Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ: Năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 và là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại khác của đất nước. Đồng thời, năm 2025 cũng là năm cuối nhiệm kỳ, theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề trong cả nhiệm kỳ.

 Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025. Ảnh: quochoi.vn

Căn cứ quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đặc điểm tình hình năm 2025 và đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến nội dung Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025 như trong dự thảo Nghị quyết đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Trong đó, đối với giám sát chuyên đề, sau khi cân nhắc nhiều mặt và theo thông lệ của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV, để tạo điều kiện cho các cơ quan tập trung triển khai các nhiệm vụ nêu trên và các nhiệm vụ lập pháp theo kế hoạch; đồng thời, để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định giám sát tối cao 01 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 10 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát 01 chuyên đề tại Phiên họp tháng 8/2025.

Theo đó, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp theo 10 nhóm theo lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đồng thời căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cũng như qua nghiên cứu kiến nghị của cử tri, điểm báo và qua rà soát các nội dung đã thực hiện, cân đối các lĩnh vực và từ tình hình thực tiễn, đã tiến hành lựa chọn các chuyên đề giám sát theo quy trình chặt chẽ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 02 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 01 chuyên đề để giám sát tối cao. Cụ thể như sau:

Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành (dự kiến giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì tham mưu về nội dung).

 Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao (dự kiến giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu về nội dung).

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Những tháng còn lại của năm 2024 và năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Năm 2025 là năm cuối nhiệm kỳ, cũng là năm diễn ra đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, do đó, công tác giám sát cần tiếp tục được tập trung chỉ đạo để vừa đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả vừa phù hợp với tình hình thực tiễn.

“Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, bám sát thực tiễn đời sống để đề xuất giám sát những vấn đề cấp bách nổi lên; đồng thời, tiếp tục rút kinh nghiệm, có các giải pháp cải tiến, đổi mới để phát huy tối đa vai trò hoạt động giám sát của Quốc hội”, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nói./.