Dự thảo sáng kiến thực hiện liên thông các thủ tục hành chính
Ngày kết thúc: 10/11/2017

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ                                              

                      

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày       tháng     năm 2017

 

DỰ THẢO

 

SÁNG KIẾN

Thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú.

 

Phần I

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG SÁNG KIẾN

 

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

Mô hình một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân được triển khai từ giữa năm 2007, với Quyết định số 93/2007/NĐ-CP ngày 22 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, sau đó là Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Tiếp theo, ngày 08 tháng 11 năm 2011 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, trong đó xác định nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công là trọng tâm của cải cách hành chính trong 10 năm tới. Ngày 08 tháng 6 năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020. Một trong những nhiệm vụ của Đề án là hệ thống hóa, rà soát TTHC và đề xuất các phương án liên thông giải quyết các TTHC cho công dân.

II. THỰC TRẠNG THỰC HIỆN CÁC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH: ĐĂNG KÝ KHAI TỬ - XÓA ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ – HƯỞNG CHẾ ĐỘ TỬ TUẤT (TRỢ CẤP TUẤT VÀ TRỢ CẤP MAI TÁNG)/ HỖ TRỢ CHI PHÍ MAI TÁNG/HƯỞNG MAI TÁNG PHÍ

1. Quy định của pháp luật về đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú – hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí

Đăng ký hộ tịch là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận, ghi vào sổ các sự kiện hộ tịch của cá nhân nhằm xác định tình trạng nhân thân của cá nhân, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và thực hiện quản lý về dân cư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các sự kiện hộ tịch cơ bản của mỗi cá nhân được đăng ký và quản lý trong sổ hộ tịch bao gồm: khai sinh, kết hôn, ly hôn, khai tử, nuôi con nuôi, giám hộ, thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính v.v. Đăng ký và quản lý hộ tịch có ý nghĩa quan trọng để Nhà nước thực hiện quản lý dân cư và  quản lý các mặt kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh đồng thời tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước công nhận và bảo hộ các quyền nhân thân phi tài sản và quyền quyền nhân thân gắn liền với tài sản của cá nhân.

Công tác đăng ký, quản lý cư trú là một trong những biện pháp quan trọng của nhà nước để quản lí xã hội. Đăng kí quản lý nhân khẩu hộ khẩu thực chất là quá trình quản lý hoạt động cư trú của con người, là một vấn đề quan trọng và cần thiết đối với mỗi quốc gia, trong việc quản lý hoạt động của con người. Đây là quá trình cơ quan Công an dựa vào các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước để tiến hành đăng ký, quản lý hoạt động cư trú của công dân, đảm bảo cho công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ theo pháp luật quy định phục vụ cho công tác quản lý xã hội của Nhà nước; công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Đồng thời có vai trò, vị trí quan trọng trong việc xác định quyền cư trú của công dân, tạo điều kiện để công dân thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và hưởng các quyền lợi hợp pháp. Mặt khác, đăng ký, quản lý hộ khẩu còn có vai trò quan trọng trong việc quản lý xã hội của Nhà nước: cung cấp tài liệu, số liệu về hộ khẩu, nhân khẩu và tạo điều kiện để các ngành các cấp trong việc định hướng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Đăng ký và quản lý hộ khẩu thường trú là việc đăng ký và quản lý đối với từng người dân cư trú thường xuyên và lâu dài mang tính ổn định tương đối, tại một địa chỉ nhất định theo một đơn vị hộ hoặc cá nhân ở các đơn vị hành chính cấp xã.

Hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí là chính sách trợ giúp xã hội của nhà nước thể hiện sự quan tâm, chia sẻ đối với các gia đình có người chết. Ngân sách nhà nước sẽ được trích ra để hỗ trợ cho gia đình có người chết thực hiện việc mai táng.

Xuất phát từ yêu cầu quản lý cũng như lợi ích của người dân, pháp luật về hộ tịch, cư trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí, ngay sau khi trong gia đình có người chết, người thân thích của người chết (trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan) cần thực hiện tối thiểu hai (02) TTHC: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú. Trường hợp người chết thuộc đối tượng quy định tại khoản 1, 3 Điều 66, khoản 1, 3 Điều 80[1] Luật Bảo hiểm xã hội, người có công với cách mạng[2], đối tượng bảo trợ xã hội (được trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng) thì thực hiện tối thiểu ba (03) thủ tục đó là: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú và hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí.                       

Pháp luật hiện hành quy định cụ thể về việc đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí cụ thể như sau:

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày chết, người thân thích của người chết có trách nhiệm đến Ủy ban nhân dân cấp xã để đăng ký khai tử; trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm đi đăng ký khai tử (Điều 32, 33 Luật Hộ tịch).

Đồng thời, pháp luật về cư trú cũng quy định: Trong thời hạn sáu mươi (60) ngày, kể từ ngày có người chết (người thuộc diện xóa đăng ký thường trú) thì đại diện hộ gia đình có trách nhiệm đến cơ quan Công an (nơi đã đăng ký thường trú) để làm thủ tục xóa đăng ký thường trú. Cơ quan đăng ký thường trú phải xóa tên công dân trong sổ đăng ký thường trú và sổ hộ khẩu (Điều 22 Luật Cư trú).

Theo quy định tại Mục 5 Chương III và Mục 2 Chương IV của Luật Bảo hiểm xã hội thì có một số đối tượng sau khi chết thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất bao gồm:

- Trợ cấp mai táng (khoản 1, 3 Điều 66, khoản 1, 3 Điều 80 Luật Bảo hiểm xã hội), cụ thể là: (1) Đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc gồm: Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội[3] đang đóng bảo hiểm  xã hội hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm; người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng đã nghỉ việc. (2) Đối tượng đóng bảo hiểm tự nguyện gồm: Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm từ đủ 60 tháng trở lên; người đang hưởng lương hưu. Mức trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng đối tượng nêu trên chết.

Trường hợp các đối tượng trên bị tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng.

- Trợ cấp tuất, cụ thể là:

+ Trợ cấp tuất hàng tháng:

Theo quy định tại Điều 67, 68 Luật Bảo hiểm xã hội thì: Những người quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật BHXH (Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm; người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng đã nghỉ việc) thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng: Đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần; đang hưởng lương hưu; chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61 % trở lên.

Thân nhân của những người nêu trên được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, bao gồm: Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai; vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ; cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.

Thân nhân thuộc đối tượng: Vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ; cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở.

Thu nhập theo quy định tại Luật BHXH không bao gồm khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.

Trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày người tham gia bảo hiểm xã hội chết thì thân nhân có nguyện vọng phải nộp đơn đề nghị.

Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

+ Hưởng trợ cấp tuất một lần

(1) Bảo hiểm xã hội bắt buộc: Những người quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật Bảo hiểm xã hội[4] thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần: Người lao động chết không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 của Luật bảo hiểm xã hội[5]; người lao động chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 nhưng không có thân nhân hưởng tiền tuất hằng tháng quy định tại khoản 2 Điều 67 của Luật này; thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 67 mà có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần, trừ trường hợp con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; trường hợp người lao động chết mà không có thân nhân quy định tại khoản 6 Điều 3 của Luật này thì trợ cấp tuất một lần được thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014; bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho các năm đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi; mức thấp nhất bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính trợ cấp tuất một lần thực hiện theo quy định tại Điều 62 của Luật này.

Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu, mức thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng.

Mức lương cơ sở dùng để tính trợ cấp tuất một lần là mức lương cơ sở tại tháng mà người quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật này chết.

(2) Bảo hiểm xã hội tự nguyện (Điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội):

Người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội, người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người đang hưởng lương hưu khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần.

Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 79 của Luật này cho những năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014; bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho các năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức trợ cấp tuất một lần bằng số tiền đã đóng nhưng mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội; trường hợp người lao động có cả thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện thì mức hưởng trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; trường hợp chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu.

Theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì một số đối tượng người có công với cách mạng sau khi chết sẽ được hưởng mai táng phí, cụ thể: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng.

Theo quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội những đối tượng sau đây khi chết được hỗ trợ chi phí mai táng:

- Đối tượng quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 5 và 6 Điều 5 Nghị định này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Cụ thể: Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây:

+ Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi;

+ Mồ côi cả cha và mẹ;

+ Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích theo quy định của pháp luật;

+ Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;

+ Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

+ Cả cha và mẹ mất tích theo quy định của pháp luật;

+ Cả cha và mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;

+ Cả cha và mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

+ Cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;

+ Cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

+ Cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Người từ 16 tuổi đến 22 tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này mà đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất.

- Trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo không còn khả năng lao động mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác.

- Người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng;

+ Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại Điểm a Khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;

+ Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng.

- Trẻ em khuyết tật, người khuyết tật thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.

+ Con của người đơn thân nghèo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định 136/2013/NĐ-CP[6];

+ Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác.

Căn cứ vào quy định về việc đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú và hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí tại các văn bản quy phạm pháp luật, việc giải quyết TTHC cũng được thực hiện riêng biệt tại từng cơ quan nhà nước, nơi có thẩm quyền giải quyết TTHC đó. Trong đó, thủ tục đầu tiên phải thực hiện là đăng ký khai tử, sau đó mới có cơ sở thực hiện thủ tục hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí.

Để thực hiện 03 TTHC trên, người dân phải làm 03 bộ hồ sơ và mất ít nhất 05 lần (10 lượt) đến ba cơ quan khác nhau, đó là: 01 lần đến Ủy ban nhân dân cấp xã để đăng ký khai tử; hai lần đến cơ quan Công an để thực hiện thủ tục xóa đăng ký thường trú; hai lần đến cơ quan Bảo hiểm xã hội/Ủy ban nhân dân cấp xã để thực hiện thủ tục hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí. Theo đó, người dân thường mất ít nhất là 05 buổi, trong đó có 03 buổi đến nộp hồ sơ và 02 buổi đến nhận kết quả.

Về lệ phí: Theo quy định của pháp luật hiện hành, người dân không phải trả lệ phí cho việc thực hiện TTHC xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí. Đối với thủ tục đăng ký khai tử thì lệ phí không quá 8.000 đồng, trong đó miễn lệ phí đối với các trường hợp đăng ký khai tử đúng hạn, người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật.

Liên quan trực tiếp đến các TTHC: Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí nêu trên được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật. (Phụ lục I)

Qua thực tế thực hiện các thủ tục trên cho thấy, do sự kiện một người chết (cái chết tự nhiên hoặc do Tòa án tuyên bố chết) là sự kiện pháp lý làm căn cứ phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quan hệ pháp luật của người tham gia với tư cách là một công dân, một con người như quan hệ về hôn nhân và gia đình, thừa kế, hộ khẩu, hộ tịch, bảo hiểm xã hội…Theo đó, nếu người có nghĩa vụ không thực hiện đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú theo quy định thì sẽ ảnh hưởng đến chính quyền lợi của họ, đồng thời gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như thất thoát tiền của nhà nước, như: Thân nhân của người chết sẽ không được hưởng thanh toán chế độ tử tuất của bảo hiểm xã hội nếu trong hồ sơ bảo hiểm không có giấy chứng tử hoặc giấy tờ thay thế giấy chứng tử theo quy định; một người không thể kết hôn với người khác nếu không có giấy tờ chứng minh vợ hoặc chồng của mình đã chết, làm cơ sở chấm dứt quan hệ hôn nhân theo quy định của pháp luật; việc phân chia di sản thừa kế không thể thực hiện được nếu không thể chứng minh người để lại di sản đã chết; thanh toán các khoản nợ của người chết như thế nào…Như vậy, sẽ có rất nhiều tranh chấp xảy ra, gây tốn kém về thời gian, tiền của, công sức của người dân khi một trong hai bên tham gia quan hệ pháp luật bị chết nhưng không được thông báo và được nhà nước xác nhận thông qua thủ tục đăng ký khai tử.

Đó là những khó khăn, vướng mắc cho người dân. Vậy, còn về phía cơ quan nhà nước thì nếu người dân không thực hiện đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý hộ tịch, quản lý dân số, quản lý hộ khẩu, thực hiện chính sách về an sinh xã hội... Sẽ vẫn còn trường hợp người chết vẫn được phát thẻ cử tri đi bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; người chết vẫn được trả lương hưu trong nhiều năm; người chết vẫn được hưởng trợ cấp hàng tháng; người chết vẫn làm chủ hộ trong sổ hộ khẩu…Như vậy, việc không nắm bắt đầy đủ thông tin về người chết sẽ ảnh hưởng đến công tác hoạch định chính sách về dân số nói riêng và chính sách phát triển kinh tế-xã hội nói chung.

