10/12/2022 | lượt xem: 5 Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh vai trò của Công ước Luật Biển Việc hầu hết các quốc gia trên thế giới thông qua Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển cách đây 40 năm là một “bước quan trọng để mang lại khả năng quản trị và duy trì trật tự” cho đại dương - vốn được coi là "kho báu" của toàn nhân loại. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại phiên họp của Đại hội Đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, ngày 8/12/2022. Ảnh: Xinhua Phát biểu tại phiên họp của Đại hội Đồng Liên hợp quốc nhân dịp kỉ niệm 40 năm thông qua Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, ngày 8/12, Tổng thư ký Antonio Guterres nói: “Bốn thập kỷ trước, thế giới đã thực hiện một bước quan trọng để điều hành và duy trì trật tự cho các đại dương và vùng biển… Việc Công ước được hầu hết các nước trên toàn thế giới phê chuẩn đã phản ánh tầm quan trọng cơ bản và khuôn khổ pháp lý cũng như các văn kiện liên quan đối với các quốc gia trên thế giới”. Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển được ký thông qua ngày 10/12/1982 (UNCLOS 1982), được coi là một trong những thành tựu có ý nghĩa nhất trong lĩnh vực luật pháp quốc tế của thế kỷ XX, bao gồm 320 điều khoản và 9 phụ lục với hơn 1.000 quy phạm pháp luật và được mệnh danh là "Bản Hiến pháp của đại dương". Công ước chính thức có hiệu lực từ ngày 16/11/1994 và là một khuôn khổ pháp lý toàn diện cho các hoạt động liên quan đến biển. Đến thời điểm này đã có 168 quốc gia phê chuẩn Công ước. Ngay sau khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tích cực tham gia Hội nghị Luật biển lần thứ ba và là một trong 107 quốc gia tham gia ký Công ước tại Montego Bay ngày 10/12/1982. Sau 40 năm, Việt Nam tiếp tục đóng vai trò là thành viên tích cực, trách nhiệm và cầu thị tham gia Công ước. Người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng, việc hầu hết các quốc gia trên thế giới thông qua Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển cách đây 40 năm là một “bước quan trọng để mang lại khả năng quản trị và duy trì trật tự” cho kho báu tập thể rộng lớn là đại dương. Đại dương là sự sống, là sinh kế và chất kết nối nhân loại với nhau trong suốt chiều dài lịch sử và các nền văn hóa. Người đứng đầu Liên hợp quốc khẳng định Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh đại dương đang trong tình trạng "kêu cứu". Được thông qua vào năm 1982, Công ước đã mở ra một chương mới về quản trị biển trên quy mô toàn cầu, cũng như giúp nhân loại hiểu rõ hơn, bảo vệ và khai thác biển tốt hơn. Ông Guterres nhấn mạnh phạm vi của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển trải dài từ “không khí chúng ta hít thở, bầu khí quyển duy trì mọi sự sống, các ngành công nghiệp dựa trên đại dương mang lại việc làm cho khoảng 40 triệu người, đến các loài sinh vật trú ngụ ở đại dương”. Công ước đề cập tới các vấn đề quan trọng, gồm bảo tồn nghề cá của thế giới, bảo vệ biển, quyền đối với các nguồn tài nguyên trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển quốc gia, và tầm quan trọng ngày càng trở nên rõ nét của việc quản lý bền vững và công bằng các hoạt động liên quan đến khoáng sản trong vùng biển quốc tế. Tuy nhiên, Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng chỉ ra những thách thức ở thời điểm hiện tại, bao gồm: Gần 35% sản lượng cá của thế giới hiện bị khai thác quá mức; nước biển dâng cao khi khủng hoảng biến đổi khí hậu tiếp diễn, tình trạng a-xít hóa và ô nhiễm đại dương; các rạn san hô bị bào mòn; những trận lụt lội kinh hoàng đe dọa các thành phố ven biển và các hòn đảo nhỏ tại nhiều quốc gia đang phát triển. Trong khi đó, nhân công làm việc trong các ngành kinh tế biển lại không có được các điều kiện làm việc an toàn và mức hỗ trợ cần thiết. Từ những lập luận trên, ông Guterres kêu gọi một tham vọng mạnh mẽ hơn, không chỉ vì đại dương mà còn vì nhân loại đang dựa vào những tiềm năng mà đại dương mang lại. Dịp kỷ niệm 40 năm ra đời Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển cần được coi là lời nhắc nhở quan trọng về việc tiếp tục sử dụng công cụ thiết yếu này để giải quyết những thách thức hiện nay. Ảnh minh họa: UN “Đã đến lúc phải chấm dứt sự phân đôi sai lầm giữa lợi nhuận và bảo vệ đại dương” - ông Guterres nói, đồng thời lưu ý thêm rằng nếu chúng ta không thể bảo vệ đại dương cho các thế hệ tương lai, thì điều này sẽ không mang lại lợi ích cho bất cứ ai. Tổng thư ký Liên hợp quốc khuyến nghị chính phủ các nước xây dựng khuôn khổ pháp lý đặt việc bảo vệ và bảo tồn đại dương lên ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp hàng hải và các nhà đầu tư nên ưu tiên hàng đầu cho việc bảo tồn, bảo vệ và khả năng phục hồi khí hậu, cùng với việc bảo đảm sự an toàn của người lao động./. Nguồn tin: dangcongsan.vn