Kế hoạch của UBND tỉnh về cải cách hành chính nhà nước tỉnh Hưng Yên 2023

Ngày 23/12/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 204/KH-UBND về việc cải cách hành chính nhà nước tỉnh Hưng Yên 2023.

Theo đó, Kế hoạch đề ra mục tiêu như sau: Kết quả Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT INDEX) nằm trong nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước, điểm Chỉ số tăng cao hơn so với năm 2021. Vị trí xếp hạng Chỉ số PCI của tỉnh tăng từ 2 đến 5 bậc. Mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cao hơn năm 2022. Để đạt được mục tiêu đó, kế hoạch nêu rõ chỉ tiêunội dung củacải cách hành chính như:

-  Cải cách thể chế:100% các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) do cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ban hành đảm bảo trình tự, thủ tục, phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương; 100% các văn bản QPPL về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân; 100% văn bản QPPL còn hiệu lực thi hành được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật;100% các quyết định của UBND tỉnh được kiểm tra ngay sau khi được ban hành;

- Cải cách thủ tục hành chính: Trên 95% số hồ sơ thủ tục hành chính được trả kết quả giải quyết đúng hạn; phấn đấu 80% hồ sơ thủ tục hành chính trả kết quả trước hạn; hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực được hình thành từ năm 2006 đến năm 2021 theo đúng lộ trình đề ra tại Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 14/3/2022 của UBND tỉnh; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%. Trong đó, mức độ hài lòng về giải quyêt các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 85%; 90% thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước được công bố công khai và cập nhật kịp thời; 100% hồ sơ thủ tục hành chính phát sinh giữa các cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện được thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình hoặc một phần và sử dụng dịch vụ bưu chính công ích; 100% hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết ở cả 3 cấp chính quyền được cập nhật trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình hoặc một phần theo quy định. Trong số đó, ít nhất 80% thủ tục hành chính được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia;

- Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: Triển khai thực hiện giảm tối thiểu 2,5 % số lượng đơn vị sự nghiệp công lập (tương ướng 15 đơn vị); 0,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước (tương ứng với 100 viên chức) và 1,38% biên chế công chức (tương ứng 23 biên chế) so với năm 2021; mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 90%. Mức độ hài lòng của người dân về cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục công lập đạt tối thiểu 85%;

- Cải cách chế độ công vụ: Thực hiện, sắp xếp cơ cấu công chức, viên chức đúng theo Danh mục vị trí việc làm được phê duyệt tại 100% các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ cấp tỉnh đến cấp huyện; 100% cán bộ, công chức, viên chức thực hiện trao đổi hoàn toàn lượng công việc trên môi trường mạng; 100% cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định và được chuẩn hóa về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc;

- Cải cách tài chính công: Tăng số đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên. Tăng mức độ tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp được giao tự chủ một phần chi thường xuyên; 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện, hoàn thành việc chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc chuyển sang tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;

- Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số:

+ 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số đầy đủ theo quy định bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định;

+ 60% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 50% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 30% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);

+ 80% công tác báo cáo, các chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế -xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh (không bao gồm nội dung mật) được tạo lập, cập nhật, lưu giữ trên hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh, kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, được chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định;

+ 100% các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được giám sát và bảo vệ theo mô hình 4 lớp; 100% thiết bị đầu cuối được cài đặt giải pháp bảo vệ;

+ Thực hiện chuẩn hóa 100% các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị trên địa bản tỉnh (đối với các danh mục thủ tục hành chính chưa được chuẩn hóa) để cung cấp trên Cổng Dịch vụ công tỉnh đảm bảo đồng bộ danh mục thủ tục hành chính với cổng Dịch vụ công quốc gia;

+ Phấn đấu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4) trên cổng Dịch vụ công tỉnh;

+ Phấn đấu tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết bằng hình thức trực tuyến toàn trình đạt từ 60% trở lên (đối với các thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến toàn trình).

Nội dung chi tiết tại Kế hoạch số 204/KH-UBND.

Phương Linh

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
92 người đang online