06/08/2018 | lượt xem: 9 BÀ CHÚA MỤA (1580 – 1648) Theo sắc phong và tộc phả, bà Chúa Mụa tên là: Trần Thị Cư, quê quán làng Mụa (thôn Cộng Vũ), xã Vũ Xá, huyện Kim Động ngày nay. Bà sinh ngày 5 tháng 5 năm Canh Thìn (1580) trong một gia đình trung lưu. Tục truyền một hôm cắt cỏ trên đường bà hát: “Tay cầm bán nguyệt xềnh xang. Hàng trăm thảo mộc lai hàng tay ta”. Đền bà Chúa Mụa Lúc đó, Chúa Trịnh là Trịnh Tráng cùng quan quân trên đường đi kinh lý tình cơ nghe thấy. Chúa Trịnh vời tới. Thấy bà là một cô gái gọn gàng, xinh đẹp, lại có tài đối đáp, Chúa truyền cho rước về phủ Chúa đổi tên là Trần Thị Ngọc Am. Bà giúp Trịnh Tráng trông nom công việc trong phủ, việc học tập các mỹ nữ cung tần, củng cố mối đoàn kết trong phủ và giữa phủ Chúa với triều đình nhà Lê. Tình cảm và việc làm của bà, khiến Chúa cảm phục và đã cho bà đổi từ họ Trần sang họ Chúa “Trịnh Thị Ngọc Am”. Sống ở phủ, bà sinh được một người con gái. Trịnh Tráng hết mực thương mến, đặt tên là Trịnh Thị Minh và ngay sau khi ra đời, người con gái đã được Chúa ban cho 4 chiếc đĩa vàng và một đĩa bạc (năm 1963, khi làm thủy lợi ở sông Cửu An, đội thủy lợi đã thấy số hiện vật trên nằm dưới đáy giếng trước của đền. Một chiếc có dòng chữ Hán “Thụy Minh công chúa – Kim phụ lai bút tinh công chúa” nghĩa là “Vàng bạc của cha ban cho con là Thụy Minh công chúa”). Không may lâm bệnh, Thụy Minh công chúa qua đời. Bà Chúa Mụa đau khổ đã xin về tu tại gia (làng Mụa). Chúa Trịnh cảm thông trước sự mất mát đó đã cho khai nhánh sông đi qua làng Mụa để chuyên chở vật liệu về xây dựng đền thờ và tháp cửu phẩm. Công trình tiến hành trong ba năm mới hoàn thành. Theo tục truyền: Với công lao và đức hạnh của bà, chúa Trịnh đã cho hàng trăm thợ giỏi về xây dựng đền tháp và tạc tượng bà ngay khi còn sống nên được gọi là “Sinh từ”. Tương truyền Bà Chúa Mụa là người nhân từ, đức hạnh; ngay khi ở phủ Chúa, hàng năm bà thường về thăm quê ban lộc cho những người nghèo, bỏ công đức tu bổ đình chùa. Năm 40 tuổi, bà dời phủ về quê, sống trong tình thương yêu của dân làng. Những năm tháng này, bà lại giúp dân tiền của để khai sông ngòi mở rộng diện tích cấy trồng, giúp đỡ những người nghèo khó, đời sống nhân dân đỡ vất vả. Bà qua đời ngày 5 tháng Giêng (âm lich) năm 1648. Từ đó cứ vào ngày 5 tháng Giêng hàng năm, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội tưởng niệm bà Chúa Mụa. Đào Quang Tuyến - Danh nhân Hưng Yên tháng 12-2006