06/08/2018 | lượt xem: 6 GIÁP TRƯNG (1507 – 1586) Giáp Trưng còn có tên là Giáp Hải, tự là Tiềm Phu, hiệu Tiết Trai, quê cha ở làng Bát Tràng (Gia Lâm – Hà Nội) nhưng sớm mồ côi cha nên về ở quê mẹ là làng Công Luận, huyện Tế Giang (nay thuộc thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang). Vì nhà nghèo ông phải làm con nuôi người làng Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhỡn (Bắc Giang). Giáp Trưng rất thông minh, được bố nuôi cho ăn học nên học giỏi, chóng tấn tới. Năm 23 tuổi đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính thứ 9 (1538) đời Mạc Đăng Doanh. Giáp Trưng là một nhà chính trị, ngoại giao xuất sắc. Tương truyền, nhà Minh sai sứ sang hạch sách nhà Mạc, đòi cắt đất, cống người và vàng, Mao Bá Ôn còn láo xược gửi cho triều đình nhà Mạc một bài thờ vịnh “bèo” có ý khinh nhân dân Việt như bèo bọt. Ông được cử lên ải Nam Quan bàn việc giao thiệp với nhà Minh, ứng đối linh hoạt, bảo vệ được quốc thể, giữ gìn biên giới. Dưới đây là bài xướng của Mao Bá Ôn và bài họa bài thơ “bèo” của ông do Trần Văn Giáp dịch: Xướng: Cao sâu nước mọc im lìm. Nông nổi xưa nay vốn khó dìm Ngọn gốc đã trơ không lá lẩu Cỗi cành sao lại cả gan tim Coi thường tản mát khi thường tụ, Biết lúc lênh đênh chẳng biết chìm; Vì gặp tung trời cơn gió táp, Cuốn theo về biển khó đâu tìm. Họa: San sát hoa thêu cản mũi khâu Mấy tầng gốc rễ vẫn xen nhau Ganh cùng mây bạc trên làn song Đâu để vầng hồng lọt đáy sâu; Nước vỗ, vỗ sao cho vỡ được, Gió to, to mấy có chìm đâu? Biết bao rồng cá nằm trong đó Cụ Lã đừng hòng thả lưỡi câu! Năm đầu niên hiệu Diên Thành, đời Mạc Mậu Hợp, ông làm Thượng thư bộ Lại kiêm Đô Ngự sử, tước Luận quận công. Sau được cất nhắc coi việc ở 6 bộ, kiêm chức Đại học sĩ Đông các coi việc ở tòa Kinh Diên, gia phong tước Sách quận công. Giáp Trưng là người lo toan việc nước, giàu lòng nhân ái, ông nhiều lần dám đứng ra khyên nhà vua làm việc nghĩa. Có lần ông dâng sớ xin nhà vua thi hành những chính sách chỉnh đốn chính sự, cải thiện đời sống dân nghèo, trừng trị bọn tham quan ô lại: Kinh Thi có câu:”Trời sáng suốt là bởi dân ta sáng suốt, trời tỏ ra đáng sợ là bởi dân ta đáng sợ. Lòng dân ở chỗ nào còn thì ý trời ở chỗ ấy vẫn còn”. Lại xin bệ hạ tôn trọng gốc nước, cố kết lòng dân: “Hậu đãi mà đừng làm khốn dân; giúp mà đừng làm hại dân, dè dặt chứ đừng dùng hết sức của dân, nhẹ bớt cho dân những công việc phục dịch, chính là sách của Vương đạo đó”. Tuổi già, ông nhiều lần xin về hưu, Mạc Mậu Hợp rất quyến luyến. Ông lại dâng sớ khuyên vua: “Giữ đạo trung, mưa việc lớn, lấy việc kính trời làm chỗ dựa, lấy khiêm cung làm đầu, tránh điều trái, bớt lòng dục để cho chính hòa rộng khắp, dân yên nước thịnh, tiến tới trị bình”. Tháng 10 năm Diên Thành thứ 8 (1585), ông được nghỉ hưu, đến tháng 12 năm sau (1586) thì mất, hưởng thọ 80 tuổi. Mạc Mậu Hợp ban cho ông đôi câu đối thêu vào cờ: Trạng đầu, Tể tướng đẩu Nam tuấn Quốc lão, Đế sư thiên hạ tôn. Nghĩa là: Đỗ Trạng nguyên, làm Tể tướng danh cao như ngôi sao đẩu của trời Nam Đã quốc lão, lại đế sư được cả nước tôn trọng. Ông có tài văn học, giỏi về bang giao từ mệnh, bình sinh trước thuật cũng nhiều, nhưng nay chỉ còn bộ sách ứng đáp bang giao (còn gọi là Cổ kim bang giao bị lãm). Ứng đáp bang giao là tác phẩm về lịch sử ngoại giao quý của nước ta. Sách nói rõ những thư từ, biểu văn về giao thiệp giữa nước ta và Trung Quốc từ thời nhà Mạc về trước. Tác phẩm của ông có: - Ứng đáp bang giao - Một số bài thơ chép trong Công dư tiệp ký như: Cao lâu tỳ bà thi, vịnh bèo. Tài liệu tham khảo: - Tìm hiểu các tác gia Hán Nôm Hải Hưng.- Hải Hưng: Thư viện tỉnh, 1973. - Từ điển Văn hóa Việt Nam.- H: Văn hóa , 1993. - Nhân vật chí Hải Hưng.- Hải Hưng: Thư viện tỉnh. - Lịch triều hiến chương loại chí T1.- H: KHXH, 1993. Nguyễn Đình Nhã - Danh nhân Hưng Yên tháng 12-2006