Tổng Thư ký Liên hợp quốc đề ra các nhiệm vụ ưu tiên 2023

Trong bài phát biểu sáng 7/2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đề ra những ưu tiên hành động của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh trong năm 2023, thông qua kêu gọi hành động khẩn cấp để mang lại hòa bình, các quyền về kinh tế và phát triển, hành động vì khí hậu, tôn trọng sự đa dạng và các xã hội hòa nhập...

Trước khi công  bố các chương trình ưu tiên hành động trong năm 2023, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân của trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, đồng thời cho biết thêm rằng Liên hợp quốc đang huy động các nguồn lực để hỗ trợ hai nước nói trên vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: Reuters) 

Đã đến lúc chúng ta cần "điều chỉnh hướng đi"

Mở đầu bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Guterres nhấn mạnh sự cần thiết phải có một “sự chuyển đổi”  trong năm nay, dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn Nhân quyền.

“Khi chúng ta xem xét các ưu tiên cho năm nay, cách tiếp cận dựa trên quyền là trọng tâm để đạt được ưu tiên cuối cùng của chúng ta, đó là vì một thế giới an toàn hơn, hòa bình hơn, bền vững hơn” – người đứng đầu Liên hợp quốc nói, đồng thời kêu gọi các nước “hành động dứt khoát trước khi quá muộn.”

Tổng Thư ký António Guterres cho rằng thế giới trong năm 2023 sẽ đối mặt với những thách thức và rủi ro chưa từng thấy, từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, cuộc chiến chống đói nghèo, khủng hoảng khí hậu, bạo lực và bất ổn ở nhiều khu vực, cho tới tình trạng bất bình đẳng về phát triển kinh tế…

Theo ông Guterres, thế giới đang đối mặt với nguy cơ một cuộc chiến qui mô lớn hơn bởi xung đột Nga-Ukraine và cơ hội đạt được giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này đang ngày càng trở nên mờ nhạt. Ông nêu rõ: “Xung đột Nga-Ukraine có nguy cơ ngày càng leo thang và đẫm máu. Thế giới cần hòa bình, một nền hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế”.

“Chúng ta phải hành động nhiều hơn nữa để mang lại hòa bình tới khắp mọi nơi” – người đứng đầu Liên hợp quốc nói.

Cũng trong bài phát biểu cùng ngày, ông Guterres đã đề cập đến tình hình ở Trung Đông, nơi giải pháp hai Nhà nước giữa Palestine và Israel ngày càng trở nên xa vời; Tại Afghanistan, các vụ tấn công khủng bố đẫm máu vẫn xảy ra thường xuyên và quyền của phụ nữ đang bị chà đạp; Tại Sahel, tình trạng mất an ninh đang gia tăng; Tại Myanmar, đang diễn ra một chu kỳ bạo lực mới trong khi ở Haiti, các băng đảng bạo lực đang bắt toàn bộ đất nước “làm con tin”.

Từ những lập luận nêu trên, người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng “chúng ta cần điều chỉnh hướng đi”. Theo ông, hành động là có thể, song các chính trị gia và những người ra quyết định đã thiếu tầm nhìn chiến lược để có một tầm nhìn xa hơn trong ngắn hạn.

 “Thông điệp của tôi hôm nay là: Đừng chỉ tập trung vào những gì có thể xảy ra với bạn ngày hôm nay – và lo lắng. Hãy xem điều gì sẽ xảy ra với tất cả chúng ta vào ngày mai – và hành động,” người đứng đầu Liên hợp quốc nói.

Theo lập luận của người đứng đầu Liên hợp quốc, nếu mọi quốc gia thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hiến chương Liên hợp quốc, thì quyền hòa bình sẽ được đảm bảo. “Đã đến lúc thay đổi cách tiếp cận của chúng ta đối với hòa bình bằng cách cam kết tuân thủ Hiến chương - đặt nhân quyền và nhân phẩm lên hàng đầu, lấy phòng ngừa làm trọng tâm” – ông Guterres nói

Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi “một tầm nhìn toàn diện về hòa bình liên tục”, trong đó xác định nguyên nhân gốc rễ gây ra xung đột và tập trung vào việc ngăn ngừa, hòa giải, xây dựng hòa bình cùng với sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ và thanh niên.

Ông Guterres nhấn mạnh, năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 75 năm ra đời của hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và cột mốc đó sẽ mang lại nhiều hơn những cam kết về cải cách.

Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi đưa vấn đề giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí “trở lại  vị trí trung tâm” để vừa giảm thiểu các mối đe dọa chiến lược từ vũ khí hạt nhân, vừa tiến tới loại bỏ hoàn toàn chúng.

 “Chúng ta đang đứng trước nguy cơ cao nhất trong nhiều thập kỷ về một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể bắt đầu do vô tình hoặc cố ý” – ông Guterres cảnh báo, đồng thời thúc giục các nước từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Đối với hệ thống tài chính toàn cầu, ông Guterres kêu gọi các nước đưa ra cam kết mới nhằm tính tới “các nhu cầu cấp bách và tiếng nói của các quốc gia đang phát triển”. Điều này đòi hỏi cam kết và giải pháp mới, bao gồm cả việc giải quyết những bất bình đẳng và bất công gây ra bởi đại dịch COVID-19 và phản ứng với cuộc khủng hoảng toàn cầu.Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, cũng cần phải có một cấu trúc nợ mới, theo đó xóa nợ và tái cơ cấu nợ cho các quốc gia dễ bị tổn thương, trong đó có cả những nước thu nhập trung bình đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh tới tính cần thiết của việc đưa ra các quyết định mới để đảm bảo các nước đang phát triển có tiếng nói lớn hơn trong các tổ chức tài chính toàn cầu và các quốc gia dễ bị tổn thương, bao gồm cả các nước có thu nhập trung bình, có thể tiếp cận với việc giảm nợ và tái cơ cấu.

