Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng Sáu và sáu tháng đầu năm 2024

Đăng ngày 04 - 07 - 2024
Lượt xem: 188
100%

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 đang ổn định sau nhiều năm chịu những cú sốc lớn, hầu hết các nền kinh tế lớn đã giảm lạm phát mà không làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, lãi suất cao trong thời gian dài, khó khăn về nợ và rủi ro địa chính trị leo thang sẽ tiếp tục thách thức tăng trưởng bền vững của nền kinh tế toàn cầu. Các sự kiện ở Biển Đỏ và xung đột ở U-crai-na tiếp tục kéo dài đã tạo ra cú sốc bất lợi mới về nguồn cung, làm tăng chi phí vận tải và có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của xuất khẩu, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất trong nước.

Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp: xuất nhập khẩu hồi phục còn chậm; tỷ giá, giá nguyên nhiên vật liệu tăng; thị trường tài chính, bất động sản chưa hồi phục; sức mua thấp. Tuy nhiên, môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện đáng kể, cùng những chính sách ưu đãi nhằm thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước đã giúp Hưng Yên đón nhận các nguồn vốn đầu tư lớn, tạo động lực thúc đẩy tăng trường kinh tế. Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh mặc dù không đạt như kỳ vọng, tuy nhiên vẫn đạt nhiều kết quả khá tích cực.

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 6,81% so với cùng kỳ năm 2023, duy trì mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước (quý I sơ bộ tăng 6,31%, quý II ước tăng 7,27%), trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,70% (đóng góp 0,25 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế chung của cả tỉnh); công nghiệp và xây dựng tăng 8,60% (đóng góp 5,21 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế chung của cả tỉnh); khu vực thương mại, dịch vụ tăng 3,06% (đóng góp 0,73 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế chung của cả tỉnh); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9,84% (đóng góp 0,63 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế chung của cả tỉnh). Như vậy, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh mặc dù không cao nhưng vẫn duy trì mức khá ổn định so với 6 tháng các năm gần đây (6 tháng năm 2020 tăng 6,48%; năm 2021 tăng 6,7%; năm 2022 tăng 8,13%; năm 2023 tăng 8,52%). Đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh trong 6 tháng đầu năm chủ yếu đến từ khu vực công nghiệp và xây dựng, đóng góp tới 76,40% tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh.

So với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng thì Hưng Yên xếp thứ 8/11 tỉnh, thành phố và xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Tăng trưởng một số tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng như sau: Hà Nam tăng 10,35%; Hải Phòng tăng 10,32%; Hải Dương tăng 10,0%; Quảng Ninh tăng 9,02%; Nam Định tăng 8,56%; Thái Bình tăng 7,96%; Vĩnh Phúc tăng 6,26%; Bắc Ninh tăng 2,32%;... 

 Sản xuất nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, không có dịch bệnh xảy ra đối với cây trồng và vật nuôi. Năng suất của hầu hết các loại cây trồng đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, diện tích gieo trồng các loại cây hằng năm 6 tháng đầu năm có giảm nhưng giảm ít hơn so với những năm gần đây. Do vậy, tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt khá, trong đó đóng góp chủ yếu là từ ngành chăn nuôi, cây ăn quả và thủy sản.

Sản xuất công nghiệp và xây dựng trong 6 tháng đầu năm có nhiều thuận lợi hơn so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp công nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng khá, một số ngành có mức tăng trưởng tốt và đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của tỉnh như: sản xuất kim loại (tăng 8,48%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (tăng 23,70%); sản xuất sản phẩm điện tử (tăng 35,73%); sản xuất thiết bị điện (tăng 16,93%); sản xuất xe có động cơ, rơ moóc (tăng 11,48%);... Tuy nhiên, một số ngành chiếm tỷ trọng lớn, mang tính đặc thù của tỉnh do cắt giảm đơn hàng nên có tăng trưởng giảm so với cùng kỳ năm trước, như: sản xuất chế biến thực phẩm (thức ăn gia súc, gia cầm,...) giảm 5,74%; sản xuất da và các sản phẩm từ da (giày, dép,...) giảm 12,38%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic chỉ tăng 0,20%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim (gạch, bê tông,...) giảm 4,78%;...

Hoạt động xây dựng tăng trưởng tốt (tăng 18,58%) nhờ hoạt động xây dựng nhà các loại tăng khá, trong đó tăng chủ yếu từ khu đô thị Vinhomes Ocean Park Hưng Yên, dự án Khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang (Ecopark). Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng các công trình kỹ thuật dân dụng chủ yếu sử dụng vốn ngân sách nhà nước đã được các cấp, các ngành quan tâm đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư, các công trình trọng điểm xây dựng đường giao thông, công trình thủy lợi, công trình kiên cố hoá trường học,... đã có tiến độ thi công và giá trị thực hiện lớn cũng góp phần làm ngành xây dựng tăng trưởng mạnh.

Khu vực dịch vụ có tăng trưởng thấp hơn nhiều so với 6 tháng đầu năm 2023 (6 tháng đầu năm 2023, khu vực dịch vụ tăng trưởng 21,62%), nguyên nhân chủ yếu là do Công ty cổ phần Vinhomes tại Hưng Yên và Khu đô thị Ecopark ghi nhận doanh thu 6 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ năm trước đã tác động làm tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản 6 tháng giảm 11,48%. Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ khác cũng chỉ có doanh thu ổn định, chưa có nhiều đột phá.

