06/08/2018 | lượt xem: 7 ĐOÀN LỆNH KHƯƠNG (1726 – 1800) Đoàn Lệnh Khương quê làng Giai Phạm (sau đổi là Hiến Phạm) huyện Văn Giang, xứ Kinh Bắc (nay thuộc xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Sinh trưởng nơi quê hương văn hiến, trong một dòng họ nho gia, có người mẹ thông minh, nhân đức, người cha phong độ hiền tài, Lệnh Khương thuở nhỏ đã tỏ ra hơn người, thông minh lanh lợi, chăm chỉ học hành, có chí nối nghiệp cha ông. Cha của bà là Đoàn Doãn Luân, thi Hương đỗ đầu, nhưng chỉ ở nhà dạy học, được người đương thời kính trọng. Nhà ông là một trường học luôn luôn có những buổi sinh hoạt văn chương, ông và en gái là Đoàn Thị Điểm đón tiếp các bậc danh sĩ để cùng đối đáp xướng họa. Năm Lệnh Khương lên 9 tuổi thì phụ thân qua đời, bà được cô ruột là Đoàn Thị Điểm đem về nuôi dạy. Vừa học nội trợ, vừa học văn chương, Lệnh Khương rất mực chăm chỉ. Năm 16 tuổi bà đã nổi tiếng khắp vùng, tài sắc chẳng kém gì cô Điểm. Chuyện cũ ở địa phương kể rằng: Một hôm Lệnh Khương đang đi chợ về thì có ông lão chạy ra đón đường, mời bà vào hàng nước để thưa chuyện. Ông nói: “Thưa cô, tôi là người làng bên, nghe tiếng cô là người hay chữ nên nhờ cô giúp cho một việc. Tôi nay già yếu, nhà nghèo lại không con, không nơi nương tựa, cô hãy làm phúc, cho đôi câu đối, để với đôi câu đối ấy tôi có thể kiếm miếng ăn. Gặp bất kì đám hiếu hay đám hỷ tôi có thể dùng được vào viếng hay mừng”. Một đôi câu đối ấy mà gặp vui có thể chia vui, gặp dịp buồn lại chia buồn thì khó thật, ông lão này thử mình chăng? Nhưng nhìn vẻ mặt ông lão, bà biết ông nói rất thật. Sau một lát suy nghĩ bà đọc: Nhất đức tại thiên tùy sở phú Thất tình ư ngã khởi vô tâm Và bà giảng giải: người ta ở đời gặp may hay rủi, vui hay buồn tất cả là tùy ở cái đức. Vậy mà cái đức ấy là do trời phú cho. Phàm lấy vợ, lấy chồng, làm nhà, làm cửa hoặc mất người, mất của, tốt xấu, lành dữ đều là do cái đức mà ra. Vế thứ nhất đối với việc vui hay buồn đều hợp cả, còn vế thứ hai nghĩa là: Con người có 7 tính là: hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục (mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, muốn), cho nên khi gặp việc vui thì lòng cũng vui được, mà gặp việc buồn thì ta cũng buồn được, đâu có vô tâm. Do đó, vế thứ hai có thể là lời chúc mừng mà cũng có thể là chia buồn. Từ đó tiếng tăm của Lệnh Khương ngày càng vang xa. Một cung phi ở làng Bảo Vực muốn đưa bà vào cung làm cung phi song bà từ chối. Tài giỏi là vậy nhưng đường tình duyên của bà thì lại lận đận. Năm 31 tuổi mới làm vợ kế của ông Nguyễn Xuân Huy làm Đốc đồng trấn Sơn Nam, sinh hạ được một người con gái. Nhưng cuộc nhân nhân duyên này thật ngắn ngủi, chung sống chưa được bẩy năm thì ông Huy mất. Trước đó ít ngày, người con riêng của ông Huy và cô con gái cũng bị bệnh qua đời. Bà khóc chồng bằng đôi câu đối vừa như hy sinh, vừa như ngậm ngùi, lại vừa như khuyên mình gắng gượng: Tuyền hạ thừa hoan, ưng tri quân hữu tử Mộng trung đối thoại, thùy vị thiếp vô phu Dịch: Dưới suối vàng vui vầy, tỏ biết chàng có con Trong giấc mộng chuyện trò, ai bảo thiếp không chồng Không chịu để số phận dập vùi, bà về Thăng Long mở lớp dạy học, ngụ ở phường Hà Khẩu (nay thuộc quận Hoàn Kiếm) học trò theo rất đông, xa gần đều gọi là Nữ học sư. Thơ văn của bà đến nay phần lớn đã thất truyền, chỉ còn đôi câu đối và bài thơ Nước Đằng lưu truyền trong nhân gian. Bài thơ này bà làm khi còn đi học, nhân lúc bà Điểm giảng sách về nước Đằng: Đằng là nước nhỏ, ở giữa hai nước Tề và Sở, rất khó khăn trong việc bang giao. Vừa lúc đó nhà hàng xóm có hai bà vợ cãi nhau om xòm, bà Điểm vui miệng bảo học trò vịnh thử và Đoàn Lệnh Khương đã làm bài thơ tứ tuyệt này: Đằng quốc xưa nay vốn nhỏ nhen, Lại thêm Tề, Sở ép hai bên Quay đầu với Sở e Tề giận, Ngoảnh mặt với Tề sợ Sở ghen. Bà mất năm 1800, hưởng họ 75 tuổi. Tài liệu tham khảo: - Báo Hải Hưng. - Almanach: Người mẹ và phái đẹp.- Văn hóa, 1990. - Bà Điểm họ Đoàn- Hà Bắc: Sở Văn hóa- Thông tin, 1984. Dương Thị Cẩm - Danh nhân Hưng Yên tháng 12-2006