Đoàn Thị Điểm (1705-1748)

Đoàn Thị Điểm, hiệu Hồng Hà nữ sĩ, người làng Giai Phạm, huyện Văn Giang (nay thuộc xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ). Bà sinh năm 1705, mất năm 1748.

Bà là con gái Đoàn Doãn Nghi và là em Đoàn Doãn Luân, đậu Hương nguyên đời Lê - Trịnh. Năm 16 tuổi, bà làm con nuôi Thượng thư Lê Anh Tuấn nên bà còn mang họ Lê theo họ bố nuôi. Thấy bà có tài, bố nuôi định tiến vào cho chúa Trịnh, nhưng bà không bằng lòng, trở về ở cùng với cha. Từ đó học hành càng nổi tiếng.

Năm 25 tuổi, cha mất, bà ở với mẹ và anh, làm nghề dạy học ở Mỹ Hào. Được ít lâu, anh mất, bỏ lại đàn con, bà phải trông nom cả. Trong một bài văn tế bằng Hán văn, bà đã kể lại nỗi đau xót của gia đình mình. Sau khi chôn cất cho anh, bà thường bị những kẻ quyền quý đến dạm hỏi và có ý muốn cưỡng bức, nên bà bỏ nơi ở cũ đến ở làng Chương Dương nay thuộc huyện Thường Tín (Hà Tây) dạy học và bốc thuốc nuôi mẹ. Học trò đến học rất đông, sau này có Đào Duy Doãn, đậu tiến sỹ và là người có văn tài cũng là học trò của bà.

Năm bà 33 tuổi, ông Nguyễn Kiều người làng Phú Xá (nay thuộc xã Phú Thượng, Từ Liêm, Hà Nội) làm Thị lang, đến cầu hôn. Lúc đầu bà từ chối, nhưng sau thấy Nguyễn Kiều là một văn hào nổi tiếng, bà bằng lòng lấy kế Nguyễn Kiều. Cuộc tình duyên tuy muộn màng nhưng tâm đầu ý hợp này đã mang lại cho bà hạnh phúc, bà như trẻ lại tuổi đôi mươi. Nó cũng là cơ sở cho cảm xúc trong sáng tác của bà, đặc biệt đã trợ sức để bà dịch thành công tác phẩm “Chinh phụ ngâm” nổi tiếng sau này.

Lấy chồng được một tháng, năm 1743, Nguyễn Kiều lên đường đi sứ Trung Quốc, ba năm sau mới trở về, vợ chồng xum họp. Trong thời gian xa chồng này, bà dịch tác phẩm “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn phù hợp với tâm trạng xa cách nhớ thương chồng của mình trong lúc tình yêu đang nồng nàn.

Nguyễn Kiều được cử vào coi trấn Nghệ An, bà đi theo chồng và mất tại đấy.

Bà để lại cho đời hai tác phẩm Truyền kỳ tân phả (truyện) bằng chữ Hán, và bản dịch quốc âm tác phẩm Đặng Trần Côn, một bản dịch tuyệt vời có thể coi như sáng tác, độc đáo và sáng tạo về một chủ đề cũng đặc biệt là tâm trạng oán thán chiến tranh của người phụ nữ (Hiện có thuyết coi bản dịch “Chinh phụ ngâm” đang truyền tụng là của Phan Huy Ích).

Đinh Quang Tốn

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
41 người đang online