23/12/2022 | lượt xem: 6 Tổng Giám đốc WHO: 2023 là năm của hy vọng Dù 2022 là một năm đầy thách thức đối với sức khỏe toàn cầu, song chúng ta vẫn có nhiều lý do để hy vọng vào thời điểm năm mới 2023 đang đến gần. Đây là thông điệp được Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra trong cuộc họp báo ngày 21/12. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: AFP/TTXVN) 2023 là năm của hy vọng Ông Ghebreyesus chỉ ra rằng, trong 2022 - năm thứ ba đại dịch COVID-19 lây lan trên toàn cầu, nhiều nước trên thế giới đã chứng kiến các đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ, dịch tả, trong khi dịch Ebola hoành hành ở Uganda. Hạn hán và lũ lụt tấn công vùng Sừng châu Phi và vùng Sahel cùng lũ lụt ở Pakistan cùng một số tình trạng khẩn cấp khác về y tế. “Đó còn chưa kể đến nhiều mối đe dọa khác đối với sức khỏe mà mọi người phải đối mặt năm này qua năm khác, trong không khí hít thở, trong sản phẩm tiêu thụ, điều kiện họ sống và làm việc cũng như việc người dân không được tiếp cận với các dịch vụ y tế thiết yếu” – ông Ghebreyesus nói. Tuy nhiên, người đứng đầu WHO cũng chỉ ra rằng, vào thời điểm những ngày cuối cùng của năm 2022 đang dần khép lại, chúng ta vẫn còn nhiều lý do để hy vọng. Đại dịch COVID-19 và bệnh đậu mà khỉ đang trên đà suy yếu, còn tại Uganda đã không ghi nhận ca mắc mới bệnh Ebola nào trong hơn 3 tuần qua. Do vậy, người đứng đầu WHO hy vọng cơ quan này có thể tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp đối với các dịch bệnh trên vào những thời điểm khác nhau trong năm 2023. “Chắc chắn một điều rằng, chúng ta đang trong một tình trạng tốt hơn nhiều trong đại dịch COVID-19 so với một năm trước, khi chúng ta bước vào giai đoạn đầu của làn sóng Omicron, với số ca mắc và tử vong gia tăng nhanh chóng” – Tổng Giám đốc WHO lưu ý. Các số liệu do ông Ghebreyesus đưa ra cho thấy, số ca tử vong do COVID-19 được báo cáo hằng tuần trên toàn thế giới đã giảm gần 90% kể từ mức đỉnh thời điểm biến thể Omicron hoành hành vào cuối tháng 1/2022. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng, vẫn còn quá nhiều lỗ hổng và sự thiếu chắc chắn để khẳng định rằng đại dịch COVID-19 đã kết thúc. Những lỗ hổng trong giám sát, xét nghiệm và giải trình tự gene vẫn khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc tìm hiểu chính xác virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đang biến đổi ra sao. Trong khi những lỗ hổng trong tiêm chủng đã khiến hàng triệu người, đặc biệt là nhân viên y tế và người già có nguy cơ cao mắc bệnh nặng và dẫn tới tử vong. Những khoảng trống trong điều trị có nghĩa là mọi người đang chết một cách vô ích; những lỗ hổng trong hệ thống y tế khiến con người không thể đối phó với sự gia tăng số lượng bệnh nhân mắc COVID-19, cúm và các bệnh khác. Những lỗ hổng trong nhận thức của chúng ta về hậu COVID-19 có nghĩa là chúng ta không nắm được về cách thức tốt nhất để điều trị cho những người đang chịu hậu quả lâu dài của việc bị nhiễm virus. Trong khi những lỗ hổng trong hiểu biết của chúng ta về cách đại dịch này bắt đầu đã ảnh hưởng đến khả năng chúng ta ngăn chặn các đại dịch trong tương lai. WHO: vẫn còn quá nhiều lỗ hổng và sự thiếu chắc chắn để khẳng định rằng đại dịch COVID-19 đã kết thúc. (Ảnh minh họa: AFP) WHO vạch ra 5 nhiệm vụ ưu tiên trong năm tới Từ những lập luận nêu trên, Tổng Giám đốc WHO đã xác định 5 ưu tiên cho cơ quan y tế các nước trong năm 2023, bao gồm: Tập trung nâng cao sức khỏe và phòng ngừa dịch bệnh bằng cách chuyển từ chăm sóc bệnh tật sang chăm sóc sức khỏe; tăng cường bao phủ y tế toàn dân, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ban đầu; tăng cường chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó khẩn cấp; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, khoa học và công nghệ; và tiếp tục cải tổ WHO. Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc WHO cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các cam kết chính trị từ lãnh đạo các nước bởi ông cho rằng tất cả 5 ưu tiên này cần được thực hiện ở cấp quốc gia. Tổng Giám đốc WHO nêu rõ, năm 2023 sẽ là năm WHO đón sinh nhật lần thứ 75. Vào năm 1948, khi thế giới đang phục hồi sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các quốc gia trên thế giới đã cùng nhau thừa nhận, theo ngôn ngữ Hiến pháp của các nước, rằng việc được hưởng tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất là một trong những quyền cơ bản của mọi người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, quan điểm chính trị, điều kiện kinh tế hay xã hội. Tuy nhiên, còn xa hơn thế nữa, theo ông Ghebreyesus, các nguyên tắc của WHO khẳng định rằng sức khỏe của tất cả mọi người là nền tảng để đạt được hòa bình và an ninh. Có lẽ hơn bất cứ thời điểm nào trong 75 năm thành lập, khoảng thời gian ba năm khó khăn vừa qua đã chứng minh tính đúng đắn của những nguyên tắc đó. “Giống như bất kỳ tổ chức nào, chúng tôi không hoàn hảo và chúng tôi cũng không tự cho mình là hoàn hảo… Nhưng những người tài năng, tận tâm mà tôi làm việc cùng đã cống hiến cả sự nghiệp của họ để bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho mọi người trên thế giới. Giống như họ, tôi vẫn cam kết xây dựng một tương lai ấm áp hơn, an toàn hơn và công bằng hơn cho mọi người trên thế giới – những người mà vì họ, tất cả chúng ta phụng sự” – ông Ghebreyesus nói./. Nguồn tin: dangcongsan.vn