Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng 11 và 11 tháng năm 2020

1. Nông nghiệp và thủy sản

Tháng Mười Một, hoạt động sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Các địa phương trong tỉnh tập trung gieo trồng, chăm sóc cây rau màu vụ đông, phòng trừ sâu bệnh cho cây lâu năm và bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm.                

a) Trồng trọt

Cây hàng năm vụ mùa

Đến ngày 15/10/2020, toàn tỉnh đã kết thúc thu hoạch lúa mùa. Theo đánh giá sơ bộ, năng suất lúa vụ mùa ước đạt 58,14 tạ/ha, giảm 2,36 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước. Vụ mùa năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp, có nhiều ngày nắng nóng, độ ẩm không khí thấp (dưới 60%) đã tác động đến khả năng thụ phấn của cây lúa, dẫn đến một số giống lúa ở địa phương có tỷ lệ hạt lép cao, làm ảnh hưởng đến năng suất.

Đối với các cây trồng hằng năm khác, một số loại cây có năng suất ổn định và tăng so với cùng kỳ năm trước như: ngô 57,86 tạ/ha, tăng 2,17% (tăng 1,23 tạ/ha); khoai lang 189,68 tạ/ha, tăng 0,62% (tăng 1,16 tạ/ha); lạc 37,63 tạ/ha, tăng 0,40% (tăng 0,15 tạ/ha); đậu tương 24,76 tạ/ha, tăng 0,69% (tăng 0,17 tạ/ha); rau các loại 207,74 tạ/ha, tăng 1,18% (tăng 2,42 tạ/ha); hoa các loại tăng khá cả về diện tích, năng suất, sản lượng.

Cây hàng năm vụ đông

Theo báo cáo tiến độ đến ngày 25/11/2020, toàn tỉnh gieo trồng được 8.094 ha các loại cây vụ đông, trong đó: cây ngô 1.474 ha; khoai tây 159 ha; lạc, đậu tương 226 ha; bí các loại 893 ha; hoa cây cảnh, dược liệu 1.132 ha, các loại rau khác 4.210 ha. Đến thời điểm này, cơ bản các loại cây vụ đông đang sinh trưởng và phát triển tốt. Diện tích rau màu vụ đông đã thu hoạch đến ngày 25/11 là 1.888 ha.

Cây lâu năm: Diện tích hiện có cây lâu năm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đạt 15.155 ha, chủ yếu cây ăn quả (chiếm 93,73%). Nhìn chung, thời tiết năm nay thuận lợi cho quá trình ra hoa, đậu quả nên sản lượng các loại cây ăn quả dự kiến đạt khá so với năm trước. Cụ thể như: nhãn đạt 46,5 nghìn tấn, tăng 47,62%; vải đạt 12 nghìn tấn, tăng 57,89%; cam 35 nghìn tấn, tăng 8,86%; bưởi 24 nghìn tấn, tăng 5,26%.

b) Chăn nuôi

Các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh chủ động, tích cực kiểm tra, giám sát chặt chẽ dịch bệnh và hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm. Chăn nuôi gia cầm tiếp tục phát triển tốt do các hộ chuyển hướng từ nuôi lợn sang nuôi gia cầm. Tại thời điểm 01/11/2020, tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh ước tính so với cùng kỳ năm trước như sau: đàn trâu 2.896 con, tăng 7,22%; bò 34.150 con, giảm 4,29%; lợn 448.250 con, tăng 3,48%; gia cầm 9.660 nghìn con, tăng 2,22% (trong đó: đàn gà 6.895 nghìn con, tăng 4,08%).

2. Sản xuất công nghiệp

So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Mười Một tăng 1,07%, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 2,31%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,06%; sản xuất và phân phối điện giảm 1,28%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,16%.