2. Nông nghiệp và thủy sản

a) Trồng trọt

Cây hằng năm: những năm gần đây, do thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên diện tích gieo trồng cây hằng năm liên tục giảm qua các năm. Diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ Đông Xuân năm 2024 trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục giảm tuy nhiên mức độ giảm đã được thu hẹp nhiều. Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ Đông Xuân toàn tỉnh đạt 37.513 ha, giảm 1,84% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, diện tích gieo trồng lúa 24.633 ha, giảm 2,77%, tương đương giảm 702 ha. Một số địa phương có diện tích lúa giảm mạnh như: huyện Yên Mỹ (giảm 204 ha); huyện Phù Cừ (giảm 148 ha); thị xã Mỹ Hào (giảm 100 ha); huyện Ân Thi (giảm 76 ha);... Diện tích gieo một số cây hằng năm khác như: ngô 2.252 ha, giảm 0,43% so với cùng kỳ năm 2023; cây lấy củ có chất bột 430 ha, giảm 1,76%; cây có hạt chứa dầu 728 ha, giảm 6,98%; cây rau, đậu, hoa các loại 8.425 ha, giảm 0,39%;...

Vụ Đông Xuân năm nay, sản xuất nông nghiệp có nhiều thuận lợi. Ước tính năng suất một số cây hằng năm như sau: lúa 67,55 tạ/ha, tăng 0,06% so với cùng kỳ năm trước; ngô 60,42 tạ/ha, tăng 3,44%; đậu tương 18,94 tạ/ha, giảm 0,79%; rau các loại đạt 258,84 tạ/ha, tăng 0,92%;... Sản lượng lúa ước đạt 166.394 tấn, giảm 2,71%; ngô 13.607 tấn, tăng 3,0%; đậu tương đạt 672 tấn, tăng 4,65%; rau các loại đạt 193.956 tấn, tăng 0,69%;...

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa vụ Mùa. Đến ngày 25/6/2024, toàn tỉnh đã làm đất lần 1 đạt 22.448 ha; diện tích đã làm đất lần 2 đạt 12.593 ha; diện tích gieo mạ 1.763 ha; diện tích gieo, cấy 2.580 ha (đạt 11% kế hoạch), trong đó: cấy tay 1.182 ha, cấy máy 90 ha, gieo thẳng 1.308 ha. Các địa phương tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động tối đa phương tiện, máy móc để gieo, cấy lúa vụ Mùa, không để tình trạng “mạ chờ ruộng, ruộng chờ mạ”, phấn đấu hoàn thành kế hoạch gieo cấy xong trước ngày 15/7/2024.

Cây lâu năm: tình hình sản xuất cây lâu năm cơ bản ổn định. Tổng diện tích cây lâu hiện có khoảng 15.829 ha. Trong đó, diện tích cây ăn quả 14.761 ha (chiếm 93,25% tổng diện tích), giảm 0,49%, tương ứng giảm 73 ha so với cùng kỳ năm trước. Ước tính diện tích trồng một số cây ăn quả chủ yếu như sau: cây chuối 2.625 ha, giảm 1,63% (giảm 43 ha); cây ổi 897 ha, giảm 3,26% (giảm 30 ha); cây cam 1.769 ha, giảm 6,19% (giảm 117 ha); cây đu đủ 241 ha, tăng 2,57% (tăng 6,0 ha); cây bưởi 2.141 ha, tăng 1,80% (tăng 38 ha); cây nhãn 4.900 ha, tăng 0,57% (tăng 28 ha); cây vải 1.313 ha, tăng 1,79% (tăng 23 ha). Ước tính sản lượng một số loại cây trồng chủ yếu như sau: chuối 51.785 tấn, tăng 0,32%; ổi 11.399 tấn, giảm 1,05%; đu đủ 3.060 tấn, tăng 4,65%; cam 20.890 tấn, giảm 2,12%; táo 4.320 tấn, tăng 2,86%; cây quất cảnh 2.720 nghìn cây, giảm 1,02%.

b) Chăn nuôi

Tình hình chăn nuôi cơ bản ổn định, công tác tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của tỉnh được triển khai thường xuyên, đồng bộ và kịp thời nên không có địa phương nào xảy ra dịch bệnh nguy hiểm.

Ước tính tại thời điểm 01/7/2024, đàn gia súc, gia cầm của tỉnh như sau: đàn trâu 4.455 con, tăng 3,97% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò 31.014 con, giảm 0,57%; đàn lợn 500.523 con, giảm 0,93%; đàn gia cầm 8.931 nghìn con, giảm 5,27%.

Ước tính sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong 6 tháng đầu năm như sau: thịt trâu 258 tấn, tăng 4,88%; thịt bò 2.085 tấn, tăng 5,62%; thịt lợn 54.308 tấn, tăng 6,44%; thịt gia cầm 22.669 tấn, tăng 4,40%.

c) Nuôi trồng thuỷ sản

Ước tính 6 tháng đầu năm 2024, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 4.512 ha, giảm 3,65% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 27.797 tấn, tăng 3,02%, trong đó: sản lượng cá 27.365 tấn, tăng 3,05%; tôm 154 tấn, tăng 14,50%; thủy sản khác 278 tấn, giảm 4,60%.

