18/05/2020 | lượt xem: 8 UBTVQH cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 45, sáng 16/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9 của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp. Trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư Ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết căn cứ kết luận tại cuộc họp giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và tình hình thực tế, Tổng Thư ký Quốc hội tiếp tục báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề về chuẩn bị kỳ họp thứ 9. Cụ thể, về dự kiến chương trình kỳ họp, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sẽ bổ sung các nội dung: Xem xét, quyết định việc tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước; xem xét việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đồng thời, xem xét các báo cáo của Chính phủ về: Tài chính nhà nước năm 2018; tình hình triển khai thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia (như dự án sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ…); tổng kết Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 4/10/2018 về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh. Bên cạnh đó, do thời gian tiến hành kỳ họp rất hạn chế nên đề nghị chuyển sang kỳ họp sau các nội dung không kịp trình tại phiên họp thứ 45 và chưa thật sự cấp thiết như: Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU. Đối với các nội dung trình Quốc hội xem xét thông qua sẽ bố trí đọc tờ trình, báo cáo thẩm tra hoặc thảo luận tại đợt 1 trước khi trình tại đợt 2 để có thời gian đại biểu nghiên cứu và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo trước khi trình tại đợt 2 (trong đó có bố trí việc trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại đợt 1). Để bảo đảm phiên họp không kéo dài, các cơ quan cần chuẩn bị văn bản tóm tắt cô đọng, súc tích, chỉ sử dụng đúng thời gian được ghi trong chương trình. Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 19 ngày. Trong đó, đợt 1 là 9 ngày, từ ngày 20 đến 29/5; đợt 2 là 10 ngày, từ ngày 8 đến ngày 18/6, dự phòng ngày 19/6/2020. Về công tác chuẩn bị, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện việc chuẩn bị các nội dung để gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội. Về công tác bảo đảm khác, hiện nay, công tác thông tin tuyên truyền, các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần, phòng, chống dịch bệnh... đã hoàn thành việc chuẩn bị. Trong đó đã hoàn thiện phần mềm đăng ký phát biểu và biểu quyết được cài đặt trên iPad. Việc đăng ký tranh luận tại Hội trường Diên Hồng thực hiện như các kỳ họp trước, còn tại các điểm cầu ở 63 địa phương được thực hiện qua đường dây nóng. Việc kiểm tra, rà soát, vận hành thử hệ thống cầu truyền hình, thử nghiệm các phần mềm đã được tiến hành nhiều lần để bảo đảm vận hành thông suốt. Kết luận một số nội dung làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo về một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV và dự kiến Chương trình kỳ họp như Tổng Thư Ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã trình bày, đồng thời thống nhất giữa đợt họp 1 và đợt họp 2 cần có một khoảng thời gian để các Ủy ban hoàn thiện các báo cáo. Ngoài ra, dự kiến sau phiên họp này sẽ có một phiên họp 45B để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về một số vấn đề sẽ đưa ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 9./. Nguồn tin: chinhphu.vn