So với cùng kỳ năm 2019, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Mười Một tăng 7,71%, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 7,87%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,44%; sản xuất, phân phối điện, nước nóng và hơi nước tăng 10,14%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 11,07%. Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng tăng so với cùng kỳ năm 2019 như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 9,45%; thức ăn cho gia súc tăng 6,80%; thức ăn cho gia cầm tăng 14,86%; cửa sổ, cửa ra vào bằng gỗ tăng 11,04%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) tăng 15,76%; sản phẩm vệ sinh gắn cố định bằng gốm sứ tăng 22,79%; sắt thép các loại tăng 10,72%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi tăng 13,36%; thiết bị bảo vệ mạch điện khác dùng cho điện áp ≤ 1000 V chưa được phân vào đâu tăng 32,19%; dây cách điện đơn dạng cuộn khác tăng 8,03%; điện thương phẩm tăng 10,14%;... Bên cạnh đó, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như: rượu Vodka và rượu Cô nhắc giảm 43,10%; nước khoáng không có ga giảm 4,46%; quần áo các loại giảm 2,51%; bao bì bằng plastics giảm 24,26%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm giảm 7,84%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) giảm 15,45%; động cơ đa năng một chiều/xoay chiều có công suất >37,5W giảm 35,90%.

Tính chung mười một tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,11% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: công nghiệp khai khoáng (cát) tăng 7,47%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,75%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,04%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,08%.

Một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2019 như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 3,62%; thức ăn cho gia cầm tăng 18,17%; cửa sổ, cửa ra vào bằng gỗ tăng 8,49%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) tăng 12,25%; sắt thép các loại tăng 5,51%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi tăng 16,02%; thiết bị bảo vệ mạch điện khác dùng cho điện áp ≤ 1000 V chưa được phân vào đâu tăng 42,29%; dây cách điện đơn dạng cuộn tăng 10,94%; điện thương phẩm tăng 10,04%;... Bên cạnh đó, một số sản phẩm chủ yếu trong mười một tháng giảm như: thức ăn cho gia súc giảm 12,20%; rượu Vodka và rượu Cô nhắc giảm 35,66%; nước khoáng không có ga giảm 0,61%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm giảm 9,56%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) giảm 2,50%; động cơ đa năng một chiều/ xoay chiều có công suất >37,5W giảm 2,97%;... Những sản phẩm này giảm do ảnh hưởng của thị trường, như: do chăn nuôi lợn chưa phục hồi nên ảnh hưởng đến ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc; Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã tác động đến ngành sản xuất rượu, bia dẫn đến các doanh nghiệp giảm sản lượng sản xuất; dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc sản xuất cũng như tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp.

3. Hoạt động đầu tư

a) Vốn đầu tư ngân sách địa phương

          Thời gian qua, lãnh đạo các cấp, các ngành tiếp tục quyết liệt chỉ đạo thực hiện các giải pháp phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19. Quá trình giải ngân vốn đầu tư công được đặc biệt quan tâm, các công trình, dự án được đẩy mạnh tiến độ. Ước tính vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng Mười Một đạt 396.250 triệu đồng, tăng 53,34% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 137.640 triệu đồng, tăng 11,99%; vốn ngân sách cấp huyện đạt 126.260 triệu đồng, tăng 62,93%; vốn ngân sách cấp xã đạt 132.350 triệu đồng, tăng 128,11%.

Tính chung mười một tháng, vốn đầu tư ngân sách địa phương ước đạt 2.760.970 triệu đồng, tăng 23,94% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 77,53% kế hoạch. Trong đó: vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 1.061.668 triệu đồng, tăng 2,39% và đạt 78,68% kế hoạch; vốn ngân sách cấp huyện 966.020 triệu đồng, tăng 40,82% và đạt 84,65% kế hoạch; vốn ngân sách cấp xã 733.282 triệu đồng, tăng 45,27% và đạt 68,48% kế hoạch năm.

  b) Hoạt động đầu tư nước ngoài

Tính đến 20/11/2020, toàn tỉnh có 487 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 5.065.362 nghìn USD, trong đó từ đầu năm đến nay có 22 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký là 87.282 nghìn USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: Thứ nhất là Nhật Bản có 167 dự án, vốn đăng ký là 3.090.648 nghìn USD, chiếm 61,02% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Hàn Quốc có 143 dự án, vốn đăng ký 729.807 nghìn USD, chiếm 14,41% tổng vốn đăng ký; thứ ba là Trung Quốc có 110 dự án, vốn đăng ký 621.771 nghìn USD, chiếm 12,27% tổng số vốn đăng ký.

