Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng 10 và 10 tháng năm 2019

 1. Nông nghiệp và thủy sản
Nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua trên địa bàn tỉnh là tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa mùa, tranh thủ thời tiết thuận lợi khẩn trương gieo trồng rau màu cây vụ Đông và phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên đàn lợn, bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm.
   1.1 Nông nghiệp
   a. Trồng trọt
   Đối với sản xuất lúa mùa: Diện tích gieo trồng lúa mùa năm nay đạt 30.973 ha, giảm 6,14% (giảm 2.027 ha), trong đó diện tích lúa chất lượng cao khoảng hơn 18 nghìn ha, chiếm 60% diện tích, gồm các giống lúa như: Bắc Thơm 7, Hương Thơm 1, nếp thơm Hưng Yên,... Diện tích lúa cao sản khoảng 10 nghìn ha, chiếm 33% diện tích, gồm các giống lúa như: KD18, Thiên ưu 8, TBR1, TH 3-3,...
   Vụ mùa năm nay thời tiết thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển, sâu bệnh gây hại lúa chỉ dừng lại ở mức độ nhiễm bệnh ở thời kỳ cuối vụ, rải rác ở một số nơi bị rầy nâu cục bộ. Đến ngày 15/10/2019, toàn tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong diện tích lúa mùa. Qua kết quả khảo sát đánh giá sơ bộ, năng suất lúa vụ mùa năm nay ước đạt 60,5 tạ/ha, tăng khoảng 2 tạ/ha so với năm trước và được coi là vụ bội thu, nông dân phấn khởi, tin tưởng, yên tâm sản xuất.
   Về gieo trồng cây vụ Đông: cùng với việc khẩn trương thu hoạch lúa mùa, các địa phương trong tỉnh cũng đồng thời chỉ đạo tích cực gieo trồng các loại rau màu vụ đông theo phương châm “sáng lúa, chiều vụ đông”. Thời tiết vụ mùa năm nay mưa ít, nắng nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân thu hoạch và trồng cây vụ Đông. Theo báo cáo tiến độ đến ngày 21/10, toàn tỉnh đã gieo trồng được 6.807 ha rau màu, đạt 62% kế hoạch đề ra, trong đó: cây ngô 1.875 ha; khoai tây 70 ha; lạc, đậu tương 328 ha; bí các loại 880 ha; dược liệu, hoa cây cảnh 727 ha; rau màu các loại 2.927 ha;...
   b. Chăn nuôi
Từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi của tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát và ảnh hưởng trên diện rộng. Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch được thực hiện quyết liệt trên toàn địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh đã cấp phát hóa chất khử trùng tiêu độc, vôi bột và hỗ trợ tiền công phun hóa chất khử trùng tiêu độc được: 99.702 lít hóa chất, 7.402 tấn vôi bột và 1.549,8 triệu đồng tiền công phun. Trong đó, tỉnh hỗ trợ 51.636 lít; cấp huyện 10.539 lít, 345 tấn vôi bột và 1.012,8 triệu đồng tiền công phun; cấp xã 5.762 lít, 2.004 tấn vôi bột và 537 triệu tiền công phun; người chăn nuôi 31.765 lít, 5.053 tấn.
   Kết quả, đã phun hóa chất khử trùng tiêu độc và rắc vôi bột đến nay được 99.702 lít hóa chất khử trùng, 7.402 tấn vôi bột tương ứng với trên 58,0 triệu lượt m2 chuồng trại chăn nuôi và môi trường (Trong đó: hóa chất khử trùng tiêu độc của tỉnh hỗ trợ phun được 25,4 triệu lượt m2; cấp huyện, xã hỗ trợ và người chăn nuôi tự thực hiện được trên 32,6 triệu lượt m2).
