06/02/2020 | lượt xem: 5 Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng 01 năm 2020 1. Nông nghiệp a) Trồng trọt Về gieo trồng cây vụ đông: Theo đánh giá của ngành chức năng, sản xuất vụ đông năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi cho gieo trồng cũng như quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Các địa phương đã mở lớp tập huấn kỹ thuật cho các hộ nông dân góp phần thúc đẩy khuyến khích sản xuất vụ đông, đẩy nhanh tiến độ trồng rau màu vụ đông với cơ cấu giống phong phú, tạo nguồn cung dồi dào cho thị trường, dự báo năng suất, sản lượng thu hoạch cao hơn năm trước. Tuy vậy, sản xuất vụ đông năm nay có không ít khó khăn, giá vật tư đầu vào cho sản xuất như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá nhân công cao, công làm đất tăng nhanh, trong khi giá sản phẩm cây vụ đông tăng không nhiều gây khó khăn cho nông dân trong đầu tư thâm canh, giảm hiệu quả sản xuất. Nguồn lao động trẻ bị thu hút vào làm trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ nên nhiều nơi thiếu lao động thời vụ, nhất là các huyện phía Bắc của tỉnh. Nhiều địa phương, sản xuất vụ đông chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, khó khăn trong tưới tiêu, bảo vệ sản xuất. Theo tổng hợp sơ bộ, toàn tỉnh đã gieo trồng cây vụ đông đạt 8.208 ha, giảm 11,14% so với năm trước (giảm 1.028ha); đã thu hoạch được khoảng 8.000 ha rau màu vụ đông, trong đó: ngô 1800 ha; lạc, đậu tương 235 ha; bí các loại 915 ha; rau các loại 4.722 ha; ... Theo đánh giá, năng suất các loại cây trồng vụ đông vẫn đạt khá so với năm trước. Sản xuất vụ xuân: Bên cạnh việc gieo trồng và thu hoạch cây vụ đông, các địa phương cũng tích cực chuẩn bị cho kế hoạch gieo trồng vụ xuân năm 2020. Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy 29.770 ha lúa. Các địa phương đã chỉ đạo thực hiện nghiêm cơ cấu giống và lịch thời vụ gieo, cấy. Tăng cường công tác chuẩn bị lấy nước đợt 1 phục vụ gieo cấy lúa xuân năm 2020. Chuẩn bị tốt công tác làm đất, ngâm, ủ và gieo cấy lúa xuân theo đúng quy trình kỹ thuật. Đến ngày 20/01/2020, diện tích làm đất lần 1 đạt 2.575 ha; ngả dược mạ 465 ha; gieo mạ 57 ha. Cây ăn quả: Đối với các loại cây ăn quả như cam, chuối, ổi đều đang trong giai đoạn phát triển quả và cho thu hoạch. Toàn tỉnh tập trung chỉ đạo chăm sóc các loại cây ăn quả có múi đã thu hoạch, đồng thời khẩn trương thu hoạch các loại cây ăn quả còn lại phục vụ cho Tết Nguyên đán. Ước tính sản lượng các loại cây ăn quả như: chuối, cam,... đều tăng so với năm trước. b) Chăn nuôi Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi trên đàn lợn diễn biến phức tạp xảy ra ở các địa phương trong tỉnh thời gian qua, để chủ động phòng ngừa, khống chế, dập tắt dịch bệnh, tỉnh đã chủ động quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, biện pháp, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Với tinh thần chỉ đạo kiên quyết và bằng mọi nỗ lực của các cấp, các ngành, đến nay, 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã công bố hết dịch. Một số đơn vị chăn nuôi lợn (đặc biệt các hộ) đã bắt đầu tái đàn, tuy nhiên vẫn ở mức cầm chừng. Chăn nuôi gia súc và gia cầm vẫn đảm bảo an toàn, quy mô và sản lượng đạt khá. Để phòng chống dịch bệnh có thể xảy ra trên vật nuôi, bảo đảm chất lượng gia súc, gia cầm xuất bán trong dịp tết và phát triển hoạt động chăn nuôi trong năm mới, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của tỉnh đã phát động tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng toàn bộ môi trường, các trang trại, cơ sở chăn nuôi ấp, nở, các chợ, các điểm buôn bán, giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh. Nhiều cơ sở chăn nuôi đã áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng, nhất là sát trùng người và phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cũng cần nêu cao trách nhiệm, thông báo ngay với cán bộ thú y địa phương khi phát hiện bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, bằng mọi biện pháp giữ gìn đàn gia súc, gia cầm để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sắp tới. Hiện nay, giá bán thịt lợn