26/05/2022 | lượt xem: 7 Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa Nghị quyết số 20 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân, đặc biệt là các nội dung về giá dịch vụ y tế, về xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, về đào tạo và đãi ngộ cán bộ y tế... Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ảnh: Nam Sơn Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều 25/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Nhiều điểm mới được đưa ra tại dự thảo Luật Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương và 106 điều, thêm 3 chương (chương VI, X, XI) so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. Dự thảo Luật được xây dựng nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Trình bày Tờ trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh long cho biết: Bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, sau hơn 11 năm triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết. Mặt khác, thực tiễn công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua cho thấy đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: vấn đề điều động nhân lực; vấn đề cấp giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; vấn đề khám bệnh, chữa bệnh từ xa; vấn đề kê đơn, cấp phát thuốc cho người bệnh… Do đó, để thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và giải quyết các vấn đề về thực tiễn phát sinh chưa có cơ sở pháp lý thì việc xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là rất cần thiết. Theo Bộ trưởng, một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) so với Luật hiện hành là: Không cấp mới giấy phép hành nghề cho đối tượng là y sỹ từ ngày 1/1/2025 nhưng vẫn cho phép những y sỹ đã được cấp chứng chỉ hành nghề theo Luật năm 2009 tiếp tục hành nghề trọn đời; Lực lượng vũ trang tiếp tục được tuyển dụng, sử dụng y sỹ để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ của lực lượng vũ trang và của người dân tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cùng với đó, dự thảo Luật cũng quy định giấy phép hành nghề có giá trị thời hạn là 05 năm với điều kiện gia hạn là phải cập nhật kiến thức y khoa, cùng với việc phải có đủ sức khỏe và không thuộc trường hợp bị cấm hành nghề. Đổi mới về phân cấp chuyên môn, theo đó hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tổ chức thành 3 cấp theo chuyên môn: Cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; Cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản; Cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu. Thực hiện việc phân cấp về cấp giấy phép hoạt động cho các Bộ chủ quản, Sở Y tế các địa phương; thực hiện phân cấp thẩm quyền phê duyệt bổ sung danh mục kỹ thuật, cho phép áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới... Đặc biệt, về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo Luật đã thay đổi từ cách tiếp cận giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các nhóm yếu tố chi phí trực tiếp, tiền lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định sang cách tiếp cận giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các yếu tố phát sinh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh. “Quy định như trên nhằm khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đầu tư để nâng cao khả năng cung cấp cũng như chất lượng của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Việc xây dựng, quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về giá”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Ủy ban Xã hội nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành Luật và thấy rằng, dự án Luật đã thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo chính sách dân tộc và đã được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, bổ sung đánh giá tác động đối với các nội dung sửa đổi, bãi bỏ so với Luật hiện hành; rà soát, đánh giá đầy đủ về thủ tục hành chính đối với từng đối tượng chịu sự tác động; thể chế hóa đầy đủ, sâu sắc, cụ thể hơn nữa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân tại dự án Luật. Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo luật tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW, đặc biệt là các nội dung về giá dịch vụ y tế, về xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, về đào tạo và đãi ngộ cán bộ y tế và cần bảo đảm các chính sách này có tính khả thi. Liên quan đến thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay: Tại Tờ trình, Chính phủ trình Quốc hội 02 phương án về thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề cùng với các ưu, nhược điểm. Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Xã hội thấy rằng, theo phương án 1, Hội đồng Y khoa quốc gia cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề như quy định tại dự thảo, tức là thực hiện chức năng như các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong khi chưa rõ địa vị pháp lý của tổ chức này cũng như chưa quy định rõ cách thức tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là chưa phù hợp. Có ý kiến đề nghị chưa quy định nội dung này vào dự thảo Luật mà nên ‟Thí điểm giao cho cơ quan độc lập tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề” như Nghị quyết 20-NQ/TW và tiến hành tổng kết làm cơ sở để luật hóa. Ủy ban Xã hội tán thành với phương án 2, theo đó Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người đề nghị cấp Giấy phép hành nghề và các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế) căn cứ kết quả kiểm tra đánh giá cũng như các điều kiện khác để cấp phép hành nghề vì cho rằng quy định như vậy là phù hợp, đảm bảo tính khả thi trong bối cảnh hiện nay. Tờ trình của Chính phủ cũng đưa ra 2 phương án quy định về việc sử dụng ngôn ngữ khi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí với phương án 1, theo đó người hành nghề khám chữa bệnh phải biết tiếng Việt thành thạo và không sử dụng phiên dịch khi hành nghề, trừ một số trường hợp đặc biệt, song đề nghị xác định rõ tiêu chí “biết tiếng Việt thành thạo” và “cùng ngôn ngữ mẹ đẻ”; cần nghiên cứu quy định lộ trình đáp ứng điều kiện sử dụng tiếng Việt thành thạo đối với người nước ngoài xin cấp mới Giấy phép hành nghề để đảm bảo sự bình đẳng giữa những người hành nghề. Nhiều ý kiến trong Ủy ban Xã hội đồng tình với phương án 2 là giữ quy định hiện hành, theo đó, trường hợp không biết tiếng Việt thành thạo thì phải đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch để hạn chế ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang sử dụng người nước ngoài và cho rằng, để khắc phục các tồn tại hiện nay, cần xác định trách nhiệm pháp lý của phiên dịch, nâng cao chất lượng đội ngũ này, đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra./. Nguồn tin: dangcongsan.vn