   Diễn biến tình hình dịch: Đã có 151 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố công bố dịch bao gồm: TP. Hưng Yên (13/17 xã, phường); Yên Mỹ (17/17 xã, TT); Ân Thi (21/21 xã,TT); Kim Động (16/17 xã, TT); Mỹ Hào (13/13 xã,phường); Văn Giang (10/11 xã,TT); Tiên Lữ (15/15 xã,TT); Phù Cừ (14/14 xã,TT); Văn Lâm (11/11 xã,TT); Khoái Châu (21/25 xã). Tính đến ngày 27/9/2019, có 131 xã, phường của 10 huyện, thị xã, thành phố đã công bố hết dịch, gồm: Thành phố Hưng Yên (13/13 xã, phường); Ân Thi (20/21 xã, TT); Yên Mỹ (15/17 xã, TT); TX Mỹ Hào (13/13 xã, phường); Kim Động (12/16 xã, TT); Khoái Châu (17/21 xã, TT); Văn Lâm (9/11 xã, TT); Phù Cừ (13/14 xã, TT); Tiên Lữ (11/15 xã, TT); Văn Giang (9/10 xã, TT)
   Trong tuần từ ngày 21-27/9/2019, tiếp tục phát hiện lợn ốm, chết, tiến hành tiêu hủy theo quy định: 502 con (9.852 kg) tại 4 hộ, 4 xã, của 2 huyện, thành phố, cụ thể như sau: huyện Khoái Châu, tiêu hủy 490 con (9.164 kg) ở 3 hộ, 3 xã; huyện Kim Động, tiêu hủy 12 con (688kg) ở 1 hộ, 1 xã.
   Tính từ ngày 01/2/2019 đến ngày 27/9/2019, các địa phương đã tổ chức tiêu hủy 197.157 con lợn (11.160.476 kg) tại 11.091 hộ, 774 thôn, 156 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố.
   Nhận định tình hình dịch: Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, dịch bệnh đã có chiều hướng chững lại, số lượng lợn mắc bệnh ốm, chết phải tiêu hủy ngày càng giảm dần.
   Qua công tác rà soát, lập bảng kê và thu thập thông tin tại địa bàn điều tra chăn nuôi 01/10, các huyện, thị xã, thành phố đánh giá tình hình sản xuất cho thấy đàn trâu, bò trong toàn tỉnh vẫn giữ được mức độ phát triển ổn định. Đàn lợn ước đạt 374.590 con, giảm 41,15% so với cùng kỳ năm trước.
   2. Sản xuất công nghiệp
   Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Mười tăng 11,84% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 7,82%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,78%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,86%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 18,72%. Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 8,10%; thức ăn cho gia cầm tăng 36,57%; nước khoáng không có ga tăng 15,08%; quần áo các loại tăng 14,49%; thùng, hộp bằng giấy bằng bìa cứng tăng 8,03%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 12,83%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60 mm tăng 13,76%; sắt thép các loại tăng 10,88%; mạch điện tử tích hợp tăng 12,19%; thiết bị bảo vệ mạch điện khác dùng cho điện áp ≤ 1000 V chưa được phân vào đâu tăng 28,49%; phụ tùng khác của xe có động cơ tăng 22,47%; điện thương phẩm tăng 9,33%;...
   Tính chung mười tháng năm 2019, Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,43% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng (cát) tăng 5,86%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,38%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,10%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 16,73%. Một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2018 như: thức ăn cho gia cầm tăng 34,3%; nước khoáng không ga tăng 12,59%; quần áo các loại tăng 13,36%; cửa sổ, cửa ra vào bằng gỗ tăng 5,45%; thùng, hộp bằng bìa cứng tăng 7,44%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 15,45%; sản phẩm bằng plastic tăng 10,15%; sắt thép các loại tăng 5,03%; mạch điện tử tích hợp tăng 14,21%; động cơ đa năng một chiều/xoay chiều có công suất >37,5W tăng 18,53%; dây điện đơn dạng cuộn tăng 13,12%; phụ tùng khác của xe có động cơ tăng 9,53%.    Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh phát triển và lây lan rộng nên nhu cầu tiêu thụ thức ăn gia súc bị giảm mạnh làm cho chỉ số sản xuất sản phẩm thức ăn gia súc mười tháng giảm 16,5% so với cùng kỳ năm trước.
   3. Hoạt động đầu tư
   Vốn đầu tư ngân sách địa phương tháng Mười ước đạt 235.400 triệu đồng, tăng 16,80% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 99.360 triệu đồng, tăng 25,08%; vốn ngân sách cấp huyện đạt 70.150 triệu đồng, tăng 27,76%; vốn ngân sách cấp xã đạt 65.890 triệu đồng, giảm 1,93%.
   Tính chung mười tháng năm 2019, vốn đầu tư ngân sách địa phương ước đạt 1.928.722 triệu đồng, tăng 13,93% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 76,22% kế hoạch. Trong đó: Vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 886.315 triệu đồng, tăng 16,86% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 69,35% kế hoạch; vốn ngân sách cấp huyện 587.359 triệu đồng, tăng 24,62% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 77,81% kế hoạch; vốn ngân sách cấp xã 455.048 triệu đồng, giảm 1,76% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 91,47% kế hoạch năm.
