Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quá trình phát triển nông nghiệp - nông thôn

Chiều 17/11, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo Chuyên đề 9 với chủ đề: “Chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo. 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số được xác định là một trong các trụ cột thực hiện phát triển nhanh và bền vững, là một trong các khâu đột phá, góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Nông nghiệp, nông thôn không đứng ngoài cuộc mà được Chương trình chuyển đổi số Quốc gia xác định là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên, theo đó phát triển nông nghiệp công nghệ cao chú trọng nông nghiệp thông minh, phải dựa trên nền tảng dữ liệu, nhất là hệ thống dữ liệu lớn của ngành, như đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thời tiết, môi trường…; tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh; phát triển mạnh thương mại điện tử; quản lý quy hoạch và dự báo, cảnh báo thị trường…

Thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình… đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý và sản xuất, kinh doanh; phân tích dữ liệu về đất đai, thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên, thời tiết, truy suất nguồn gốc, nhu cầu thị trường… Ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), block chain, công nghệ sinh học, di truyền, phân tích hệ gene, nuôi cấy mô, quản lý giống vật nuôi; phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng, suy thoái rừng; ứng dụng công nghệ dò cá sử dụng sóng siêu âm, công nghệ GIS, GPS… Chuyển đổi số giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Chuyển đổi số là giải pháp hữu hiệu để khắc phục điểm yếu cố hữu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và thiếu liên kết.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa đồng bộ, chưa hình thành những yếu tố cơ bản của nông nghiệp số, nông thôn số. Tại Hội nghị Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tháng 6 vừa qua do Bộ NNPTNT chủ trì, nhiều chuyên gia cho rằng nông nghiệp, nông thôn Việt Nam hiện nay vẫn chưa có nền tảng số, chuỗi kết nối số, chưa có cách tiếp cận mới và toàn diện theo yêu cầu của chuyển đổi số, thiếu cơ sở dữ liệu lớn cho sản xuất, thiếu kết nối chia sẻ đồng bộ thông tin của tất cả các khâu sản xuất, quản lý, logictics, thương mại nông sản; chưa tạo ra cơ hội cho nông sản vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại toàn cầu và chia sẻ dữ liệu cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

Để làm rõ các vấn đề trọng tâm về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng đề nghị các quý vị đại biểu cùng thảo luận, làm sâu sắc tính cấp thiết và tác động của chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Từ đó nâng cao nhận thức, tiến tới hành động để triển khai thực hiện các giải pháp tận dụng tối đa cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học, phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn.

Hai là, đánh giá thực trạng và kiến nghị xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về chuyển đổi số phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN để có thể tận dụng được các cơ hội của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.

 

Ba là, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn; số hoá cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp, nông thôn và liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kinh tế - xã hội, hạ tầng sản xuất, công nghệ, tài nguyên, môi trường, khí tượng thủy văn... làm cơ sở cho phân tích, dự báo, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn và tổ chức sản xuất, kinh doanh của các chủ thể sản xuất kinh doanh nông nghiệp.

Bốn là, đổi mới cơ chế quản lý khoa học, công nghệ. Khuyến khích tối đa, các doanh nghiệp, nhất là sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; phát triển thị trường khoa học và công nghệ, công nghệ số trong nông nghiệp, nông thôn. Chính sách hỗ trợ các viện, trường, cơ sở nghiên cứu thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp, gắn kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.

Đồng chí Nguyễn Duy Hưng cũng yêu cầu, thông qua các tham luận, thảo luận cùng đề xuất các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.

Thông qua Hội thảo, Ban Kinh tế Trung ương (bộ phận Thường trực soạn thảo các Đề án) sẽ tổng hợp, chắt lọc các ý kiến để xây dựng các báo cáo trình cơ quan có thẩm quyền mà trước hết là Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết của BCH TW khoá 10 về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương vào đầu năm 2022.

Tại Hội thảo đã có 6 báo cáo chính của các diễn giả trong nước và quốc tế trình bày những nội dung cốt lõi về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, gồm: Ứng dụng công nghệ số; Canh tác thông minh; Vai trò của công nghệ số để giảm phát thải; Trí tuệ nhân tạo (AI) trong đánh giá chất lượng; Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và Ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp. Hội thảo cũng dành thời gian để thảo luận mở về vấn đề này.  

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
27 người đang online