01/11/2004 | lượt xem: 6 Đền Mẫu - Đền Đào Nương và lễ hội Đền Mẫu hay đền Đào Nương là một trong 17 di tích lịch sử văn hóa quốc gia của huyện Tiên Lữ, nằm bên đường 39B, cách thị xã Hưng Yên khoảng 6km. Đền Đào Nương thuộc xã Đào Đặng, tổng Cao Cương, huyện Tiên Lữ, phủ Khoái Châu ngày xưa, ngày nay nằm trên địa phận làng Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thị xã Hưng Yên. Đào Nương tên thật là Đào Thị Huệ, sống vào khoảng cuối thế kỷ XV. Nàng ca nhi họ Đào nhan sắc xinh đẹp, hát hay múa khéo, tiếng đồn tài hoa dậy khắp mọi nơi. Năm ả Đào 18 tuổi, nhà Minh mượn cớ "phù Trần diệt Hồ" xâm lược nước ta, chúng đóng đồn trại ở tận các thôn xóm, vơ vét của cải, giết hại lương dân. Đàn ông bị bắt làm phu dịch, đàn bà bị bắt làm nô tì. Chúng kéo đến làng Đào Đặng, dân chúng bỏ chạy cả, nàng ca nhi họ Đào và mấy chị em chậm chân không trốn được đành chịu ở lại. Chúng bắt nàng phải múa hát, hầu hạ trong các dịp yến tiệc. Nhờ có tài nghệ xuất sắc, các nàng làm cho chúng có phần vị nể, biến nhà ca lâu thành nơi đi lại, nghỉ ngơi. Nàng Đào Thị khéo chiều chuộng, làm cho chúng tin cẩn, không đề phòng gì nữa. Quân Minh cứ thế kéo đến biến nhà Đào Thị thành chỗ tập trung chè chén suốt đêm. Rượu tiệc no say, chúng lăn ra ngủ. Vừa sợ lạnh, vừa sợ muỗi đốt, (xưa kia vùng này lau sậy um tùm, muỗi nhiều như chấu) chúng nảy ra "sáng kiến" làm những chiếc túi bằng bao tải gai. Đêm đến là chui vào ngủ, buộc túi lại sáng mai mở túi ra. Đào Thị nhiều lần được chúng giao cho việc thắt và mở túi. Quen với việc, nàng đã nghĩ ra kế để giết giặc. Nàng bí mật tìm các bô lão và trai tráng đang ẩn nấp trong làng, ước hẹn cứ đêm khuya giặc đã ngủ say, anh em đến khiêng từng túi vất xuống sông. Khi vất xuống sông lại buộc thêm đá, nút thắt chặt phía ngoài, dù chúng có tỉnh dậy cũng chịu chết đuối, làm mồi cho cá. Cứ như thế, quân số của giặc ngày càng hao hụt mà không biết duyên cớ tại đâu, cuối cùng chúng tin rằng vùng đất này "động", "nghịch", "linh thiêng".. không thể ở được, chúng sợ hãi liền nhổ trại kéo đi. Dân làng Đào Đặng được trở về làm ăn sinh sống. Khi nàng Đào Thị mất, dân làng tưởng nhớ công lao to lớn đã lập đền thờ Bà. Đất nước thanh bình, vua Lê Thái Tổ phong bà làm "Phúc thần" cho sửa lại nhà thờ và cấp ruộng cúng tế hàng năm. Ngôi đền ả Đào nay vẫn còn ở trước chợ làng Đào Xá, đã trở thành di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng, niềm tự hào của nhân dân trong vùng. Vì bà Đào Thị Huệ được suy tôn là một trong những vị sư tổ nghề hát chèo của nước ta, nên trong những ngày hội làng không thể thiếu được những làn điệu chèo truyền thống cùng những tiếng "tom, chát" của tiếng trống đế chèo. Lễ hội hàng năm được tổ chức từ ngày mồng 1 đến mồng 6 tháng 2 âm lịch. Lễ hội được tổ chức tưng bừng, đông vui và nhộn nhịp. Dân làng tổ chức nhiều cuộc vui như đấu vật, ném vòng... đặc biệt là hội chọi gà và thi hát chèo.