyết quan trọng:

  • Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 1998: Tổng sản phẩm trong tỉnh GDP tăng 14-15% so với năm 1997; Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 5-6%; Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng trên 25%, trong đó công nghiệp địa phương tăng 18%; Giá trị kinh tế dịch vụ tăng 18%; Thu nhập bình quân đầu người đạt 235 USD/người/năm; Tổng thu ngân sách trên địa bàn 82,05 tỷ đồng, phấn đấu thực hiện 90 tỷ, tăng 5% so với năm 1997; Tỷ lệ sinh giảm 0,07%.
  • Dự toán và phân bổ ngân sách năm 1998: Tổng thu ngân sách địa phương 90 tỷ, tổng chi ngân sách địa phương 265,670 tỷ đồng.
  • Thông qua tiêu chuẩn xây dựng làng văn hóa.

Ngày 22/5/1998: Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Hưng Yên lần thứ XIV tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh với  200 đại biểu. Đồng chí Nguyễn Văn Tư, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã về dự. Đại hội đã báo cáo công tác năm 1997 và phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ sau. Đại hội cũng đã bầu Ban chấp hành Liên đoàn lao động tỉnh khóa XIV gồm 31 đồng chí. Đồng chí Lưu Văn Thu được bầu làm Chủ tịch.

Ngày 3-4/6/1998: Đại hội Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hưng Yên lần thứ XI tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh. Về dự Đại hội có 197 đại biểu, Đại hội đề ra chương trình đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư" và cử Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh khóa XI gồm 45 người. Ông Hoàng Thiện Cát được cử là Chủ tịch.

Ngày 23/9/1998: Khai mạc Đại hội đại biểu Hội nông dân tỉnh Hưng Yên lần thứ V tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh. Đại hội tiến hành từ ngày 22 đến ngày 24/9/1998. Về dự Đại hội có 155 đại biểu đại diện cho hơn 21 vạn hội viên trong toàn tỉnh. Đại hội đón nhận Huân chương lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước tặng cho Hội nông dân tỉnh và Huân chương lao động hạng Ba cho bà Nguyễn Thị Lâm là Chủ tịch Hội nông dân tỉnh. Đại hội bầu Ban chấp hành hội gồm 23 đồng chí. Đồng chí Đoàn Khắc Bản được bầu làm Chủ tịch Hội nông dân.

Ngày 14-16/11/1998: Hội thao Quốc phòng toàn tỉnh lần thứ nhất. Tham dự có 208 vận động viên thuộc các lực lượng vũ trang của 7 huyện thị và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh.

Ngày 16/11/1998: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức đón nhận Huân chương lao động hạng Ba và kỷ niệm 68 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930-18/11/1998).

Ngày 8/1/1999 khai mạc Đại hội Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Hưng Yên lần thứ nhất tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh. Đại hội tiến hành từ ngày 7 đến ngày 8/1/1998. Đại hội đã cử 27 người vào Ban chấp hành nhiệm kỳ 1999-2000. Đồng chí Đặng Minh Ngọc được bầu làm Chủ tịch Hội.

Ngày 18-20/1/1999: Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 6 đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 1998 và nghe đồng chí Trần Đình Hoan thông tin một số vấn đề cấp bách đẩy mạnh phát triển nông nghiệp nông thôn.

Ngày 4/2/1999: Khai mạc kỳ họp thứ 5 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII. Kỳ họp được tiến hành từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 2. Các đại biểu đã nghe báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội năm 1998 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 1999; thực hiện thu chi ngân sách, kết quả xây dựng cơ bản năm 1998; dự kiến phân bổ ngân sách năm 1999; thông qua tờ trình thành lập thị trấn Văn Giang; đặt tên 5 đường phố của thị xã Hưng Yên.