Song trên thực tế người đi đăng ký khai tử thường quên hoặc ngại thực hiện thủ tục xóa đăng ký thường trú, nguyên nhân là do khi thực hiện các TTHC này phải thực hiện tại hai nơi khác nhau, đặc biệt theo quy định hiện hành thì việc xóa đăng ký thường trú hay không cũng không làm phát sinh hay hạn chế các quyền lợi hợp pháp của người dân, ví dụ: Qua thống kê các năm trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội cho thấy trung bình một năm, cấp xã, phường cấp hơn 600 giấy chứng tử, nhưng trường hợp gia đình có người chết làm thủ tục xóa đăng ký thường trú rất thấp, chỉ chiếm khoảng 30 đến 45% so với số lượng khai tử.

Để góp phần thiết thực vào việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các TTHC, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực nêu trên, hiện nay tại một số địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh; thành phố Hà Nội; thành phố Đà Nẵng, huyện Bến Lức, tỉnh Long An; huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Đồng Tháp, Đồng Nai… đã tổ chức thực hiện mô hình một cửa liên thông giải quyết các TTHC: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú. Đặc biệt, tại thành phố Cao lãnh tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện liên thông 03 TTHC: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú và hỗ trợ kinh phí mai táng cho đối tượng bảo trợ xã hội; hoặc tại huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai đã thực hiện liên thông 03 thủ tục: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng. Với đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã, theo đó người dân khi thực hiện nhóm TTHC đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp/hỗ trợ kinh phí mai táng chỉ cần chuẩn bị hồ sơ theo đúng quy định hiện hành của từng thủ tục, và chỉ phải đi đến duy nhất một cơ quan đó là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã để nộp hồ sơ và nhận kết quả là có thể thực hiện được cả nhóm TTHC nêu trên. Công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp và tiếp nhận hồ sơ. Việc bổ sung trích lục khai tử để giải quyết thủ tục xóa đăng ký thường trú, trợ cấp/hỗ trợ kinh phí mai táng; việc luân chuyển hồ sơ và kết quả giải quyết giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết do chính các cơ quan này đảm nhiệm. Theo đó, thành phần hồ sơ mà người dân phải chuẩn bị trước để nộp cho cơ quan nhà nước đã giảm được 01 đến 02 bản trích lục khai tử cho người dân so với việc thực hiện từng thủ tục riêng biệt.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, thời gian giải quyết thủ tục đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú được thực hiện trong sáu (06) ngày làm việc kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã nhận đủ hồ sơ hợp lệ (đối với mọi trường hợp). Còn ở huyện Bến Lức tỉnh Long An, thành phố Đà Nẵng thời gian thực hiện trong bốn (04) ngày làm việc (đối với mọi trường hợp). Tại huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai thời gian thực hiện liên thông 03 thủ tục: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng là 10 ngày làm việc… Việc luân chuyển hồ sơ thực hiện qua đường bưu điện, qua thư điện tử hoặc chuyển trực tiếp phụ thuộc vào từng địa phương và điều kiện của mỗi nơi (Phụ lục III).

2. Nhận xét, đánh giá

Qua nghiên cứu quy định hiện hành về nhóm TTHC: Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí xét ở khía cạnh từng TTHC đơn lẻ, về cơ bản đã được quy định theo hướng đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân khi thực hiện. Nhưng xét trong tổng thể quản lý nhà nước thì việc quy định thực hiện các TTHC đơn lẻ, riêng biệt tại nhiều cơ quan khác nhau, trong khi lại không quy định cơ chế phối hợp trong việc cung cấp, cập nhật thông tin của công dân giữa các cơ quan có liên quan, từ đó đã gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý của Nhà nước và việc thực hiện quyền lợi hợp pháp của công dân. Cụ thể:

Thứ nhất, quản lý nhà nước về công dân là trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước nhưng lại đẩy trách nhiệm khai báo thông tin phục vụ nhiệm vụ quản lý của cơ quan hành chính nhà nước cho người dân, người dân đến cơ quan nào cũng phải cung cấp thông tin cơ bản về bản thân, trong đó có rất nhiều thông tin trùng lặp nhau như: Họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, dân tộc, quốc tịch, nơi cư trú … điều này dẫn đến việc người dân phải khai đi khai lại các thông tin, và trên thực tế đã xảy nhiều trường hợp thông tin của người dân không có sự thống nhất giữa các cơ quan quản lý. Trong khi đó, vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết được, nếu giữa các cơ quan liên quan có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc giải quyết các TTHC nêu trên.

Thứ hai, người dân phải thực hiện các TTHC độc lập ở các cơ quan khác nhau dẫn đến tốn kém về thời gian, chi phí đi lại.

Thứ ba, các cơ quan nhà nước không có thông tin đầy đủ về công dân nên chưa có dữ liệu thống nhất để phục vụ cho công tác quản lý cũng như mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.

Bên cạnh đó, hiện nay pháp luật cũng chưa quy định về cơ chế phối hợp giữa các đơn vị có thẩm quyền đăng ký khai tử, đăng ký, quản lý cư trú và chi trả, thanh toán các chế độ liên quan đến sự kiện chết. Đây cũng là một trong số các nguyên nhân chính dẫn tới nhiều bất cập trong công tác quản lý nhân khẩu, cũng như việc thanh toán hoặc việc chia sẻ, hỗ trợ cho người dân khi có người thân chết đôi lúc chưa kịp thời, chưa chính xác…

Mô hình liên thông trên thực tế tại một số địa phương nêu trên bước đầu đã đem lại lợi ích đối với người dân cũng như cơ quan nhà nước, cụ thể như sau:

Về phía người dân, việc tổ chức một cửa liên thông đã giúp tiết kiệm đáng kể chi phí khi thực hiện TTHC, rõ nhất là giảm chi phí đi lại để thực hiện TTHC.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, việc tổ chức liên thông đã tạo nên những chuyển biến trong công tác quản lý hộ tịch, dân cư và chi trả một số chế độ hỗ trợ liên quan đến sự kiện chết.

Tuy nhiên, do mô hình liên thông các TTHC ở các địa phương này chưa được triển khai thực hiện đồng bộ trên toàn quốc nên cũng đã bộc lộ một số bất cập sau:          

Thứ nhất, do mới được thực hiện ở một số ít địa phương với quy trình, cách thức thực hiện có sự khác nhau, nên còn thiếu sự thống nhất và chỉ có một bộ phận nhỏ người dân được hưởng lợi ích từ việc tổ chức mô hình liên thông này. Còn lại do đa số các địa phương chưa thực hiện mô hình trên, nên phần lớn người dân trên cả nước vẫn phải mất nhiều thời gian, công sức, chi phí để thực hiện từng TTHC đơn lẻ theo quy định của pháp luật hiện hành, tạo nên sự bất bình đẳng trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân giữa các địa phương.

Thứ hai, việc triển khai mô hình một cửa liên thông mới chỉ dừng lại ở việc thực hiện liên thông hai thủ tục: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú. Chỉ một số rất ít địa phương đang thí điểm thực hiện liên thông thêm với thủ tục trợ cấp mai táng/hỗ trợ chi phí mai táng song cũng chỉ thực hiện đối với một số đối tượng nhất định. Nay nếu thực hiện liên thông thêm với thủ tục hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí thì có thủ tục đăng ký khai tử là thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp xã, thủ tục hỗ trợ chi phí mai táng thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện, các thủ tục còn lại thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Bảo hiểm xã hội, hoặc Lao động - Thương binh và Xã hội  và cơ quan Công an, mà các ngành Bảo hiểm xã hội, Công an lại tổ chức theo hệ thống ngành dọc nên công tác phối hợp thực hiện còn gặp khó khăn.

Thứ ba, do việc tổ chức liên thông được thực hiện đơn lẻ ở từng địa phương, nên mỗi địa phương lại xây dựng một văn bản riêng và tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương mình. Cách làm đó đã gây ra sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong triển khai thực hiện.

Để khắc phục được những tồn tại, hạn chế, phát huy tối đa lợi ích của mô hình trên phạm vi cả nước thì cần thiết phải xây dựng sáng kiến thực hiện liên thông các TTHC: Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí (sau đây gọi tắt là mô hình một cửa liên thông) với hồ sơ và quy trình thực hiện thống nhất, đơn giản, thuận tiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và yêu cầu quản lý của nhà nước.

 

Phần II

NỘI DUNG SÁNG KIẾN

 

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

1. Phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đồng thời bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi khi triển khai thực hiện trong phạm vi toàn quốc; bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch, cư trú, bảo hiểm xã hội, lao động, thương binh và xã hội.

2. Bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch trong giải quyết các TTHC theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức;

3. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện mô hình một cửa liên thông.

II. MỤC TIÊU CỦA SÁNG KIẾN

1. Mục tiêu tổng quát

- Tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, hộ gia đình trong thực hiện thủ tục hành chính, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ thuộc các lĩnh vực hộ tịch, cư trú, bảo hiểm xã hội, lao động, thương binh và xã hội góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này.

2. Mục tiêu cụ thể

- Giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân trong việc thực hiện TTHC, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước.

- Nâng cao trách nhiệm và tính chủ động, tích cực của cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước, góp phần xóa bỏ các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết các việc của người dân.

- Bảo đảm tính kịp thời, chính xác, thống nhất của các thông tin về nhân thân của cá nhân, hạn chế việc gây phiền hà, khó khăn cho người dân, đồng thời phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch, cư trú, bảo hiểm xã hội, lao động, thương binh và xã hội.

III. PHẠM VI ÁP DỤNG

- Đăng ký khai tử - xóa thường trú - hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng) /hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí đối với người chết có đăng ký thường trú trên địa bàn cấp huyện.

- Việc liên thông với thủ tục hưởng chế độ tử tuất chỉ thực hiện đối với trường hợp người lao động bị chết mà đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đang chờ đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí, trợ cấp cán bộ xã hàng tháng hoặc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng chết.

- Các cơ quan có thẩm quyền giải quyết liên thông thủ tục: đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng phải cùng thuộc một địa bàn cấp huyện.

- Cá nhân có yêu cầu giải quyết các TTHC về đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng) /hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí có quyền lựa chọn áp dụng hoặc không áp dụng thực hiện liên thông các TTHC.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN LIÊN THÔNG CÁC TTHC: ĐĂNG KÝ KHAI TỬ - XÓA ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ – HƯỞNG CHẾ ĐỘ TỬ TUẤT (TRỢ CẤP TUẤT VÀ TRỢ CẤP MAI TÁNG)/ HỖ TRỢ CHI PHÍ MAI TÁNG/ HƯỞNG MAI TÁNG PHÍ; ĐĂNG KÝ KHAI TỬ - XÓA ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ (Phụ lục IV)

1. Nguyên tắc giải quyết TTHC

- Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ trong quy trình liên thông. Trường hợp hồ sơ chưa đúng, chưa đủ theo quy định thì hướng dẫn cụ thể một lần, đầy đủ để công dân bổ sung, hoàn chỉnh.

  - Ủy ban nhân dân và Công an cấp xã, Công an và Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh chịu trách nhiệm trong việc giải quyết từng TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình và cùng phối hợp giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện mô hình liên thông.

- Trường hợp người dân có nhu cầu sử dụng trích lục khai tử, người nộp hồ sơ được quyền yêu cầu và được nhận trước trích lục khai tử ngay trong ngày nộp hồ sơ. Nếu nộp hồ sơ sau 15 giờ thì người nộp hồ sơ sẽ được nhận kết quả trong ngày làm việc tiếp theo.

2. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả

- Ủy ban nhân dân cấp xã là đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết các TTHC liên thông.

- Ủy ban nhân dân và Công an cấp xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an và Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh chịu trách nhiệm trong việc giải quyết từng TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình và cùng phối hợp giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện mô hình liên thông. Đồng thời, chuyển kết quả giải quyết về Ủy ban nhân dân cấp xã để trả cho người dân theo đúng thời gian quy định.

Trường hợp người dân có yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền giải quyết TTHC chuyển kết quả giải quyết qua đường bưu chính để trả cho người dân. Tùy thuộc điều kiện thực tế tại địa phương, cước phí bưu chính có thể do người dân chịu trách nhiệm thanh toán, hoặc có thể do cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục thanh toán với cơ quan bưu chính.

- Trường hợp có nhu cầu thì người nộp hồ sơ được quyền yêu cầu và được trực tiếp nhận kết quả tại cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với từng thủ tục hành chính tại mô hình liên thông.

