ĐINH GIA QUẾ (1825-1885)

Đăng ngày 07 - 08 - 2018
Lượt xem:
100%

Ngày 27/3/1883, quân Pháp do trung tá hải quân Henri Rivière chỉ huy từ Hà Nội theo sông Hồng hạ thành Nam Định rồi cho viên thiếu úy Trentimian đưa một toán bộ binh đi trên chiếc tàu nhẹ tới đánh thành Hưng Yên. Tuần phủ Nguyễn Đức Đạt, Án sát Tôn Thất Phiên không chống cự nổi bỏ thành chạy. Ngày 28/3, giặc chiếm thành không mất một viên đạn. Đinh Gia Quế đương giữ chức Chánh tuần huyện Đông Yên (Khoái Châu) phẫn nộ, bỏ về quê ở xã Thọ Bình (nay thuộc xã Tân Dân, huyện Khoái Châu) chiêu mộ nghĩa quân đánh Pháp. Để có danh nghĩa và gây dựng thanh thế, ông tự xưng là “Đổng Nguyên Nhung” giương cao lá cờ màu đỏ thêu bốn chữ “Bình Tây phạt tội”.

Văn chỉ Bình Dân, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên- nơi đây từng là đại

bản doanh của nghĩa quân Bãi Sậy (Bộ văn hóa xếp hạng di tích Lịch sử- Văn hóa năm 1962)

Đinh Gia Quế xuất thân từ một gia đình giàu có, làm Chánh tổng rồi thăng Chánh tuần huyện. Tính tình khẳng khái, ghét bọn hào lý, chủ điền hống hách áp bức nông dân, hễ có dịp là ông trị chúng nên được nhân dân quý mến. Khi nghe tin ông phất cao cờ nghĩa, nhân dân nô nức theo. Trai tráng ở phủ Khoái Châu, huyện Mỹ Hào, huyện Văn Giang kéo tới Thọ Bình tụ nghĩa; nghĩa quân vũ trang, tự túc lương thực rào làng chiến đấu, khi có lệnh mới tập trung đánh những trận lớn. Phụ nữ và những người già yếu không tham gia chiến đấu thì tự nguyện rào làng, đào công sự, xay giã, vận chuyện lương thực, canh gác, giao thông liên lạc. Nông dân còn quyên góp lương thực, đóng thuế cho nghĩa quân.

Nhiều gia đình cả cha con, anh em, vợ chồng đều tham gia nghĩa quân chiến đấu gan dạ, mưu lược được Đinh Gia Quế tặng câu đối:

 Lô đạo sơn hà tam xích kiếm

Công thành phu phụ nhất gia binh

Tạm dịch:

  Núi sông rạp đổ gươm ba thước

  Vợ chồng xông pha lính một nhà.

Trong số những người gia nhập nghĩa quân có những người trở thành tướng lĩnh xuất sắc như Đốc Sung, Đề Tính, Đề Ban, Đốc Cợp (có tài liệu viết là Cập, Cọp). Trong hàng ngũ nghĩa quân Đinh Gia Quế còn có những người xuất thân từ khoa bảng có uy tín như cử nhân Nguyễn Hữu Đức người làng Mễ Xá (thuộc huyện Ân Thi) cả ba cha con đều tham gia nghĩa quân. Nhiều hào lý cũng tự nguyện gia nhập nghĩa quân, hiến lương thực thực phẩm, tiền bạc để Đinh Gia Quế dùng vào việc quân như Chánh tổng Sài Văn Vận… Cờ nghĩa vừa phất lên thì các tướng lĩnh cửu triều đình không tuân lệnh Tự Đức bãi binh đều đến hội quân như Đề Ban, Đề Dần, Đốc Chính, nên lực lượng nghĩa quân ngày càng mạnh. Chính công sứ Miribel đã phải thú nhận “Tất cả những người nông dân ở vùng Bãi Sậy đều theo Đinh Gia Quế chống người Pháp”.

Đinh Gia Quế lấy vùng Bãi Sậy làm căn cứ. Bãi Sậy là một vùng rộng lớn mênh mông thuộc các huyện Khoái Châu, Văn Giang, một phần Yên Mỹ, một phần Mỹ Hào. Dưới thời Tự Đức đê Văn Giang vỡ 18 năm, nhân dân trong vùng vừa chết đói, vừa ly tán đi nơi khác, làng xóm, đồng ruộng phì nhiêu thành bãi lau sậy, có chỗ cao tới ba thước.

Đổng Quế xây dựng lại thôn Thọ Bình quê ông một cái đồn chu vi khoảng 5 mẫu có tường gạch vây quanh và một số nhà kho, trường tập bắn, luyện võ nghệ. Xung quanh đồn có nhiều hầm hố và giao thông hào tỏa rộng ra khắp nơi để giúp nghĩa quân có thể ẩn nấp mỗi khi tấn công, phòng ngự bảo vệ căn cứ. Còn đại bộ phận nghĩa quân do tướng chỉ huy vẫn đóng rải rác khắp các làng trong vùng Bãi Sậy.