    Hoạt động đầu tư nước ngoài: Tính đến 21/10/2019, toàn tỉnh có 459 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 4.573.628 nghìn USD, trong đó từ đầu năm đến nay có 37 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký là 290.175 nghìn USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: Thứ nhất là Nhật Bản có 162 dự án, vốn đăng ký là 2.821.494 nghìn USD, chiếm 61,69% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Hàn Quốc có 138 dự án, vốn đăng ký  677.249 nghìn USD, chiếm 14,81% tổng vốn đăng ký; thứ ba là Trung Quốc có 97 dự án, vốn đăng ký 519.505 nghìn USD, chiếm 11,36% tổng số vốn đăng ký.
   4. Thương mại, dịch vụ
   Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ
   Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng Mười ước thực hiện 3.266.121 triệu đồng, tăng 1,81% so với tháng trước và tăng 10,71% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung mười tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 31.483.164 triệu đồng, tăng 11,60% so với cùng kỳ năm 2018.
   Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa mười tháng ước đạt 22.960.247 triệu đồng, chiếm 72,93% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 11,67% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng tăng chủ yếu như: lương thực, thực phẩm tăng 7,14%; hàng may mặc tăng 11,03%; đồ dùng dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 13,13%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 12,26%; xăng dầu các loại tăng 43,22%; hàng hóa khác tăng 29,64%;...
   Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống mười tháng ước đạt 1.568.015 triệu đồng, chiếm 4,98% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 14,31% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: dịch vụ lưu trú 56.996 triệu đồng, tăng 0,96%; dịch vụ ăn uống 1.511.019 triệu đồng, tăng 14,89%.
   Doanh thu dịch vụ du lịch và lữ hành mười tháng ước đạt 6.464 triệu đồng, tăng 12,30% so với cùng kỳ năm 2018.
   Doanh thu dịch vụ khác mười tháng ước đạt 6.948.938 triệu đồng, chiếm 22,07% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 10,76% so với cùng kỳ năm 2018. Một số ngành dịch vụ mười tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 11,32%; giáo dục và đào tạo tăng 15,34%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 12,59%; hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 10,2%;...
   b. Hoạt động vận tải
   Vận tải hành khách tháng Mười ước đạt 1.486 nghìn lượt người vận chuyển và 81.030 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 4,97% về lượt người vận chuyển và tăng 6,74% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 64.060 triệu đồng, tăng 8,31%. Tính chung mười tháng, vận tải hành khách ước đạt 13.567 nghìn lượt người vận chuyển và 793.507 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 11,62% về lượt người vận chuyển và tăng 12,78% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 616.313 triệu đồng, tăng 14,8%.
   Vận tải hàng hoá tháng Mười ước đạt 3.135 nghìn tấn vận chuyển và 110.760 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 4,86% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 5,49% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 248.225 triệu đồng, tăng 4,19%. Tính chung mười tháng, vận tải hàng hóa ước đạt 27.905 nghìn tấn vận chuyển và 997.458 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 12,09% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 11,79% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 2.240.917 triệu đồng, tăng 12,01%.
   5. Chỉ số giá
   a. Chỉ số giá tiêu dùng
   Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Mười tiếp tục tăng so với tháng trước, tăng  0,98%. Trong đó, có 8/11 nhóm hàng hoá, dịch vụ có chỉ số giá tăng, bao gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,25%; đồ uống và thuốc là tăng 0,26%; may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,08%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,53%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,04%; dịch vụ giao thông tăng 0,97%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,68%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,06%. Có 2/11 nhóm hàng hoá, dịch vụ có chỉ số giá ổn định so với tháng trước, bao gồm: thuốc và dịch vụ y tế; dịch vụ giáo dục. Dịch vụ bưu chính viễn thông giảm 0,04% so với tháng trước.
   So với tháng 12/2018, Chỉ số giá tiêu dùng tháng Mười tăng 3,18%. Trong đó: hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 5,16%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,56%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,02%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,96%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,8%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,52%; dịch vụ giao thông tăng 2,86%; bưu chính, viễn thông giảm 0,32%; giáo dục tăng 3,54%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,26%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,03%.