3. Hồ sơ, quy trình tiếp nhận và trả kết quả

3.1.Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng) /hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí

3.1.1. Hồ sơ

Người đi đăng ký nộp 01 (một) bộ hồ sơ (trực tiếp hoặc thông qua hệ thống bưu chính), xuất trình các giấy tờ có liên quan theo quy định tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chết đăng ký thường trú.

a) Hồ sơ đăng ký khai tử

- Giấy tờ phải xuất trình: Hộ chiếu, hoặc chứng minh nhân dân, hoặc thẻ căn cước công dân, hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký khai tử.

- Giấy tờ phải nộp:

+ Tờ khai đăng ký khai tử theo mẫu;

+ Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay cho Giấy báo tử theo quy định tại Điều 34 Luật Hộ tịch và Khoản 2, Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.[7]

- Lệ phí đăng ký khai tử: Không quá 8.000 đồng.

Miễn lệ phí đối với trường hợp đăng ký khai tử đúng hạn, người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật.

c) Người có yêu cầu đăng ký không có điều kiện trực tiếp đến cơ quan đăng ký, có thể ủy quyền cho người khác làm thay. Việc ủy quyền phải bằng văn bản và được công chứng, chứng thực hợp lệ. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người uỷ quyền.

b) Hồ sơ xóa đăng ký thường trú

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;

- Hộ khẩu (bản chính) có đăng ký thường trú của người chết;

- Bản sao trích lục khai tử.

Thẩm quyền xóa đăng ký thường trú:

Cơ quan có thẩm quyền đăng ký thường trú xóa tên người đã đăng ký thường trú trong sổ hộ khẩu và sổ đăng ký thường trú[8], cụ thể:

- Công an quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền xóa đăng ký thường trú tại quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

- Công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh có thẩm quyền xóa đăng ký thường trú tại các xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh. Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền xóa đăng ký thường trú tại thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

c) Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng) /hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí

 (i) Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)[9]

- Sổ bảo hiểm xã hội.

- Bản sao trích lục khai tử.

- Tờ khai của thân nhân theo mẫu số 09A-HSB (bản chính).

- Bệnh án điều trị bệnh nghề nghiệp trong trường hợp chết do bệnh nghề nghiệp.

- Đối với trường hợp người lao động đang làm việc chết do tai nạn lao động:

+ Biên bản điều tra tai nạn lao động (bản chính)

+ Đối với tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động: Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông hoặc biên bản tai nạn giao thông của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự quân đội. trường hợp không có cac giấy tờ trên thì phải có văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra tai nạn.

+ Đối với trường hợp chết do bệnh nghề nghiệp thì có thêm: Bản sao bệnh án điều trị bệnh nghề nghiệp.

+ Đối với thân nhân (của người chết thuộc đối tượng hưởng chế độ tử tuất) do suy giảm khả năng lao động thì có thêm một trong các giấy tờ sau: Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với thân nhân bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

- Biên bản họp của các thân nhân đối với trường hợp đủ điều kiện hưởng hằng tháng nhưng chọn hưởng trợ cấp tuất một lần.

- Giấy ủy quyền (nếu đối tượng đã từ trần có nhiều thân nhân).

Các thành phần hồ sơ nêu trên nếu không quy định là bản chính thì có thể nộp bản chính, bản sao kèm bản chính để đối chiếu, bản sao được chứng thực hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc.

 (ii) Hồ sơ hưởng mai táng phí đối với đối tượng người có công với cách mạng từ trần:

+ Bản khai của đại diện thân nhân (kèm biên bản ủy quyền) hoặc người tổ chức mai táng (mẫu TT1).

+ Bản sao Giấy chứng tử/ bản sao trích lục khai tử.

(theo Luật Hộ tịch 2015 thì không cấp bản sao giấy chứng tử mà thay vào đó là cấp trích lục khai tử).

+ Hồ sơ người có công với cách mạng (Huân chương Kháng chiến, Huân chương Chiến thắng, Huy chương Kháng chiến,  Huy chương Chiến thắng, Giấy chứng nhận về khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và thời gian hoạt động kháng chiến thực tế của cơ quan Thi đua - Khen thưởng).

(iii) Hồ sơ hỗ trợ chi phí mai táng cho đối tượng bảo trợ xã hội (được trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng):

+ Văn bản hoặc đơn đề nghị của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình hoặc cá nhân đứng ra tổ chức mai táng cho đối tượng.

+ Bản sao Giấy chứng tử/ bản sao trích lục khai tử

(theo Luật Hộ tịch 2015 thì không cấp bản sao giấy chứng tử mà thay vào đó là cấp trích lục khai tử).

+ Bản sao quyết định hưởng trợ cấp xã hội của người đơn thân đang nuôi con và bản sao giấy khai sinh của người con bị chết đối với trường hợp là con của người đơn thân nghèo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định 136/2013/NĐ-CP.

+ Bản sao sổ hộ khẩu hoặc văn bản xác nhận của công an cấp xã, bản sao quyết định thôi hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp khác của cơ quan có thẩm quyền đối với trường hợp là người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác.

3.1.2. Quy trình thực hiện

a) Tiếp nhận hồ sơ

- Người dân có thể lựa chọn nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã, hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính.

- Người dân nộp hồ sơ trực tiếp cho công chức tư pháp - hộ tịch trong trường hợp việc đăng ký khai tử được thực hiện lưu động.

- Trường hợp đăng ký khai tử tại nhà người dân thì công chức tư pháp - hộ tịch trực tiếp tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy nhận hồ sơ cho người dân, sau đó chuyển toàn bộ hồ sơ cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

- Công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận hồ sơ và lệ phí đăng ký khai tử (nếu có), kiểm tra tính phù hợp về nội dung hồ sơ, nếu chưa đầy đủ hoặc không phù hợp thì hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

Khi hồ sơ đầy đủ, phù hợp thì công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận hồ sơ; đối với các trường hợp người dân nộp hồ sơ trực tiếp thì viết giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả giao cho người nộp hồ sơ, trong giấy hẹn trả kết quả phải ghi rõ thời gian có trích lục khai tử, sổ hộ khẩu và tiền trợ cấp mai táng.

b) Trình tự và thời hạn giải quyết hồ sơ

(1) Giải quyết hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã

- Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ và lệ phí đăng ký khai tử (nếu có), công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã giao hồ sơ đăng ký khai tử cho công chức tư pháp - hộ tịch để thực hiện đăng ký khai tử.

- Công chức tư pháp - hộ tịch kiểm tra thông tin và tiến hành đăng ký khai tử, sau khi thực hiện đăng ký khai tử xong thì chuyển ngay trích lục khai tử cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (trong ngày). Trường hợp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 03 ngày làm việc.

- Ngay sau khi nhận được trích lục khai tử, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chụp 02 bản trích lục khai tử từ bản chính:

+ Chuyển hồ sơ xóa đăng ký thường trú đến Công an cấp xã để thực hiện hoặc chuyển cho Công an cấp huyện thực hiện việc giải quyết thủ tục xóa đăng ký thường trú.

+ Chuyển hồ sơ hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng) /hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí cho công chức văn hóa - xã hội để:

(i) Chuyển cho Bảo hiểm xã hội cấp huyện thực hiện việc giải quyết hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng).

(ii) Hoặc trình chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra văn bản đề nghị gửi Phòng Lao động - Thương Binh và Xã hội đối với trường hợp hỗ trợ chi phí mai táng cho đối tượng bảo trợ xã hội (được trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng).

(iii) Hoặc trình Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận bản khai gửi Phòng Lao động - Thương Binh và Xã hội đối với trường hợp hưởng mai táng phí, trợ cấp một lần khi người có công với cách mạng từ trần.

 (2) Giải quyết hồ sơ tại Công an

- Trường hợp thuộc thẩm quyền của công an cấp huyện

Khi nhận hồ sơ do Công an cấp xã chuyển đến, cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu với các quy định của pháp luật về cư trú:

Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy biên nhận trao cho người nộp.

Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng thiếu thành phần hồ sơ hoặc biểu mẫu, giấy tờ kê khai chưa đúng, chưa đầy đủ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cho người đến nộp hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì không tiếp nhận và trả lời bằng văn bản cho người đến nộp hồ sơ, nêu rõ lý do không tiếp nhận.

Trường hợp được giải quyết xóa đăng ký thường trú: Nhận hồ sơ, kiểm tra lại giấy tờ, tài liệu, đối chiếu các thông tin được ghi trong sổ hộ khẩu, giấy tờ khác và ký nhận vào sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu (ký, ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm nhận kết quả). Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ từ Công an cấp xã, cơ quan Công an cấp huyện thực hiện xóa đăng ký thường trú của người chết. Ngay sau khi xóa đăng ký thường trú xong, cơ quan Công an cấp huyện trả kết quả cho Công an cấp xã để chuyển cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã. Người nhận kết quả đưa giấy biên nhận, cán bộ đăng ký trả sổ hộ khẩu (đã xóa tên người chết) và yêu cầu người nhận kết quả ký nhận vào sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu.

Trường hợp không giải quyết xóa đăng ký thường trú: Công an cấp xã nhận lại hồ sơ đã nộp; kiểm tra lại giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ; nhận lại văn bản về việc không giải quyết xóa đăng ký thường trú và ký nhận (ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm nhận văn bản và hồ sơ đăng ký cư trú đã nộp) vào sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu. Chuyển trả hồ sơ về cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã để trả cho người dân.

- Trường hợp thuộc thẩm quyền của công an cấp xã

Khi nhận hồ sơ do công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển đến, cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu với các quy định của pháp luật về cư trú:

Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy biên nhận trao cho người nộp.

Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng thiếu thành phần hồ sơ hoặc biểu mẫu, giấy tờ kê khai chưa đúng, chưa đầy đủ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cho người đến nộp hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì không tiếp nhận và trả lời bằng văn bản cho công dân, nêu rõ lý do không tiếp nhận.

Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ từ Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Uỷ ban nhân dân cấp xã, cơ quan Công an thực hiện xóa đăng ký thường trú của người chết. Ngay sau khi xóa đăng ký thường trú xong, cơ quan Công an trả kết quả cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Người nhận kết quả đưa giấy biên nhận, cán bộ đăng ký trả sổ hộ khẩu (đã xóa tên người chết) và yêu cầu người nhận kết quả ký nhận vào sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu.

(3) Giải quyết hồ sơ tại Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội

- Trường hợp thực hiện thủ tục hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)

+ Trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ từ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, công chức văn hóa - xã hội trực tiếp hoặc qua đường bưu điện chuyển hồ sơ hưởng chế độ tử tuất đến Bảo hiểm xã hội cấp huyện. Tùy thuộc điều kiện thực tế, công chức văn hóa - xã hội có thể chuyển trước thông tin về người chết đến Bảo hiểm xã hội cấp huyện thông qua mạng điện tử. 

+ Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận thông tin qua mạng điện tử hoặc hồ sơ của công chức văn hóa - xã hội của Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển đến. Bảo hiểm xã hội cấp huyện kiểm tra nếu đầy đủ thủ tục theo quy định, thì chuyển cho Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để giải quyết chế độ tử tuất cho người dân.

+ Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận thông tin qua mạng điện tử hoặc hồ sơ của Bảo hiểm xã hội cấp huyện chuyển đến, Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh kiểm tra nếu đầy đủ thủ tục theo quy định, thì thực hiện giải quyết chế độ tử tuất cho người dân. Chuyển trả kết quả cho Bảo hiểm xã hội cấp huyện thông qua đường bưu chính; hoặc bảo hiểm xã hội cấp huyện có trách nhiệm liên hệ với Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh nhận kết quả để chuyển cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã để trả cho người dân.

Trường hợp người dân có yêu cầu, có thể nhận kết quả hưởng chế độ tử tuất trực tiếp tại bảo hiểm xã hội cấp tỉnh hoặc nhận qua đường bưu chính.

- Trường hợp thực hiện thủ tục hưởng mai táng phí cho đối tượng người có công với cách mạng

+ Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận bản khai và giấy chứng tử có trách nhiệm xác nhận bản khai, chuyển cho công chức văn hóa - xã hội chuyển trực tiếp hoặc thông qua đường bưu chính đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội. Tùy thuộc điều kiện thực tế, công chức văn hóa - xã hội có thể chuyển trước hồ sơ đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thông qua mạng điện tử. 

+ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ có trách nhiệm kiểm tra, lập phiếu báo giảm và tổng hợp danh sách gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Tùy thuộc điều kiện thực tế, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có thể chuyển trước hồ sơ đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông qua mạng điện tử. 

