03/06/2022 | lượt xem: 6 Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 Trong tháng qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã cơ bản được kiểm soát, các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội dần phục hồi trở lại, song các khó khăn, thách thức vẫn còn, cuộc xung đột giữa Nga và U-cờ-rai-na cũng đã tác động tiêu cực, giá xăng, dầu tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của Nhân dân. Cụ thể kết quả sản xuất ở các ngành, lĩnh vực như sau: 1. Nông nghiệp và thủy sản Nhiệm vụ trọng tâm sản xuất nông nghiệp trong tháng là tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đối với cây lúa, rau màu vụ xuân và cây ăn quả; đồng thời bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm. a) Trồng trọt Cây hàng năm: theo kết quả điều tra diện tích vụ Xuân năm 2022, toàn tỉnh gieo trồng được 33.241 ha các loại cây trồng hằng năm, giảm 3,60% (giảm 1.244 ha) so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: diện tích gieo cấy lúa đạt 27.096 ha, giảm 3,42% (giảm 960 ha); ngô 959 ha, giảm 11,0% (giảm 177 ha); đậu tương 187 ha, giảm 27,2% (giảm 70,17 ha); cây lạc 408 ha, tăng 2,65% (tăng 14,53 ha); rau các loại 3.365 ha, giảm 2,15% (giảm 581 ha). Từ khi kết thúc gieo trồng đến nay, thời tiết cơ bản thuận lợi nên lúa và rau màu sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện nay, lúa Xuân đang ở thời kỳ trổ bông, đông sữa. Đến ngày 25/5/2022, toàn tỉnh có 25.848 ha lúa trổ bông, đạt 95,39% diện tích. Đây là thời kỳ quan trọng quyết định đến năng suất và chất lượng bông lúa, tuy nhiên trên đồng ruộng xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại trên cây lúa như: bạc lá - đốm sọc vi khuẩn, rầy nâu - rầy lưng trắng,... Các cấp, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và xử lý kịp thời sâu bệnh gây hại trên cây trồng nhằm đảm bảo sản xuất thắng lợi vụ Xuân. Cây lâu năm: Tình hình sản xuất cây lâu năm của Hưng Yên cơ bản ổn định. Tổng diện tích hiện có cây lâu năm trên địa bàn tỉnh đạt 15.544 ha, chủ yếu là cây ăn quả (chiếm 94,06% diện tích). Diện tích trồng một số cây ăn quả chủ yếu như: cây chuối 2.721 ha, tăng 0,38% (tăng 10,19 ha); cây ổi 890 ha, tăng 21,94% (tăng 160,15 ha); cây cam 2.008 ha, giảm 7,45% (giảm 161,54 ha); cây đu đủ 229 ha, giảm 8,41% (giảm 21,02 ha); cây bưởi 1.996 ha, tăng 2,5% (tăng 48,68 ha); cây nhãn 4.751 ha, tăng 0,93% (tăng 43,82 ha); cây vải 1.206 ha, tăng 2,84% (tăng 33,25 ha). Thời tiết từ đầu năm đến nay cơ bản thuận lợi nên tỷ lệ đậu quả trên cây nhãn, vải và cây có múi đạt khoảng 60-70%. Người dân đang tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh,... tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, đảm bảo năng suất, chất lượng quả. b) Chăn nuôi Tình hình chăn nuôi phát triển khá ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhất là dịch tả lợn châu Phi. Đối với chăn nuôi lợn, giá bán sản phẩm chăn nuôi lợn bình quân từ 52.000 – 55.000 đồng/kg tạo tâm lý cho bà con yên tâm sản xuất và tái đàn. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao nên công tác tái đàn gặp nhiều khó khăn. Đối với chăn nuôi gia cầm, hiện nay đang đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với chăn nuôi các loại vật nuôi khác do thời gian thu sản phẩm nhanh, giá trị kinh tế cao nên nhiều hộ đã đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Đặc biệt là giống gà Đông Tảo tiếp tục được phát triển và mở rộng quy mô nuôi do đem lại giá trị kinh tế cao và nhu cầu tiêu thụ của thị trường ngày càng tăng. Tại thời điểm 01/5/2022, tổng đàn gia súc, gia cầm như sau: đàn lợn ước đạt 485.192 con, tăng 5,36%; đàn trâu ước đạt 4.935 con, tăng 22,52%; đàn bò ước đạt 30.195 con, giảm 4,22%; đàn gia cầm ước đạt 9.342 nghìn con, giảm 5,47% so với cùng thời điểm năm trước. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 5 tháng đầu năm ước đạt 188 tấn, tăng 3,30%; thịt bò hơi xuất chuồng 1.614 tấn, tăng 4,06%; thịt lợn hơi xuất 39.915 tấn, tăng 5,11%; sản lượng gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 250.012 tấn, tăng 4,13% so với cùng kỳ năm trước. Nội dung Báo cáo. Nguồn tin: thongkehungyen.gov.vn