28/12/2017 | lượt xem: 5 Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng 12 năm 2017 Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi chậm và chứa đựng nhiều rủi ro. Ở trong nước, nhiều trận bão, lũ lụt xảy ra gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản đối với nhiều địa phương; tình hình khó khăn trong sản xuất kinh doanh chưa được giải quyết triệt để, sức mua thị trường tăng thấp, khả năng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp chưa được cải thiện nhiều, tình hình chăn nuôi có nhiều biến động, giá thịt lợn hơi giảm mạnh đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và đời sống nhân dân. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh phát huy những thuận lợi, khắc phục những khó khăn, năm 2017, kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên đạt được kết quả chủ yếu sau: 1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 8,45% (KH cả năm 8,0%); 2. Tổng sản phẩm bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 49,27 triệu đồng; 3. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,54% (KH cả năm 9,0%); 4. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 31.120 tỷ đồng, tăng 10,24%; 5. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt 27.628 tỷ đồng, tăng 12,49%; 6. CPI bình quân 12 tháng tăng 3,72% so với cùng kỳ năm 2016; 7. Kim ngạch xuất khẩu đạt 3.679 triệu USD, tăng 15,02%; 8. Thu ngân sách đạt 12.004 tỷ đồng (đạt 112,71% KH năm), Tr. đó thu nội địa 8.500 tỷ đồng. I. Tình hình kinh tế 1. Tăng trưởng kinh tế Năm 2017, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh 2010 ước tính tăng 8,45% so với năm 2016 (KH cả năm 8,0%). Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây, cao hơn cả nước và là tỉnh có tốc độ tăng khá so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Trong mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,77% và đóng góp 0,21 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung; công nghiệp và xây dựng tăng 9,67% và đóng góp 4,93 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực thương nghiệp và dịch vụ tăng 7,68% và đóng góp 2,14 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, thuế sản phẩm tăng 12,79% và đóng góp 1,16 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Như vậy, bước sang năm nay, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá ổn định trên cả ba khu vực, tăng cao nhất là khu vực Công nghiệp, xây dựng vẫn tiếp tục trên đà phục hồi, số lượng doanh nghiệp mới đi vào sản xuất có đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng của khu vực này; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tuy gặp nhiều khó khăn do diện tích gieo trồng cây hàng năm giảm, giá thịt lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh song năng suất của một số loại cây trồng vẫn ổn định, sản lượng một số sản phẩm chăn nuôi khác (gia cầm) tăng nên ngành nông nghiệp vẫn có kết quả sản xuất tăng trưởng khá; khu vực thương mại, dịch vụ chưa có nhiều đột biến chủ yếu là hoạt động buôn bán nhỏ lẻ, hoạt động của các ngành hưởng từ ngân sách nhà nước. Năm 2017, tổng sản phẩm trong tỉnh theo giá hiện hành ước đạt 58.087 tỷ đồng, trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 10,93% về cơ cấu; công nghiệp và xây dựng chiếm 51,01% về cơ cấu; thương mại, dịch vụ chiếm 28,61% về cơ cấu. Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với mục tiêu kế hoạch đề ra, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm xuống và tăng cơ cấu nhóm ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, cơ cấu ngành thương mại, dịch vụ vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ và xu hướng chuyển dịch chậm. Hiện nay, hoạt động ngành thương mại, dịch vụ vẫn chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ và các ngành hưởng từ ngân sách nhà nước. 2. Sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản a. Trồng trọt Năm 2017, sản xuất nông nghiệp và thủy sản gặp khó khăn về thời tiết; sâu bệnh; giá thức ăn chăn nuôi, giá cả vật tư, phân bón ở mức cao; dịch bệnh luôn có nguy cơ bùng phát trên đàn gia súc, gia cầm; giá nông sản thấp; giá thịt lợn hơi giảm mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Với sự nỗ lực của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, các ngành, các địa phương đã quan tâm chỉ đạo tích cực, công tác trợ giúp cho sản xuất được tăng cường như: khuyến nông, bảo vệ thực vật, dịch vụ cây con giống, tưới tiêu nước... Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2017 theo giá so sánh 2010 ước đạt 10.631 tỷ đồng, tăng 1,27% so với năm trước. Trong đó: hoạt động trồng trọt đạt 4.962 tỷ đồng, giảm 0,14%; hoạt động chăn nuôi 5.513 tỷ đồng, tăng 2,50%; hoạt động dịch vụ nông nghiệp 156 tỷ đồng, tăng 3,58% so với năm 2016. Cây hàng năm: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm của toàn tỉnh đạt 97.845 ha, giảm 4.164 ha (tương ứng giảm 4,08%) so với năm 2016. Trong đó: Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân đạt 56.530 ha, giảm 3,04%; diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Mùa đạt 41.314 ha, giảm 5,47% so với năm 2016. Vụ Đông Xuân 2016-2017: Diện tích gieo trồng lúa 35.408 ha, giảm 1.715 ha, tương ứng giảm 4,62% so với cùng kỳ năm trước; diện tích gieo trồng ngô 6.243 ha, giảm 90 ha (giảm 1,42%); Diện tích gieo trồng cây có củ lấy chất bột 522 ha, tăng 41 ha (tăng 8,59%), trong đó: khoai lang 460 ha, tăng 34 ha (tăng 7,90%); diện tích gieo trồng cây công nghiệp hàng năm 1.801 ha, giảm 624 ha (giảm 25,73%), trong đó: đậu tương 1.071 ha, giảm 591 ha, tương ứng giảm 35,55%; diện tích gieo trồng rau, đậu, hoa, cây cảnh 11.574 ha, tăng 254 ha (tăng 2,24%); diện tích gieo trồng cây hàng năm khác đạt 982 ha, tăng 362 ha, tương đương tăng 58,40%. Năng suất một số cây trồng vụ Đông Xuân 2016 - 2017 như sau: Cây lúa đạt 65,85 tạ/ha, tăng 0,01 tạ/ha (tăng 0,02%) so với cùng kỳ năm trước; cây ngô 58,34 tạ/ha, giảm 0,71 tạ/ha (giảm 1,20%); cây khoai lang 148,27 tạ/ha, giảm 2,15 tạ/ha (giảm 1,43%); cây đậu tương 19,16 tạ/ha, giảm 0,02 tạ/ha (giảm 0,10%); rau các loại 238,08 tạ/ha, tăng 1,69 tạ/ha, tương đương tăng 0,71%. Sản lượng một số cây trồng: Lúa đông xuân đạt 233.168 tấn, giảm 11.261 tấn (giảm 4,61%); ngô 36.426 tấn, giảm 971 tấn (giảm 2,60%); khoai lang 6.825 tấn, tăng 408 tấn (tăng 6,36%); đậu tương 2.051 tấn, giảm 1.136 tấn (giảm 35,64%); rau các loại 228.572 tấn, tăng 9.132 tấn (tăng 4,16%). Vụ Mùa 2017: Diện tích gieo trồng lúa mùa đạt 34.965 ha, giảm 2.071 ha (giảm 5,59%) so với cùng kỳ năm 2016; diện tích gieo trồng ngô 1.583 ha, giảm 177 ha (giảm 10,04%); diện tích gieo trồng cây lấy củ có chất bột 68 ha, giảm 27 ha (giảm 28,35%), trong đó: khoai lang 53 ha, giảm 22 ha (giảm 29,59%); diện tích gieo trồng cây công nghiệp hàng năm 564 ha, giảm 168 ha (giảm 22,96%), trong đó: đậu tương 395 ha, giảm 131 ha (giảm 24,83%); diện tích gieo trồng rau, đậu, hoa, cây cảnh 3.895 ha, tăng 27,87 ha (tăng 0,72%). Năng suất một số cây trồng vụ Mùa như sau: Cây lúa đạt 53,03 tạ/ha, giảm 4,47 tạ/ha (giảm 7,77%) so với cùng kỳ năm 2016; cây ngô 59,86 tạ/ha, tăng 4,77 tạ/ha (tăng 8,66%); cây khoai lang 164,13 tạ/ha, tăng 24,91 tạ/ha (tăng 17,89%); cây đậu tương 23,25 tạ/ha, tăng 1,70 tạ/ha (tăng 7,89%); rau các loại 190,19 tạ/ha, tăng 6,80 tạ/ha (tăng 3,71%). Sơ bộ sản lượng một số cây hàng năm vụ Mùa: Lúa mùa 185.417 tấn, giảm 27.534 tấn (giảm 12,93%); ngô 9.474 tấn, giảm 218 tấn (giảm 2,25%); khoai lang 875 tấn, giảm 179 tấn (giảm 16,98%); đậu tương 919 tấn, giảm 214 tấn (giảm 18,89%); rau các loại 59.431 tấn, tăng 5.244 tấn (tăng 9,68%) so với cùng kỳ năm 2016. Cây lâu năm: Theo số liệu tổng hợp sơ bộ, diện tích cây lâu năm toàn tỉnh năm 2017 đạt 10.848 ha, tăng 1.396 ha (tương ứng tăng 14,77%) so với năm 2016. Trong đó, diện tích cây ăn quả 10.456 ha, tăng 1.318 ha (tương ứng tăng 14,43%). Diện tích gieo trồng một số cây ăn quả như sau: Cam 1.502 ha, giảm 21 ha (giảm 1,35%); nhãn 3.904 ha, tăng 350 ha (tăng 9,86%); vải 480 ha, tăng 45 ha (tăng 10,41%); chuối 2.159 ha, tăng 161 ha (tăng 8,08%). Năng suất một số cây ăn quả chủ yếu như sau: Cam 201,72 tạ/ha, tăng 17,90 tạ/ha (tăng 9,74%); nhãn 93,62 tạ/ha, giảm 22,63 tạ/ha (giảm 19,47%); vải 179,18 tạ/ha, tăng 40,60 tạ/ha (tăng 29,30%); chuối 229,14 tạ/ha, tăng 25,67 tạ/ha (tăng 12,62%). Sơ bộ sản lượng thu hoạch: Cam 28.276 tấn, tăng 2.115 tấn (tăng 8,08%); nhãn 30.727 tấn, giảm 5.442 tấn (giảm 15,05%); vải 7.585 tấn, tăng 1.882 tấn (tăng 33,0%); chuối 45.763 tấn, tăng 8.221 tấn (tăng 21,90%). Theo báo cáo tiến độ sản xuất ngày 20/12/2017, diện tích trồng rau màu vụ Đông toàn tỉnh là 12.880 ha; diện tích thu đạt 6.768 ha, trong đó: ngô 1.525 ha; bí các loại 1.290 ha; lạc, đậu tương 263 ha, dưa chuột 202 ha; dược liệu, hoa, cây cảnh 416 ha; rau màu các loại 3.072 ha. Tranh thủ thời tiết hanh khô, nông dân các địa phương trong tỉnh huy động tối đa máy móc để đẩy nhanh tiến độ cày ải, cày lật đất ở những diện tích không trồng cây vụ Đông nhằm để đất khô nỏ, hạn chế nguồn bệnh lây lan từ cỏ dại, lúa chét sang lúa vụ Xuân 2018. Diện tích đã cày ải đạt 19.110 ha, đạt 75% kế hoạch. b. Chăn nuôi Từ đầu năm đến nay, công tác tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của tỉnh được triển khai thường xuyên, đồng bộ và kịp thời nên không có địa phương nào xảy ra dịch bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng trên gia súc, bệnh tai xanh ở lợn. Một số ít gia súc, gia cầm bị mắc bệnh tụ huyết trùng, dịch tả song số lượng không nhiều và được xử lý kịp thời. Công tác kiểm soát chất lượng con giống, chất lượng thức ăn chăn nuôi, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y được thực hiện tốt. Kết quả điều tra chăn nuôi 01/10/2017 cho thấy: đàn trâu hiện có 2.708 con, tăng 1,96%; đàn bò 35.112 con, giảm 0,67%; đàn lợn 575.150 con, giảm 8,04%; đàn gia cầm 8.375 nghìn con, tăng 2,80%. Nguyên nhân khiến đàn lợn giảm mạnh là do giá thịt lợn hơi giảm sâu kỷ lục, dẫn tới người chăn nuôi có xu hướng giảm đàn. Hiện nay, chăn nuôi gia cầm do thời gian thu sản phẩm nhanh, hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ đã đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, trong đó giống gà Đông Tảo đang được mở rộng quy mô đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. c. Thủy sản Năm 2017, tình hình nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định. Tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 5.650 ha, tăng 18 ha hay tăng 0,31% so với năm 2016, diện tích nuôi trồng thuỷ sản đều là nuôi thâm canh và bán thâm canh. Toàn tỉnh có 39 cơ sở nuôi cá lồng, bè, tập trung ở thành phố Hưng Yên, Văn Giang, Khoái Châu với số lượng 235 lồng nuôi, thể tích 30.576 m3. Các bè nuôi cá đều nằm trên sông Hồng, tận dụng đặc điểm dòng nước sông sạch và luôn chảy nên mật độ cá nuôi rất dày và cho năng suất trên 1 đơn vị thể tích (m3) khá cao. Sản phẩm nuôi trồng chủ yếu là những giống cá trắm, chày, chép, rô phi, mè, trôi... Nghề khai thác thuỷ sản vẫn duy trì quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình, phương tiện đánh bắt đơn giản, khai thác tranh thủ theo mùa vụ nên sản lượng khai thác không nhiều. Sơ bộ tổng sản lượng thuỷ sản năm 2017 đạt 39.337 tấn, tăng 6,60% so với năm 2016, trong đó: sản lượng thuỷ sản nuôi trồng 38.632 tấn, sản lượng thuỷ sản khai thác 705 tấn. 3. Sản xuất công nghiệp Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Mười Hai tăng 10,62% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó: Công nghiệp khai khoáng tăng 10,57%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,37%; sản xuất và phân phối điện tăng 13,54%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 15,72%. Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng tăng so với cùng kỳ năm 2016 như: Mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 10,57%; thức ăn cho gia súc, gia cầm tăng 2,05%; thùng, hộp bằng giấy các loại tăng 17,08%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 10,55%; bao bì bằng chất dẻo các loại tăng 13,59%; sản phẩm bằng plastic còn lại chưa được phân vào đâu tăng 11,20%; sản phẩm vệ sinh gắn cố định bằng gốm sứ tăng 10,56%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) tăng 10,16%; mạch điện tử tích hợp tăng 10,72%; thiết bị điện tử khác tăng 22,45%; sợi quang và các bó sợi quang, cáp sợi quang (trừ loại được làm bằng sợi quang riêng rẽ) tăng 10,56%; dây điện đơn dạng cuộn tăng 10,52%; xe có động cơ dùng để vận tải hàng hoá tăng 10,59%; điện thương phẩm tăng 13,54%. Tính chung cả năm 2017, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,54% so với năm 2016. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng (cát) tăng 3,14%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,44%; sản xuất và phân phối điện tăng 12,16%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,75%. Một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2016 như: Mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 9,52%; thức ăn cho gia súc, gia cầm tăng 7,04%; quần áo các loại tăng 8,89%; thùng, hộp bằng giấy các loại tăng 11,19%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 4,32%; bao bì bằng chất dẻo các loại tăng 11,19%; sản phẩm bằng plastic còn lại chưa được phân vào đâu tăng 12,32%; sản phẩm vệ sinh gắn cố định bằng gốm sứ tăng 11,91%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) tăng 10,82%; sắt thép các loại tăng 8,08%; mạch điện tử tích hợp tăng 8,38%; thiết bị điện tử khác tăng 2,81%; sợi quang và các bó sợi quang, cáp sợi quang (trừ loại được làm bằng sợi quang riêng rẽ) tăng 6,57%; dây điện đơn dạng cuộn tăng 12,74%; xe có động cơ dùng để vận tải hàng hoá tăng 7,91%; điện thương phẩm tăng 12,16%. 4. Hoạt động đầu tư a. Đầu tư phát triển Tổng vốn đầu tư phát triển toàn tỉnh năm 2017 ước đạt 31.120.343 triệu đồng, tăng 10,24% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó: Vốn đầu tư nhà nước đạt 4.493.477 triệu đồng, tăng 5,69%; Vốn đầu tư ngoài nhà nước 15.187.082 triệu đồng, tăng 5,96%; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 11.439.784 triệu đồng, tăng 18,62%. Phân theo khoản mục đầu tư, vốn đầu tư xây dựng cơ bản 22.867.847 triệu đồng, tăng 10,47%; vốn đầu tư mua sắm TSCĐ không qua XDCB 3.864.263 triệu đồng, tăng 9,35%; vốn đầu tư sửa chữa lớn, nâng cấp TSCĐ 1.122.465 triệu đồng, tăng 10,34%; vốn đầu tư bổ sung lưu động 3.071.511 triệu đồng, tăng 10,27%; vốn đầu tư khác 194.257 triệu đồng, tăng 0,99%. b. Hoạt động đầu tư nước ngoài Tính đến 25/12/2017, toàn tỉnh có 401 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 3.961.399 nghìn USD, trong đó từ đầu năm đến nay có 41 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký là 444.354 nghìn USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: Thứ nhất là Nhật Bản có 141 dự án, vốn đăng ký là 2.662.790 nghìn USD, chiếm 67,22% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Hàn Quốc có 124 dự án, vốn đăng ký 626.245 nghìn USD, chiếm 15,81% tổng vốn đăng ký; thứ ba là Trung Quốc có 82 dự án, vốn đăng ký 328.179 nghìn USD, chiếm 8,28% tổng số vốn đăng ký. 5. Thương mại, dịch vụ và giá cả a. Bán lẻ hàng hoá và dịch vụ Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tháng Mười Hai ước đạt 2.439.270 triệu đồng, tăng 13,45% so với tháng cùng kỳ năm 2016. Trong đó: Khu vực kinh tế nhà nước 16.829 triệu đồng, giảm 11,11%; kinh tế tập thể 704 triệu đồng, tăng 59,74%; kinh tế cá thể 1.613.774 triệu đồng, tăng 16,26%; kinh tế tư nhân 762.604 triệu đồng, tăng 