+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ quy định, có trách nhiệm đối chiếu, ghép hồ sơ người có công đang quản lý với hồ sơ đề nghị hưởng mai táng phí, trợ cấp một lần và ra quyết định. Chuyển quyết định cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

Sau khi nhận được quyết định do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển đến, Phòng lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chi trả tiền mai táng phí, chuyển Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã để trả kết quả cho người dân.

Trường hợp người dân có yêu cầu, có thể nhận chế độ mai táng phí trực tiếp tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc nhận qua đường bưu chính.

- Trường hợp thực hiện thủ tục  hỗ trợ chi phí mai táng cho đối tượng bảo trợ xã hội (được trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng)

+ Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ của đối tượng gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (thông qua đường bưu chính hoặc do công chức văn hóa - xã hội chuyển đến). Tùy thuộc điều kiện thực tế, công chức văn hóa - xã hội có thể chuyển trước hồ sơ đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thông qua mạng điện tử. 

+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định hỗ trợ chi phí mai táng.

Ngay sau khi có quyết định hỗ trợ chi phí mai táng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chi trả tiền hỗ trợ mai táng phí chuyển Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã để trả kết quả cho người dân.

Trường hợp người dân có yêu cầu, có thể nhận chế độ hỗ trợ chi phí mai táng trực tiếp tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc nhận qua đường bưu chính.

 c) Trả kết quả

- Trong thời hạn tối đa là 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ, người nộp hồ sơ đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã nộp hồ sơ để nhận kết quả gồm: Trích lục khai tử, chế độ tử tuất và hộ khẩu.

- Trong thời hạn tối đa là 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ, người nộp hồ sơ đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã nộp hồ sơ để nhận kết quả gồm: Trích lục khai tử, tiền mai táng phí và hộ khẩu.

- Trong thời hạn tối đa là 14 (mười bốn) ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ, người nộp hồ sơ đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã nộp hồ sơ để nhận kết quả gồm: Trích lục khai tử, hỗ trợ chi phí mai táng và hộ khẩu.

Trong trường hợp người dân có yêu cầu nhận kết quả từng loại thủ tục trên, thì khi nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã trình bày cụ thể để ghi vào phiếu hẹn và trả kết quả theo quy định.

Nếu có nhu cầu, người dân đăng ký với Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hoặc công chức tư pháp - hộ tịch (trường hợp đăng ký hộ tịch lưu động) dịch vụ trả kết quả qua hệ thống bưu chính, người dân sẽ được nhận kết quả do cơ quan bưu chính chuyển phát đến tận nhà. Người dân có nhu cầu đăng ký dịch vụ nhận kết quả tại nhà có trách nhiệm nộp cước phí cho cơ quan bưu chính. Tùy thuộc tình hình thực tế tại địa phương, cước phí bưu chính có thể do cơ quan giải quyết thủ tục thanh toán.

3.2. Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú

3.2.1. Hồ sơ

Người đi đăng ký nộp 01 (một) bộ hồ sơ (trực tiếp hoặc thông qua hệ thống bưu chính), xuất trình các giấy tờ có liên quan theo quy định tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người chết.

a) Hồ sơ đăng ký khai tử

- Giấy tờ phải xuất trình

Hộ chiếu, hoặc chứng minh nhân dân, hoặc thẻ căn cước công dân, hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký khai tử.

- Giấy tờ phải nộp:

+ Tờ khai đăng ký khai tử theo mẫu;

+ Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay cho Giấy báo tử theo quy định tại Điều 34 Luật Hộ tịch và Khoản 2, Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, cụ thể: Đối với người chết tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế cấp Giấy báo tử; đối với người chết do thi hành án tử hình thì Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình cấp giấy xác nhận việc thi hành án tử hình thay Giấy báo tử; đối với người bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì Bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thay Giấy báo tử; đối với người chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn, bị giết, chết đột ngột hoặc chết có nghi vấn thì văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y thay Giấy báo tử;

- Lệ phí đăng ký khai tử: Không quá 8.000 đồng.

Miễn lệ phí đối với trường hợp đăng ký khai tử đúng hạn, người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật.

- Người có yêu cầu đăng ký không có điều kiện trực tiếp đến cơ quan đăng ký, có thể ủy quyền cho người khác làm thay. Việc ủy quyền phải bằng văn bản và được công chứng, chứng thực hợp lệ. Nếu người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không cần phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh về mối quan hệ với người ủy quyền.

 b) Hồ sơ xóa đăng ký thường trú

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;

- Hộ khẩu (bản chính) có đăng ký thường trú của người chết.

Đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính đến Ủy ban nhân dân cấp xã: Ngoài các thành phần hồ sơ phải nộp theo quy định đối với các trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại Ủy ban nhân dân cấp xã và công chức tư pháp - hộ tịch, người dân còn phải nộp bản sao có chứng thực Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của người yêu cầu làm TTHC.

3.2.2. Quy trình thực hiện

a) Tiếp nhận hồ sơ

- Người dân có thể lựa chọn nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã, hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính.

- Người dân nộp hồ sơ trực tiếp cho công chức tư pháp - hộ tịch trong trường hợp việc đăng ký khai tử được thực hiện lưu động.

- Trường hợp đăng ký khai tử lưu động thì công chức tư pháp - hộ tịch trực tiếp tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy nhận hồ sơ cho người dân, sau đó chuyển toàn bộ hồ sơ cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

- Công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính phù hợp về nội dung hồ sơ, nếu chưa đầy đủ hoặc không phù hợp thì hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

- Khi hồ sơ đầy đủ, phù hợp thì công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận hồ sơ; đối với các trường hợp người dân nộp hồ sơ trực tiếp thì viết giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả giao cho người nộp hồ sơ, trong giấy hẹn trả kết quả phải ghi rõ thời gian có giấy chứng tử, sổ hộ khẩu.

b) Trình tự và thời hạn giải quyết hồ sơ

(1) Giải quyết hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã

- Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ, công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã giao hồ sơ đăng ký khai tử cho công chức tư pháp - hộ tịch để thực hiện đăng ký khai tử.

- Công chức tư pháp - hộ tịch kiểm tra thông tin và tiến hành đăng ký khai tử, sau khi thực hiện đăng ký khai tử xong thì chuyển ngay trích lục khai tử cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (trong ngày). Trường hợp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 03 ngày làm việc.

- Ngay sau khi nhận được trích lục khai tử, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm: Chuyển hồ sơ xóa đăng ký thường trú đến Công an cấp xã để thực hiện xóa đăng ký thường trú, hoặc để chuyển cho Công an cấp huyện để thực hiện xóa đăng ký thường trú.

 (2) Giải quyết hồ sơ, xử lý thông tin tại cơ quan Công an

- Trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an cấp huyện

Khi nhận hồ sơ do Công an cấp xã chuyển đến, cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu với các quy định của pháp luật về cư trú:

Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy biên nhận trao cho người nộp.

Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng thiếu thành phận phần hồ sơ hoặc biểu mẫu, giấy tờ kê khai chưa đúng, chưa đầy đủ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cho người đến nộp hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì không tiếp nhận và trả lời bằng văn bản cho người đến nộp hồ sơ, nêu rõ lý do không tiếp nhận.

Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ từ Công an cấp xã, cơ quan Công an cấp huyện thực hiện xóa đăng ký thường trú của người chết. Ngay sau khi xóa đăng ký thường trú xong, cơ quan Công an cấp huyện trả kết quả cho Công an cấp xã để chuyển cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trường hợp được giải quyết xóa đăng ký thường trú: Công an cấp xã nhận hồ sơ, kiểm tra lại giấy tờ, tài liệu, đối chiếu các thông tin được ghi trong sổ hộ khẩu, giấy tờ khác và ký nhận vào sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu (ký, ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm nhận kết quả).

Trường hợp không giải quyết xóa đăng ký thường trú: Công an cấp xã nhận lại hồ sơ đã nộp; kiểm tra lại giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ; nhận lại văn bản về việc không giải quyết xóa đăng ký thường trú và ký nhận (ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm nhận văn bản và hồ sơ đăng ký cư trú đã nộp) vào sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu.

- Trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an cấp xã

Khi nhận hồ sơ do công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển đến, cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu với các quy định của pháp luật về cư trú:

Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy biên nhận trao cho người nộp.

Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng thiếu thành phần hồ sơ hoặc biểu mẫu, giấy tờ kê khai chưa đúng, chưa đầy đủ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cho người đến nộp hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì không tiếp nhận và trả lời bằng văn bản cho công dân, nêu rõ lý do không tiếp nhận.

Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ từ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an cấp xã thực hiện xóa đăng ký thường trú của người chết. Ngay sau khi xóa đăng ký thường trú xong, Công an cấp xã trả kết quả cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của ủy ban nhân dân cấp xã.

Người nhận kết quả đưa giấy biên nhận, cán bộ đăng ký trả sổ hộ khẩu (đã xóa tên người chết) và yêu cầu người nhận kết quả ký nhận vào sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu.

 c) Trả kết quả

- Trường hợp xóa đăng ký thường trú thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an cấp huyện: Trong thời hạn tối đa là 07 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ, người nộp hồ sơ đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã nộp hồ sơ để nhận kết quả gồm: Trích lục khai tử và hộ khẩu.

Trong trường hợp người dân có yêu cầu nhận kết quả từng loại thủ tục này, thì khi nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã trình bày cụ thể để ghi vào phiếu hẹn và trả kết quả theo quy định.

Nếu có nhu cầu, người dân đăng ký với Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hoặc công chức tư pháp - hộ tịch (trường hợp đăng ký hộ tịch lưu động) dịch vụ trả kết quả qua hệ thống bưu chính, người dân sẽ được nhận kết quả do cơ quan bưu chính chuyển phát đến tận nhà.

Người dân có nhu cầu đăng ký dịch vụ nhận kết quả tại nhà có trách nhiệm nộp cước phí cho cơ quan bưu chính. Tùy thuộc điều kiện thực tế tại địa phương, cước phí bưu chính có thể do cơ quan giải quyết thủ tục chi trả.

 

V. LỢI ÍCH CỦA VIỆC ÁP DỤNG MÔ HÌNH LIÊN THÔNG

Sáng kiến thực hiện liên thông các TTHC: Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí đã đưa ra định hướng về cách thức phối hợp và phương án để giải quyết việc đơn giản hóa TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dân cư. Về tổng thể, giải pháp này sẽ mang lại lợi ích như: Tạo điều kiện thuận lợi, cắt giảm gánh nặng chi phí thực hiện TTHC bảo đảm thống nhất và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư; đặc biệt là thể hiện tính phục vụ, tính chuyên nghiệp của cơ quan hành chính nhà nước; phù hợp với định hướng phát triển Chính phủ điện tử.

Về thời gian thực hiện TTHC: Theo quy định của pháp luật hiện hành thì công dân thường mất ít nhất là 05 lần (10 lượt) tới cơ quan có thẩm quyền để đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí; hoặc 3 lần (06 lượt) tới cơ quan nhà nước để thực hiện TTHC đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú. Theo dự thảo sáng kiến, khi thực hiện liên thông, người dân chỉ phải đi lại tối đa 02 lần (04 lượt).

Đồng thời, chuỗi TTHC xóa đăng ký thường trú và hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí thành phần hồ sơ bắt buộc có bản sao trích lục khai tử. Như vậy, trích lục khai tử là kết quả của TTHC đăng ký khai tử nhưng lại là thành phần hồ sơ của thủ tục xóa đăng ký thường trú và hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí. Nếu áp dụng mô hình liên thông người dân sẽ giảm được 02 bản sao trích lục khai tử, trường hợp không thực hiện TTHC hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí thì người dân giảm được 01 bản sao trích lục khai tử.

Theo tính toán sơ bộ, chỉ tính riêng lợi ích về giảm chi phí về thời gian đi lại thì tổng lợi ích mà người dân nhận được khi thực hiện sáng kiến liên thông thủ tục hành chính là khoảng: 38.765.782.000 đồng.

Ngoài những lợi ích cụ thể như trên, khi áp dụng sáng kiến liên thông TTHC trên còn mang lại nhiều tác động tích cực trong việc thực hiện TTHC, tạo thuận lợi cho người dân, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý của nhà nước đối với từng ngành, lĩnh vực như:

- Đối với người dân, khi áp dụng mô hình liên thông sẽ giúp người dân không phải đi tới nhiều cơ quan quản lý giúp giảm tối đa chi phí hành chính cho người dân.