   So với tháng cùng kỳ năm 2018, Chỉ số giá tiêu dùng tháng Mười tăng 2,33%. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,31%; đồ uống và thuốc lá tăng 4,1%; hàng may mặc, mũ nón, giày, dép tăng 2,01%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,2%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,91%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 8,74%; dịch vụ giao thông giảm 3,63%; dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 0,72%; giáo dục tăng 3,54%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 2,74%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,06%.
   Bình quân chung mười tháng, Chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,36% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,22%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,31%; hàng may mặc, mũ nón, giày, dép tăng 1,16%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,51%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,77%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,77%; dịch vụ giao thông giảm 1,36%; bưu chính, viễn thông giảm 0,56%; dịch vụ giáo dục tăng 2,19%; dịch vụ văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,91%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,91%.
   b. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
   Chỉ số giá vàng tháng Mười giảm 1,26% so với tháng trước và ở mức giá bình quân 4.167.000 đồng/chỉ. Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,12% so với tháng trước, mức giá bình quân 23.236 đồng/USD.
   6. Hoạt động tài chính, ngân hàng
   a. Thu ngân sách nhà nước
   Thu ngân sách tháng Mười ước đạt 1.605.878 triệu đồng, tăng 9,97% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Thu nội địa 1.325.878 triệu đồng, tăng 8,23%; thuế xuất nhập khẩu 280.000 triệu đồng, tăng 19,02%. Một số khoản thu trong tháng dự tính như sau: Thu từ DNNN trung ương 20.443 triệu đồng, giảm 24,4%; thu từ DNNN địa phương 3.827 triệu đồng, tăng 16,89%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 251.703 triệu đồng, giảm 31,69%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 337.688 triệu đồng, tăng 29,65%; thu lệ phí trước bạ 33.378 triệu đồng, giảm 0,85%; thu thuế thu nhập cá nhân 89.373 triệu đồng, tăng 21,92%; các khoản thu về nhà đất 512.522 triệu đồng, tăng 30,04%.
   Tính chung mười tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 11.910.283 triệu đồng, tăng 21,03% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 92,58% kế hoạch năm. Trong đó: Thu nội địa 8.780.000 triệu đồng, tăng 20,47% và đạt 91,79% kế hoạch; thuế xuất nhập khẩu 3.130.283 triệu đồng, tăng 22,64% và đạt 94,86% kế hoạch. Một số khoản thu nội địa như sau: Thu từ DNNN Trung ương 171.000 triệu đồng, tăng 1,21%; thu từ DNNN địa phương 30.000 triệu đồng, tăng 22,68%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 1.550.000 triệu đồng, tăng 0,82%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 2.670.000 triệu đồng, tăng 27,17%; thu lệ phí trước bạ 295.000 triệu đồng, tăng 21,02%; thuế thu nhập cá nhân 730.000 triệu đồng, tăng 16,90%; các khoản thu về nhà đất 2.754.000 triệu đồng, tăng 32,48%.
   b. Chi ngân sách nhà nước
   Tính từ ngày 01/01/2019 đến ngày 21/10/2019, chi ngân sách nhà nước địa phương đạt 8.035.449 triệu đồng, đạt 91,2% kế hoạch năm. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 3.211.277 triệu đồng, đạt 127,87% kế hoạch; chi thường xuyên 4.824.172 triệu đồng, đạt 76,58% kế hoạch. Một số lĩnh vực chi thường xuyên như sau: Chi sự nghiệp kinh tế 514.311 triệu đồng; chi giáo dục, đào tạo 1.747.184 triệu đồng; chi sự nghiệp y tế 405.101 triệu đồng; chi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao 88.384 triệu đồng; chi đảm bảo xã hội 469.311 triệu đồng; chi quản lý hành chính 1.112.835 triệu đồng; chi khác 460.571 triệu đồng.
   c. Hoạt động ngân hàng
   Tính đến 30/9/2019, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 81.113.598 triệu đồng, tăng 11,23% so với thời điểm 31/12/2018. Trong đó: Nguồn vốn huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 72.427.968 triệu đồng, tăng 12,99% và chiếm 89,29% tổng nguồn vốn.
   Tổng dư nợ đối với nền kinh tế đạt 59.461.750 triệu đồng, tăng 6,41% so với thời điểm 31/12/2018. Trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn 41.450.681 triệu đồng, tăng 4,86%; dư nợ cho vay trung và dài hạn 18.011.069 triệu đồng, tăng 10,16%. Dư nợ cho vay bằng nội tệ 57.050.119 triệu đồng, tăng 6,6%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 2.411.631 triệu đồng, tăng 2%. Về chất lượng tín dụng: Nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 965.177 triệu đồng (chiếm 1,62% tổng dư nợ), giảm 19,01% so với thời điểm 31/12/2018.