  • Kết quả đạt được năm 1998: Tốc độ tăng trưởng  kinh tế GDP tăng so với năm 1997. Nông nghiệp tăng 4,15%, công nghiệp tăng 31,02%, dịch vụ tăng 10,20%; thu ngân sách đạt 108 tỷ 365 triệu đồng (kế hoạch là 90 tỷ); kim ngạch xuất khẩu 22,3 triệu USD (kế hoạch là 22 triệu); bình quân GDP đạt 2,802 triệu, tăng 18,69% so với năm 1997; cơ cấu kinh tế (nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ): 50,1% - 23,2% - 26,7%; tỷ lệ sinh giảm 0,079%.
  • Mục tiêu năm 1999: Tốc độ tăng trưởng  kinh tế GDP tăng 10% so với năm 1998; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 4,5- 5%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 20%; giá trị kinh doanh dịch vụ tăng 15%; kim ngạch xuất khẩu 25 triệu USD; tổng thu ngân sách trên địa bàn phấn đấu vượt trên 10% kế hoạch Trung ương giao (77,51 tỷ); tỷ lệ sinh giảm 0,07%.

Ngày 1/4/1999: Tổng điều tra dân số và nhà ở. Toàn tỉnh Hưng Yên có 1.068.000 người trong đó nam giới có hơn 516 nghìn, nữ giới có 552 nghìn. Toàn tỉnh có 20 cụ từ 100 tuổi trở lên.

Ngày 14/5/1999: Chính phủ ra Nghị định số 35/1999- NĐ/CP về việc thành lập thị trấn Văn Giang huyện Châu Giang trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Văn Phúc. Thị trấn Văn Giang có 677,91 ha diện tích tự nhiên và 8.590 nhân khẩu.

Ngày 1/7/1999: Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định số 1127/1999/QĐ-UB đặt tên cho 45 đường phố của thị xã Hưng Yên.

Ngày 24/7/1999: Chính phủ ra Nghị định số 60- NĐ/CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính và chia các huyện Mỹ Văn và Châu Giang thành 5 huyện.

Chia huyện Mỹ Văn thành 3 huyện: Mỹ Hào, Văn Lâm và Yên Mỹ; điều chỉnh 5 xã (Minh Châu, Việt Cường, Yên Phú, Yên Hòa, Hoàn Long) huyện Châu Giang về huyện Yên Mỹ. Điều chỉnh 2 xã Nghĩa Trụ và Vĩnh Khúc về huyện Văn Giang.

  • Huyện Mỹ Hào có 7.152,9 ha diện tích tự nhiên và 80.987 nhân khẩu gồm 13 xã: Nhân Hòa, Phan Đình Phùng, Cẩm Xá, Dương Quang, Hòa Phong, Minh Đức, Ngọc Lâm, Bạch Sam, Dị Sử, Phùng Chí Kiên, Xuân Dục và thị trấn Bần Yên Nhân.
  • Huyện Văn Lâm có 6.818,4 ha diện tích tự nhiên và 92.301 nhân khẩu gồm 11 xã: Tân Quang, Lạc Đạo, Chỉ Đạo, Việt Hưng, Lương Tài, Minh Hải, Lạc Hồng, Trưng Trắc, Đình Dù và thị trấn Như Quỳnh.
  • Huyện Yên Mỹ có 9.004,7 ha diện tích tự nhiên và 121.927 nhân khẩu gồm 17 xã: Giai Phạm, Đồng Than, Ngọc Long, Nghĩa Hiệp, Liêu Xá, Tân Lập, Trung Hòa, thị trấn Yên Mỹ và 5 xã thuộc huyện Châu Giang chuyển về Minh Châu, Việt Cường, Yên Phú, Yên Hòa, Hoàn Long.

Chia huyện Châu Giang thành 2 huyện Khoái Châu và Văn Giang:

  • Huyện Khoái Châu có diện tích tự nhiên là 13.073,1 ha với 184.079 nhân khẩu gồm 25 xã: Đông Tảo, Dạ Trạch, Hàm Tử, Ông Đình, Bình Minh, An Vĩ, Đông Kết, Bình Kiều, Tân Dân, Tứ Dân, Tân Châu, Đông Ninh, Đại Tập, Liên Khê, Nhuế Dương, Chí Tân, Đại Hưng, Thuần Hưng, Thành Công, Phùng Hưng, Việt Hòa, Hồng Tiến, Dân Tiến, và thị trấn Khoái Châu.
  • Huyện Văn Giang có 7.316,8 ha diện tích tự nhiên và 91.780 nhân khẩu gồm 11 xã: Xuân Quan, Phụng Công, Thắng Lợi, Liên Nghĩa, Mễ Sở, Cửu Cao, Long Hưng, Tân Tiến, thị trấn Văn Giang và hai xã (thuộc huyện Mỹ Văn cũ chuyển về) Nghĩa Trụ, Vĩnh Khúc.