8,25%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 45.360 triệu đồng, tăng 9,84%. Theo ngành hoạt động, thương nghiệp 1.979.460 triệu đồng, tăng 14,49% và chiếm tới 81,15% tổng mức bán lẻ; khách sạn, nhà hàng 130.272 triệu đồng, tăng 5,91%; dịch vụ 329.538 triệu đồng, tăng 10,56%. Tính chung cả năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 27.628.257 triệu đồng, tăng 12,49% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước 213.446 triệu đồng, giảm 10,39%; khu vực kinh tế tập thể 8.306 triệu đồng, tăng 84,46%; kinh tế cá thể 18.044.597 triệu đồng, tăng 12,37%; kinh tế tư nhân 8.848.401 triệu đồng, tăng 13,29%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 513.506 triệu đồng, tăng 6,36%. Theo ngành hoạt động, thương nghiệp 22.298.247 triệu đồng, tăng 13,13%; khách sạn, nhà hàng 1.525.049 triệu đồng, tăng 8,70%; dịch vụ 3.804.960 triệu đồng, tăng 10,42%. Năm 2017, các hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai tích cực. Trong năm, đã tổ chức thành công Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hoá tỉnh Hưng Yên năm 2017; Hội chợ đặc sản vùng miền - Lễ hội tôn vinh nhãn lồng Hưng Yên lần thứ nhất; đặc biệt là tuần lễ Nhãn lồng Hưng Yên tại Hà Nội năm 2017 đã đưa đặc sản Nhãn lồng Hưng Yên vào phân phối chính thức trong hệ thống Siêu thị BigC. b. Xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ Giá trị xuất khẩu hàng hoá tháng Mười Hai ước đạt 324.635 nghìn USD, tăng 16,24% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó: Khu vực kinh tế tư nhân đạt 127.459 nghìn USD, tăng 32,22%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 197.176 nghìn USD, tăng 7,81%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong tháng là: Hàng dệt may đạt 130.899 nghìn USD, tăng 25,80%; hàng giầy, dép các loại 10.535 nghìn USD, tăng 35,92%; hàng điện tử 40.486 nghìn USD, tăng 0,56%; sản phẩm bằng plastic 11.515 nghìn USD, tăng 83,22%; hàng thủ công mỹ nghệ 573 nghìn USD, giảm 23,15%; hàng hóa khác 130.627 nghìn USD, tăng 8,68%. Tính chung cả năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3.679.351 nghìn USD, tăng 15,02% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó: Khu vực kinh tế tư nhân 1.363.243 nghìn USD, tăng 13,08%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 2.316.108 nghìn USD, tăng 16,20%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong năm là: Hàng dệt may 1.438.234 nghìn USD, tăng 13,76%; hàng giầy, dép 113.640 nghìn USD, tăng 18,39%; hàng thủ công mỹ nghệ 7.355 nghìn USD, tăng 20,12%; hàng điện tử 442.199 nghìn USD, tăng 7,66%; sản phẩm bằng plastic 119.846 nghìn USD, tăng 24,24%; hàng hóa khác 1.558.077 nghìn USD, tăng 17,64%. c. Nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ Giá trị nhập khẩu hàng hóa, máy móc thiết bị tháng Mười Hai ước đạt 421.528 nghìn USD, tăng 32,08% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó: Khu vực kinh tế tư nhân 222.618 nghìn USD, tăng 22,85%; khu vực kinh tế có vốn ĐTNN 198.909 nghìn USD, tăng 44,21%. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: Vải may mặc 70.414 nghìn USD, tăng 34,09%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy 40.041 nghìn USD, tăng 30,76%; máy móc, thiết bị và dụng cụ, phụ tùng 9.637 nghìn USD, tăng 122,92%; linh kiện điện tử 40.800 nghìn USD, tăng 56,10%; các hàng hóa khác 260.635 nghìn USD, tăng 26,80%. Luỹ kế cả năm 2017, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 4.462.087 nghìn USD, tăng 24,49% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân 2.418.123 nghìn USD, tăng 21,93%; khu vực kinh tế có vốn ĐTNN 2.043.964 nghìn USD, tăng 27,66%. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: Vải may mặc 761.807 nghìn USD, tăng 34,34%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy 422.460 nghìn USD, tăng 20,71%; máy móc, thiết bị và dụng cụ, phụ tùng 91.039 nghìn USD, tăng 35,02%; linh kiện điện tử 415.839 nghìn USD, tăng 24,65%; hàng hóa khác 2.770.942 nghìn USD, tăng 147,16%. d. Giá tiêu dùng, vàng, đô la Mỹ Chỉ số giá tiêu dùng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Mười Hai tăng 0,01% so với tháng trước Trong đó: Có 6/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng, bao gồm: Nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,71%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,86%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,15%; dịch vụ giao thông tăng 0,91%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,01%; hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,57%. Có 4/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ ổn định so với tháng trước, bao gồm: Đồ uống và thuốc lá; thuốc và dịch vụ y tế; dịch vụ bưu chính, viễn thông; dịch vụ giáo dục. Riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số giá giảm 0,73% so với tháng trước. So với tháng 12/2016, Chỉ số giá tiêu dùng tháng này tăng 5,61%. Trong đó, nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống giảm 3,35%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,69%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 