07/12/2021 | lượt xem: 7 Xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị: Kiên định, kế thừa và sáng tạo Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII thống nhất việc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (Kết luận số 21). Như vậy, có thể thấy nhiệm kỳ này đã mở rộng hơn nhiệm vụ, không chỉ xây dựng, chỉnh đốn Ðảng mà trong toàn hệ thống chính trị. Ðây là sự cụ thể hóa Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Ðảng, góp phần tiếp tục tạo nên thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh-Người sáng lập Ðảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Ðảng ta là Ðảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị”. Thực tiễn cho thấy, từ khi ra đời đến nay, Ðảng ta luôn đóng vai trò là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội, luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ. Tên gọi giản dị, gần gũi “Ðảng ta” thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa Ðảng, Nhà nước và nhân dân trong suốt chặng đường bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Nhân tố quyết định thắng lợi Hơn 90 năm qua, Ðảng Cộng sản Việt Nam luôn là đảng duy nhất cầm quyền. Trong hệ thống chính trị, Ðảng vừa là thành viên, vừa là hạt nhân lãnh đạo. Ðảng lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối, nghị quyết, chính sách; đồng thời thông qua công tác cán bộ, Ðảng giới thiệu những đảng viên ưu tú của mình ứng cử vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Từ Trung ương đến địa phương, trong mọi cấp chính quyền và các tổ chức đoàn thể đều có tổ chức đảng, đảng viên; họ là lực lượng nòng cốt trong việc thể chế hóa đường lối, chủ trương, quyết sách của Ðảng thành chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Vì vậy xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Trong thực tế, nhiều năm qua, xây dựng, chỉnh đốn Ðảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện. Ðó chính là sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền phục vụ với đội ngũ cán bộ có phong cách gần dân, sát dân, vì lợi ích của nhân dân: “Làm hết việc, không làm hết giờ”. Tuy nhiên, nhiệm kỳ XIII nhấn mạnh vấn đề này cho thấy sự nhận thức mới: Ðảng muốn thể hiện được vai trò lãnh đạo toàn diện của mình, thì Nhà nước cũng phải được xây dựng vững mạnh, liêm chính, vì đây chính là bộ máy thực thi các quyết sách lãnh đạo của Ðảng. Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, biến nghị quyết của Ðảng, chính sách của Nhà nước thành hành động thực tế của nhân dân, đồng thời nhân dân được thể hiện quyền làm chủ, được bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng. Xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh còn là củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng với nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo, khát vọng phát triển. Lịch sử đã chứng minh sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Ðảng cùng với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng đã chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị. Ðó là: Việc tổ chức thực hiện một số nghị quyết của Ðảng vẫn là khâu yếu. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, thiếu gương mẫu. Việc hoàn thiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị cho phù hợp với tình hình thực tiễn còn chậm. Ðổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động ở một số nơi thực hiện thiếu quyết liệt, chưa đạt mục tiêu đề ra. Tinh giản biên chế chưa thật sự gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... Ðiều đó đặt ra yêu cầu cần phải tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW (ngày 25/10/2017), của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Theo PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thực tế cho thấy, sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy là việc khó, phức tạp và nhạy cảm. Quá trình thực hiện, nhiều người “mất chức”, nhiều người phải đảm nhiệm thêm công việc mới, nhiều người phải chuyển sang vị trí công việc khó khăn hơn, nhưng thu nhập thấp hơn, thậm chí có người mất việc do thuộc diện “dôi dư”. Vì vậy, các cấp ủy, nhất là người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, khách quan, công tâm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Ðồng thời phải khắc phục hai thái cực đã xảy ra trong quá trình thực hiện: Chủ quan, nóng vội, thiếu chín chắn, để xảy ra lộn xộn, hoặc khuynh hướng cầu toàn, “bình chân như vại”, trông chờ, ỷ lại, thiếu quyết đoán, không dám “đụng” đến tổ chức, con người vì sợ trách nhiệm, mất phiếu tín nhiệm. Hà Nội có số lượng đầu mối tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ lớn nhất cả nước, nhưng là một trong những địa phương đầu tiên hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Nhiều cách làm hay của thành phố được Trung ương ghi nhận. Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà chia sẻ: Sau khi kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại phòng, ban, thành phố chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, hoàn thiện nội quy, quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ, quy trình giải quyết công việc, thủ tục hành chính, bảo đảm thống nhất, đồng bộ kịp thời, phù hợp với đặc điểm, tình hình từng cơ quan, đơn vị. Thành phố xác định việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở là nhiệm vụ quan trọng, phải làm thường xuyên, lâu dài; chú trọng rà soát sự trùng chéo về chức năng, nhiệm vụ, nhất là ở các nhiệm vụ phức tạp, giao thoa, khó phân định giữa các cơ quan, đơn vị. Thành phố tập trung các giải pháp đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, đây là nội dung quyết định khả năng có giảm được 10% biên chế sự nghiệp giai đoạn 2021-2025 không. Tiếp tục điều chỉnh, phê duyệt đề án vị trí việc làm trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên cơ sở danh mục khung vị trí việc làm được Bộ Chính trị thông qua; thường xuyên rà soát để bảo đảm phù hợp với thực tiễn quản lý, phát huy tối đa hiệu quả. Tại cuộc làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tài chính về quản lý biên chế, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhận xét: Tinh giản biên chế vẫn không tập trung vào người năng lực kém mà chủ yếu rơi vào những người xin thôi việc, bỏ việc hoặc nghỉ hưu, trong khi đó không có chính sách để thu hút lớp trẻ được đào tạo bài bản vào làm việc… Tinh giản biên chế phải gắn với nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nếu không thì mới chỉ là sắp xếp gọn gàng, chưa làm được mục tiêu quan trọng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Thời gian tới, lần đầu tiên Bộ Chính trị sẽ quyết định tổng biên chế cho 5 năm tiếp theo, kèm theo cơ chế quản lý hiệu quả, hợp lý, cơ động, linh hoạt; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cấp để tính toán, điều hành hợp lý, không cứng nhắc. Không ngừng nâng cao chất lượng cán bộ Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, vì vậy, nhiệm vụ xây dựng Ðảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đặt ra yêu cầu phải không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong toàn hệ thống chính trị. Theo Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, Học viện Hành chính quốc gia, để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “vừa hồng, vừa chuyên” cần nhiều giải pháp đồng bộ: Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế pháp luật về cán bộ, công chức, nhất là sớm ban hành Luật Công vụ và Luật Ðạo đức công vụ, xây dựng và mô tả công việc của từng vị trí việc làm cụ thể làm cơ sở cho công tác tuyển chọn cán bộ, công chức. Cùng với đó, xây dựng các tiêu chí rõ ràng, minh bạch về yêu cầu công việc đối với từng vị trí việc làm trong các bộ phận, cơ quan, đơn vị để làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc. Qua đó, điều chỉnh các vị trí việc làm phù hợp với năng lực, trình độ của cán bộ, công chức, cũng như có chế độ khen thưởng, kỷ luật, quy hoạch, bổ nhiệm một cách công khai, công bằng, tạo động lực phấn đấu. Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, tình trạng ai cũng có quyền nhưng không ai chịu trách nhiệm là một cản trở lớn cho quá trình xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân. Nguyên tắc “cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về việc thi hành nhiệm vụ công vụ của cán bộ, công chức thuộc quyền” dù đã được quy định nhưng cần phải được cụ thể hóa và thực hiện trong thực tế. Tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, nhất là người lãnh đạo, quản lý cũng phải thể hiện ngay trong thái độ ứng xử đối với những sai phạm xảy ra trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ, vậy nên “khuyến khích việc chủ động từ chức vì lý do trách nhiệm”. Khẳng định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề lớn, hệ trọng, cơ bản, lâu dài, Tiến sĩ Nguyễn Minh Ðức, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La cho rằng, cần phải có sự phân tích, đánh giá đúng thực trạng phát triển nguồn nhân lực trên tất cả các mặt, từ kinh tế, chính trị, xã hội, quản lý, sử dụng nguồn nhân lực,… đến các chính sách về thu hút, đãi ngộ người lao động, từ đó có nhận thức đúng đắn và đưa ra hệ thống giải pháp phù hợp cho sự phát triển. Từ thực tiễn ở địa phương, Tiến sĩ Nguyễn Minh Ðức chia sẻ: Trước yêu cầu mới hiện nay, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Sơn La cần tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực làm chủ thiết bị, công nghệ số và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới trong phát triển kinh tế-xã hội. Mỗi lĩnh vực cần xác định rõ vai trò của từng loại nguồn nhân lực và thiết kế, thực thi các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả, không nên chỉ có một cơ chế, chính sách chung. Cần thiết lập một quy trình phát hiện, tìm tòi, đánh giá chặt chẽ và tuyển chọn công khai nguồn nhân lực phù hợp với từng nơi, từng yêu cầu cụ thể. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là quan điểm có tính kế thừa, phát triển tinh thần của các Ðại hội trước, đồng thời đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Ðảng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Yêu cầu này đòi hỏi sự nhận thức sâu sắc trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân để tạo sự thống nhất cao trong toàn xã hội, từ đó phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân cùng với năng lực sáng tạo và trách nhiệm của mỗi cá nhân, nỗ lực xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường. Nguồn tin: nhandan.com.vn