Ngày 14/11/1999: Cử tri toàn tỉnh đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân 3 cấp nhiệm kỳ 1999-2004; toàn tỉnh có 98% số cử tri tham gia bầu cử, bầu được 46 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, 286 đại biểu Hội đồng nhân dân huyện và 3.348 đại biểu Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn.

Ngày 23/12/1999: Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XIII họp  kỳ thứ nhất bầu các chức danh của Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh và Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh. Ông Phạm Đình Phú giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, ông Nguyễn Đình Phách giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh.

Năm 1999: Lần đầu tiên năng suất lúa tỉnh Hưng Yên vượt ngưỡng 11 tấn/ha/năm (57,25 tạ/ha vụ chiêm, 56,5 tạ/ha vụ mùa). Tổng sản lượng thóc cả năm đạt 509.562 tấn. Giá trị sản lượng toàn ngành nông nghiệp là 2.078,6 tỷ đồng. Giá trị sản lượng công nghiệp toàn tỉnh trong năm đạt hơn 1.880 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp gấp gần 5 lần so với khi mới tái lập tỉnh năm 1997.

Ngày 27/1/2000: Khai mạc kỳ họp thứ 2 Hội đồng Nhân dân tỉnh  khóa XIII tại Nhà Thành. Hội đồng đã nghe báo cáo thành tựu năm 1999 và mục tiêu kế hoạch năm 2000.

  • Thành tựu đạt được năm 1999: Tốc độ tăng trưởng  kinh tế GDP tăng 14,5% (kế hoạch là 9-10%); Giá trị sản xuất  nông nghiệp tăng 7,2% (kế hoạch 4,5-5%); Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 94,6% (kế hoạch trên 20%), Giá trị thương mại dịch vụ tăng 18,2% (kế hoạch 18%); Thu ngân sách đạt 124 tỷ đồng (kế hoạch là 90 tỷ); Kim ngạch xuất khẩu 27 triệu USD (kế hoạch điều chỉnh là 25 triệu); Bình quân GDP đạt 3,1 triệu tương ứng với 266 USD/ người/năm; cơ cấu kinh tế (nông nghiệp- công nghiệp, xây dựng- dịch vụ): 48% - 24% - 28%; tỷ lệ sinh giảm 0,07%.
  • Mục tiêu năm 2000 phấn đấu đạt: Tốc độ tăng trưởng  kinh tế GDP trên 10%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 4- 4,5%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 20%; giá trị kinh doanh dịch vụ tăng trên 15%; kim ngạch xuất khẩu đạt 30 triệu USD; tổng thu ngân sách 112 tỷ đồng; năng suất lúa phấn đấu đạt 12 tấn/ha (nếu không có tình huống bất khả kháng); GDP bình quân đầu người 3,6 triệu VND (tương đương 300 USD); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,5%; tỷ lệ phát triển triển dân số1,2%.

Ngày 30/3/2000: Khai mạc Đại hội đại biểu Hội chữ thập đỏ tỉnh lần thứ VII. Dự Đại hội có 130 đại biểu. Đại hội bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ 2000-2005 gồm 26 đồng chí. Đồng chí Phạm Thị Hồng Hạnh được bầu làm Chủ tịch Hội.

Ngày 28/4/2000: Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký quyết định số 160-KT/CTN phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 304 tập thể và 75 cá nhân. Tỉnh Hưng Yên có 8 đơn vị được phong tặng và hai cá nhân được truy tặng.