Hoạt động khai thác thủy sản tiếp tục duy trì ở quy mô rất nhỏ (chủ yếu hộ gia đình), chỉ chiếm khoảng 0,98% tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh và có xu hướng giảm dần. Ước tính sản lượng thủy sản khai thác của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 276 tấn, giảm 3,16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: sản lượng cá 216 tấn, giảm 2,36%; tôm 15 tấn, giảm 6,25%; thủy sản khác 46 tấn, giảm 5,80%.

3. Sản xuất công nghiệp và xây dựng

a) Chỉ số sản xuất công nghiệp

Sáu tháng đầu năm 2024, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện đáng kể; các khu, cụm công nghiệp được triển khai và đi vào hoạt động là những điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn thách thức, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động do ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia. Kết quả cụ thể như sau:

So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Sáu giảm 6,97%, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 7,16%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,12%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 4,81%. Nhiều sản phẩm trong tháng có sản lượng sản xuất giảm so với tháng trước như: thức ăn cho gia cầm giảm 1,67%; sản phẩm bằng plastic giảm 40,85%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm giảm 5,43%; sắt, thép không hợp kim dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác giảm 1,28%; thanh, que thép không gỉ, mới được gia công tạo hình nguội hoặc gia công kết nguội giảm 8,12%; góc, khuôn, hình bằng sắt, thép đã được hàn giảm 6,54%; ống và đường ống bằng sắt, thép không nối khác giảm 33,34%; mạch điện tử tích hợp giảm 10,29%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi giảm 2,67%; xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa có tổng trọng tải tối đa > 5 tấn và < 20 tấn giảm 75,47%;... Tuy nhiên, một số sản phẩm vẫn duy trì được sản lượng tăng khá so với tháng trước như: sơn và véc ni, tan trong môi trường nước tăng 26,22%; thanh, que thép không gỉ khác tăng 17,45%; ống và ống dẫn bằng đồng tăng 4,37%; động cơ đa năng một chiều/xoay chiều có công suất >37.5 W tăng 8,62%; máy điều hòa không khí tăng 12,5%; máy phát điện xoay chiều (máy giao điện) tăng 14,27%;...

So với tháng cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Sáu tăng 14,61%, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,41%; sản xuất và phân phối điện tăng 16,35%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 20,55%. Trong đó, một số sản phẩm có sản lượng sản xuất tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: quần áo các loại tăng 7,01%; gỗ ốp lát công nghiệp tăng 5,58%; bê tông trộn sẵn (trừ bê tông tươi) tăng 21,10%; sắt, thép không hợp kim dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác tăng 56,20%; thiết bị dùng cho dàn giáo, ván khuôn, vật chống hoặc cột trụ chống hầm lò bằng sắt, thép, nhôm tăng 18,14%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi tăng 343,56%; động cơ đa năng một chiều/xoay chiều có công suất >37.5 W tăng 18,11%; máy điều hòa không khí tăng 28,57%; tủ lạnh dung tích dưới 800 lít tăng 36,11%;.. Bên cạnh đó, một số sản phẩm có sản lượng sản xuất giảm như: thức ăn gia súc giảm 2,77%; thức ăn cho gia cầm giảm 1,72%; sơn và véc ni, tan trong môi trường nước giảm 7,89%; sản phẩm bằng plastic giảm 29,10%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm giảm 43,73%; sản phẩm vệ sinh gắn cố định bằng gốm sứ giảm 21,23%; mạch điện tử tích hợp giảm 37,21%; xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa có tổng trọng tải tối đa > 5 tấn và < 20 tấn giảm 16,67%;…

Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,13% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,28%; sản xuất, phân phối điện tăng 12,04%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 5,51%.

Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp trong 6 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước như: quần áo các loại tăng 6,0%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) tăng 13,0%; bao bì bằng plastic tăng 5,90%; sản phẩm bằng plastic các loại tăng 6,0%; sắt thép các loại tăng 5,0%; mạch điện tử tích hợp, mạch in khác tăng 45,50%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi (vd: CD, DVD,…) tăng 26,35%; dây dẫn điện các loại tăng 8,23%; máy giặt loại dùng cho hiệu giặt là quần áo với sức chứa > 10 kg vải khô một lần giặt tăng 19,58%;... Các sản phẩm có sản lượng sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước như: thức ăn cho gia súc giảm 11,0%; thức ăn cho gia cầm giảm 14,0%; rượu Vodka và rượu Cô nhắc giảm 25,0%; giày, dép các loại giảm 9,0%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm giảm 32,66%;...

b) Hoạt động xây dựng

Sáu tháng đầu năm 2024, mặc dù giá nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho xây dựng vẫn tăng cao cũng như nguồn cung cấp vật liệu san lấp đang gặp khó khăn, song hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng khá cao. Giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh ước đạt 11.963 tỷ đồng, tăng 19,76% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: xây dựng nhà các loại 8.685  tỷ đồng, tăng 12,21%; xây dựng các công trình kỹ thuật dân dụng 2.528 tỷ đồng, tăng 61,93%; xây dựng chuyên dụng 749 tỷ đồng, tăng 9,0%. Có được kết quả này là do xây dựng các công trình giao thông, xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, khu đô thị tại các huyện/thị xã/thành phố trên địa bàn tỉnh. Điển hình là: khu đô thị Vinhomes Ocean Park Hưng Yên, dự án Khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang (Ecopark); Dự án đường Vành đai IV qua địa phận Hưng Yên với chiều dài 19,3 km; Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên; dự án đường Tân Phúc - Võng Phan; Dự án đường trục ngang kết nối QL.39 (Km22+550) với ĐT.376; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Thăng Long II mở rộng (giai đoạn 3); Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Yên Mỹ II mở rộng; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN sạch; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN số 3;...