   7. Một số hoạt động văn hoá, xã hội
   a. Hoạt động văn hóa
   Trong tháng qua, toàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao chào mừng kỉ niệm 89 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2019) và ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
  Ngày 25/9, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh đã diễn ra “Liên hoan văn nghệ quần chúng các Làng, Tổ dân phố văn hóa tiêu biểu tỉnh Hưng Yên năm 2019”. Liên hoan có sự góp mặt của gần 300 diễn viên, nhạc công không chuyên đến từ 10 câu lạc bộ văn nghệ của Làng, Tổ dân phố văn hóa tiêu biểu xuất sắc, đại diện cho gần 800 Làng, Tổ dân phố văn hóa trong tỉnh. Mỗi câu lạc bộ tham gia liên hoan với 03 tiết mục ở các thể loại như: hát, múa, độc tấu, hòa tấu, tiểu phẩm, hoạt cảnh... Các tiết mục tập trung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phong trào xây dựng Gia đình văn hóa; Làng, Tổ dân phố văn hóa, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường; phê phán những thói hư, tật xấu, hủ tục lạc hậu trong thực hiện việc cưới, việc tang và lễ hội...
     b. Hoạt động y tế
   Công tác giám sát dịch được thực hiện thường xuyên, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh nào xảy ra. Bảo đảm chế độ trực dịch và báo cáo dịch theo đúng quy định. Các bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm như: Tả, Viêm Não NBB, SD/SXH... không phát hiện trường hợp nào. Một số bệnh truyền nhiễm gây dịch khác xuất hiện lẻ tẻ tại các huyện. Phân phối vắc xin tiêm chủng mở rộng, vật tư theo kế hoạch cho y tế cơ sở triển khai tiêm chủng cho các cháu hàng tháng. Trong và sau tiêm chủng không có tai biến xảy ra. Số phụ nữ có thai được khám trên 3 lần trước khi đẻ đạt 98%, tỷ lệ đẻ do cán bộ y tế đỡ đạt 100%.
   Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chín tháng đầu năm ước đạt 20,7%, tăng so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ 19,6%); tỷ lệ giới tính khi sinh 118,7 bé trai/100 bé gái, giảm so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ 120 bé trai/100 bé gái); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đạt 11,4%, thấp hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ 11,6%); tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi đạt 68% kế hoạch năm, cao hơn so với cùng kỳ (61,8% năm 2018).
          Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm: Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm được thực hiện thường xuyên. Chín tháng đầu năm, toàn tỉnh không có trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, không có vụ ngộ độc tập thể nào xảy ra.
         Công tác phòng chống HIV/AIDS: Luỹ kế người nhiễm HIV/AIDS tính đến hết tháng Chín là 1.746. Trong đó: Số người nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống 889 người; số bệnh nhân tử vong do AIDS 857 người.
   c. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
   Từ ngày 16/9/2019 đến ngày 15/10/2019, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã phát hiện, đồng thời ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7 vụ vi phạm môi trường, tổng số tiền xử phạt khoảng 427 triệu đồng. Nguyên nhân vi phạm chủ yếu là xả nước thải, khí thải gây ô nhiễm môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép, ngoài ra có 1 vụ vi phạm về khai thác đất trái phép.
Trong tháng qua (từ ngày 16/9/2019 đến ngày 15/10/2019), trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy, nổ nào.
   d. An toàn giao thông
   Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên, từ ngày 15/9/2019 đến 14/10/2019, toàn tỉnh xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông, đều là tai nạn đường bộ, làm chết 10 người, làm bị thương 10 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn giảm 1 vụ, giảm 6,67%; số người chết bằng với tháng trước; số người bị thương giảm 14 người, giảm 58,33%. Tính từ đầu năm đến hết ngày 14/10/2019, toàn tỉnh đã xảy ra 129 vụ tai nạn giao thông, làm chết 101 người, làm bị thương 90 người. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ tai nạn giảm 3 vụ, giảm 2,27%; số người chết tăng 4 người, tăng 4,12%; số người bị thương giảm 11 người, giảm 10,89%./.

Nguồn: thongkehungyen.gov.vn

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
186 người đang online