  • Trong kháng chiến chống thực dân Pháp có: huyện Phù Cừ; xã Quang Hưng (Phù Cừ); xã Giai Phạm (Yên Mỹ); xã Thuần Hưng (Khoái Châu); xã Lương Bằng (Kim Động).
  • Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ có: xã Bình Minh (Khoái Châu); xã Đồng Than (Yên Mỹ); xã Phan Đình Phùng (Mỹ Hào).
  • Truy tặng hai liệt sĩ anh hùng trong kháng chiến chống Pháp: Liệt sĩ Nguyễn Hòa Mục xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ và liệt sĩ Lê Hữu Dưỡng xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ.

Ngày 9/5/2000: Quy hoạch thị trấn huyện lỵ Văn Lâm. Thị trấn được quy hoạch theo Quyết định số 1375-QĐ/UB của Ủy ban nhân dân tỉnh. Phạm vi quy hoạch gồm 405 ha, trong đó có 305 ha là đất của thị trấn Như Quỳnh, 100 ha thuộc đất xã Đình Dù.

Thành lập thị trấn huyện lỵ Phù Cừ, Chính phủ ra Nghị định số 50-NĐ/CP thành lập thị trấn Trần Cao là thị trấn huyện lỵ huyện Phù Cừ trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số xã Trần Cao. Thị trấn Trần Cao có 472 ha diện tích đất tự nhiên và 4.745 nhân khẩu.

Ngày 2/10/2000: Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký Quyết định số 465-KT/CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho 22 tập thể và các cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ đổi mới. Hưng Yên có 2 đơn vị được phong tặng là: Trường mầm non xã Tân Tiến huyện Văn Giang; xã Mễ Sở huyện Văn Giang.

Ngày 8/11/2000: Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký Quyết định số 565-KT/CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 12 cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Hưng Yên có 3 người: Liệt sĩ Vũ Thị Kính (tức Trần Thị Khang) quê xã Xuân Dục huyện Mỹ Hào; liệt sĩ Trần Thị Tý quê xã Thiện Phiến huyện Tiên Lữ; liệt sĩ, trung tướng Nguyễn Bình (tức Nguyễn Phương Thảo) quê xã Giai Phạm huyện Yên Mỹ, Chủ tịch nước Trần Đức Lương cũng đã ký Quyết định số 566-KT/CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 18 huyện, thị xã, 67 phường, thị trấn và 3 đơn vị có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến  chống Pháp. Tỉnh Hưng Yên có 6 đơn vị: Huyện Ân Thi; xã Quang Vinh (Ân Thi); xã Như Quỳnh (nay là thị trấn Như Quỳnh huyện Văn Lâm); xã Lệ Xá, xã Thiện Phiến (huyện Tiên Lữ); xã Phan Sào Nam (huyện Phù Cừ).

Ngày 2/1/2001: Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XV được tổ chức. Về dự, chỉ đạo Đại hội có đồng chí Nguyễn Thị Xuân Mỹ, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các đồng chí Nguyễn Văn Yểu, Trần Đình Hoan, Nguyễn Thị Kim Hồng, Phạm Văn Thọ, Nguyễn Văn Son, Nguyễn Bình Giang ủy viên Trung ương Đảng và 250 đại biểu đại diện cho 48.453 đảng viên trong toàn tỉnh. Đại hội đã đánh giá những kết quả lãnh đạo của Đảng bộ trong nhiệm kỳ XIV, xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2001-2005).

Báo cáo trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã chỉ rõ những thành tựu tiến bộ là tỉnh từ nền kinh tế với điểm xuất phát thấp, cộng với những khó khăn của tỉnh mới tái lập, chịu tác động liên tiếp do những khó khăn chung của cả nước, song Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên tiếp tục đổi mới giành được những thành tựu và tiến bộ quan trọng: hoàn thành khá toàn diện mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra; kinh tế tăng trưởng nhanh, tương đối vững chắc; văn hóa-xã hội có những tiến bộ mới, tăng cường an ninh quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị, cải thiện một bước đời sống nhân dân, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng đạt kết quả bước đầu, tạo tiền đề vững chắc cho việc thực hiện nhiệm vụ những năm đầu thế kỷ XXI.

Kinh tế phát triển nhanh tương đối toàn diện. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng bình quân 12,17% (mục tiêu Đại hội là 10%). Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ: 41,5%- 27,8%- 30,7% (mục tiêu Đại hội là 40%-28%-32%); thu nhập bình quân đầu người là 300 USD. 