4. Hoạt động đầu tư và phát triển doanh nghiệp

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 ước tính thực hiện đạt 31.878 tỷ đồng, tăng 11,45% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo nguồn vốn, khu vực vốn nhà nước 5.116 tỷ đồng, giảm 10,35%; khu vực vốn ngoài nhà nước 21.580 tỷ đồng, tăng 11,64%; khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 5.182 tỷ đồng, tăng 45,28%. Phân theo ngành kinh tế, vốn đầu tư phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 188 tỷ đồng, giảm 68,94%; công nghiệp và xây dựng 5.403 tỷ đồng, giảm 56,36%; thương mại, dịch vụ 26.287 tỷ đồng, tăng 68,33% so với cùng kỳ năm 2023. Phân theo khoản mục đầu tư, tổng vốn đầu tư sử dụng cho xây dựng cơ bản 26.208 tỷ đồng, chiếm 82,21% trong tổng vốn và tăng 9,07% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất không qua xây dựng cơ bản 4.396 tỷ đồng (chiếm 13,79%), tăng 34,10%; vốn đầu tư sửa chữa lớn và nâng cấp sản cố định 870 tỷ đồng (chiếm 2,73%), giảm 7,37%; vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động 383 tỷ đồng (chiếm 1,20%), tăng 11,97%; vốn đầu tư khác 20 tỷ đồng (chiếm 0,06%), tăng 33,05%.

Hoạt động đầu tư nước ngoài: tính đến 20/6/2024, toàn tỉnh có 578 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 7.576,76 triệu USD, trong đó từ đầu năm đến nay có 32 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký là 544,29 triệu USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: Thứ nhất là Nhật Bản có 176 dự án, vốn đăng ký là 3.862,46 triệu USD, chiếm 50,98% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Hàn Quốc có 154 dự án, vốn đăng ký 900,21 triệu USD, chiếm 11,88% tổng vốn đăng ký; thứ ba là Trung Quốc có 151 dự án, vốn đăng ký 1.175,82 triệu USD, chiếm 15,52% tổng số vốn đăng ký.

Về phát triển doanh nghiệp

Tính từ ngày 22/5/2024 đến ngày 21/6/2024, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 91 doanh nghiệp, vốn đầu tư đăng ký 2.032 tỷ đồng. Lũy kế từ ngày 22/12/2023 đến ngày 21/6/2024, toàn tỉnh có 883 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, vốn đầu tư đăng ký đạt 9.448 tỷ đồng. Trong đó: ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhiều nhất, với 359 doanh nghiệp, vốn đăng ký đạt 1.817 tỷ đồng (chiếm 19,23% tổng vốn đăng ký); công nghiệp chế biến, chế tạo 186 doanh nghiệp, vốn đăng ký đạt 3.413 tỷ đồng (chiếm 36,12%); xây dựng 69 doanh nghiệp, vốn đăng ký 687 tỷ đồng (chiếm 7,27%);  hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ 49 doanh nghiệp, vốn đăng ký 292 tỷ đồng (chiếm 3,09%); hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ 40 doanh nghiệp, vốn đăng ký 183 tỷ đồng (chiếm 1,94%);...

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng Sáu (tính từ ngày 22/5/2024 đến ngày 21/6/2024) là 20 doanh nghiệp. Lũy kế từ ngày 22/12/2023 đến ngày 21/6/2024, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sau thời gian tạm ngừng là 198 doanh nghiệp.

Cũng từ ngày 22/5/2024 đến ngày 21/6/2024, số doanh nghiệp giải thể là 29 doanh nghiệp, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 11 doanh nghiệp. Lũy kế từ ngày 22/12/2023 đến ngày 21/6/2024, toàn tỉnh có 117 doanh nghiệp giải thể và 508 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có 29 doanh nghiệp giải thể và 138 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, lần lượt chiếm 24,79% tổng số doanh nghiệp giải thể và chiếm 27,17% tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; ngành bán buôn, bán lẻ có 39 doanh nghiệp giải thể và 178 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chiếm 33,33% và 35,04%; kinh doanh bất động sản có 10 doanh nghiệp giải thể và 20 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm 8,55% và 3,94%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ có 5 doanh nghiệp giải thể và 32 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chiếm 4,27% và 6,30%;...

5. Thương mại, dịch vụ và giá cả

a) Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Sáu ước tính đạt 8.876 tỷ đồng, tăng 0,68% so với tháng trước và giảm 4,99% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh ước đạt 51.742 tỷ đồng, giảm 3,48% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng và doanh thu dịch vụ giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là do Công ty Cổ phần Vinhomes Chi nhánh Hưng Yên và khu đô thị Ecopark ghi nhận doanh thu 6 tháng đầu năm đạt thấp. Cụ thể như sau:

Đối với bán lẻ hàng hóa: doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng Sáu ước đạt 2.878 tỷ đồng (chiếm 32,42% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng), tăng 2,88% so với tháng trước và tăng 6,81% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 5 nhóm có mức giảm so với cùng kỳ gồm: lương thực, thực phẩm giảm 1,62%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình giảm 4,96%; vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 13,15%; phương tiện đi lại (trừ ô tô con, kể cả phụ tùng) giảm 5,50%; hàng hóa khác giảm 18,28%. Các nhóm ngành khác đều tăng, một số nhóm tăng cao như: Ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 52,89%; xăng, dầu các loại tăng 75,29%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 53,03%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) tăng 11,24%;...

