01/11/2004 | lượt xem: 5 Đền Thiên Hậu Đền Thiên Hậu được xây dựng từ năm 1640 do 40 dòng họ người Trung Quốc ở Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến quyên góp. Kiến trúc ngôi đền theo kiểu nội tự ngoại tế nghĩa là bên trong thờ phụng, bên ngoài làm nơi tế tự. Đây là công trình mang đậm màu sắc kiến trúc Trung Hoa trên nhiều phương diện, như tam quan, nhà tế, mái đền, đao góc và kết cấu vì kèo. Theo truyền ngôn của kiều dân thì công trình được làm sẵn ở Trung Quốc, rồi chở sang Việt Nam cất dựng. Toà thiên hương đền Thiên Hậu Mặt tiền là tam quan cao rộng, tường bao hai bên trang trí các ô vuông gắn gạch men hoa màu xanh lam rất đẹp. Sân trước nhà tiền đường có hai con nghê chầu; con đực ngậm viên ngọc, con cái ôm con bú, chất liệu bằng đá hoa cương, tạc khá sinh động. Viên ngọc được đẽo gọt tròn, nhẵn, không biết bằng cách nào đưa vào miệng con đực. Hai con nghê đã nói lên quan niệm sống của người Hoa: được của và được con là hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời. Thềm đền được lát bằng những tấm đá cuội trải mưa gió hàng mấy trăm năm vẫn trơ gan không mòn vẹt. Đền chính xây bằng gạch Bát Tràng, rêu không bám được. Mái đền lợp ngói ống, đầu đao cong nhẹ hình đuôi cá. Cánh cửa tiền đường khắc hình các quan văn võ theo hầu tô sơn xanh đỏ. Trên các vì kèo ở gian tiền tế cũng khắc các tích chuyện rút ra từ Tam Quốc hoặc Tây Du. Khách vào đền dù xa lạ cũng biết ngay là nơi tế tự của Hoa kiều. Đền thờ bà Lâm Tức Mặc, theo Đại Thanh nhất thống chí, bà là một thần biển, con gái thứ sáu của Lâm Nguyện, người Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, nguyên là cô gái dệt lụa sinh vào ngày 23 tháng 3 âm lịch. Tương truyền Lâm Tức Mặc khi sinh ra có hương thơm ngào ngạt, hào quang rực rỡ, lớn lên có phép màu cưỡi chiếu bay trên biển. Từ tuổi hoa niên bà đã phát hiện ra một thứ rong biển dùng nấu thạch làm thức ăn cứu đói cho dân, và còn tìm ra một thứ dầu ăn gọi là ma mộc rút từ cây thuộc họ vừng giúp dân nghèo qua những trận đói kéo dài... Ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch bà không bệnh tật, tự nhiên qua đời. Theo thánh phả bà hoá vào một ngày có quần tiên tấu nhạc. Bốn chữ "Bạch nhật phi thăng" khắc ở cỗ kiệu trong đền của bà nói lên điều đó. Sau khi hóa, ngài thường mặc áo đỏ bay lượn trên biển. Thời Tống, Nguyên, Minh, Thanh thường hiển linh cứu hộ thuyền bè. Thời Khang Hy phong làm Thiên Phi, sau gia phong Thiên Hậu. Người Phúc Kiến tôn bà là Thần Biển nên di cư đến đâu mang thần tích lập đền thờ đến đó. Cho nên ta không lấy làm lạ, dọc bờ biển nước ta có nhiều nơi lập đền thờ Thiên Hậu. Tại Thiên Hậu Cung ở Phố Hiến Hạ có hai cuốn sách nói về sự tích bà: Thiên Hậu Thánh Mẫu Thánh Tích Đồ Chí (in lần thứ hai năm Hàm Phong thứ 3 (1853) và cuốn Thiên Thượng Thánh Mẫu cứu khổ chân kinh, in năm Thành Thái thứ 19 (1907)). Trong đền Thiên Hậu có nhiều bức đại tự liên quan tới việc đi sông biển và ngợi ca tài danh của vị nữ thần, nào là Phong điều vũ thuận - Quốc thái dân an (Mưa gió điều hòa - Đất nước yên vui), nào là Hải bất dương ba (Biển không nổi sóng) Quá hải tề thiên (Vượt biển trời êm). Ngoài gian chính thờ bà Lâm Tức Mặc, hai gian bên còn có bàn thờ cha mẹ và anh ruột bà, bàn thờ các dòng họ người Hoa đã có công xây dựng và tôn tạo ngôi đền. Hàng năm, đền Thiên Hậu mở hội vào ngày 23 tháng 3 âm lịch (ngày sinh) và ngày mồng 9 tháng 9 (ngày hóa) của Lâm Tức Mặc. Các dòng họ người Hoa ở Phố Hiến và người Việt về đây tế lễ, rước kiệu linh đình, lễ vật có bánh rong câu, kẹo sìu, bánh rùa, bánh Tô Châu... là những sản vật truyền thống của người Hoa.