- Đối với cơ quan quản lý, khi áp dụng mô hình liên thông sẽ khiến chi phí thực hiện TTHC tăng lên do việc phải luân chuyển tài liệu hồ sơ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan, tuy nhiên việc tổ chức liên thông sẽ tạo nên những chuyển biến trong công tác quản lý dân cư, đặc biệt sự liên thông trong việc quản lý dân cư giữa cơ quan đăng ký hộ tịch và cơ quan xóa đăng ký thường trú  góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm thống nhất quản lý dân cư

- Việc người dân chỉ phải tới một cơ quan quản lý để thực hiện TTHC và chỉ gặp một cán bộ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả sẽ giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn của một bộ phận cán bộ, công chức.

 

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. GIẢI PHÁP

1. Hoàn thiện thể chế và cơ chế bảo đảm cho việc triển khai, thực hiện liên thông các TTHC

Xây dựng văn bản làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện mô hình một cửa liên thông giải quyết các TTHC để triển khai ở các địa phương trong toàn quốc

- Sản phẩm: Quyết định của TTCP về việc thực hiện liên thông các TTHC: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí.

- Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

- Cơ quan phối hợp: Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan.

- Thời gian hoàn thành: Tháng 6/2018.

2. Kiện toàn đội ngũ công chức thuộc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã

- Bổ sung nhiệm vụ thực hiện mô hình liên thông này cho Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Rà soát khối lượng công việc và thực trạng, đồng thời đề ra giải pháp kiện toàn đội ngũ công chức thuộc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc giải quyết TTHC theo mô hình một cửa liên thông.

3. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ

- Tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức của Ủy ban nhân dân cấp xã, cán bộ, chiến sĩ của cơ quan Công an, công chức tại các cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, viên chức tại các cơ quan bảo hiểm xã hội về cách thức triển khai thực hiện mô hình liên thông.

- Hướng dẫn việc tổ chức thực hiện mô hình liên thông, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện mô hình này.

- Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội Việt nam, Bộ Nội vụ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan.

- Thời gian hoàn thành: Tháng 6/2018.

4. Triển khai thực hiện

Mô hình liên thông được triển khai thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

5. Hiện đại hóa việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cho công dân

 Bám sát lộ trình thực hiện Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 để thay đổi hình thức đăng ký và quản lý cho phù hợp.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Nguồn lực thực hiện sáng kiến

a) Về tài chính

Kinh phí thực hiện Sáng kiến do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định hiện hành về phân cấp ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Hàng năm, căn cứ nhiệm vụ được giao tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, đơn vị thực hiện Sáng kiến xây dựng kinh phí thực hiện tổng hợp chung dự toán của cơ quan, đơn vị mình gửi cơ quan tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện. Đồng thời, có thể huy động kinh phí từ nguồn tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

b) Về nhân lực

Nhân lực thực hiện sáng kiến là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan tại địa phương có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện sáng kiến theo nhiệm vụ được giao.

Sở Tư pháp là đầu mối giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện Sáng kiến.

2. Nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương

a) Nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ

Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện liên thông các TTHC: Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú.

b) Nhiệm vụ của Bộ Tư pháp

- Phối hợp với Văn phòng Chính phủ trong việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện liên thông các TTHC: Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thực hiện liên thông các TTHC: Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng) /hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú.

- Chỉ đạo triển khai, hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện liên thông trong ngành do mình quản lý, đồng thời chủ trì phối hợp hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai mô hình liên thông trên thực tế;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền Thông hướng dẫn thực hiện thống nhất về việc sử dụng dịch vụ bưu chính trong việc gửi và nhận hồ sơ cũng như trả kết quả trong quá trình giải quyết hồ sơ theo mô hình liên thông;

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan kiểm tra việc triển khai thực hiện mô hình liên thông trên thực tế.

c) Nhiệm vụ của Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

- Phối hợp với Văn phòng Chính phủ trong việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện liên thông các TTHC: Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú.

- Phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thực hiện liên thông các TTHC: Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú.

- Chỉ đạo triển khai, hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện mô hình liên thông trong ngành do mình quản lý, đồng thời chủ trì phối hợp hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai mô hình liên thông trên thực tế;

- Chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tư pháp trong việc tổ chức triển khai thực hiện liên thông các TTHC ở địa phương;

- Phối hợp thực hiện kiểm tra liên ngành việc triển khai mô hình liên thông trên thực tế làm cơ sở cho việc đề xuất các biện pháp chấn chỉnh hoặc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trên thực tế triển khai.

d) Nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm triển khai thực hiện mô hình liên thông.

đ) Nhiệm vụ của Bộ Tài chính

Chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong việc bảo đảm ngân sách nhà nước phục vụ công tác triển khai thực hiện liên thông các TTHC trên thực tế.

e) Nhiệm vụ của Bộ Nội vụ

Phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện mô hình liên thông theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

g) Nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện liên thông các TTHC trên địa bàn tỉnh;

- Kiểm tra việc thực hiện, tìm biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện liên thông các TTHC;

- Bố trí kinh phí tổ chức thực hiện liên thông các TTHC nêu trên, từ nguồn ngân sách của địa phương chi cho việc thực hiện cải cách hành chính và các nguồn khác theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản pháp luật hiện hành. Tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho Ủy ban nhân dân cấp xã nhằm từng bước hiện đại hóa việc tiếp nhận, giải quyết TTHC cho người dân;

- Giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Công an và Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ, Sở Tài chính tổ chức triển khai, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết việc thực hiện liên thông các TTHC tại địa phương;

- Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc có trách nhiệm báo cáo về Bộ Tư pháp để kịp thời tháo gỡ, bảo đảm triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đúng tiến độ và có hiệu quả.

h) Nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp huyện

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an cấp huyện, Công an cấp xã, Bảo hiểm xã hội cấp huyện, Phòng lao động - Thương binh và Xã hội trong việc triển khai thực hiện liên thông các TTHC: Đăng ký khai tử - xóa  đăng ký thường trú - hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí; đăng ký khai tử - xóa  đăng ký thường trú trên địa bàn;

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện liên thông các TTHC nêu trên trên địa bàn;

- Kiểm tra, xem xét, giải quyết, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai, thực hiện liên thông các TTHC nêu trên ở địa phương;

- Bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất cho Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện liên thông các TTHC: Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí; đăng ký khai tử - xóa  đăng ký thường trú.

i) Nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp xã

- Triển khai thực hiện liên thông các TTHC: Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí tại địa phương;

- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã là đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết các TTHC được thực hiện liên thông;

- Bố trí người có đủ trình độ, năng lực thực hiện việc liên thông các TTHC;

- Quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao;

- Công khai quy trình liên thông các TTHC: Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí tại Ủy ban nhân dân cấp xã;  

- Thực hiện việc hỗ trợ cho cán bộ, công chức thực hiện liên thông các TTHC nêu trên theo quy định của pháp luật;

- Kịp thời phản ánh với Ủy ban nhân dân cấp huyện về các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để được xem xét, hướng dẫn giải quyết;

- Hàng năm, căn cứ nhiệm vụ được giao tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng kinh phí thực hiện tổng hợp chung dự toán của cơ quan, đơn vị mình gửi cơ quan tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện. Đồng thời, có thể huy động kinh phí từ nguồn tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật./.

 

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ

 

 

…………..………………..

…..………………….…….

………………..………………

(1)

 

 

Số:(2) ..... / TLKT

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                          Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

                                   

 


………, ngày….…tháng ……năm 20…..

TRÍCH LỤC KHAI TỬ

 

Họ, chữ đệm, tên: ……………..……….…………………..……….……………………..…..

Ngày, tháng, năm sinh: …………..……….…………………..……….……

Giới tính: ……….……………… Dân tộc: ………..……………… Quốc tịch: ……….…….

Số định danh cá nhân: (3)…..……….…………………..……….…………………………………………….

Giấy tờ tùy thân: (4) …..……….………………..……….…………………………………………………….

.....................................................................................................................................................................................

Đã chết vào lúc....................giờ.................phút, ngày......................................................................... ghi bằng chữ:

.....................................................................................................................................................................................

.....................................................................................................................................................................................

Nơi chết: ....................................... .................................................... ............................... ...........................

................................. ............................... ............................... .............................. ............................. ...........................

 Nguyên nhân chết: .......................................................................................................................................

………………………………………………………………………………………………………………………

Giấy báo tử/Giấy tờ thay thế Giấy báo tử số....................................................do........................

.....................................................................................................................................................................................

..............................................................................................................cấp ngày.....................................

Họ, chữ đệm, tên người đi khai tử: ........................................................................................

.....................................................................................................................................................................................

Giấy tờ tùy thân:(4) .................................................................................................................................

.....................................................................................................................................................................................

 

NGƯỜI KÝ TRÍCH LỤC

(Ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên, chức vụ, đóng dấu)

 

                                                                                                                 

Chú thích:

 

(1) Ghi tên cơ quan cấp Trích lục. Nếu là Ủy ban nhân dân cấp xã thì ghi đủ 03 cấp hành chính (xã, huyện, tỉnh); nếu là Ủy ban nhân dân cấp huyện thì ghi đủ 02 cấp hành chính (huyện, tỉnh); nếu là Cơ quan đại diện thì ghi rõ tên cơ quan đại diện và tên nước có trụ sở Cơ quan đại diện.

Ví dụ:      Tỉnh Thanh Hoá

                        Thành phố Thanh Hoá

         UBND phường Lam Sơn

Hoặc: Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ;

                        Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản

(2) Ghi theo số trong Sổ đăng ký khai tử.

(3) Chỉ ghi trong trường hợp đã được cấp Số định danh cá nhân.

(4) Ghi rõ tên loại giấy tờ, số, tên cơ quan, ngày tháng năm cấp.

 

…………..…….……………

………….…………….…….

………………………….…(1)

Số:(2)      /TLKT-BS

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                         Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

                                   

………, ngày….…tháng ……năm 20….

TRÍCH LỤC KHAI TỬ

(BẢN SAO)

Họ, chữ đệm, tên:.........................................................................................................................................

.....................................................................................................................................................................................

Ngày, tháng, năm sinh: …………..……….…………………..……….………………………

Giới tính: ……….……………… Dân tộc: ………..………..…… Quốc tịch: ……….……..……………

Số định danh cá nhân: …..……….…………….………………………………………………

Giấy tờ tùy thân: …..……….…………………..…………………………………………………..

.....................................................................................................................................................................................

Đã chết vào lúc.......................giờ.....................phút, ngày........................................................................................

Nơi chết: .........................................................................................................................................................................

...............................................................................................................................................................................................Nguyên nhân chết:....................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

Đã được đăng ký khai tử tại: (3): ............................................................................................................

....................................................................................................................................................................................

Số: ...............................................ngày...........................................................

Ghi chú(4):  ........................................................................................................................................................

 

 

NGƯỜI KÝ TRÍCH LỤC

(Ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên, chức vụ, đóng dấu)

 

 

 

Chú thích:

(1) Ghi tên cơ quan cấp bản sao Trích lục. Nếu là Ủy ban nhân dân cấp xã thì ghi đủ 03 cấp hành chính (xã, huyện, tỉnh); nếu là Ủy ban nhân dân cấp huyện thì ghi đủ 02 cấp hành chính (huyện, tỉnh); nếu là Cơ quan đại diện thì ghi rõ tên cơ quan đại diện và tên nước có trụ sở Cơ quan đại diện.

Ví dụ:      Tỉnh Thanh Hoá

                        Thành phố Thanh Hoá

         UBND phường Lam Sơn

Hoặc: Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ;

                        Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản

(2) Ghi theo số trong Sổ cấp bản sao Trích lục hộ tịch của cơ quan đăng ký hộ tịch.

(3) Ghi tên cơ quan đăng ký khai tử, số, ngày tháng năm đăng ký.

Ví dụ: “Uỷ ban nhân dân phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội

                        Số: 02, ngày 05/01/2016”

 (4) Tuỳ theo cách thức thực hiện, ghi rõ căn cứ cấp bản sao Trích lục: “Thực hiện việc trích lục từ Sổ đăng ký khai tử” hoặc “Thực hiện việc trích lục từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo quy trình tin học”.

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Mẫu HK02 ban hành
theo TT số 36/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014

 

PHIẾU BÁO THAY ĐỔI HỘ KHẨU, NHÂN KHẨU

Kính gửi: …………………………….

I. Thông tin về người viết phiếu báo

1. Họ và tên (1): …………………………………..................................... 2. Giới tính:  

3. CMND số:……….............…………………….4. Hộ chiếu số:.........

5. Nơi thường trú:.................................................................................

6. Địa chỉ chỗ ở hiện nay: .....................................................................