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 16.504 tỷ đồng, tăng 7,87% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng có doanh thu tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: xăng, dầu các loại tăng 73,80%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 39,16%. Phần lớn các nhóm hàng còn lại có doanh thu giảm hoặc tăng không đáng kể, như: lương thực, thực phẩm giảm 1,78%; hàng may mặc giảm 3,79%; vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 21,30%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 2,63%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 3,34%; phương tiện đi lại (trừ ô tô con, kể cả phụ tùng) giảm 6,96%;...

Đối với dịch vụ lưu trú và ăn uống có doanh thu tháng Sáu ước đạt 248 tỷ đồng, tăng 0,56% so với tháng trước và tăng 3,79% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ lưu trú 12 tỷ đồng, tăng 0,78% so với tháng trước và tăng 24,81% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống 236 tỷ đồng, tăng 0,55% so với tháng trước và tăng 2,92% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 1.451 tỷ đồng, tăng 0,96% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ lưu trú 61 tỷ đồng, tăng 5,14%; dịch vụ ăn uống 1.390 tỷ đồng, tăng 0,79%.

Đối với doanh thu dịch vụ du lịch, lữ hành tháng Sáu ước đạt 7 tỷ đồng, tăng 5,92% so với tháng trước và tăng 68,58% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu dịch vụ du lịch, lữ hành ước đạt 34 tỷ đồng, tăng 98,23% so với cùng kỳ năm trước. Các chi phí về đi lại (vé máy bay, thuê xe ô tô,...), ngủ nghỉ tại các điểm du lịch đều tăng mạnh, dẫn tới doanh thu dịch vụ du lịch tăng mạnh so với cùng kỳ.

Đối với doanh thu dịch vụ khác tháng Sáu ước đạt 5.743 tỷ đồng, giảm 0,39% so với tháng trước và giảm 10,34% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 33.752 tỷ đồng, giảm 8,42% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do ngành kinh doanh bất động sản (chiếm tới 91,93% doanh thu dịch vụ khác) ghi nhận doanh thu giảm mạnh so với cùng kỳ, chủ yếu ảnh hưởng bởi 2 doanh nghiệp trọng điểm trong ngành bất động sản hoạt động trên địa bàn tỉnh Hưng Yên là Công ty Cổ phần Vinhomes - Chi nhánh Hưng Yên và Công ty CP Tập đoàn Ecopark có doanh thu giảm mạnh so với cùng kỳ. Tuy nhiên, một số ngành dịch vụ khác vẫn duy trì mức tăng doanh thu khá cao so với cùng kỳ năm trước như: dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 33,70%; dịch vụ y tế và trợ giúp xã hội tăng 17,54%; nghệ thuật vui chơi, giải trí tăng 17,89%; dịch vụ khác tăng 12,08%.

b) Chỉ số giá tiêu dùng, vàng, đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng: so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Sáu tăng 0,32%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 6 nhóm có chỉ số giá tăng so với tháng trước, cụ thể: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,37%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,06%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,55%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,07%; giáo dục tăng 0,05%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,19%. Ba nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước là: giao thông giảm 2,57%; bưu chính viễn thông giảm 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,17%. Hai nhóm dịch vụ có chỉ số giá ổn định so với tháng trước là đồ uống và thuốc lá; thuốc và dịch vụ y tế.

So với tháng cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2024 tăng 7,24%. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 7,80% (lương thực tăng 23,08%; thực phẩm tăng 5,24%; ăn uống ngoài gia đình tăng 8,34%); đồ uống và thuốc lá tăng 3,04%; hàng may mặc, mũ nón, giày, dép tăng 6,69%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 14,44%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,11%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 15,05%; dịch vụ giao thông giảm 0,85%; dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 2,91%; giáo dục tăng 3,81%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,97%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,98%.

Bình quân chung sáu tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,58% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 10 nhóm có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ, cụ thể: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 6,01%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,82%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 5,99%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 13,13%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,91%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 15,06%; giao thông tăng 0,15%; giáo dục tăng 3,74%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,53%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,49%. Riêng nhóm bưu chính, viễn thông có chỉ số giảm là 2,89%.

Chỉ số giá vàng: sau một thời gian dài vàng tăng giá mạnh thì bước sang tháng 6, giá vàng có dấu hiệu ổn định và hạ nhiệt hơn do cơn sốt đầu tư vàng của các nhà đầu tư dần ổn định. Bên cạnh đó, việc Chính phủ cho phép các Ngân hàng thương mại nhà nước được phép bán vàng miếng SJC đã giúp bình ổn thị trường mua bán vàng. Tháng 6/2024, chỉ số giá vàng giảm 0,73% so với tháng trước, giá vàng bình quân khoảng 7.394.000 VNĐ/1 chỉ.

Chỉ số giá đô la Mỹ: trong tháng 6/2024, giá đồng USD giảm nhẹ so với tháng trước - giảm 0,01%. Bình quân tháng 6/2024, giá 1 USD xấp xỉ 25.465 VNĐ.

6. Hoạt động vận tải

Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng Sáu ước đạt 550 tỷ đồng, giảm 0,03% so với tháng trước và tăng 6,69% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 3.301 tỷ đồng, tăng 8,22% so với cùng kỳ năm trước.

