Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng 01 năm 2018

  1. Sản xuất nông nghiệp
     a. Trồng trọt

     Trong tháng qua, nông dân các địa phương trong tỉnh vừa tập trung vào chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch các loại cây vụ đông vừa bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
     Theo tổng hợp sơ bộ, diện tích gieo trồng cây vụ đông 2018 của tỉnh đạt 11.691 ha, giảm 919,23 ha (tương ứng giảm 7,29%) so với vụ đông năm trước và đạt 98,25% kế hoạch đề ra.
     Tính đến ngày 19/01, các địa phương trong tỉnh đã thu hoạch 10.564 ha (chiếm 90,36% diện tích gieo trồng), trong đó: ngô 3.044 ha; khoai tây 63 ha; bí các loại 1.548 ha; lạc, đậu tương 404 ha; dưa chuột 235 ha; dược liệu, hoa cây cảnh 679 ha; rau màu các loại 4.591 ha.
     Đánh giá bước đầu cho thấy, năng suất các loại rau màu vụ đông vẫn đạt khá so với năm trước. Cùng với việc gieo trồng và thu hoạch cây vụ đông, các địa phương cũng tích cực chuẩn bị điều kiện cho kế hoạch gieo trồng vụ xuân năm 2018 trong đó tập trung chỉ đạo cày ải.
     Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy 34.430 ha lúa. Thời điểm này, bà con nông dân đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho sản xuất vụ lúa xuân 2018, các công đoạn như: cày ải, nạo vét thuỷ lợi, chuẩn bị máy bơm đưa nước vào ruộng (đợt 1 từ 16/01-19/01/2018).
     Đến thời điểm này, diện tích làm đất lần 1 đạt khoảng 752 ha. Cây lâu năm: Tình hình sản xuất cây lâu năm của tỉnh vẫn ổn định và phát triển.
     Thời điểm này, các loại cây ăn quả như cam, chuối, ổi đều đang trong giai đoạn phát triển quả và cho thu hoạch. Dự tính, sản lượng cam, chuối,... đều tăng so với năm trước.
     b. Chăn nuôi gia súc, gia cầm
     
Do sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp ngành, địa phương, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, các cấp chính quyền trong toàn tỉnh trong việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm nên tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định và phát triển, không có địa phương nào xuất hiện dịch bệnh.
     Hiện nay, giá thịt lợn đang có dấu hiệu tăng trở lại và ổn định, vì vậy đã tạo tâm lý cho người chăn nuôi tiếp tục mở rộng và duy trì sản xuất. Ước tính số lượng đầu con gia súc, gia cầm tháng 01/2018 như sau: đàn trâu 2.708 con, tăng 1,96%; đàn bò 35.112 con, giảm 0,28%; đàn lợn 585.495 con, giảm 4,86%; đàn gia cầm 8.375 nghìn con, tăng 2,79% so với cùng kỳ năm 2017.
     2. Sản xuất công nghiệp
     
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2018 tăng 2,10% so với tháng Mười Hai năm 2017, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,58%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,08%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,78%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,19%.
     Hầu hết các sản phẩm công nghiệp đều tăng so với tháng 12/2017 như: Cát tự nhiên tăng 0,58%; Mỳ, phở, miến, bún, cháo tăng 0,56%; thức ăn cho gia súc, gia cầm tăng 1,62%; quần áo các loại tăng 4,16%; thùng hộp bằng giấy các loại tăng 0,54%; sơn và vecni tan trong môi trường nước tăng 0,55%; gạch xây dựng bằng đất sét nung tăng 1,75%; sản phẩm vệ sinh gắn cố định bằng gốm sứ tăng 0,61%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) tăng 0,25%; sắt thép các loại tăng 0,56%; dây điện đơn dạng cuộn tăng 0,59%; ...
     So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng này tăng 18,21%, trong đó các ngành đều tăng so với cùng kỳ năm trước, như: Công nghiệp khai thác tăng 12,58%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,13%; sản xuất và phân phối điện tăng 18,18%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 20,87%.
     Hầu hết các sản phẩm chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ năm trước như:
     Cát tự nhiên các loại tăng 12,58%;
     Thức ăn cho gia súc, gia cầm tăng 12,48%;
     Nước khoáng không có ga tăng 17,66%;
     Quần áo các loại tăng 19,49%;
     Thùng, hộp bằng giấy các loại tăng 14,58%;
     Sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 15,0%;
     Bao bì bằng chất dẻo các loại tăng 21,25%;
     Gạch xây dựng bằng đất sét nung tăng 23,71%;
     Bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) tăng 19,63%;
     Sắt thép các loại tăng 52,64%;
     Dây điện đơn dạng cuộn tăng 26,75%;
     Xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa tăng 19,38%;...
     Nguyên nhân chủ yếu do tháng 01/2017 là tháng diễn ra Tết Nguyên đán, còn tháng 01/2018 là tháng giáp Tết Nguyên đán (tháng 2/2018 là tháng diễn ra Tết nguyên đán Mậu Tuất) nên số ngày sản xuất trong tháng của các doanh nghiệp trong tháng 01 năm nay là cao hơn. Mặt khác, một số sản phẩm công nghiệp phục vụ nhiều trong dịp Tết cũng tăng mạnh so với năm trước.
     3. Hoạt động đầu tư
     a. Vốn đầu tư ngân sách nhà nước

