Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động sang môi trường số

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử nhằm tạo một hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, qua đó thúc đẩy sự tham gia chủ động, tích cực vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Quang cảnh phiên họp Quốc hội sáng 25/10. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Quang cảnh phiên họp Quốc hội sáng 25/10. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Sáng 25/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết dự thảo Luật được xây dựng nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 17 năm thi hành Luật Giao dịch điện tử năm 2005, bảo đảm thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đồng thời, khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực; ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử bằng các chính sách giúp thực hiện giao dịch điện tử với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, được bảo đảm an toàn, tin cậy hơn.

Cùng với đó, việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 sẽ tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, góp phần thúc đẩy sự tham gia chủ động, tích cực vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động sang môi trường số ảnh 1

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Về bố cục và nội dung chính, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) gồm 8 chương và 57 điều, trong đó các nội dung sửa đổi, bổ sung bám theo 9 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP.

Trong đó, dự thảo luật mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội, tạo một khung pháp luật thống nhất về hoạt động giao dịch điện tử trong các lĩnh vực để thực hiện chuyển đổi các giao dịch từ môi trường thực sang môi trường số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Về thông điệp dữ liệu, dự thảo Luật sửa đổi, chi tiết hoá cách thức xác định giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; bổ sung quy định điều kiện bảo đảm giá trị pháp lý khi chuyển đổi từ bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại; đồng thời bổ sung quy định về chứng thư điện tử nhằm tháo gỡ vướng mắc về kết quả giao dịch để có thể đưa một giao dịch lên trực tuyến toàn trình (end-to-end).

Liên quan đến nội dung chữ ký điện tử, dự thảo Luật khái quát hóa, sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về chữ ký điện tử, chữ ký điện tử dùng riêng, chữ ký số, chữ ký số chuyên dùng chính phủ và chữ ký số công cộng, qua đó sẽ giải quyết những vướng mắc trong quy định hiện hành về giá trị pháp lý của các loại hình chữ ký điện tử, tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm triển khai giao dịch điện tử an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý trên không gian mạng.

Rà soát kỹ để tránh bỏ sót đối tượng áp dụng của Luật

Báo cáo thẩm tra dự án Luật tại hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh việc sửa đổi Luật lần này nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng…

Cũng theo ông Huy, dự thảo Luật chỉ quy định những nguyên tắc chung làm cơ sở pháp lý cho việc giao dịch trên môi trường điện tử, còn giao dịch trực tiếp, truyền thống thì vẫn tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành trong từng lĩnh vực.

Về phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật trong bối cảnh công nghệ số đã và đang phát triển mạnh mẽ, ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam; đồng thời cơ bản tán thành với quy định về đối tượng áp dụng như tại Điều 2 dự thảo Luật, có sự kế thừa của Luật Giao dịch điện tử hiện hành.

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động sang môi trường số ảnh 2

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Tuy nhiên, dự thảo Luật chỉ áp dụng “đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch điện tử” mà chưa đề cập đến các đối tượng có hoạt động liên quan đến giao dịch điện tử giữa tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân ngoài nước. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, thể hiện lại Điều 2 để tránh bỏ sót đối tượng áp dụng của Luật.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu rõ, cùng với việc sử dụng chữ ký điện tử đang tồn tại một số biện pháp xác thực khác như tin nhắn điện tử (SMS), xác nhận mật khẩu dùng một lần (OTP), Token OTP, sinh trắc học (eKYC)..., vì vậy cần nghiên cứu bổ sung quy định tạo cơ sở pháp lý cho các xác thực này với vai trò như chữ ký điện tử.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng cần quy định về các tiêu chuẩn cụ thể tối thiểu về chữ ký điện tử, chứng thực chữ ký điện tử để người dân và cơ quan nhà nước có thể áp dụng ngay mà không cần chờ văn bản pháp luật chuyên ngành sửa đổi.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định về các giai đoạn giao kết, hợp đồng điện tử; hiệu lực của hợp đồng điện tử; điều kiện để hợp đồng điện tử có hiệu lực; thời điểm có hiệu lực của hợp đồng điện tử; các trường hợp xác định hợp đồng điện tử vô hiệu; các loại hợp đồng điện tử mẫu trong các trường hợp giao dịch khác nhau; hoạt động chứng thực giao dịch và hợp đồng điện tử.

Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc về công chứng, chứng thực hợp đồng điện tử để làm khung pháp lý cho các hoạt động này, và đây cũng là căn cứ để sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng và các văn bản pháp luật có liên quan.

Nguồn tin: nhandan.com.vn

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
64 người đang online