Vận tải hành khách: vận tải hành khách tháng Sáu ước đạt 1.553 nghìn lượt người vận chuyển và 88.201 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 0,11% về lượt người vận chuyển và 7,01% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 81 tỷ đồng, tăng 1,0%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024 vận tải hành khách ước đạt 9.097 nghìn lượt người vận chuyển và 516.699 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 3,49% về lượt người vận chuyển và 5,25% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 475 tỷ đồng, tăng 3,22%.

Vận tải hàng hóa: vận tải hàng hóa tháng Sáu ước đạt 2.818 nghìn tấn vận chuyển và 158.654 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 0,36% về tấn hàng hóa vận chuyển và 18,79% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 392 tỷ đồng, tăng 8,78%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, vận tải hàng hóa ước đạt 18.090 nghìn tấn vận chuyển và 888.381 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 6,21% về tấn hàng hóa vận chuyển và 11,64% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 2.359 tỷ đồng, tăng 9,73%.

Hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải có doanh thu trong tháng Sáu ước đạt 61 tỷ đồng, tăng 1,79% so với tháng trước và tăng 18,77% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 359 tỷ đồng, tăng 11,68% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu bưu chính, chuyển phát tháng Sáu ước đạt 16 tỷ đồng, tăng 1,91% so với tháng trước và giảm 31,51% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu bưu chính, chuyển phát ước đạt 108 tỷ đồng, giảm 9,18% so với cùng kỳ năm trước.

7. Hoạt động tài chính, ngân hàng

a) Thu ngân sách nhà nước

Thu ngân sách nhà nước tháng Sáu ước đạt 1.886 tỷ đồng, giảm 12,73% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: thu nội địa 1.498 tỷ đồng, giảm 20,71%; thu hải quan 388 tỷ đồng, tăng 42,80%. Một số khoản thu trong tháng dự tính như sau: thu từ doanh nghiệp nhà nước 12 tỷ đồng, giảm 2,83%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 88 tỷ đồng, giảm 37,82%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 477 tỷ đồng, giảm 60,71%; thuế thu nhập cá nhân 97 tỷ đồng, tăng 27,15%; thu phí, lệ phí 35 tỷ đồng, tăng 3,73%; các khoản thu về đất 675 tỷ đồng, tăng 104,82%

Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, thu ngân sách nhà nước ước đạt 21.445 tỷ đồng, tăng 39,83% so với cùng kỳ năm trước và đạt 65,34% kế hoạch năm. Trong đó: thu nội địa 19.300 tỷ đồng, tăng 41,35% và đạt 66,27% kế hoạch; thuế xuất nhập khẩu 2.145 tỷ đồng, tăng 27,51% và đạt 57,98% kế hoạch. Một số khoản thu nội địa so với cùng kỳ năm trước như sau: thu từ doanh nghiệp nhà nước 118 tỷ đồng, tăng 27,73%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 1.730 tỷ đồng, tăng 16,57%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 7.500 tỷ đồng, tăng 0,23%; thu phí, lệ phí 365 tỷ đồng, tăng 39,63%; thuế thu nhập cá nhân 980 tỷ đồng, tăng 30,33%; các khoản thu về đất 7.964 tỷ đồng, tăng 156,05%.

b) Chi ngân sách nhà nước

Tính từ ngày 01/01/2024 đến ngày 24/6/2024, chi ngân sách nhà nước địa phương đạt 12.274 tỷ đồng. Trong đó: chi đầu tư phát triển 8.742 tỷ đồng (bao gồm: chi chuyển từ năm 2023 sang năm 2024 là 5.566 tỷ đồng, chi của năm 2024 theo kế hoạch là 2.906 tỷ đồng); chi thường xuyên 3.532 tỷ đồng. Một số lĩnh vực chi thường xuyên như sau: chi sự nghiệp kinh tế 231 tỷ đồng; chi giáo dục, đào tạo 1.363 tỷ đồng; chi sự nghiệp y tế 383 tỷ đồng; chi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao 62 tỷ đồng; chi đảm bảo xã hội 318 tỷ đồng; chi quản lý hành chính 886 tỷ đồng.

c) Hoạt động ngân hàng

Ước tính tại thời điểm ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 145.187 tỷ đồng, tăng 4,20% so với thời điểm 31/12/2023. Trong đó: nguồn vốn huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 136.057 tỷ đồng, tăng 4,24% và chiếm 93,71% tổng nguồn vốn.

Tổng dư nợ đối với nền kinh tế ước tính đến thời điểm 30/6/2024 đạt 103.886 tỷ đồng, tăng 5,97% so với thời điểm 31/12/2023. Trong đó: dư nợ cho vay ngắn hạn 75.351 tỷ đồng, tăng 5,92%; dư nợ cho vay trung và dài hạn 28.535 tỷ đồng, tăng 6,10%. Dư nợ cho vay bằng nội tệ 100.541 tỷ đồng, tăng 6,40%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 3.345 tỷ đồng, giảm 5,64%.

Về chất lượng tín dụng: Nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 1.849 tỷ đồng (chiếm 1,78% tổng dư nợ), tăng 51,43% so với thời điểm 31/12/2023.