trên thị trường bình quân từ 80.000-85.000 đồng/kg, tạo tâm lý tốt cho người sản xuất tiếp tục tái đàn, vì vậy tổng đàn lợn có thể tăng trở lại trong thời gian tới. Ước tính tháng Một, số lượng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh có: trâu 2.690 con, giảm 1,14% so với cùng kỳ năm 2019; bò 35.720 con, tăng 0,95%; lợn 497.972 con, giảm 23,23%; gia cầm 9.470 nghìn con (trong đó: gà 6.672 nghìn con), tăng 9,33%. Ước tính sản lượng thịt gia súc, gia cầm: thịt trâu hơi 39 tấn, tăng 8,33%; thịt bò hơi 352 tấn, tăng 12,10%; thịt lợn hơi 9.360 tấn, giảm 13,18%; thịt gia cầm hơi 3.840 tấn (trong đó: thịt gà 3.350 tấn), tăng 14,97% so với cùng kỳ năm 2019. 2. Sản xuất công nghiệp Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Một tăng 7,47% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 1,22%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,28%; công nghiệp sản xuất, phân phối điện, nước nóng và hơi nước tăng 8,62%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 10,32%. Tuy nhiên, Chỉ số sản xuất tháng này thấp hơn so tháng trước (tháng 12 năm trước tăng 14,34%), nguyên nhân chủ yếu do trong tháng này diễn ra Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 nên số ngày được nghỉ kéo dài đã ảnh hưởng đến sản xuất chung của các doanh nghiệp. Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng tăng so với cùng kỳ năm 2019 như: thức ăn cho gia cầm tăng 32,36%; nước khoáng không có ga tăng 15,48%; quần áo các loại tăng 2,22%; cửa sổ và cửa ra vào bằng gỗ tăng 11,71%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 7,43%; sản phẩm bằng plastic tăng 5,77%; sắt thép các loại tăng 5,43%; mạch điện tử tích hợp tăng 7,30%; sợi quang và các bó sợi quang, cáp sợi quang tăng 14,01%; động cơ đa năng một chiều/xoay chiều tăng 16,56%; thiết bị bảo vệ mạch điện khác dùng cho điện áp ≤ 1000V chưa được phân vào đâu tăng 15,80%; phụ tùng khác của xe có động cơ tăng 13,36%; điện thương phẩm tăng 8,62%. Có một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như: thức ăn cho gia súc giảm 23,17%; rượu giảm 9,68%; gạch xây dựng giảm 2,87%. 3. Hoạt động đầu tư, xây dựng Vốn đầu tư ngân sách địa phương: Qua rà soát, tổng hợp, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn Ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý năm 2020 tạm thời được phân bổ như sau: Tổng vốn đầu tư thực hiện 3.069.522 triệu đồng, trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 1.349.372 triệu đồng, vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 1.141.1150 triệu đồng, vốn ngân sách nhà nước cấp xã 579.000 triệu đồng. Trong thời gian tới, kế hoạch vốn đầu tư thực hiện năm 2020 sẽ được điều chỉnh phù hợp với Giao chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước năm 2020 của các cấp tỉnh, huyện, xã. Tháng Một, thời tiết tuy có nhiều thuận lợi nhưng quá trình giải ngân vốn còn khó khăn, các công trình, dự án mới chưa thực hiện được nhiều, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trong tháng Một nên đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ và giá trị thực hiện của các công trình, dự án. Ước tính vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng đạt 152.560 triệu đồng, giảm 27.145 triệu đồng hay giảm 15,11% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 72.110 triệu đồng, giảm 16.755 triệu đồng hay giảm 18,85%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 55.870 triệu đồng, giảm 1.281 triệu đồng hay giảm 2,24%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 24.580 triệu đồng, giảm 9.109 triệu đồng hay giảm 27,04%. Hoạt động đầu tư nước ngoài: Tính đến ngày 17/01/2020, toàn tỉnh có 467 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 4.694.160 nghìn USD, trong đó có 3 dự án được cấp phép năm 2020 với số vốn đăng ký là 8.604 nghìn USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: Thứ nhất là Nhật Bản có 163 dự án, vốn đăng ký là 2.920.481 nghìn USD, chiếm 62,22% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Hàn Quốc có 139 dự án, vốn đăng ký 694.897 nghìn USD, chiếm 14,80% tổng vốn đăng ký; thứ ba là Trung