Đặc biệt, các Ngân hàng Phát triển Đa phương phải thay đổi mô hình kinh doanh và tận dụng nguồn vốn của mình để thu hút thêm vốn tư nhân có thể được đầu tư nhằm giúp các nước đang phát triển đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) trước năm 2030.

Sóng thủy triều trên đảo Namkhana, Tây Bengal, Ấn Độ gây ra hiện tượng ngập úng cho người dân sinh sống tại khu vực ven biển. (Ảnh: UN)

2023 phải là một năm của hành động khí hậu 

Đề cập tới cuộc khủng hoảng khí hậu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhận định thế giới đang đối diện với nguy cơ khẩn cấp: nhiệt độ Trái đất tăng vượt ngưỡng 1,5 độ C và hướng tới mức tăng gây chết người là 2,8 độ C. Con người vẫn đang gây ra những hậu quả nặng nề đối với sự đa dạng sinh học của hành tinh; các đại dương ngày càng ô nhiễm vì chất thải, nhựa và hóa chất.

Ông Guterres cho rằng hai nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay là cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đạt được mục tiêu cân bằng về môi trường ngay trong thập kỷ này. “Vì quyền được phát triển đi đôi với quyền được hưởng một môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững, nên chúng ta phải chấm dứt cuộc chiến tàn nhẫn và vô nghĩa với thiên nhiên” - ông Guterres nói.

“Năm 2023 phải là một năm của hành động khí hậu để mang lại những thay đổi…Các quốc gia đang vượt qua giới hạn 1,5 độ C đối với mức tăng nhiệt độ toàn cầu, do đó phải tập trung vào các ưu tiên cấp bách là cắt giảm khí thải nhà kính và đạt được công bằng khí hậu” – người đứng đầu Liên hợp quốc nói.

Ông Guterres cho rằng, chúng ta cần giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu trong thập kỷ này, bao gồm thông qua “ một hành động tham vọng hơn nhiều” trong việc chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, đặc biệt là trong nhóm các nước G20.

Ngoài ra, các doanh nghiệp, thành phố, khu vực và tổ chức tài chính đã cam kết cắt giảm lượng khí thải carbon ròng về mức 0 cần trình bày các kế hoạch chuyển đổi, với các mục tiêu đáng tin cậy và đầy tham vọng, trước tháng 9/2023.

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, hành động vì khí hậu sẽ không thể thực hiện nếu thiếu nguồn lực tài chính.  Qua đó, ông kêu gọi các nước giàu hơn, tối thiểu cần thực hiện những lời hứa đã đưa ra tại Hội nghị biến đổi khí hậu COP27 của Liên hợp quốc ở Ai Cập vào năm ngoái. Những cam kết này bao gồm thành lập một quỹ để giải quyết tổn thất và thiệt hại, tăng gấp đôi kinh phí thích ứng và thúc đẩy các kế hoạch về hệ thống cảnh báo sớm trên toàn cầu trong vòng 5 năm tới.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng thông báo kế hoạch triệu tập Hội nghị thượng đỉnh về tham vọng khí hậu vào tháng 9/2023, trước thời điểm diễn ra Hội nghị COP28 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vào tháng 12.

Đề cập tới vấn đề ưu tiên thứ tư, ông Guterres nhấn mạnh đến việc tôn trọng sự đa dạng và tính phổ quát của các quyền văn hóa – vốn đang bị tấn công do sự gia tăng của chủ nghĩa bài Do Thái, sự cố chấp chống người Hồi giáo, cuộc đàn áp người Cơ đốc giáo, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và hệ tư tưởng người da trắng thượng đẳng. Chưa kể đến việc các nhóm thiểu số về sắc tộc và tôn giáo, người tị nạn, người di cư, người bản địa và cộng đồng LGBTQI-plus, ngày càng trở thành mục tiêu bị ghét bỏ.

Vấn đề ưu tiên tiếp theo được người đứng đầu Liên hợp quốc nhắc tới đó là quyền bình đẳng giới đầy đủ. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến hoàn cảnh của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan – những người đang phải sống “lưu vong trên đất nước của họ”…

Theo quan điểm của người đứng đầu Liên hợp quốc, bình đẳng giới về cơ bản là một vấn đề về quyền lực và chế độ gia trưởng… Trước thực tế trên, Liên hợp quốc đang đấu tranh và đứng lên bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái ở khắp mọi nơi, kể cả trong hàng ngũ của tổ chức này.

Ông Guterres cũng cam kết sẽ “tăng gấp đôi” hỗ trợ cho các biện pháp hướng tới bình đẳng giới, bao gồm hạn ngạch để thu hẹp khoảng cách về vai trò đại diện của phụ nữ trong các cuộc bầu cử, trong các phòng họp của công ty và các cuộc đàm phán hòa bình.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng các mối đe dọa đang xói mòn các quyền ngày nay cũng sẽ có nguy cơ tác động đến các thế hệ tương lai. Ông hy vọng rằng Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, dự kiến diễn ra vào năm tới, sẽ đưa các quyền này lên vị trí hàng đầu trong cuộc thảo luận ở phạm vi toàn cầu.

Ông nói: “Không có cử tri nào ủng hộ tương lai đó tốt hơn những người trẻ tuổi – và Văn phòng Thanh niên Liên hợp quốc mới sẽ được thành lập và hoạt động trong năm nay được thiết kế để củng cố công việc của chúng tôi”.

Ông Guterres cũng lưu ý thêm rằng những nỗ lực này là cơ hội để thúc đẩy hành động toàn cầu và xây dựng một Liên hợp quốc phù hợp với kỷ nguyên mới./.

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
187 người đang online