  • Nông nghiệp phát triển khá toàn diện, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 6% (mục tiêu Đại hội là 4,5-5%); công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn thực hiện đạt kết quả khá, tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Sản lượng qui thóc đạt 550.000 tấn, năng suất lúa năm 2000 đạt 11,93 tấn/ha, giá trị thu được bình quân trên một ha canh tác tăng từ 18 triệu năm 1997 lên 32 triệu năm 2000, lương thực bình quân đầu người từ 460 kg năm 1997 lên 520kg năm 2000. Cây ăn quả đặc sản, cây xuất khẩu, tinh dầu, đậu các loại tăng khá. Chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy sản tiếp tục được phát triển. Nhiều mô hình trang trại chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp được hình thành và được nhân lên.
  • Về công nghiệp: Giá trị sản xuất trên địa bàn tăng nhanh; bình quân tăng 60,17% (mục tiêu Đại hội đề ra là 20%). Giá trị sản lượng công nghiệp năm 2000 đạt 2.350 tỷ đồng (năm 1997: 355 tỷ đồng), công nghiệp địa phương từng bước được mở rộng, đầu tư chiều sâu nên phát triển khá, tăng bình quân 17,7%/năm; tiểu thủ công nghiệp làng nghề được quan tâm khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, nhiều mô hình năng động sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, hợp tác liên kết kinh tế phát triển. Khu vực ngoài kinh tế Nhà nước tăng bình quân 12%/năm. Tỉnh có chính sách cởi mở, khuyến khích các nhà đầu tư, qui hoạch 3 khu công nghiệp: Phố Nối, Như Quỳnh, thị xã Hưng Yên, nên công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao, bình quân 2,8 lần/năm. Trong 4 năm, các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã nộp ngân sách tỉnh trên 120 tỷ, thu hút được 2.300 lao động.
  • Dịch vụ phát triển khá, tốc độ tăng trưởng bình quân 15,48% (mục tiêu Đại hội đề ra trên 15%). Xuất khẩu tăng 20%/năm. Kim ngạch xuất khẩu 26,28 triệu USD (mục tiêu Đại hội 25 triệu USD).
  • Kết cấu hạ tầng được nâng cấp, đầu tư mới khá đồng bộ, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Các tuyến tỉnh lộ huyết mạch: đường 206, 200, 205, đê sông Hồng, đường trục chính thị xã Hưng Yên, đường trong khu công nghiệp, bến phà Yên Lệnh, bến xe, bến cảng được khẩn trương xây dựng. Nhiều tuyến huyện lộ đồng thời được nâng cấp. Giao  thông nông thôn có nhiều khởi sắc. Theo quy hoạch đã xây mới 15 trạm bơm, tiếp tục cải tạo nâng cấp một số trạm bơm khác để chủ động hơn cho chống úng, tưới bãi. Tăng cường vật chất cho ngành giáo dục, y tế. Bưu chính viễn thông được đầu tư nhanh, đồng bộ, hiện đại đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của tỉnh. Lưới điện trên địa bàn tỉnh được từng bước cải tạo, phát triển theo quy hoạch đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Xây mới giai đoạn một Đài PT- TH tỉnh, Xưởng in báo Hưng Yên, tăng cường cơ sở vật chất cho ngành văn hóa - thông tin, thể dục thể thao; xây mới 22 trụ sở làm việc các cơ quan tỉnh, chuẩn bị đầu tư cơ sở vật chất cho các huyện mới tái lập. Tổng số vốn đầu tư trên địa bàn 4 năm đạt 3.335 tỷ đồng (trong đó vốn Trung ương quản lý 800 tỷ đồng, vốn đầu tư nước ngoài, tỉnh ngoài là 817 tỷ đồng), dùng cho phát triển công nghiệp 47%, nông nghiệp nông thôn 23%, giao thông vận tải 16%.
  • Công tác tài chính tiền tệ, tín dụng được chấn chỉnh đổi mới. Tổng thu bình quân trên địa bàn 190 tỷ đồng/năm; thu ngân sách địa phương bình quân đạt 110 tỷ đồng/năm. Tổng chi ngân sách 347 tỷ đồng/năm. Tổng vốn huy động tăng bình quân 23%/năm (năm 2000 là 780 tỷ đồng).
  • Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhằm giải phóng sức sản xuất, phát triển lực lượng sản xuất. Chuyển đổi 167 hợp tác xã theo mô hình đa dạng và tự nguyện, đóng góp cổ phần kinh doanh tổng hợp, chuyên khâu: dịch vụ, thủy nông, điện, tiểu thủ công nghiệp, quỹ tín dụng nhân dân. Kinh tế hộ, kinh tế gia đình, cá thể, kinh tế trang trại được khuyến khích phát triển.