…………...................…………………………………….. Số điện thoại liên hệ:

II. Thông tin về người có thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu

1. Họ và tên (1):……………..................................……………………. 2. Giới tính:     

3. Ngày, tháng, năm sinh:……/….../…................ 4. Dân tộc:……..5. Quốc tịch:        

6. CMND số:……………………………. 7. Hộ chiếu số:.....................

8. Nơi sinh:...........................................................................................

9. Nguyên quán:....................................................................................

10. Nghề nghiệp, nơi làm việc:..............................................................

11. Nơi thường trú:...............................................................................

12. Địa chỉ chỗ ở hiện nay: ...................................................................

…………………................……………..……………… Số điện thoại liên hệ:   

13. Họ và tên chủ hộ:……………....................………….14. Quan hệ với chủ hộ:      

15. Nội dung thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (2):......................................

..............................................................................................................

16. Những người cùng thay đổi:

TT

Họ và tên

Ngày, tháng, năm sinh

Giới tính

Nơi sinh

Nghề nghiệp

Dân tộc

Quốc tịch

CMND số (hoặc Hộ chiếu số)

Quan hệ với người có thay đổi

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

……, ngày….tháng….năm…
Ý KIẾN CỦA CHỦ HỘ (3)
(Ghi rõ nội dung và ký, ghi rõ họ tên)

……, ngày….tháng….năm…
NGƯỜI VIẾT PHIẾU BÁO
(Ký, ghi rõ họ tên)

 

XÁC NHẬN CỦA CÔNG AN (4):.......................................................

..............................................................................................................

..............................................................................................................

..............................................................................................................

..............................................................................................................

..............................................................................................................

..............................................................................................................

..............................................................................................................

 

 

……, ngày…tháng…năm…
TRƯỞNG CÔNG AN:………..
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

____________

(1) Viết chữ in hoa đủ dấu

(2) Ghi tóm tắt nội dung thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. Ví dụ: đăng ký thường trú, tạm trú; thay đổi nơi đăng ký thường trú, tạm trú; tách sổ hộ khẩu; điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu ...

(3) Ghi rõ ý kiến của chủ hộ là đồng ý cho đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc đồng ý cho tách sổ hộ khẩu; chủ hộ ký và ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm.

(4) Áp dụng đối với trường hợp: Xác nhận việc công dân trước đây đã đăng ký thường trú và trường hợp cấp lại sổ hộ khẩu do bị mất.

Ghi chú: Trường hợp người viết phiếu báo cũng là người có thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu thì công dân chỉ cần kê khai những nội dung quy định tại mục II

 

Mẫu số 6

(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC

ngày 24 tháng 10 năm 2014)

            

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

                                            

                         TỜ KHAI ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ CHI PHÍ MAI TÁNG

(Áp dụng đối với đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP)

 

I. THÔNG TIN NGƯỜI CHẾT ĐƯỢC MAI TÁNG (Nếu có)

1.1. Họ và tên (Viết chữ in hoa): ………………………………………………

Ngày/tháng/năm sinh: …../…../ …… Giới tính: ……….. Dân tộc: ….…………

1.2. Hộ khẩu thường trú:  …………………………………….………………….

1.3. Ngày ……….tháng ……….năm ………….chết

1.4. Nguyên nhân chết …………………………………………………………..

1.5. Thời gian mai táng…………..………………………………………………

1.6. Địa điểm mai táng …………………………………………………………..

II. THÔNG TIN CƠ QUAN, TỔ CHỨC, HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN ĐỨNG RA MAI TÁNG CHO NGƯỜI CHẾT.

2. 1. Trường hợp cơ quan, tổ chức đứng ra mai táng

2.1.1. Tên cơ quan, tổ chức:……………………………...………………………

- Địa chỉ:…………………………………………………………………………

2.1.2. Họ và tên người đại diện cơ quan:………………...………………………

- Chức vụ:………………………………………………………………………..

2.2. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đứng ra mai táng

2.2.1. Họ và tên (Chủ hộ hoặc người đại diện):…………..……………………

Ngày/tháng/năm sinh:………./…………/…….

Giấy CMND số:………………… Cấp ngày…………… Nơi cấp…….………..

2.2.2. Hộ khẩu thường trú:…………………………………………...…………..

Nơi ở:…………………………………………………………….………………

2.2.3. Quan hệ với người chết:…………………………………..…………….....

……………………………………………………………………………………

Tôi xin cam đoan những lời khai trên là đúng, nếu có điều gì khai không đúng tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn.

 

Ngày....... tháng ....... năm 20...

Người khai

(Ký, ghi rõ họ tên. Nếu cơ quan, tổ chức thì ký, đóng dấu)

XÁC NHẬN CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ

UBND xã, phường, thị trấn …………………xác nhận cơ quan/tổ chức/gia đình/cá nhân……………………………..đã tổ chức mai táng cho người chết theo như kê khai thông tin của trên là đúng. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định.

 

Ngày....... tháng ....... năm 20...

CHỦ TỊCH

(Ký tên, đóng dấu)

     

 

Mẫu số 1a

(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC

ngày 24 tháng 10 năm 2014)

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

TỜ KHAI ĐỀ NGHỊ TRỢ GIÚP XÃ HỘI

(Áp dụng đối với đối tượng quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 5
 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP)

 

Phần 1. THÔNG TIN CỦA ĐỐI TƯỢNG

 

1. Họ và tên (Viết chữ in hoa): …………………………………………………….

Ngày/tháng/năm sinh: …../…../ …… Giới tính: …….. Dân tộc: ………………

Giấy CMND số…................. Cấp ngày  …./…/…. Nơi cấp:…………………...

2. Hộ khẩu thường trú: ………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………...Hiện đang ở với ai và địa chỉ nơi ở? ……………………………………………

…………………………………………………………………………………...

3.  Tình trạng đi học    

Chưa đi học (Lý do:..........................................................................................................)

Đã nghỉ học (Lý do: .........................................................................................................)

Đang đi học (Ghi cụ thể): ................................................................................................)

4. Có thẻ BHYT không?        Không               Có

5. Đang hưởng chế độ nào sau đây:

Trợ cấp BHXH hàng tháng: ……………………đồng. Hưởng từ tháng………/…….

Trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng:………………đồng. Hưởng từ tháng……/…….

Trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng: ………đồng. Hưởng từ tháng……../….

Trợ cấp, phụ cấp hàng tháng khác:…………… đồng. Hưởng từ tháng..…/…….

6. Thuộc hộ nghèo không?  Không     Có

7. Có khuyết tật không?      Không     Có (Dạng tật …………………….……….

                                                                                      Mức độ khuyết tật ………….… ……)

8. Thông tin về mẹ của đối tượng …………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………

 

9. Thông tin về cha của đối tượng ………… …………………… ………………… ………………… ………… …………………

…………………… ………… ………………… …………………… ……………… …………… ……………………………………… ………………… ……………………

Tôi xin cam đoan những lời khai trên là đúng sự thực, nếu có điều gì khai không đúng, tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn.

 

Thông tin người khai thay

Giấy CMND số:………………………

Ngày cấp:…………………………

Nơi cấp:……………………………

Quan hệ với đối tượng:……………

Địa chỉ:……………………

Ngày....... tháng ....... năm 20...

Người khai

(Ký, ghi rõ họ tên. Trường hợp khai thay phải ghi đầy đủ thông tin người khai thay)

 

 

 

Phần 2. KẾT LUẬN CỦA HỘI ĐỒNG XÉT DUYỆT TRỢ GIÚP XÃ HỘI

 

Hội đồng xét duyệt trợ giúp xã hội xã/phường/thị trấn: …………….…………..

đã xem xét hồ sơ, xác minh thông tin cá nhân của ……………………….……..

và họp ngày ….tháng……năm……thống nhất kết luận như sau (Ghi cụ thể diện chính sách, chế độ hưởng, thời gian): ………………………......………................

…………………………………………………………………………………...

…………………………………………………………………………………...

………………………………………………………………………………….Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết chế độ chính sách cho đối tượng theo quy định./.

 

THƯ KÝ

                       (Ký, ghi rõ họ tên)

    

Ngày ..... tháng ..... năm 20…

CHỦ TỊCH

 (Ký, đóng dấu)

 

 

 

Mẫu số 1b

(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC

ngày 24 tháng 10 năm 2014)

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

TỜ KHAI ĐỀ NGHỊ TRỢ GIÚP XÃ HỘI

    (Áp dụng đối với đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 5
Nghị định số 136/2013/NĐ-CP)

________

 

Phần 1. THÔNG TIN CỦA ĐỐI TƯỢNG

 

1. Họ và tên (Viết chữ in hoa): …………………………………………………….

Ngày/tháng/năm sinh: …../…../ …… Giới tính: …….. Dân tộc: ………………

Giấy CMND số…................. Cấp ngày  …./…/…. Nơi cấp:…………………...

2. Hộ khẩu thường trú: ………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………...Hiện đang ở với ai và địa chỉ nơi ở? ……………………………………………

…………………………………………………………………………………...

3.  Tình trạng đi học    

Chưa đi học (Lý do:..........................................................................................................)

Đã nghỉ học (Lý do: .........................................................................................................)

Đang đi học (Ghi cụ thể: .................................................................................................)

4. Có thẻ BHYT không?        Không               Có

5. Đang hưởng chế độ nào sau đây:

Trợ cấp BHXH hàng tháng: ……………………đồng. Hưởng từ tháng………/…….

Trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng:………………đồng. Hưởng từ tháng……/…….

Trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng: ………đồng. Hưởng từ tháng……../….

Trợ cấp, phụ cấp hàng tháng khác:…………… đồng. Hưởng từ tháng..…/…….

6. Thuộc hộ nghèo không?  Không     Có

7. Thời điểm phát hiện nhiễm  HIV …………………………………….………………

8. Có khuyết tật không?      Không     Có (Dạng tật …………………….……….

                                                                                      Mức độ khuyết tật ………….………..)

 

9. Khả năng tham gia lao động (Ghi cụ thể)………………...………………….…

……………………………………………………….…………………..…………………………………………………………….…………..…………………

 

Tôi xin cam đoan những lời khai trên là đúng sự thực, nếu có điều gì khai không đúng, tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn.

 

Thông tin người khai thay

Giấy CMND số:……………………

Ngày cấp:…………………………

Nơi cấp:…………………………………

Quan hệ với đối tượng:……………

Địa chỉ:……………………………

Ngày....... tháng ....... năm 20...

Người khai

(Ký, ghi rõ họ tên. Trường hợp khai thay

 phải ghi đầy đủ thông tin người khai thay)

 

 

 

Phần 2. KẾT LUẬN CỦA HỘI ĐỒNG XÉT DUYỆT TRỢ GIÚP XÃ HỘI

 

Hội đồng xét duyệt trợ giúp xã hội xã/phường/thị trấn: …….…………………..

đã xem xét hồ sơ, xác minh thông tin cá nhân của ……………………...………

và họp ngày ….…tháng……...năm……thống nhất kết luận như sau (Ghi cụ thể diện chính sách, chế độ hưởng, thời gian): ..………………………………………….

……………………………………………………………………...……………

………..……………………………………………………….……………….

Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết chế độ chính sách cho đối tượng theo quy định./.

 

THƯ KÝ

                    (Ký, ghi rõ họ tên)

    

Ngày ..... tháng ..... năm 20…

CHỦ TỊCH

 (Ký, đóng dấu)

 

 

 

Mẫu số 1c

(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC

ngày 24 tháng 10 năm 2014)

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

TỜ KHAI ĐỀ NGHỊ TRỢ GIÚP XÃ HỘI

    (Áp dụng đối với  đối tượng quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP)

_________________

 

Phần 1. THÔNG TIN CỦA ĐỐI TƯỢNG

 

1. Họ và tên (Viết chữ in hoa): …………………………………………………….

Ngày/tháng/năm sinh: …../…../ …… Giới tính: …….. Dân tộc: ………………

Giấy CMND số…................. Cấp ngày  …./…/…. Nơi cấp:…………………...

2. Hộ khẩu thường trú: ………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………...

Hiện đang ở với ai và địa chỉ nơi ở? …………………………….………………

…………………………………………………………………………………...3. Có thẻ BHYT không?     Không   Có

4. Thuộc hộ nghèo không?  Không     Có

5. Tình trạng hôn nhân? (Ghi rõ: Không có chồng/vợ; có chồng/vợ đã chết hoặc mất tích heo quy định) ……………………………………………………………………………

6. Số con đang nuôi………………. người. Trong đó dưới 16 tuổi ……..người;

 từ 16 đến 22 tuổi đang học phổ thông, học nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao

đẳng, đại học………. người.