8. Một số hoạt động xã hội

a) Đời sống dân cư và đảm bảo an sinh xã hội

Sáu tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình hành động của Chính phủ, Quốc hội và tỉnh Hưng Yên, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, các chính sách về lao động, tiền lương, chính sách an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả, góp phần ổn định đời sống Nhân dân.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức thăm, tặng quà 138.771 lượt người có công, gia đình liệt sỹ, người cao tuổi, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng xã hội khác; tổng kinh phí dành cho hoạt động thăm, tặng quà trên 67 tỷ đồng. Tiếp nhận và xét duyệt trên 3.000 lượt hồ sơ giải quyết chế độ liên quan đến người có công và thân nhân người có công. Hướng dẫn thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng đúng, đủ, kịp thời cho trên 64 nghìn đối tượng, với tổng số tiền trên 170 tỷ đồng; thẩm định, chuyển 14 hồ sơ đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đề nghị tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội cấp tỉnh.

Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 và các hoạt động chăm lo cho trẻ em, trong đó: trao tặng 195 suất học bổng và xe đạp trị giá tương đương 310 triệu đồng; trao bảo trợ cho 50 trẻ em với kinh phí 50 triệu đồng; trao tặng quà cho 490 trẻ em, trị giá tương đương 136 triệu đồng; trao tặng 01 bộ thiết bị vui chơi cho 01 trường mầm non. Tổ chức 31 hội nghị tuyên truyền tới 10.380 lượt người về lĩnh vực bảo trợ xã hội, trẻ em, bình đẳng giới và phòng chống tệ nạn xã hội.

b) Lao động việc làm

Trong sáu tháng đầu năm 2024, tỉnh đã tổ chức được 22 phiên giao dịch việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh với 275 doanh nghiệp tham gia; số lao động được tư vấn, phỏng vấn trực tiếp là 6.300 lượt người, trong đó có 1.540 lao động được tuyển dụng trực tiếp tại sàn.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khoảng 26.000 người (đạt 38,5% kế hoạch năm, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023). Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 92,5%. Tổng số lao động được giải quyết việc làm 12.590 người (đạt 54,3% kế hoạch năm, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó xuất khẩu lao động là 1.815 người (đạt 52,6% kế hoạch năm, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023).

c) Hoạt động văn hóa, thể thao

Sáu tháng đầu năm 2024, các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, của tỉnh diễn ra sôi nổi trong toàn tỉnh. Tổ chức 02 Chương trình văn nghệ tại tỉnh: Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024), mừng Xuân Giáp Thìn 2024 và Chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 -07/5/2024); 01 lớp tập huấn biểu diễn nghệ thuật quần chúng; 14 cuộc văn nghệ cổ động tại cơ sở chào mừng các ngày lễ, ngày kỷ niệm; 04 buổi trình diễn di sản văn hóa phi vật thể (Hát văn, Chầu văn, Xẩm); 40 buổi xe ô tô tuyên truyền lưu động; tổ chức thành công Hội thi xe tuyên truyền lưu động chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (10/10 huyện, thị xã, thành phố tham gia); tham gia Hội thi tuyên truyền lưu động toàn quốc chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại tỉnh Điện Biên đạt 03 Huy chương (01 Huy chương Vàng, 02 Huy chương Bạc).

Thư viện tỉnh tổ chức 01 cuộc trưng bày, triển lãm sách, báo, tài liệu kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024), mừng Xuân Giáp Thìn 2024; tham gia trưng bày Hội báo Xuân Giáp Thìn do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức; tổ chức 10 cuộc tuyên truyền, giới thiệu sách, báo, tài liệu kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, địa phương trên Website Thư viện tỉnh; tuyên truyền, giới thiệu 35 lượt sách hay, sách mới trên Fanpage Facebook Thư viện tỉnh; tuyên truyền về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4; Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4; chủ trì, phối hợp tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 tại thị xã Mỹ Hào; tổ chức 01 buổi nói chuyện chuyên đề “Văn hóa đọc cho thanh thiếu niên - học sinh trong thời đại công nghệ số” tại trường THPT Trần Hưng Đạo, Tiên Lữ; phối hợp với Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tổ chức chương trình Hè vui đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách chắp cánh ước mơ cho em”.

Nhà hát Chèo biểu diễn 50 buổi (đạt 50% kế hoạch năm) phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa, giải trí của Nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức 384 buổi chiếu phim tại Rạp và lưu động (đạt 53% kế hoạch năm) phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu giải trí của Nhân dân.

Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm: tổ chức 02 cuộc trưng bày, triển lãm pano tranh cổ động, ảnh tư liệu về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hình ảnh quê hương Hưng Yên; trưng bày hình ảnh kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024); tổ chức các cuộc triển lãm tranh, ảnh về biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam.

Thể thao quần chúng: phong trào thể thao quần chúng ngày càng được quan tâm, tạo bước phát triển mạnh mẽ, sâu rộng về thể dục thể thao trong toàn xã hội. Các hình thức tập luyện thể thao ngày càng đa dạng, phong phú; trang thiết bị, dụng cụ tập luyện chất lượng, hiện đại; mô hình câu lạc bộ thể dục thể thao ngày càng phát triển; hệ thống giải thể thao từ tỉnh đến cơ sở được nâng lên và đổi mới, đáp ứng được nhu cầu tập luyện và thi đấu của mọi tầng lớp Nhân dân. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã tổ chức thành công 08 giải thể thao quần chúng cấp tỉnh.