1,37%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,26%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,24%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 86,58%; dịch vụ giao thông tăng 7,05%; dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 0,01%; giáo dục tăng 3,78%; văn hóa, thể thao và giải trí tăng 1,09%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,55%. Bình quân chung mười hai tháng năm 2017, Chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,72% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống giảm 4,58%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,58%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 1,77%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,28%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,86%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 63,18%; dịch vụ giao thông tăng 6,80%; bưu chính, viễn thông giảm 0,35%; dịch vụ giáo dục tăng 7,30%; dịch vụ văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,81%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,01%. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ Chỉ số giá vàng tháng Mười Hai giảm 0,45% so với tháng trước và ở mức giá bình quân 3.531.000 đồng/chỉ. Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,04% so với tháng trước, mức giá bình quân 22.764 đồng/USD. 6. Hoạt động vận tải và bưu chính, viễn thông a. Vận tải hành khách Vận tải hành khách tháng Mười Hai ước đạt 1.215 nghìn lượt người vận chuyển và 70.430 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 23,73% về lượt người vận chuyển và tăng 18,41% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2016; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 49.950 triệu đồng, tăng 13,66%. Ước tính cả năm 2017, vận tải hành khách đạt 12.460 nghìn lượt người vận chuyển và 755.692 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 9,32% về lượt người vận chuyển và tăng 10,01% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2016; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 544.078 triệu đồng, tăng 9,49%. b. Vận tải hàng hóa Vận tải hàng hoá tháng Mười Hai ước đạt 2.551 nghìn tấn vận chuyển và 94.442 nghìn tấn luân chuyển, tăng 18,05% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 17,68% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2016; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 207.453 triệu đồng, tăng 19,35%. Ước tính cả năm 2017, vận tải hàng hóa đạt 26.726 nghìn tấn vận chuyển và 973.126 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 10,60% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 10,87% về tấn hàng hóa luân chuyển; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 2.204.815 triệu đồng, tăng 10,20%. c. Bưu chính, viễn thông Trong tháng Mười Hai, ước số thuê bao điện thoại tăng 1.220 thuê bao, trong đó thuê bao cố định giảm 180 thuê bao, thuê bao di động trả sau tăng 1.400 thuê bao mới so với tháng trước. Ước tổng số thuê bao hiện có 125.185 thuê bao, trong đó thuê bao cố định 25.425 thuê bao, thuê bao di động trả sau 99.760 thuê bao. Số thuê bao internet trong tháng ước tăng 1.170 thuê bao, nâng tổng số thuê bao internet hiện có ước đạt 129.689 thuê bao. Mật độ thuê bao internet đạt 9,9 thuê bao/100 người. 7. Hoạt động tài chính, ngân hàng a. Thu ngân sách nhà nước Thu nội địa: Thu nội địa tháng Mười Hai ước đạt 1.221.285 triệu đồng, tăng 26,93% so với cùng kỳ năm 2016. Một số khoản thu trong tháng dự tính như sau: Thu từ kinh tế quốc doanh 68.025 triệu đồng, tăng 141,07%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 205.436 triệu đồng, tăng 37,04%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 477.802 triệu đồng, tăng 19,87%; thu lệ phí trước bạ 21.689 triệu đồng, giảm 22,99%; thu thuế thu nhập cá nhân 55.880 triệu đồng, tăng 57,92%; thu thuế bảo vệ môi trường 25.574 triệu đồng, giảm 0,34%; các khoản thu về nhà đất 264.166 triệu đồng, tăng 14,89%. Ước tính cả năm 2017, thu nội địa đạt 8.500.000 triệu đồng, tăng 26,60% so với cùng kỳ năm 2016. Một số khoản thu nội địa như sau: Thu từ kinh tế quốc doanh 296.000 triệu đồng, tăng 27,98%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 1.400.000 triệu đồng, tăng 6,11%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 3.205.000 triệu đồng, tăng 16,60%; thu lệ phí trước bạ 260.000 triệu đồng, tăng 2,50%; thuế thu nhập cá nhân 650.000 triệu đồng, tăng 14,78%; các khoản thu về nhà đất 2.140.000 triệu đồng, tăng 83,43%; thu thuế bảo vệ môi trường 281.000 triệu đồng, tăng 26,44%. Thu thuế xuất, nhập khẩu: Thu thuế xuất, nhập khẩu tháng Mười Hai ước đạt 380.446 triệu đồng, tăng 10,0% so với cùng kỳ năm 2016. Ước tính cả năm 2017, thu thuế xuất, nhập khẩu đạt 3.503.610 triệu đồng, tăng 26,42% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt 125,13% kế hoạch năm. b. Chi ngân sách nhà nước Tính từ 01/01/2017 đến 20/12/2017, chi ngân sách nhà nước địa phương đạt 8.114.642 triệu đồng, đạt 109,56% kế hoạch năm. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 2.905.725 triệu đồng, đạt 162,92%; chi thường xuyên 5.208.917 triệu đồng, đạt 92,63%. Một số lĩnh vực chi thường xuyên như sau: Chi sự nghiệp kinh tế 482.795 triệu đồng; chi giáo dục, đào tạo 1.895.571 triệu đồng; chi sự nghiệp y tế 447.453 triệu đồng; chi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao 111.246 triệu đồng; chi đảm bảo xã hội 469.479 triệu đồng; chi quản lý hành chính 1.321.805 triệu đồng, chi khác 451.800 triệu đồng. c. Hoạt động ngân hàng Ước tính đến 31/12/2017, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 62.365.670 triệu đồng, tăng 17,25% so với thời điểm 31/12/2016. Trong đó: Nguồn vốn huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 54.829.872 triệu đồng, tăng 23,20% và chiếm 87,92% tổng nguồn vốn. Tổng dư nợ đối với nền kinh tế đạt 49.559.724 triệu đồng, tăng 14,03% so với thời điểm 31/12/2016. Trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn 33.763.197 triệu đồng, tăng 16,53%; dư nợ cho vay trung và dài hạn 15.796.527 triệu đồng, tăng 9,03%. Dư nợ cho vay bằng nội tệ 47.175.376 triệu đồng, tăng 13,52%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 2.384.348 triệu đồng, tăng 24,98%. Về chất lượng tín dụng: Nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 784.360 triệu đồng (chiếm 1,58 % tổng dư nợ), giảm 5,42% so với thời điểm 31/12/2016. II. Một số hoạt động xã hội Đời sống dân cư, an sinh xã hội Từ ngày 9-12/10/2017, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa và mưa to. Lượng mưa trung bình cao nhất tại huyện Tiên Lữ 353mm, huyện Kim Động 296 mm, huyện Phù Cừ 288 mm, thành phố Hưng Yên 268 mm. Mưa kéo dài nhiều ngày và việc xả lũ hồ thuỷ điện Hoà Bình đã gây ra một số thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ước tính giá trị thiệt hại 14.680 triệu đồng. Nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan đã tổ chức các hoạt động thăm hỏi các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người cao tuổi và đối tượng xã hội để đảm bảo người dân được đón Tết đầm ấm, vui tươi. Tổng kinh phí chi cho hoạt động thăm, tặng quà người có công và các đối tượng xã hội khoảng trên 41 tỷ đồng, trong đó từ nguồn ngân sách nhà nước khoảng 37 tỷ đồng, số còn lại từ nguồn vận động doanh nghiệp và cộng đồng. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017), Chủ tịch nước, Tỉnh uỷ-HĐND-UBND-UBMTTQ tỉnh, các cơ quan, đơn vị (cấp tỉnh, huyện, xã) và các doanh nghiệp đã thăm, tặng quà đối với người có công, tổng kinh phí 27,98 tỷ đồng. Chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 50 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi với số tiền khoảng 18 tỷ đồng. Tiếp nhận thêm 89 đối tượng vào các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh, tổng số đối tượng được nuôi dưỡng tập trung tại 05 Trung tâm bảo trợ xã hội là 778 người. Các ngành, các đơn vị có liên quan đã thực hiện mua, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 40.041 người nghèo, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho 36.158 người cận nghèo. Tổ chức các hoạt động chăm lo cho trẻ em nhân dịp đầu năm học mới và Tết Trung thu năm 2017. Hỗ trợ đột xuất, trao tặng học bổng, bảo trợ cho gần 300 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo. Hỗ trợ thiết bị vui chơi giải trí cho 13 xã có điều kiện kinh tế khó khăn với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các chương trình trao tặng học bổng an sinh xã hội - xe đạp đến trường. Phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương và Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt tổ chức phẫu thuật mắt, phẫu thuật nụ cười cho 22 trẻ em; hỗ trợ phẫu thuật tim bẩm sinh cho 01 trẻ em. 2. Lao động, việc làm Năm 2017, tỉnh Hưng Yên đã tổ chức 24 phiên giao dịch việc làm với khoảng 550 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia; gần 15 nghìn lao động được tư vấn, phỏng vấn trực tiếp, trong đó khoảng 43% số người được tuyển dụng và tuyển sinh học nghề, 25% được hẹn phỏng vấn tuyển dụng lần 2. Ước tính tạo việc làm trong nước cho khoảng 19,2 nghìn người, đạt 101% kế hoạch năm; xuất khẩu 3,2 nghìn lao động, đạt 106% kế hoạch đề ra. Các cơ sở dạy nghề đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đào tạo nghề. Toàn tỉnh tuyển sinh, đào tạo nghề cho 46,5 nghìn người, đạt 100% kế hoạch. Trong đó: Cao đẳng 2.600 người; trung cấp 2.700 người; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 41.200 người (trong đó hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.675 lao động nông thôn theo chính sách Đề án 1956). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 43%. 3. Giáo dục, đào tạo Đầu năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có 187 trường mầm non, 170 trường tiểu học, 171 trường THCS, 37 trường THPT và 1 trường liên cấp I, II, III. So với cùng kỳ năm học 2016-2017, số trường mầm non tăng 5 trường, các trường tăng đều là trường tư thục; số trường THPT giảm 1 trường tư thục; số trường tiểu học và THCS ổn định. Tổng số có 8.893 lớp học, tăng 394 lớp so với năm học trước. Trong đó: mầm non 3.025 lớp; tiểu học 3.154 lớp; THCS 1.866 lớp và THPT 848 lớp. Đầu năm học 2017 - 2018, tổng số có 279.849 học sinh các cấp. Trong đó: Mầm non có 79.084 cháu, tăng 4,66%; tiểu học có 102.801 học sinh, tăng 4,58%; THCS có 64.926 học sinh, tăng 5,37% và THPT 32.983 học sinh, tăng 1,19%. Tổng số giáo viên trực tiếp giảng dạy 14.491 giáo viên. Trong đó: Mầm non có 4.005 giáo viên, tiểu học có 4.436 giáo viên, THCS có 4.136 giáo viên, THPT có 1.914 giáo viên. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trở lên đều đạt 100% ở tất cả các bậc học. Giáo dục thường xuyên: Đầu năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 11 trung tâm giáo dục thường xuyên, trong đó có 2 trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, 9 trung tâm giáo dục thường xuyên huyện. Tổng số có 58 lớp bổ túc văn hóa, với 2.164 học sinh hệ bổ túc THPT, trong đó có 722 học sinh học vừa học văn hóa kết hợp với học trung cấp nghề. Tổng số có 328 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, trong đó giáo viên trực tiếp giảng dạy văn hóa là 180 giáo viên và giáo viên trực tiếp giảng dạy nghề, chuyên đề là 64 giáo viên. 4. Hoạt động văn hoá, thể thao Năm 2017, toàn tỉnh đã tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền cổ động, văn hoá, văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị. Tổ chức được 100 lượt tuyên truyền lưu động bằng xe ô tô, tổ chức 10 cuộc văn nghệ quần chúng cấp tỉnh và 15 cuộc biểu diễn, liên hoan tuyên truyền văn nghệ cổ động tại cơ sở. Tham gia Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể hát Chầu văn và hát Ca trù toàn quốc tại Quảng Nam; sáng tác tranh triển lãm mỹ thuật khu vực lần thứ 22 (Khu vực Đồng bằng sông Hồng mở rộng). Bảo tàng tỉnh trưng bày Chuyên đề “Hải Hưng - Những năm tháng lịch sử và thành tựu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên sau 20 năm tái lập”; Chuyên đề về di tích và tổ chức Hội thảo khoa học về Di tích lịch sử quốc gia Cây đa và Đền La Tiến; Chuyên đề “Cổ vật Hưng Yên lần thứ VII” kỷ niệm ngày di sản văn hóa Việt Nam lần thứ XIII. Hiện nay, toàn tỉnh có 01 di tích Quốc gia đặc biệt; 165 di tích xếp hạng cấp Quốc gia; 214 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa như: Triển lãm Thư pháp, hát ca trù và cho Chữ đầu xuân. Thực hiện chương trình “Hành trình Di sản” tại Văn miếu Xích Đằng và huyện Văn Lâm. Thư viện tỉnh đã tổ chức 17 cuộc trưng bày, giới thiệu sách; tổ chức 4 Hội nghị nói chuyện chuyên đề với chủ đề “Tình hình thời sự trong nước và quốc tế bước vào năm 2017”; tổ chức Liên hoan Ca múa nhạc Hoa phượng đỏ và Thiếu nhi kể chuyện hè năm 2017; tổ chức Ngày hội đọc sách; tham gia tuyên truyền, trưng bày giới thiệu sách về chủ quyền biển đảo tại Trung tâm hội nghị tỉnh. Công tác biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp: Trong năm, Nhà hát Chèo tỉnh đã dàn dựng và ra mắt 2 vở mới: “Tấm lòng vàng”, “Âm mưu chốn nội cung”. Tổ chức 105 buổi biểu diễn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Trong năm 2017, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng đã tổ chức 700 buổi chiếu phim tại rạp và lưu động phục vụ nhân dân. Hoạt động thể dục thể thao: Trong năm 2017, tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên triển khai theo kế hoạch tổ chức Đại hội Thể dục, Thể thao các cấp năm 2017-2018 và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe oàn dân tỉnh Hưng Yên năm 2017. Đại hội TDTT các cấp tỉnh Hưng Yên sẽ được tổ chức trong 2 năm 2017 và 2018. Toàn tỉnh có 113/162 xã, phường, thị trấn đã tổ chức phát động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, với 34.080 lượt người tham gia hưởng ứng. Trong năm 2017, có 18 giải thể thao quần chúng cấp tỉnh đã được tổ chức. Đến nay, số người luyện tập TDTT thường xuyên đạt 30,2%; số gia đình thể thao đạt 29,5%. Phong trào thể thao trường học được duy trì ổn định. Toàn tỉnh có 235 vận động viên của 15 môn thể thao đang được đào tạo, trong đó 13 môn tập luyện tại tỉnh. Tham gia 41 giải thể thao quốc gia, đoạt 136 Huy chương các loại, trong đó: 26 HCV, 51 HCB, 59 HCĐ. Đội Bóng chuyền nữ tham dự giải A1 toàn quốc được vào vòng chung kết toàn quốc; đội Bóng đá Nhi đồng nam lọt vào vòng 8 đội mạnh nhất toàn quốc. Có 42 VĐV đạt đẳng cấp quốc gia, trong đó 12 VĐV đạt Kiện tướng, 5 VĐV dự bị Kiện tướng, 25 VĐV đạt cấp I, có 8 VĐV được tập trung các tuyến đội dự tuyển, tuyển Trẻ quốc gia; 2 VĐV Rowing tham dự giải Vô địch Trẻ Đông Nam Á giành 1 HCB, 1 HCĐ. 5. Hoạt động y tế Công tác giám sát các bệnh truyền nhiễm gây thành dịch được tổ chức, thực hiện thường xuyên. Giám sát chặt chẽ các bệnh truyền nhiễm gây dịch như bệnh Tay chân miệng, cúm A(H5N1), bệnh sởi, đặc biệt là sốt xuất huyết, … Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực và trang bị thiết bị để đối phó nhanh với tình huống khi có dịch xảy ra. Trong năm 2017 trên địa bàn tỉnh không có vụ dịch nào xảy ra. Các bệnh truyền nhiễm khác xảy ra lẻ tẻ trên địa bàn tỉnh. Các bệnh đều giảm so với năm 2016: Hội chứng cúm giảm 8284 ca (12104/13783); Thủy đậu tăng 236 ca (633/397); Quai bị giảm 390 ca (267/657); Tiêu chảy tăng 661 ca (7863/7202), Lỵ amip giảm 76 (700/776); Lỵ trực trùng giảm 351 ca (628/979); bệnh chân tay miêng giảm 30 ca (47/77). Bệnh Sởi ghi nhận 02 ca mắc. Riêng số ca mắc SXH tăng 1.098 ca (1.112/14) số ca mắc sốt xuất huyết chủ yếu là học sinh và người lao động mắc ở Hà Nội và tỉnh phía nam về tỉnh Hưng Yên điều trị, số ca mắc nằm rải rác ở các thôn, xã, phường, thị trấn. Trong tỉnh Hưng Yên không ghi nhận ổ dịch Sốt xuất huyết nào, chỉ là chùm ca bệnh bị lây nhiễm nơi khác về. Cung ứng đầy đủ và kịp thời các loại vắc xin và vật tư đảm bảo an toàn, không xảy ra tai biến trong và sau tiêm chủng. Triển khai tiêm chủng cho các cháu trong toàn tỉnh từ ngày 25 đến ngày 30 hàng tháng. Duy trì tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi cho trẻ em dưới 1 tuổi, do đó tỷ lệ mắc và chết do 6 bệnh có vắc xin phòng giảm rõ rệt. Các bệnh dịch nguy hiểm như: Tiêu chảy cấp, thương hàn, viêm màng não, viêm gan virut, đều giảm từ 10 đến 20% hàng năm cả về số mắc và không có tử vong. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em và kế hoạch hoá gia đình có nhiều chuyển biến tích cực thông qua việc triển khai chiến lược chăm sóc sức khoẻ sinh sản và các chương trình như: Chăm sóc sản khoa thiết yếu, làm mẹ an toàn và phòng chống suy dinh dưỡng. Số phụ nữ có thai được khám thai trên 3 lần trước đẻ đạt 98%; tỷ lệ đẻ do cán bộ y tế đỡ 100%. Công tác phòng chống HIV/AIDS: Trong năm 2017 phát hiện mới nhiễm HIV 71; số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS 98; luỹ tích số người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện: 1.627 trong đó lũy tích số người chuyển sang giai đoạn AIDS: 1.353; số người bi AIDS tử vong trong năm là 43 người; Tổng số người bị AIDS tử vong lũy tích là 812. 10/10 huyện/thành phố trên địa bàn tỉnh đã phát hiện có các trường hợp nhiễm HIV; thành phố Hưng Yên, Khoái Châu, Yên Mỹ, Tiên Lữ và Văn Giang có 100% xã/phường/thị trấn có người nhiễm HIV/AIDS. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Triển khai các đợt giám sát, thu thập thông tin ngộ độc thực phẩm, những ca bệnh cấp tính liên quan đến thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Tổ chức giám sát, kiểm soát đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cho các sự kiện, hội nghị lớn của tỉnh như: Lễ dâng hương tưởng niệm đại danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Lễ hội Tiên Dung- Chử Đồng Tử. Triển khai “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm”. Trong năm đã tổ chức xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho các cơ sở chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh, cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP cho 2.488 người. Tổ chức 7 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm cho đối tượng chủ cơ sở các nhà hàng ăn uống; cửa hàng ăn uống; căng tin, nhà ăn, nhà hàng ăn uống của khách sạn trên địa bàn tỉnh với số lượng người tham dự là 692 người. Tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra: 456 cơ sở ( trong đó 06 cơ sở dừng hoạt động). Kết quả: 219 cơ sở đạt, 231 cơ sở vi phạm. Xử lý vi phạm 140 cơ sở, trong đó: 02 cơ sở bị cảnh cáo, 01 cơ sở bị đóng cửa, 137 cơ sở bị phạt tiền, tổng số tiền phạt là 428,35 triệu đồng; 04 cơ sở phải khắc phục về nhãn sản phẩm; 45 cơ sở bị tiêu hủy, số sản phẩm bị tiêu hủy là 11 sản phẩm. Từ đầu năm đến ngày 30/11/2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm tại xã An Vĩ, huyện Khoái Châu. Tổng số người mắc 12 người, nguyên nhân do thức ăn nhiễm S. Aureus. 6. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ Từ ngày 16/11/2017 đến ngày 15/12/2017, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên xảy ra 3 vụ cháy (1 vụ cháy nhà dân, 1 vụ cháy quán karaoke, 1 vụ cháy công ty), không có vụ nổ, không có người bị chết, bị thương do cháy, thiệt hại tài sản khoảng 54,5 triệu đồng. Nguyên nhân các vụ cháy đang được điều tra làm rõ. Trong năm 2017 (tính từ 16/12/2016 đến 15/12/2017), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 25 vụ cháy, không có vụ nổ, làm 1 người chết và 4 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính 21.251 triệu đồng. Từ ngày 16/11/2017 đến ngày 15/12/2017, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện, đồng thời xử lý 5 vụ vi phạm môi trường, ra quyết định xử phạt 6 đối tượng với số tiền 214 triệu đồng. Trong năm 2017, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện 86 vụ vi phạm môi trường, trong đó đã xử lý 66 vụ, xử phạt 2.470 triệu đồng. Nguyên nhân vi phạm đa số là vi phạm gây ô nhiễm môi trường, việc xả thải vượt quá tiêu chuẩn, quy chuẩn ra môi trường của các doanh nghiệp, vi phạm không có giấy tờ kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và khai thác cát bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. 7. An toàn giao thông Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên, từ ngày 16/11/2017 đến 15/12/2017, toàn tỉnh xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8 người, làm bị thương 11 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn tăng 3 vụ, tăng 25,0%; số người chết tăng 1 người, tăng 14,29%; số người bị thương tăng 2 người, tăng 22,22%. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12/2017, toàn tỉnh đã xảy ra 159 vụ tai nạn giao thông, làm chết 114 người, làm bị thương 113 người. So với cùng kỳ năm 2016, số vụ tai nạn giảm 13 vụ, giảm 7,56%; số người chết giảm 1 người, giảm 0,87%; số người bị thương giảm 2 người, giảm 1,74%./. thongkehungyen.gov.vn