7. Thông tin về con thứ nhất (Ghi cụ thể họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi ở, tình trạng đi học, chế độ chính sách đang hưởng)……………………………………….………

...............................................................................................................................

...............................................................................................................................

...............................................................................................................................

...............................................................................................................................

 

8. Thông tin con thứ hai trở đi (Khai đầy đủ thông tin như con thứ nhất)…………….

..............................................................................................................................

..............................................................................................................................

..............................................................................................................................

..............................................................................................................................

 

Tôi xin cam đoan những lời khai trên là đúng sự thực, nếu có điều gì khai không đúng, tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn.

 

 

Thông tin người khai thay

Giấy CMND số:……………….………….…..

Ngày cấp:…………………….……………….

Nơi cấp:…………………….………………...

Quan hệ với đối tượng:…….……………........

Địa chỉ:…………………….…………………

Ngày....... tháng ....... năm 20...

Người khai

(Ký, ghi rõ họ tên. Trường hợp khai thay

phải ghi đầy đủ thông tin người khai thay)

 

 

 

Phần 2. KẾT LUẬN CỦA HỘI ĐỒNG XÉT DUYỆT TRỢ GIÚP XÃ HỘI

 

Hội đồng xét duyệt trợ giúp xã hội xã/phường/thị trấn: ……...………………..

đã xem xét hồ sơ, xác minh thông tin cá nhân của ………..……………...……

 và họp ngày …    tháng…….năm……thống nhất kết luận như sau (Ghi cụ  thể diện chính sách, chế độ hưởng, thời gian):

..………………………..………………………………………………….……

……………..………………………………………………………...…………

………..………..………………………………………………….……………

Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết chế độ chính sách cho đối tượng theo quy định./.

 

THƯ KÝ

(Ký, ghi rõ họ tên)

 

Ngày ..... tháng ..... năm 20…

CHỦ TỊCH

(Ký, đóng dấu)

 

 

 

 

Mẫu số 1d

(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC

ngày 24 tháng 10 năm 2014)

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

TỜ KHAI ĐỀ NGHỊ TRỢ GIÚP XÃ HỘI

(Áp dụng đối với đối tượng quy định tại Khoản 5 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP)

 

Phần 1. THÔNG TIN CỦA ĐỐI TƯỢNG

 

1. Họ và tên (Viết chữ in hoa): …………………………………………………….

Ngày/tháng/năm sinh: …../…../ …… Giới tính: …….. Dân tộc: ………………

Giấy CMND số…................. Cấp ngày  …./…/…. Nơi cấp:…………………...

2. Hộ khẩu thường trú: ………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………...

Hiện đang ở với ai và địa chỉ nơi ở? ……………………………………………

…………………………………………………………………………………...3. Có thẻ BHYT không?        Không      Có

4. Đang hưởng chế độ nào sau đây:

Lương hưu/Trợ cấp BHXH hàng tháng      : ………đồng. Hưởng từ tháng…/…..…

Trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng            :………đồng. Hưởng từ tháng……/……

Trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng: ………đồng. Hưởng từ tháng….../……

Trợ cấp, phụ cấp hàng tháng khác          :……… đồng. Hưởng từ tháng….…/……

5. Thuộc hộ nghèo không?  Không     Có

6. Có khuyết tật không?      Không     Có (Dạng tật …………………….……….

                                                                                      Mức độ khuyết tật ………….………..)

7. Tình trạng hôn nhân? (Ghi rõ: Không có chồng/vợ; có chồng/vợ đã chết hoặc mất tích theo quy định) …………………..……………………………………………..

 

8. Người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng (Nếu có, ghi cụ thể  họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi ở,  việc làm, thu nhập):………………………………………………….

………………………………………………………….………………………..

…………………………………………………………….……………………..

9. Quá trình hoạt động của bản thân (Không bắt buộc)

…………………………………………………………………………………..

…………………………………………………………………………………..

…………………………………………………………………………………..

 

Tôi xin cam đoan những lời khai trên là đúng sự thực, nếu có điều gì khai không đúng, tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn.

 

Thông tin người khai thay

Giấy CMND số:……………….………….…..

Ngày cấp:…………………….……………….

Nơi cấp:…………………….………………...

Quan hệ với đối tượng:…….……………........

Địa chỉ:…………………….…………………

Ngày....... tháng ....... năm 20...

Người khai

(Ký, ghi rõ họ tên. Trường hợp khai thay

phải ghi đầy đủ thông tin người khai thay)

 

 

 

Phần 2. KẾT LUẬN CỦA HỘI ĐỒNG XÉT DUYỆT TRỢ GIÚP XÃ HỘI

 

Hội đồng xét duyệt trợ giúp xã hội xã/phường/thị trấn: ….………….………...

đã xem xét hồ sơ, xác minh thông tin cá nhân của ……………………………

và họp ngày ……tháng………năm……… thống nhất kết luận như sau (Ghi  

cụ thể diện chính sách, chế độ hượng, thời gian):……………………………………

…………………………………………..………………………………………

…………………………………………..………………………………………

……………………………………..……………………………………………Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết chế độ chính sách cho đối tượng theo quy định./.

 

THƯ KÝ

(Ký, ghi rõ họ tên)

 

Ngày ..... tháng ..... năm 20..

CHỦ TỊCH

(Ký, đóng dấu)

 

 

 

 

 

 

                                                               Mẫu số 1đ

(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC

ngày 24 tháng 10 năm 2014)

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

TỜ KHAI ĐỀ NGHỊ TRỢ GIÚP XÃ HỘI

  (Áp dụng đối với đối tượng quy định tại Khoản 6 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP)

Phần 1. THÔNG TIN CỦA ĐỐI TƯỢNG

 

1. Họ và tên (Viết chữ in hoa): …………………………………………………….

Ngày/tháng/năm sinh: …../…../ …… Giới tính: …….. Dân tộc: ………………

Giấy CMND số…................. Cấp ngày  …./…/…. Nơi cấp:…………………...

2. Hộ khẩu thường trú: ………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………...

Hiện đang ở với ai và địa chỉ nơi ở? ……………………………………………

…………………………………………………………………………………...

3.  Tình trạng đi học    

Chưa đi học (Lý do:..........................................................................................................)

Đã nghỉ học (Lý do: .........................................................................................................)

Đang đi học (Ghi cụ thể: .................................................................................................)

4. Có thẻ BHYT không?        Không             Có

5. Đang hưởng chế độ nào sau đây:

Lương hưu/Trợ cấp BHXH hàng tháng      : ………đồng. Hưởng từ tháng…/…..…

Trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng            :………đồng. Hưởng từ tháng……/……

Trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng: ………đồng. Hưởng từ tháng….../……

Trợ cấp, phụ cấp hàng tháng khác          :……… đồng. Hưởng từ tháng….…/……

6. Thuộc hộ nghèo không?  Không     Có 

7. Dạng khuyết tật:  ................................. Mức độ khuyết tật:..............................

8. Có tham gia làm việc không?  Không           Có

a) Nếu có thì đang làm gì……………………………, thu nhập hàng tháng …………..đồng

b) Nếu không thì ghi lý do: …………..…………………….…………………………………. 

9. Tình trạng hôn nhân :…………………………………………………………

10. Số con (Nếu có):............ người. Trong đó, dưới 36 tháng tuổi:........... người.

11. Khả năng tự phục vụ?

...............................................................................................................................

12. Cá nhân/hộ gia đình đang trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng: ………………...

…………………………………………………………………………………...

……………………...……………………………………………………………

 

      Tôi xin cam đoan những lời khai trên là đúng sự thực, nếu có điều gì khai không đúng, tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn.

 

 

Thông tin người khai thay

Giấy CMND số:……………….………….…..

Ngày cấp:…………………….……………….

Nơi cấp:…………………….………………...

Quan hệ với đối tượng:…….……………........

Địa chỉ:…………………….…………………

Ngày....... tháng ....... năm 20...

Người khai

(Ký, ghi rõ họ tên. Trường hợp khai thay

phải ghi đầy đủ thông tin người khai thay)

 

 

     

 

Phần 2. KẾT LUẬN CỦA HỘI ĐỒNG XÉT DUYỆT TRỢ GIÚP XÃ HỘI

 

        Hội đồng xét duyệt trợ giúp xã hội xã/phường/thị trấn: …………………

đã xem xét hồ sơ, xác minh thông tin cá nhân của ……………………………

và họp  ngày ……tháng………năm……… thống nhất kết luận như sau (Ghi cụ thể diện chính sách, chế độ hưởng, thời gian):…………………………………...

.………………………………...……………………………………………..

…………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………

         Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết chế độ chính sách cho đối tượng theo quy định./.

 

THƯ KÝ

(Ký, ghi rõ họ tên)

    

Ngày ..... tháng ..... năm 20…

CHỦ TỊCH

 (Ký, đóng dấu)

 

 

 

 

 

 

Mẫu TT1

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 

BẢN KHAI

Hưởng chế độ ưu đãi khi người có công từ trần

1. Họ và tên người có công từ trần:......................................................................  

Sinh ngày ….. tháng ……..... năm ………………….. Nam/Nữ:...........................

Nguyên quán:...........................................................................................................

Trú quán:..................................................................................................................

Thuộc đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi (1):..............................................................

Số sổ trợ cấp (nếu có): ……………………. Tỷ lệ suy giảm khả năng lao động:...

Từ trần ngày... tháng... năm...

Theo giấy chứng tử số... ngày... tháng... năm... của Ủy ban nhân dân xã (phường)...

Trợ cấp đã nhận đến hết tháng …… năm...Mức trợ cấp: …………………………..

2. Họ và tên người nhận mai táng phí:....................................................................

Sinh ngày... tháng... năm ……………………. Nam/Nữ: …………………………

Nguyên quán:..............................................................................................................

Trú quán:.....................................................................................................................

Quan hệ với người có công với cách mạng từ trần:...................................................

3. Họ và tên người nhận trợ cấp một lần:..............................................................

Sinh ngày ….. tháng... năm …………Nam/Nữ: ………………………………….

Nguyên quán:...........................................................................................................

Trú quán:..................................................................................................................

Quan hệ với người có công với cách mạng từ trần:..................................................

4. Thân nhân người có công

a) Danh sách thân nhân (2)

TT

Họ và tên

Năm sinh

Trú quán

Quan hệ với người có công

Nghề nghiệp

Hoàn cảnh hiện tại (3)

1

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

...

 

 

 

 

 

 

 

b) Phần khai chi tiết về con người có công từ đủ 18 tuổi trở lên đang tiếp tục đi học tại cơ sở đào tạo hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng.

TT

Họ và tên

Năm sinh

Thời điểm bị khuyết tật (4)

Thời điểm kết thúc bậc học phổ thông

Cơ sở giáo dục đang theo học

Tên cơ sở

Thời gian bắt đầu đi học

1

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

.... ngày... tháng... năm...

Xác nhận của xã, phường ………….
Ông (bà) ………………….hiện cư trú tại ……………………………

TM. UBND
Quyền hạn, chức vụ người ký

(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

.... ngày... tháng... năm...
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

 

Ghi chú: Người có công trước khi từ trần thuộc đối tượng hưởng trợ cấp một lần (người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương, người có công giúp đỡ cách mạng được tặng huy chương) thì thân nhân chỉ khai mục 1 và mục 2.

(1) Ghi rõ đối tượng: thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc...

(2) Lập danh sách thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất.

(3) Ghi rõ sống cô đơn, không nơi nương tựa hoặc con mồ côi cả cha mẹ.

(4) Ghi rõ thời điểm bị khuyết tật: dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên (trường hợp không có con bị khuyết tật thì bỏ cột này).

 

 

Mẫu số 09A-HSB

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

TỜ KHAI CỦA THÂN NHÂN

I. Họ và tên người khai (1): ....................................; sinh ngày.... /...../........; Nam/Nữ......; Quan hệ với người chết:................................

Nơi cư trú:...........................................................................................................

Số CMT/hộ chiếu/thẻ căn cước ..............................do ...........................cấp ngày ....../..... /.........; số định danh (nếu có): .......................

II. Họ và tên người chết: ........... ............................. .số sổ BHXH/số hồ sơ .......................................... ; chết ngày ...... /........ /........

Nơi hưởng lương hưu/trợ cấp BHXH (đối với người đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hàng tháng) hoặc đơn vị công tác (đối với người đang làm việc), nơi cư trú (đối với người bảo lưu thời gian đóng BHXH), nơi đóng BHXH (đối với người đang đóng BHXH tự nguyện, tự đóng tiếp BHXH bắt buộc) trước khi chết: .................................................................................