Nguyễn Thiện Thuận khi đó là Tán tương quân vụ Sơn Tây được lệnh triều đình đi chiêu mộ dân binh đánh Pháp. Nhưng sau đó triều đình hòa nghị với Pháp và ra lệnh cho các đạo quân Bắc Kỳ “lập tức triệt binh, để tỏ ra điều tin đối với Đại Pháp”. Ông đã chống lệnh về Đông Triều mộ quân chống Pháp và nhiều lần tới Bãi Sậy liên hệ với Đổng Quế, từng dự lễ tế cờ khởi nghĩa Bãi Sậy.

Khi nghĩa quân bị quân Pháp uy hiếp, Nguyễn Thiện Thuật đã đưa quân về đóng ở Mỹ Hào để chi viện.

Nghĩa quân Bãi Sậy đã đánh nhiều trận lớn ở phủ Khoái Châu, Mỹ Hào, Văn Giang, Ân Thi, Tiên Lữ, khống chế đường số 5 Hà Nội – Hải Phòng.

Thiếu tướng Donnier thuộc lữ đoàn Négrier đưa quân về đánh Bãi Sậy. Vì không hiểu tình hình trong vùng lại không được nhân dân cung cấp tin tức và bị nghĩa quân dùng chiến thuật du kích chống lại, nên chúng bị thiệt hại nặng nề. Còn nghĩa quân ngày càng hoạt động mạnh hơn, luôn luôn tấn công các đồn bốt lẻ, phục kích các đoàn xe và các toán quân tuần liễu, thám báo của quân Pháp. Quân Pháp phải thú nhận rằng nghĩa quân vẫn thực sự cai quản cả làng. Còn bọn quan cai trị Pháp (ở phủ huyện) thì tỏ ra bất lực và hoảng sợ trước sự phát triển của nghĩa quân đều bỏ vào tỉnh lỵ. Phần đông các tổng lý có cảm tình hoặc ủng hộ quân khởi nghĩa. Năm 1884, tướng DeCourcy đích thân đem quân đến đánh nghĩa quân của Đổng Quế cũng không thu được kết quả.

Quân Pháp không tiêu diệt được nghĩa quân phải giao cho tên Việt gian Hoàng Cao Khải đi đàn áp nghĩa quân. Khải đã phối hợp với quân Pháp liên tục tấn công vào căn cứ Bãi Sậy. Nhưng vào tới nơi quân địch chỉ thấy lau sậy cùng mạng lưới giao thông chằng chịt khắp vùng không thấy một nghĩa quân nào. Đi tới đâu, chúng cũng bị nghĩa quân nấp kín trong các giao thông hào, bụi rậm, hầm hố bắn ra giết chết nhiều tên.

Thất bại, Hoàng Cao Khải phải rút quân về phủ lỵ Khoái Châu. Để đối phó với nghĩa quân, quân Pháp dựng nhiều đồn bốt trong tỉnh như Bần Yên Nhân, Ứng Lôi, Đình Cao, Bằng Ngang, Phó Nham, An Vĩ, Bình Phú, Lực Điền, Thổ Hoàng…

Mùa xuân năm 1885, Đổng Quế lâm bệnh nặng, quân Pháp lại mở nhiều trận càn quét lớn, đốt cháy nhiều vùng ở Bãi Sậy. Ông phải trốn đến làng Dương Trạch, phủ Khoái Châu và mất ở đó ngày 21 tháng 11 năm Ất Dậu (1885).

Phong trào kháng chiến Bãi Sậy lắng xuống cho tới cuối năm 1885, Nguyễn Thiện Thuận trực tiếp về chỉ huy nghĩa quân.

Tài liệu tham khảo:

- Cuộc chiến đấu của nghĩa quân Bãi Sậy – Lịch sử quân sự. Số 12, năm 1989.

- Chống xâm lăng – Trần Văn Giàu.

- Lịch sử 80 năm chống Pháp – Trần Huy Liệu chủ biên.

- Hưng Yên địa chí/Trịnh Như Tấu, 1934. – HH: Thư viện tỉnh, 1971.

- Minh  Thành – TC Nghiên cứu lịch sử số 112 tháng 5/1979.

Tin liên quan

DƯƠNG TỤ QUÁN (1901 – 1969)(08/08/2018 8:53 SA)

PHAN VĂN ÁI (1850 – 1898)(08/08/2018 8:35 SA)

NGÔ QUANG HUY (1835- 1889)(07/08/2018 3:53 CH)

NGUYỄN VĂN SAN (1808 - 1883)(07/08/2018 3:25 CH)

PHẠM SĨ ÁI (1806 - 1840)(07/08/2018 3:13 CH)

Tin mới nhất

DƯƠNG TỤ QUÁN (1901 – 1969)(08/08/2018 8:53 SA)

PHAN VĂN ÁI (1850 – 1898)(08/08/2018 8:35 SA)

NGUYỄN TUYỂN (1872 – 1909) (08/08/2018 8:42 SA)

NGÔ QUANG HUY (1835- 1889)(07/08/2018 3:53 CH)

NGUYỄN VĂN SAN (1808 - 1883)(07/08/2018 3:25 CH)

°
6 người đang online