Quốc có 102 dự án, vốn đăng ký 519.637 nghìn USD, chiếm 11,07% tổng số vốn đăng ký. 4. Thương mại, dịch vụ a) Bán lẻ hàng hoá Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 diễn ra vào cuối tháng Một nên tình hình lưu thông hàng hóa trên thị trường sôi động. Thị trường trong tỉnh, từ thành thị về đến nông thôn, thời điểm gần Tết lượng hàng hóa tăng đáng kể về số lượng, chủng loại, nhất là các mặt hàng thiết yếu như hàng tiêu dùng, thực phẩm, bánh kẹo, mứt, lương thực, thực phẩm, nông sản. Ngoài ra, các mặt hàng thiết bị điện tử, các mặt hàng thời trang như áo, quần, giày dép cũng được các tiểu thương chuẩn bị đầy đủ với nhiều mẫu mã, kiểu dáng để người dân có thể lựa chọn theo nhu cầu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng Một ước đạt 2.610.891 triệu đồng, tăng 8,55% so với tháng trước và tăng 13,59% so với tháng cùng kỳ năm 2019. Doanh thu bán lẻ hàng hóa của một số các ngành hàng so với cùng kỳ năm trước như sau: lương thực, thực phẩm tăng 18,12%; hàng may mặc tăng 7,42%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 3,41%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 21,83%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 8,87%; ô tô các loại tăng 21,16%; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) tăng 10,48%; xăng, dầu các loại tăng 7,65%; đá quý, kim loại quý tăng 39,05%... b) Dịch vụ lưu trú, ăn uống Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng Một ước đạt 166.901 triệu đồng, giảm 0,53 % so với tháng trước và tăng 8,45% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Dịch vụ ăn uống đạt 160.984 triệu đồng, giảm 0,49% so với tháng trước và tăng 8,26% so với cùng kỳ năm 2019. Dịch vụ lưu trú đạt 5.917 triệu đồng, giảm 1,45% so với tháng trước và tăng 13,80% so với cùng kỳ năm 2019. c) Dịch vụ du lịch, lữ hành Đây là tháng diễn ra Tết Nguyên đán nên nhu cầu du lịch của người dân giảm so với tháng trước. Doanh thu dịch vụ du lịch và lữ hành tháng Một ước đạt 657 triệu đồng, giảm 3,38% so với tháng trước, tăng 24,20% so với cùng kỳ năm 2019. d) Dịch vụ khác Doanh thu các ngành dịch vụ khác tháng Một ước đạt 757.540 triệu đồng, tăng 12,03% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, biến động của các ngành dịch vụ như sau: Doanh thu dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 10,79%; doanh thu dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 34,70%; doanh thu dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 11,86%; doanh thu dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 24,29%; doanh thu dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình tăng 15,19%; doanh thu dịch vụ khác tăng 8,03%. 5. Chỉ số giá a) Chỉ số giá tiêu dùng Giá cả thị trường nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong tháng Một năm 2020 (tháng diễn ra Tết Nguyên đán Canh Tý 2020) về cơ bản ổn định so với tháng trước. Tuy nhiên, cũng có một số hàng hóa, dịch vụ có giá biến động tăng nhẹ so với tháng trước như: hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, hoa quả, hàng hóa phục vụ cúng lễ, xăng dầu, dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ ăn uống, giá cước vận tải bằng ô tô một số tuyến có mức thu cước tăng hơn so với tháng trước. Cụ thể: So với tháng trước, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Một tăng 1,18%. Trong đó: có 8/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, bao gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,90%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,66%; nhóm hàng may mặc, mũ, nón, giày dép tăng 0,17%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,37%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,43%; giao thông tăng 0,80%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,34%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,19%. Có 3/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá ổn định so với tháng trước là nhóm thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục; bưu chính viễn thông. So với tháng cùng kỳ năm 2019, Chỉ số giá tiêu dùng tháng Một tăng 6,86%. Trong