Đời sống nhân dân được cải thiện. Số hộ giàu chiếm khoảng 26%, thu nhập bình quân đầu người từ 180 USD năm 1996 lên 300USD năm 2000. Nhu cầu ăn ở đi lại, học hành điện nước sinh hoạt, chữa bệnh, hưởng thụ văn hóa được đáp ứng tốt hơn.

Công tác xây dựng Đảng: Kiện toàn hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân được Tỉnh ủy quán triệt tập trung lãnh đạo. Hàng năm, số cơ sở Đảng vững mạnh đạt trên 70%, bình quân hàng năm kết nạp được 1.200 đảng viên.

Đại hội đề ra mục tiêu chủ yếu để phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2001-2005): 

  • Tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10%/năm (nông nghiệp tăng 4-4,5%; công nghiệp tăng trên 20%; dịch vụ tăng 18%).
  • Cơ cấu kinh tế hình thành: nông nghiệp- công nghiệp, xây dựng - dịch vụ: 34%-30%-36% (vào năm 2005).
  • Thu nhập bình quân đầu người trên 500USD.
  • Tổng kim ngạch xuất khẩu bình quân 50 triệu USD (đến năm 2005 đạt 90 triệu USD).
  • Thu ngân sách bình quân 160 tỷ đồng/năm (đến năm 2005 đạt trên 200 tỷ).
  • Năng suất lúa 12,5 tấn vào năm 2005. Lương thực bình quân đầu người giữ ở mức 500kg/ người. Giá trị thu được trên 1 ha canh tác đạt 37 triệu đồng vào năm 2005.
  • Tỷ lệ phát triển dân số 1,1% (ổn định trong 5 năm ).
  • Tạo thêm việc làm cho 1,5 vạn lao động bình quân năm.
  • Tỷ lệ hộ nghèo còn 3%.
  • Trên 50% số làng được công nhận là làng văn hóa.
  • 100% xã, phường phổ cập trung học cơ sở.
  • Thị xã Hưng Yên và đô thị Phố Nối phổ cập trung học phổ thông trong độ tuổi.
  • Trên 80% phòng học phổ thông kiên cố cao tầng.
  • 100% trạm xá xã có bác sỹ, 100% số thôn có cán bộ y tế.
  • Trên 75% cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh; chính quyền, đoàn thể vững mạnh.

Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV gồm 43 đồng chí. Đồng chí Phạm Đình Phú được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí Bùi Quang Huy, Nguyễn Đình Phách được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Ngày 20/5/2002, 98% cử tri trong tỉnh nô nức đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI. Tỉnh Hưng Yên bầu được 7 đại biểu: Ông Trần Đình Hoan, ủy viên Bộ chính trị - Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ông Nguyễn Văn Yểu, ủy viên Trung ương Đảng, phó chủ tịch Quốc hội; ông Phạm Đình Phú, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lê Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Bộ Công an; Ông Hoàng Thiện Cát, bà Nguyễn Thị Thảnh, bà Vũ Thị Huệ. Ông Phạm Đình Phú được bầu làm Trưởng đoàn, ông Hoàng Thiện Cát được bầu làm phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh hoạt động chuyên trách.

Tháng 9/2003: Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa XV họp kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ. Tại kỳ họp các đại biểu đã nghe báo cáo đánh giá 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội XV và đề ra những giải pháp chủ yếu để thực hiện thành công Nghị quyết của Đại hội XV.


Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
24 người đang online