………………..…………………........................................................................

……………………………………................. ………………………………

III. Danh sách và đề nghị của người khai

1. Danh sách thân nhân của người chết (2):

Số TT

Họ và tên

Mối quan hệ với người chết

Ngày, tháng, năm sinh

Địa chỉ nơi cư trú (ghi cụ thể số nhà, phố, tổ, thôn, xã/phường/thị trấn, quận/huyện, tỉnh/thành phố)

- Số định danh (nếu có) hoặc

- Số CMT/ hộ chiếu/ thẻ căn cước (nếu có) nếu chưa có số định danh (3)

Mức thu nhập hàng tháng từ nguồn thu nhập (4)

Tỷ lệ suy giảm khả năng lao động (5)

Đủ điều kiện hưởng trợ cấp hàng tháng (6)

Nam

Nữ

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2. Trường hợp thân nhân hưởng trợ cấp tuất tháng chưa đủ 15 tuổi hoặc bị mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự thì khai bổ sung:

Số TT

Họ tên người hưởng trợ cấp

Họ, tên người đứng tên nhận trợ cấp (1)

Mối quan hệ của người đứng tên nhận trợ cấp với người hưởng trợ cấp

- Số định danh (nếu có) hoặc

- Số CMT/hộ chiếu /thẻ căn cước của người nhận trợ cấp nếu chưa có số định danh (6)

Địa chỉ nơi cư trú của người đứng tên nhận trợ cấp (ghi cụ thể số nhà, phố, tổ, thôn, xã/phường/thị trấn, quận/huyện, tỉnh/thành phố)

1

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sau khi nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật BHXH, tôi đề nghị cơ quan BHXH giải quyết: (người khai nghiên cứu kỹ và đánh dấu X vào 01 trong 03 ô vuông dưới đây)

□ Trợ cấp tuất hàng tháng đối với các thân nhân đủ điều kiện.

□ Trợ cấp tuất một lần đối với trường hợp không có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

□ Trợ cấp tuất một lần đối với trường hợp thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng nhưng lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần.

IV. Cam kết của người khai: Trường hợp được hưởng trợ cấp mai táng, trợ cấp chết do TNLĐ, BNN, trợ cấp khu vực một lần hoặc trợ cấp tuất một lần, tôi được các thân nhân cử làm đại diện cho tất cả thân nhân đứng tên kê khai và nhận tiền trợ cấp.

Tôi xin cam đoan những nội dung kê khai trên đây là đầy đủ, đúng sự thật, nếu sai tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đề nghị cơ quan BHXH xem xét, giải quyết chế độ tử tuất cho gia đình tôi theo quy định./.

 

………., ngày ……… tháng …….năm ……..
Chứng thực chữ ký hoặc điểm chỉ của người khai (7)

………., ngày …….tháng ……..năm …….
Người khai
(ký hoặc điểm chỉ, ghi rõ họ tên)

 

Xác nhận của các thân nhân về việc cử người đại diện kê khai và nhận trợ cấp (8)

Thân nhân
(Ký, ghi rõ họ tên)

Thân nhân
(Ký, ghi rõ họ tên)

Thân nhân
(Ký, ghi rõ họ tên)

Thân nhân
(Ký, ghi rõ họ tên)

 

HƯỚNG DẪN LẬP TỜ KHAI THEO MẪU SỐ 09A-HSB

- (1) Người khai trong trường hợp thân nhân đủ điều kiện hưởng chế độ tử tuất một lần là người được các thân nhân ủy quyền (đối với trường hợp đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng nhưng lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần là người được ủy quyền trong Mẫu số 16-HSB) nhận trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất một lần, trợ cấp khu vực một lần (nếu có) và trợ cấp chết do TNLĐ, BNN (nếu có);

Trường hợp thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng mà chưa đủ 15 tuổi hoặc bị mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người khai là người đại diện hợp pháp của thân nhân theo quy định của pháp luật dân sự;

Trường hợp thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng mà lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần thì người khai là người được các thân nhân ủy quyền nhận trợ cấp tuất một lần. Nếu chỉ có một thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng mà lựa chọn hưởng trợ cấp tuất 1 lần thì người khai là chính thân nhân đó; nếu các thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất tháng mà chưa đủ 15 tuổi hoặc bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà có chung một người đại diện hợp pháp thì người khai là người đại diện hợp pháp và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần;

Trường hợp hưởng trợ cấp tuất một lần theo quy định của pháp luật về thừa kế thì tại cột "Mối quan hệ với người chết" trong Danh sách tại điểm 1 Mục III của Tờ khai, ghi: “người thừa kế” và người khai trong trường hợp này là người đại diện cho các thân nhân cùng hàng thừa kế nhận trợ cấp.

- (2) Kê khai tất cả thân nhân theo thứ tự con, vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng; thành viên khác trong gia đình mà người tham gia BHXH khi còn sống có trách nhiệm nuôi dưỡng; nếu có người đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng thì kê khai người đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng trước. Trường hợp thân nhân đã chết thì ghi "đã chết tháng… năm …" vào cột "địa chỉ nơi cư trú" và không phải kê khai cột "ngày tháng năm sinh" và 4 cột ngoài cùng bên phải;

- (3) Nếu đã có số định danh thì phải ghi số định danh; trường hợp chưa có số định danh thì ghi số chứng minh thư hoặc số hộ chiếu hoặc số thẻ căn cước, nếu không có thì không bắt buộc phải ghi;

- (4) Ghi rõ mức thu nhập thực tế hiện có từ nguồn thu nhập như tiền lương hoặc lương hưu hoặc loại trợ cấp hoặc các nguồn thu nhập cụ thể khác;

- (5) Nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì ghi tỷ lệ % suy giảm khả năng lao động; nếu được cấp giấy xác nhận thương tật đặc biệt nặng thì ghi "thương tật 81%";

- (6) Ghi "đủ điều kiện" đối với thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng. Nếu số thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng nhiều hơn 4 người thì các thân nhân thống nhất lựa chọn để khai tại danh sách này đủ 4 người theo thứ tự ưu tiên từ số 01 đến 04, sau đó khai đến các thân nhân khác.

- (7) Chứng thực chữ ký hoặc điểm chỉ của người khai: Là chứng thực của chính quyền địa phương hoặc của Phòng Công chứng hoặc của Thủ trưởng trại giam, trại tạm giam trong trường hợp chấp hành hình phạt tù, bị tạm giam hoặc của Đại sứ quán Việt Nam hoặc cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam trong trường hợp cư trú ở nước ngoài.

Nếu Tờ khai từ 02 tờ rời trở lên thì giữa các tờ phải đóng dấu giáp lai của chính quyền địa phương nơi xác nhận chữ ký của người khai.

- (8) Trường hợp thân nhân hưởng trợ cấp tuất một lần cử người khai làm đại diện nhận tiền trợ cấp thì ký, ghi rõ họ tên hoặc điểm chỉ.

 

 

Mẫu số 16-HSB

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------

BIÊN BẢN HỌP CỦA CÁC THÂN NHÂN

Về việc lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần, trừ trường hợp con dưới 6 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên

Hôm nay, vào hồi ..... giờ ...... phút, ngày....... tháng........ năm...........tại ..................................... .....................................................................................................

Chúng tôi gồm các thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng của ông (bà) .........(1)................ ............................, số sổ BHXH/số hồ sơ ............................., chết ngày … /… /…..., có tên sau đây:

1. Ông (Bà) .....…...…………..…............. Nam/Nữ, sinh ngày ....../....../.........; là (2)......................;

Người đại diện hợp pháp (nếu có): ................(3)...............................................................

........................................................................................................................................

2. Ông (Bà) .....………………………..…................. Nam/Nữ, sinh ngày ....../....../.........; là (2)...................................;

Tiến hành họp để thống nhất việc lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần, sau khi nghiên cứu kỹ quy định của chính sách về chế độ tử tuất và khoản 3 Điều 69 Luật BHXH năm 2014, chúng tôi thuộc đối tượng hưởng trợ cấp tuất hàng tháng nhưng thống nhất lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần và ủy quyền cho ông (bà)...............(4)....................., Số chứng minh thư/hộ chiếu/thẻ căn cước:.................................. thay mặt cho chúng tôi lập tờ khai của thân nhân theo Mẫu số 09A-HSB và nhận tiền trợ cấp tuất một lần. Đề nghị cơ quan BHXH xem xét, giải quyết trợ cấp tuất một lần.

Chúng tôi cam đoan chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc lựa chọn của mình cũng như trong trường hợp xảy ra tranh chấp và cam kết không khiếu nại gì về sau./.

 

Xác nhận của các thân nhân (5)

Thân nhân được ủy quyền
(Ký, ghi rõ họ tên)

Thân nhân
(Ký, ghi rõ họ tên)

Thân nhân
(Ký, ghi rõ họ tên)

Thân nhân
(Ký, ghi rõ họ tên)

Ghi chú:

- (1) Ghi rõ họ và tên người chết;

- (2) Ghi rõ mối quan hệ về nhân thân với người chết;

- (3) Trường hợp thân nhân chưa đủ 15 tuổi hoặc bị mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự thì ghi đầy đủ tên người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật dân sự, số chứng minh thư, mối quan hệ với người được đại diện; nếu các thân nhân đều chưa đủ 15 tuổi hoặc bị mất, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà có chung một người đại diện hợp pháp thì cũng không cần lập biên bản này; trường hợp không cần người đại diện hợp pháp thì không hiển thị nội dung này;

- (4) Ghi rõ họ và tên của người thay mặt cho các thân nhân đã nêu trong Tờ khai của thân nhân.

- (5) Các thân nhân, người được ủy quyền, người đại diện hợp pháp cho thân nhân thuộc diện hưởng tuất hàng tháng bắt buộc phải ký, ghi rõ họ tên hoặc điểm chỉ.

[1] Bảo hiểm xã hội bắt buộc:

- Khoản 1, 3 Điều 66 quy định: Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà đã có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên; Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.

Người quy định nêu trên bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng.

Mức trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người quy định nêu trên chết.

- Khoản 1 Điều 67 Luật BHXH quy định các trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng : Những người quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng: Đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần; đang hưởng lương hưu; chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61 % trở lên

Bảo hiểm xã hội tự nguyện:

- Khoản 1, 3 Điều 80 Luật BHXH quy định : Những người sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng : Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 60 tháng trở lên ; người đang hưởng lương hưu.

Người quy định nêu trên bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng.

Mức trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người quy định nêu trên chết.

- Khoản 1, Điều 81 Luật BHXH quy định: Người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội, người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người đang hưởng lương hưu khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần.

[2] Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì: Người có công với cách mạng:

a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;

b) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945;

c) Liệt sĩ; (không được hưởng mai táng phí)

d) Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

đ) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động;

e) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;

g) Bệnh binh;

h) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học;

i) Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;

k) Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế;

l) Người có công giúp đỡ cách mạng;

[3] Gồm:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

- Cán bộ, công chức, viên chức;

- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

- Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

- Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

[4] Điều 66:

Khoản 1: Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà đã có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên; người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.

Khoản 3: Người quy định tại khoản 1 Điều này bị Tòa án tuyên bố là đã chết.

[5] Điều 67:

Những người quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng:

a) Đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần;

b) Đang hưởng lương hưu;

c) Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

d) Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61 % trở lên.

[6] Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP: Người thuộc hộ nghèo không có chồng hoặc không có vợ; có chồng hoặc vợ đã chết; có chồng hoặc vợ mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 tuổi đến 22 tuổi nhưng người con đó đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất (sau đây gọi chung là người đơn thân nghèo đang nuôi con).

[7] a) Đối với người chết tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế cấp Giấy báo tử;

b) Đối với người chết do thi hành án tử hình thì Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình cấp giấy xác nhận việc thi hành án tử hình thay Giấy báo tử;

c) Đối với người bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì Bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thay Giấy báo tử;

d) Đối với người chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn, bị giết, chết đột ngột hoặc chết có nghi vấn thì văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y thay Giấy báo tử.

[8] Điều 9 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 quy định Thẩm quyền đăng ký thường trú.

[9] Đối với các trường hợp quy định tại Luật bảo hiểm xã hội

 

Tệp đính kèm

Họ tên(*)
Địa chỉ
Điện thoại
Email
Tiêu đề
Nội dung(*)
Mã xác nhận(*)
Captcha image
Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
43 người đang online