29/10/2004 | lượt xem: 13 Dương Quảng Hàm (1898-1946) Dương Quảng Hàm hiệu là Hải Lượng, quê làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang. Ông sinh ngày 14 tháng 7 năm 1898 trong một gia đình có truyền thống nho học. Cụ nội là Dương Duy Thanh (1804-1861), từng làm đốc học Hà Nội. Thân phụ là Dương Trọng Phổ, anh cả là Dương Bá Trạc, một trong những người sáng lập lên Đông Kinh nghĩa thục, trường học cách mạng đầu tiên của thành phố Hà Nội, em là Dương Tụ Quán, đều là những danh sĩ có tiếng đương thời. Ngay từ nhỏ Dương Quảng Hàm đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, đĩnh ngộ. Tuy chuyển sang Tây học sớm, song ông đã kịp tiếp thu một số vốn nho học của cha, anh, cái vốn ban đầu đó chính là nền tảng để sau này ông trở thành một người uyên bác về Hán học. Năm 1920 ông tốt nghiệp thủ khoa trường Cao đẳng Sư phạm với tiểu luận “Khổng Tử và học thuyết Khổng Mạnh trong nền giáo dục cũ”. Sau khi tốt nghiệp ông về làm giáo viên trường Bưởi (tiền thân của trường Chu Văn An ngày nay, là trường trung học nổi tiếng thời Pháp) và ở đó cho đến ngày toàn quốc kháng chiến (1946). Thời gian đầu ông dạy sử - địa, tiếng Việt, tiếng Pháp bậc cao đẳng tiểu học. Cách mạng Tháng Tám thành công ông được bổ nhiệm làm thanh tra trung học rồi hiệu trưởng trường Chu Văn An. Cùng với nhiều giáo viên, giáo sư khác, giáo sư Dương Quảng Hàm đã đem hết nhiệt tình, tài đức để góp phần xây dựng một nhà trường cách mạng mới, một nền giáo dục dân chủ mới. Là lớp giáo sư đầu tiên được đào tạo có hệ thống và cũng là lớp người đầu tiên tiếp cận với khoa học giáo dục Pháp, với cách giảng dạy mới, cho nên, ngoài giờ giảng dạy ông còn vận dụng vốn tri thức nho học và tân học đi sâu nghiên cứu kho tàng văn học Việt Nam theo phương pháp khoa học. Khi sưu tầm, nghiên cứu văn học, ông quan tâm đến nhiều vấn đề văn hóa, lịch sử, học thuật có liên quan. Hơn 20 năm (từ 1920 - 1945) Dương Quảng Hàm đã làm việc không mệt mỏi, vừa giảng dạy, vừa viết sách giáo khoa cho nhà trường từ bậc tiểu học đến bậc trung học, vừa bằng tiếng Pháp vừa bằng tiếng Việt như các sách: Leccons d’ histoire d’ An Nam (1927), Tập bài thi bằng sơ học yếu lược (1926 soạn cùng Dương Tụ Quán), Quốc văn trích diễm (1927), Việt văn giáo khoa thư (1940), Việt Nam văn học sử yếu (1941), Việt Nam thi văn hợp tuyển (1942), cùng nhiều bài viết đăng trên các tạp chí như Hữu Thanh, Nam Phong, Tri Tân, Văn học tạp chí, với các bút danh Hải Lượng, Uyên Toàn. Song có giá trị nghiên cứu rõ rệt là hai cuốn “Việt Nam văn học sử yếu” và “Việt Nam thi văn hợp tuyển”. “Việt Nam văn học sử yếu” là quyển văn học sử đầu tiên của nước ta bằng chữ quốc ngữ có 48 chương, 11 thiên. Đây là một giáo khoa thư dùng cho học sinh 3 năm trung học song là một công trình khoa học lớn, có giá trị về nhiều phương diện, cả học thuật và tư tưởng, cả tư liệu lẫn phương pháp nghiên cứu. Nó vừa là mở đường, vừa là khẳng định giá trị của một nền văn học trước đó còn chưa được nhiều người biết đến, lại vừa đặt nền móng cho việc xây dựng bộ môn lịch sử văn học nước ta. Dương Quảng Hàm là một trong những người đầu tiên phân chia các giai đoạn phát triển của văn học Việt Nam và đề cập khá đầy đủ đến cơ sở và ảnh hưởng của sự phát triển: Ngôn ngữ, văn tự, chế độ học tập, thi cử, ảnh hưởng của nước Pháp, Trung Hoa.Nhiều thế hệ học sinh đã nhờ sách đó mà hiểu được tính chất phong phú và đa dạng của nền văn học nước nhà. Còn các nhà nghiên cứu coi đó là cuốn cẩm nang trong việc nghiên cứu văn học sử. Cho đến nay “Việt Nam văn học sử yếu” đã được tái bản trên 10 lần. Để ghi nhớ công ơn của người thầy giáo mẫu mực, người viết sách giáo khoa văn học, cũng đồng thời là người nghiên cứu lịch sử văn học uyên bác, ngày 14 tháng 7 năm 1993 Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện Khoa học giáo dục và Viện Văn học đã tổ chức lễ kỷ niệm và hội thảo khoa học về Dương Quảng Hàm nhân 95 năm ngày sinh của ông. Phạm Dương