     Căn cứ vào Quyết định số 3168/QĐ-UBND ngày 13/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên về việc giao chỉ tiêu kế hoạch nhà nước năm 2018. Qua rà soát, tổng hợp, nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc Ngân sách nhà nước do tỉnh Hưng Yên quản lý năm 2018 được phân bổ như sau: tổng nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách nhà nước năm 2018 là 2.241.512 triệu đồng, bao gồm: Vốn ngân sách cấp tỉnh 1.196.322 triệu đồng, vốn ngân sách cấp huyện 656.990 triệu đồng, vốn ngân sách cấp xã 388.200 triệu đồng.
     Trong tháng Một, hoạt động xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi. Vì vậy, vốn đầu tư ngân sách nhà nước tháng này ước đạt 154.090 triệu đồng, tăng 23,69% so với cùng kỳ năm trước.
     Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh 76.090 triệu đồng, tăng 12,31%; vốn ngân sách cấp huyện 45.100 triệu đồng, tăng 38,68%; vốn ngân sách cấp xã 32.900 triệu đồng, tăng 35,36% so với cùng kỳ năm trước.
     b. Đầu tư nước ngoài
     Tính đến 20/01/2017, trên địa bàn tỉnh đã có 402 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 3.962.999 nghìn USD.
     Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: Nhật Bản có 142 dự án, số vốn đăng ký là 2.664.390 nghìn USD, chiếm 67,23% tổng vốn đăng ký; Hàn Quốc có 124 dự án, với số vốn đăng ký là 626.245 nghìn USD, chiếm 15,8% tổng vốn đăng ký; Trung Quốc có 82 dự án, số vốn đăng ký 328.179 nghìn USD, chiếm 8,28% tổng số vốn đăng ký.
     4. Hoạt động tài chính, tiền tệ
     a. Thu ngân sách nhà nước

     Thu nội địa tháng Một ước đạt 737.000 triệu đồng, giảm 2,0% so với cùng kỳ năm 2017.
     Một số khoản thu nội địa như sau:
         - Thu từ kinh tế quốc doanh 14.500 triệu đồng, giảm 52,34%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 120.000 triệu đồng, giảm 34,30%;
        -  Thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh 245.000 triệu đồng, giảm 33,70%; thu lệ phí trước bạ 30.000 triệu đồng, tăng 14,20%; thuế thu nhập cá nhân 60.000 triệu đồng, tăng 9,10%; thuế bảo vệ môi trường 25.000 triệu đồng, tăng 4,90%; thu phí và lệ phí 15.000 triệu đồng, giảm 6,90%; các khoản thu về nhà đất 215.000 triệu đồng, tăng 516,75%.
         - Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng Một ước đạt 70.140 triệu đồng, trong đó: Tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 290.928 triệu đồng; hoàn thuế giá trị gia tăng 220.788 triệu đồng.
     b. Chi ngân sách nhà nước
     Tính từ 01/01/2018 đến 23/01/2018, chi ngân sách nhà nước địa phương đạt 133.293 triệu đồng. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 7.692 triệu đồng; chi thường xuyên 125.601 triệu đồng. Một số lĩnh vực chi thường xuyên như sau:
    - Chi sự nghiệp kinh tế 3.226 triệu đồng; chi giáo dục, đào tạo 47.332 triệu đồng;
    - Chi sự nghiệp y tế 14.822 triệu đồng;
    - Chi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao 901 triệu đồng;
    - Chi đảm bảo xã hội 6.163 triệu đồng;
    - Chi quản lý hành chính 48.327 triệu đồng;
    - Chi khác 4.636 triệu đồng.
     c. Hoạt động ngân hàng
     