đó: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 13,28%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,28%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 2,07%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,86%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,42%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,52%; dịch vụ giao thông tăng 6,83%; dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 0,46%; giáo dục tăng 3,54%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 2,43%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,58%. b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ Chỉ số giá vàng tháng Một tăng mạnh, tăng 5,58% so với tháng trước và ở mức giá bình quân 4.351.000 đồng/chỉ. Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,03% so với tháng trước, mức giá bình quân 23.220 đồng/USD. 6. Hoạt động vận tải a) Hoạt động vận tải hành khách Vận tải hành khách tháng Một ước đạt 1.654 nghìn lượt người vận chuyển và 89.683 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 16,10% về lượt người vận chuyển và tăng 14,98% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 71.966 triệu đồng, tăng 18,95%. Nguyên nhân cả ba chỉ tiêu về doanh thu, khối lượng vận chuyển, khối lượng luân chuyển hành khách tháng Một tăng cao so với cùng kỳ năm trước là do tháng Một là tháng diễn ra các ngày Tết Nguyên Đán và các Lễ hội cổ truyền của dân tộc nên nhu cầu đi lại của người dân tăng. Bên cạnh đó, trong các ngày giáp Tết và sau Tết khối lượng hành khách vận chuyển tăng cao đột biến do những người ở xa về quê ăn Tết và trở lại làm việc ngay sau khi hết những ngày nghỉ Tết, lượng học sinh, sinh viên được nghỉ về với gia đình đón Tết khá lớn làm cho cả ba chỉ tiêu về doanh thu, khối lượng vận chuyển, khối lượng luân chuyển hành khác tăng cao so với cùng kỳ năm trước. b) Hoạt động vận tải hàng hóa Vận tải hàng hoá tháng Một ước đạt 2.955 nghìn tấn vận chuyển và 103.440 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 10,03% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 8,63% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 252.198 triệu đồng, tăng 8,98%. Cả ba chỉ tiêu doanh thu, khối lượng vận chuyển, khối lượng luân chuyển hàng hóa đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước do kinh tế trong tỉnh ngày càng phát triển nên nhu cầu vận tải, nguyên vật liệu phục vụ cho việc xây dựng các nhà máy, xí nghiệp, các công trình công cộng và vận chuyển hàng hóa sản xuất phục vụ đời sống hàng ngày của người dân tăng cao. Đồng thời số lượng doanh nghiệp, hộ cá thể tham gia hoạt động vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao với quy mô mở rộng hơn nhiều đã góp phần làm cho ba chỉ tiêu trên tăng cao. 7. Hoạt động tài chính, ngân hàng a) Thu ngân sách nhà nước Thu ngân sách nhà nước tháng Một ước đạt 1.195.129 triệu đồng, giảm 9,28% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Thu nội địa 965.000 triệu đồng, tăng 1,36%; thuế xuất nhập khẩu 230.129 triệu đồng, giảm 37,01%. Một số khoản thu trong tháng dự tính như sau: Thu từ DNNN trung ương 10.000 triệu đồng, tăng 0,99%; thu từ DNNN địa phương 5.000 triệu đồng, giảm 33,28%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 224.000 triệu đồng, giảm 3,38%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 236.000 triệu đồng, giảm 22,34%; thu lệ phí trước bạ 33.000 triệu đồng, giảm 26,41%; thu thuế thu nhập cá nhân 90.000 triệu đồng, giảm 0,5%; các khoản thu về nhà đất 304.400 triệu đồng, tăng 38,55%. b) Chi ngân sách nhà nước Tính từ đầu năm đến ngày 22/01/2020, chi ngân sách nhà nước địa phương đạt 962.553 triệu đồng. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 453.243 triệu đồng; chi thường xuyên 509.310 triệu đồng. Một số lĩnh vực chi thường xuyên như sau: Chi sự nghiệp kinh tế 30.618 triệu đồng; chi giáo dục, đào tạo 170.461 triệu đồng; chi sự nghiệp y tế 22.818 triệu đồng; chi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao 7.602 triệu đồng; chi đảm bảo xã hội 68.540 triệu đồng; chi quản lý hành chính 167.373 triệu đồng; chi khác 41.777 triệu đồng. c) Hoạt động ngân hàng Ước tính đến 31/01/2020, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 84.024.652 triệu đồng, tăng 0,35% so với thời điểm 31/12/2019. Trong đó: Nguồn vốn huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 76.175.943 triệu đồng, tăng 0,42% và chiếm 90,66% tổng nguồn vốn. Tổng dư nợ đối với nền kinh tế đạt 61.021.162 triệu đồng, giảm 0,47% so với thời điểm 31/12/2019. Trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn 42.344.666 triệu đồng, giảm 0,51%; dư nợ cho vay trung và dài hạn 18.676.496 triệu đồng, giảm 0,39%. Dư nợ cho vay bằng nội tệ 58.485.998 triệu đồng, giảm 0,42%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 2.535.164 triệu đồng, giảm 1,70%. Về chất lượng tín dụng: Nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 1.084.281 triệu đồng (chiếm 1,78% tổng dư nợ), tăng 0,03% so với thời điểm 31/12/2019. 8. Một số hoạt động xã hội a) Hoạt động văn hóa, thể thao Toàn tỉnh tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền cổ động tiến tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020) và mừng xuân Canh Tý năm 2020. Đêm giao thừa Tết Canh Tý năm 2020, tỉnh Hưng Yên đã tổ chức 9 điểm bắn pháo hoa tại 8 địa phương là thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào, các huyện: Ân Thi, Phù Cừ, Kim Động, Yên Mỹ, Khoái Châu và 2 điểm của huyện Văn Lâm. Nguồn kinh phí bắn pháo hoa là nguồn xã hội hóa, ủng hộ từ các cá nhân, doanh nghiệp ở các địa phương. Cùng với hoạt động bắn pháo hoa đêm giao thừa, tại các huyện, thành phố đều diễn ra các buổi biểu diễn nghệ thuật chào mừng năm mới. Đây là hoạt động được tổ chức hàng năm nhằm tạo không khí vui tươi mừng Đảng, mừng Xuân và khơi dậy, giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước trong nhân dân. Ngày 07/1/2020, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký các quyết định về việc xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với 03 di tích của tỉnh Hưng Yên là: Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Đào Xá, xã Vĩnh Xá, huyện Kim Động; di tích kiến trúc nghệ thuật đình - miếu Tráng Vũ, xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ; di tích kiến trúc nghệ thuật làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm. Ngày 15/01/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 88/QĐ-TTg công nhận 27 bảo vật quốc gia (đợt 8, đợt xét duyệt năm 2019). Trong đó, Hưng Yên có 02 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia là: Tượng sư tử đá chùa Hương Lãng (Niên đại: cuối Thế kỷ XI - đầu Thế kỷ XII; hiện lưu giữ tại chùa Hương Lãng, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm); Bia “Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh” (Niên đại: thời Lý - Trần; hiện lưu giữ tại chùa Cảnh Lâm, xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ). Như vậy, tính đến nay, tỉnh Hưng Yên có 168 di tích - cụm di tích xếp hạng cấp quốc gia, 238 di tích - cụm di tích xếp hạng cấp tỉnh, 02 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt và 03 bảo vật quốc gia. b) Chăm lo các đối tượng chính sách và người có công Nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, Chủ tịch nước và Tỉnh ủy-HĐND-UBND-UBMTTQ tỉnh thăm, tặng quà cho các đối tượng là người có công với cách mạng, gia đình chính sách và hỗ trợ đối tượng xã hội. Cụ thể như sau: Tặng 34.900 suất quà của Chủ tịch nước với kinh phí là 7.154.400.000 đồng cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Tặng 34.964 suất quà của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ VN tỉnh tới người có công, gia đình liệt sỹ, gia đình quân nhân làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Nhà giàn DK1 và các đơn vị chăm sóc nuôi dưỡng người có công trong và ngoài tỉnh. Tổng số tiền là 24.519.300.000 đồng. Ngoài ra, các địa phương đã trích ngân sách và vận động các tổ chức, cá nhân tặng 8.790 suất quà, trị giá 2.495.730.000 cho người có công và thân nhân người có công. Tổ chức trao tặng Thiếp, quà chúc thọ của Chủ tịch nước cho người cao tuổi tròn 100 tuổi; Thiếp, quà chúc thọ của Chủ tịch UBND tỉnh cho người cao tuổi tròn 90 tuổi; thăm, tặng