Thể thao thành tích cao: tập trung huấn luyện 235 vận động viên ở 13 môn thể thao; thường xuyên đánh giá, thải loại và tuyển mới vận động viên; chuẩn bị tốt lực lượng vận động viên nhằm sẵn sàng tham gia thi đấu quốc gia, khu vực, quốc tế; xây dựng kế hoạch lực lượng vận động viên chuẩn bị cho Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026. Trong 6 tháng đầu năm, đoàn thể thao của tỉnh đã tổ chức tập huấn, tham gia thi đấu 08/42 giải quốc gia (đạt 19,5% kế hoạch), gồm: Muay, Karate, Pencak Silat, Wushu, Cử tạ, Boxing, Bóng chuyền nữ, Đua thuyền Rowing, đạt tổng số 42 huy chương các loại, trong đó: 7 HCV, 12 HCB, 23 HCĐ. Có 04 VĐV được tập trung vào các tuyến đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia, gồm: Đua thuyền Rowing và Pencak Silat.

d) Hoạt động y tế

Bệnh tay chân miệng: từ đầu năm đến ngày 21/6/2024, toàn tỉnh đã ghi nhận 100 ca mắc tay chân miệng, bệnh nhân được sàng lọc tại bệnh viện khi đến khám và điều trị, không có trường hợp tử vong.

Sốt xuất huyết Dengue: lũy kế từ đầu năm đến ngày 21/6/2024, toàn tỉnh ghi nhận tổng số 13 ca (Ân Thi 03, Kim Động 02, Khoái Châu 01, Mỹ Hào 01 ca, Văn Giang 01 ca, Yên Mỹ 02 ca, Văn Lâm 03), không có trường hợp tử vong. Không ghi nhận ổ dịch SXH trên địa bàn tỉnh.

Dịch Covid-19: lũy kế từ đầu năm đến ngày 21/6/2024, toàn tỉnh ghi nhận tổng số 86 ca mắc, không có trường hợp tử vong.

Tình hình một số bệnh truyền nhiễm khác:

+ Bệnh bạch hầu, đậu mùa khỉ: hiện tại toàn tỉnh chưa ghi nhận ca mắc.

+ Bệnh cúm mùa: toàn tỉnh chưa ghi nhận ca bệnh nhiễm cúm A H5N1 và H7N9, lũy kế số ca mắc cúm mùa từ đầu năm 2024 đến nay là 3.455 ca theo báo cáo của các địa phương trên phần mềm bệnh truyền nhiễm (TT54), các bệnh nhân được phát hiện tại các cơ sở y tế, không ghi nhận ca bệnh nặng hoặc tử vong.

e) Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

Từ ngày 16/5/2024 đến ngày 15/6/2024, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên phát hiện 9 vụ vi phạm môi trường, trong đó có 2 vụ về nước thải, 5 vụ về khai thác tài nguyên khoáng sản (cát) và 2 vụ về vệ sinh an toàn thực phẩm; đã xử lý 6 vụ với số tiền xử phạt 95 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024 (tính từ ngày 16/12/2023 - 15/6/2024), toàn tỉnh đã phát hiện 29 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 19 vụ với số tiền xử phạt là 265 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước, số vụ vi phạm môi trường giảm 117 vụ, giảm 80,14%; số vụ đã xử lý giảm 111 vụ, giảm 85,38%; số tiền xử phạt giảm 392 triệu đồng, giảm 59,67%. Nguyên nhân xử phạt chủ yếu về vi phạm quản lý chất thải nguy hại, xả thải vượt quá tiêu chuẩn, quy chuẩn ra môi trường; tiếp nhận chất thải rắn không đúng quy định; khai thác cát trái phép; không bảo đảm vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm;...

Từ ngày 15/5/2024 đến ngày 14/6/2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ cháy tại huyện Văn Lâm, không  có người chết, người bị thương do cháy. Trong 6 tháng đầu năm 2024 (lũy kế từ ngày 15/12/2023 - 14/6/2024), toàn tỉnh đã xảy ra 23 vụ cháy, không có vụ nổ, làm bị thương 2 người, không có người chết. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ cháy tăng 15 vụ, tăng 187,50%; số người bị thương tăng 1 người, tăng 100,0%.

f) An toàn giao thông

Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên, từ ngày 15/5/2024 đến 14/6/2024, toàn tỉnh xảy ra 44 vụ tai nạn giao thông, đều là tai nạn đường bộ, làm chết 13 người, làm bị thương 38 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn tăng 3 vụ, tăng 7,32%; số người chết tăng 2 người, tăng 18,18%; số người bị thương giảm 6 người, giảm 13,64%. Tính từ ngày 15/12/2023 đến hết ngày 14/6/2024, toàn tỉnh đã xảy ra 332 vụ tai nạn giao thông, làm chết 95 người, làm bị thương 323 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn tăng 91 vụ, tăng 37,76%; số người chết tăng 5 người, tăng 5,56%; số người bị thương tăng 163 người, tăng 101,88%./.

Tin liên quan

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng Năm và năm tháng đầu năm 2024(04/06/2024 1:34 CH)

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng Hai và hai tháng đầu năm 2024(12/03/2024 1:39 CH)

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng Một năm 2024(02/02/2024 7:14 SA)

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng 9 và 9 tháng năm 2023(03/10/2023 1:21 CH)

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng Năm và năm tháng đầu năm 2023(29/05/2023 7:00 SA)

Tin mới nhất

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng Năm và năm tháng đầu năm 2024(04/06/2024 1:34 CH)

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng Hai và hai tháng đầu năm 2024(12/03/2024 1:39 CH)

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng Một năm 2024(02/02/2024 7:14 SA)

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng 10 và 10 tháng năm 2023(02/11/2023 7:32 SA)

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng 9 và 9 tháng năm 2023(03/10/2023 1:21 CH)

°
98 người đang online