Tính đến 31/12/2017, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 64.512.615 triệu đồng, tăng 21,29% so với thời điểm 31/12/2016.
     Trong đó: Nguồn vốn huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 56.090.220 triệu đồng, tăng 26,03% và chiếm 86,94% tổng nguồn vốn.
     Tổng dư nợ đối với nền kinh tế đạt 50.138.186 triệu đồng, tăng 15,36% so với 31/12/2016. Trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn 34.327.878 triệu đồng, tăng 18,48%; dư nợ cho vay trung và dài hạn 15.810.308 triệu đồng, tăng 9,12%.
     Dư nợ cho vay bằng nội tệ 47.695.874 triệu đồng, tăng 14,78%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 2.442.312 triệu đồng, tăng 28,02%.
     Về chất lượng tín dụng: Nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 725.380 triệu đồng (chiếm 1,45% tổng dư nợ), giảm 12,53% so với thời điểm 31/12/2016.
     5. Thương mại, dịch vụ
     Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ trong tháng Một ước đạt 2.479.280 triệu đồng, tăng 10,47% so với tháng cùng kỳ năm 2017. Trong đó: khu vực kinh tế nhà nước 4.828 triệu đồng, giảm 4,40%; kinh tế tập thể 705 triệu đồng, giảm 6,75%; kinh tế cá thể 1.655.371 triệu đồng, tăng 11,12%; kinh tế tư nhân 772.501 triệu đồng, tăng 9,02%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 45.875 triệu đồng, tăng 14,56%.
     Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng Một ước đạt 2.017.715 triệu đồng, chiếm 81,38% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 11,04% so với tháng cùng kỳ năm 2017. Trong đó, doanh thu một số nhóm hàng tăng cao như: lương thực, thực phẩm tăng 9,04%; hàng may mặc tăng 8,98%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 22,76%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 30,19%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 15,97%; phương tiện đi lại (trừ ôtô) tăng 22,12%; xăng, dầu các loại tăng 37,61%;... Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tháng Một ước đạt 130.284 triệu đồng, tăng 6,31% so với cùng kỳ năm 2017.
     Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 5.375 triệu đồng, tăng 3,60%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 124.421 triệu đồng, tăng 6,40%; dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch 488 triệu đồng, tăng 14,02%. Doanh thu dịch vụ khác tháng Một ước đạt 331.282 triệu đồng, tăng 8,86% so với cùng kỳ năm trước.
     6. Giá tiêu dùng, vàng, đô la Mỹ
     
Chỉ số giá tiêu dùng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Một tăng 0,47% so với tháng 12/2017. Trong đó: Có 8/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng, bao gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,28%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,43%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,83%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,96%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,25%; dịch vụ giao thông tăng 2,17%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,26%; hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,52%. Có 2/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ ổn định so với tháng trước, bao gồm: Thuốc và dịch vụ y tế; dịch vụ giáo dục. Riêng nhóm dịch vụ bưu chính, viễn thông có chỉ số giá giảm 0,75% so với tháng trước.
     So với cùng kỳ năm trước, Chỉ số giá tiêu dùng tháng này tăng 6,13%. Trong đó, nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống giảm 1,97%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,91%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 2,35%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,80%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,46%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 86,55%; dịch vụ giao thông tăng 5,81%; dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 0,76%; giáo dục tăng 3,78%; văn hóa, thể thao và giải trí tăng 1,10%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,22%. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ Chỉ số giá vàng tháng Một tăng 2,35% so với tháng 12/2017 và ở mức giá bình quân 3.614.000 đồng/chỉ. Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,11% so với tháng 12/2017, mức giá bình quân 22.739 đồng/USD.
     7. Hoạt động vận tải và bưu chính, viễn thông
     a. Hoạt động vận tải

     Vận tải hành khách tháng Một ước đạt 1.092 nghìn lượt người vận chuyển và 68.698 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 8,57% về lượt người vận chuyển và tăng 9,42% về lượt người luân chuyển so với tháng cùng kỳ năm 2017; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 50.299 triệu đồng, tăng 9,23%. Vận tải hàng hoá tháng Một ước đạt 2.425 nghìn tấn vận chuyển và 89.463 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 9,07% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 8,73% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 204.100 triệu đồng, tăng 9,62%.
     b. Bưu chính, viễn thông
     Số thuê bao điện thoại phát triển mới trong tháng Một ước tính giảm 450 thuê bao, trong đó thuê bao cố định giảm 50 thuê bao; thuê bao di động trả sau giảm 400 thuê bao. Tổng số thuê bao điện thoại đến cuối kỳ ước đạt 122.528 thuê bao, trong đó thuê bao cố định 25.555 thuê bao, thuê bao di động trả sau 96.973 thuê bao. Số thuê bao internet trong tháng ước tăng 2.800 thuê bao, nâng tổng số thuê bao internet hiện có ước đạt 132.055 thuê bao. Mật độ thuê bao internet đạt 10,08 thuê bao/100 người.
     8. Một số hoạt động văn hóa, xã hội
     a. Hoạt động văn hóa, thể thao

     Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều các hoạt động thông tin cổ động chào mừng kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2018) và mừng Xuân Mậu Tuất 2018. Sáng ngày 15/12/2017, Lễ Khai mạc và thi đấu giải Việt dã truyền thống Báo Hưng Yên lần thứ XXI năm 2017 với chủ đề “Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng” đã diễn ra tại Quảng trường Nguyễn Văn Linh (thành phố Hưng Yên).
     Tham dự giải có 09 đơn vị gồm 8 huyện, thành phố: thành phố Hưng Yên, huyện Tiên Lữ, Ân Thi, Kim Động, Khoái Châu, Văn Giang, Văn Lâm, Mỹ Hào và ngành Công an với tổng số 124 vận động viên ở đủ 4 đối tượng nhi đồng, thiếu niên, thanh niên và trung niên.
     Ngày 23 tháng 12 năm 2017, giải Quần vợt cán bộ, lãnh đạo và quản lý tỉnh Hưng Yên năm 2017 đã được tổ chức. Tham dự giải có hơn 50 vận động viên đến từ 08 cơ quan, đơn vị và câu lạc bộ Quần vợt trên địa bàn tỉnh, được chia thành 2 đối tượng A và B với 2 nội dung là đôi nam và đôi nam nữ.
     b. Hoạt động Y tế
     Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không có dịch xảy ra, công tác y tế dự phòng và các hoạt động khám chữa bệnh cho nhân dân được bảo đảm. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phân phối vắc xin tiêm chủng mở rộng, vật tư theo kế hoạch cho y tế cơ sở triển khai tiêm chủng cho các cháu vào ngày quy định. Trong và sau tiêm chủng không có tai biến xảy ra. Số phụ nữ có thai được khám trên 3 lần trước khi đẻ đạt 98%, tỷ lệ đẻ do cán bộ y tế đỡ đạt 100%.
     Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Ngành chức năng đã tổ chức xác nhận kiến thức và trả kết quả xác nhận kiến thức về ATTP cho các cơ sở chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh với số lượng 80 người. Tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm theo quyết định số 1186/QĐ-SYT ngày 09/11/2017.
     Số cơ sở được kiểm tra 14. Tổ chức Đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn huyện Ân Thi theo quyết định số 237/QĐ-ATTP ngày 30/10/2017. Số cơ sở được kiểm tra 09. Xử lý vi phạm hành chính đối với một số công ty vi phạm quy định ATTP. Tổng số tiền xử phạt trong tháng 12/2017 là 53 triệu đồng.
     Trong tháng 12/2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm, có tổng số 13 người bị ngộ độc. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm đang chờ kết quả kiểm nghiệm mẫu bệnh phẩm.
     c. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
     Từ ngày 16/12/2017 đến ngày 15/01/2018, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên không xảy ra vụ cháy, nổ nào. Từ ngày 16/12/2017 đến ngày 15/01/2018, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện 19 vụ vi phạm môi trường; trong đó đã xử lý 11 vụ, đang điều tra 2 vụ, chuyển giao cho cơ quan khác 6 vụ.
     Tổng số tiền xử phạt 400 triệu đồng. Trong 11 vụ đã xử lý có: 3 vụ vi phạm về quản lý chất thải nguy hại; 3 vụ vi phạm xả thải vượt quá tiêu chuẩn, quy chuẩn ra môi trường; 2 vụ vi phạm không có giấy tờ kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; 3 vụ vi phạm khác.
     d. An toàn giao thông
     Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên, từ ngày 16/12/2017 đến 15/01/2018, toàn tỉnh xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông (trong đó: 15 vụ tai nạn giao thông đường bộ, 01 vụ tai nạn giao thông đường sắt), làm chết 11 người, làm bị thương 12 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn tăng 1 vụ, tăng 6,67%; số người chết tăng 3 người, tăng 37,50%; số người bị thương tăng 1 người, tăng 9,09%.
     So với cùng kỳ năm 2017, số vụ tai nạn tăng 2 vụ, tăng 14,29%; số người bị thương tăng 2 người, tăng 20,0%; số người chết bằng với cùng kỳ năm 2017./.

Nguồn: thongkehungyen.gov.vn

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
46 người đang online