quà cho 31.712 người cao tuổi ở các độ tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 91, 92, 93, 94, 95, 96, 97, 98, 99, 100 và trên 100 tuổi, tổng số tiền là 11.148.350.000 đồng. Hỗ trợ 7.575 hộ nghèo ăn Tết, với mức 300.000 đồng/hộ (trong đó từ ngân sách tỉnh 250.000đồng/hộ; từ Quỹ Vì người nghèo 50.000 đồng/hộ). Tổng số tiền là 2.272.500.000 đồng. Tặng 05 suất quà trị giá 1.000.000 đồng/suất cho 05 cơ sở trợ giúp xã hội công lập trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ 760 đối tượng đang nuôi dưỡng tập trung, với mức 200.000 đồng/người. Tổng số tiền là 157.000.000 đồng. Toàn tỉnh thăm, tặng quà, trợ giúp (bằng tiền và hiện vật) cho 2.642 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo với số tiền trên 1,63 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp. c) Về thực hiện chế độ đối với người lao động Nhìn chung tiền lương của công nhân đã được các các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động đảm bảo trả đủ và kịp thời theo quy định. Mức thưởng tết dương lịch: cao nhất là 227.000.000 đồng (bằng 175% so với năm ngoái); thấp nhất: 0 đồng (như năm ngoái). Mức thưởng tết Nguyên đán: cao nhất là 180.000.000 đồng (bằng 68% so với năm ngoái); thấp nhất: 0 đồng (năm ngoái, thấp nhất là 200.000 đồng). d) Hoạt động y tế Để bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm (viết tắt là ATTP) trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân năm 2020 phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP Hưng Yên đã thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra về công tác an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm để xử phạt cũng như tiêu hủy hàng hóa vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Mục tiêu là kiểm soát và bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa Lễ hội Xuân 2020. Cùng với thời tiết mùa Xuân và sự gia tăng giao lưu đi lại trong dịp Tết và mùa lễ hội là điều kiện rất thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, bùng phát, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa. Tỉnh Hưng Yên đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết và mùa lễ hội; các biện pháp phòng, chống các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp như bệnh sởi, cúm ở người, các bệnh dịch lây truyền qua đường tiêu hóa; thực hiện vệ sinh cá nhân, bảo đảm an toàn thực phẩm và lợi ích của tiêm vaccine phòng bệnh. e) Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ Từ ngày 16/12/2019 đến ngày 15/01/2020, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên phát hiện, đồng thời ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 47 vụ vi phạm môi trường, với số tiền xử phạt 1.802 triệu đồng. Nguyên nhân xử phạt chủ yếu về vi phạm quản lý chất thải nguy hại, xả thải vượt quá tiêu chuẩn, quy chuẩn ra môi trường; tiếp nhận chất thải rắn không đúng quy định; khai thác đất trái phép;.... Từ ngày 16/12/2019 đến ngày 15/01/2020, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên không xảy ra vụ cháy, nổ nào. f) Tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp Tết và lễ hội đầu xuân năm 2020, công an tỉnh Hưng Yên đã triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trọng tâm như kiểm soát, xử lý vi phạm; phấn đấu giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các vụ tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép, phục vụ nhu cầu đi lại, vui chơi, lễ hội, vận tải hành khách, hàng hóa của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và các lễ hội đầu xuân năm 2020. Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên, từ ngày 15/12/2019 đến 14/01/2020, toàn tỉnh xảy ra 20 vụ tai nạn giao thông, đều là tai nạn đường bộ, làm chết 17 người, làm bị thương 7 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn tăng 9 vụ, tăng 81,82%; số người chết tăng 12 người, tăng 240,0%; số người bị thương giảm 1 người, giảm 12,50%. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ tai nạn tăng 2 vụ, tăng 11,11%; số người chết tăng 2 người, tăng 13,33%; số người bị thương giảm 5 người, giảm 41,67%./. Nguồn tin: thongkehungyen.gov.vn