06/08/2018 | lượt xem: 7 ĐÀO CÔNG SOẠN (1376 – 1456) Cuối năm 1425, cuộc chiến tranh chống giặc Minh xâm lược, giải phóng đất nước bước vào giai đoạn quyết chiến, chiến lược. Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn tiến ra Bắc đóng tại dinh Bồ Đề (thôn Phú Hựu, Gia Lâm) để trực tiếp chỉ huy chiến tranh. Lúc này giặc Minh do Vương Thông chỉ huy chưa chịu đầu hàng, hắn cố thủ trong thành Đông Quan, hy vọng quân cứu viện. Công việc quốc gia bề bộn, rất cần nhân tài phục vụ kịp thời cho sự nghiệp giải phóng đất nước từ trung ương đến các lộ. Lê Lợi đã có nhiều biện pháp để thu dụng nhân tài, trong đó có phép thi tuyển những người có văn học tại dinh Bồ Đề với đề tài thiết thực “Bảng văn dụ thành Đông Quan đầu hàng rút quân về nước”. Đào Công Soạn tự là Tân Hương (Tân Khanh) người làng Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ năm ấy đã gần 50 tuổi đến yết kiến Lê Lợi và ứng thí trong kỳ thi đặc biệt này. Ông đã trúng tuyển đầu bảng trong số 30 người đỗ trong kỳ thi này. Luận văn của Đào Công Soạn thế nào chưa rõ, chỉ biết ngay sau đó, ông được bổ nhiệm chức An phủ sứ. Năm 1429, Đào Công Soạn là một trong những người được cử đi sứ nhà Minh đầu tiên của triều Lê và đã hoàn thành sứ mạng quốc gia giao cho. Năm 1436, ông giữ chức Thẩm hình viện sự kiêm Lễ bộ Thượng thư, nhận nhiệm vụ đi sứ lần thứ 2. Tiếp đó, ông lĩnh trọng trách của triều đình như: Nhập nội hành khiển, Tri tam quán sự, Nhập thị Kinh diên. Năm 1444, ông đi sứ nhà Minh lần thứ 3. Ở tuổi gần 70 ông vẫn còn minh mẫn hoàn thành nhiệm vụ trở về. Năm 1456, ông còn lên Thái Nguyên giải quyết việc biện giới. Là tiến sĩ thời chiến, Đào Công Soạn văn, võ thực tài, đủ chí dũng hoàn thành nhiệm vụ. Ông là một danh thần nổi tiếng về chính sự thời Lê, có tài văn học, tính ôn hòa, cần mẫn, được Lê Lợi và triều đình tín nhiệm. Ông đứng về phía Nguyễn Trãi chống Lương Đăng. Con ông là Đào Dung, cháu ông là Đào Nghiễm, Đào Phạm đều là bậc nhân tài. Hiện nay tại Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ có đền thờ với những câu đối, đại tự, bi ký ca ngợi công lao, tài năng, đức độ của ông Tài liệu tham khảo: - Tìm hiểu các tác giả Hán Nôm Hải Hưng: thư viện tỉnh, 1973. - Từ điển văn hóa Việt Nam.-H: Văn hóa, 1993. - Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam.- H: 1992. Tăng Bá Hoành - Danh nhân Hưng Yên tháng 12-2006