4. Thương mại, dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười Một ước tính đạt 3.675.353 triệu đồng, tăng 1,67% so với tháng trước và tăng 8,87% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó:

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng Mười Một ước đạt 2.553.231 triệu đồng, tăng 1,50% so với tháng trước và tăng 10,37% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng so với tháng trước chủ yếu ở các nhóm ngành sau: lương thực, thực phẩm tăng 1,53%; may mặc tăng 1,25%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 1,76%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 1,16%; vật liệu xây dựng tăng 1,26%; xăng, dầu các loại tăng 1,86%; hàng hóa khác tăng 1,79%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 151.946 triệu đồng, tăng 1,02% so với tháng trước và giảm 6,22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu dịch vụ lưu trú 5.359 triệu đồng, tăng 0,92% so với tháng trước và giảm 11,84% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ ăn uống 146.587 triệu đồng, tăng 1,02% so với tháng trước và giảm 6,0% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 900 triệu đồng, tăng 7,78% so với tháng trước và giảm 54,50% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ khác tháng Mười Một ước đạt 969.276 triệu đồng, tăng 2,23% so với tháng trước và tăng 7,88% so cùng kỳ năm 2019. Cụ thể: kinh doanh bất động sản 677.503 triệu đồng, tăng 1,46% so với tháng trước và tăng 8,64% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ 138.585 triệu đồng, tăng 6,24% so với tháng trước và tăng 10,64% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ giáo dục và đào tạo 20.617 triệu đồng, giảm 2,06% so với tháng trước và tăng 1,0% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 13.502 triệu đồng, tăng 0,91% so với tháng trước và tăng 10,88% so với cùng kỳ năm trước; nghệ thuật, vui chơi và giải trí 8.945 triệu đồng, tăng 0,79% so với tháng trước và giảm 5,18% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ khác phục vụ cá nhân và gia đình 110.125 triệu đồng, tăng 3,26% so với tháng trước và tăng 2,35% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung mười một tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 38.407.311 triệu đồng, tăng 6,40% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: thương nghiệp 27.202.135 triệu đồng, tăng 9,01%; lưu trú, ăn uống 1.494.465 triệu đồng, giảm 11,87%; doanh thu du lịch 10.271 triệu đồng, giảm 48,56%; doanh thu dịch vụ khác 9.700.439 triệu đồng, tăng 2,90%.

5. Chỉ số giá

a) Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Mười Một giảm 0,16% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 5 nhóm có chỉ số giá giảm, cụ thể: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,37%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,43%; giao thông giảm 0,59%; bưu chính viễn thông giảm 0,88%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,31%. Có 6 nhóm có chỉ số giá tăng: đồ uống và thuốc lá tăng 0,28%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,73%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,70%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; giáo dục tăng 0,06%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,01%.

So với tháng 12/2019, chỉ số giá tiêu dùng tháng này giảm 1,02%. Trong đó: nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 0,57%; đồ uống và thuốc lá giảm 1,52%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép giảm 0,28%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,16%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,07%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,16%; dịch vụ giao thông giảm 15,04%; bưu chính, viễn thông giảm 1,64%; dịch vụ giáo dục tăng 0,16%; văn hóa, giải trí, du lịch giảm 2,14%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,59%.

So với tháng cùng kỳ năm 2019, chỉ số giá tiêu dùng tháng Mười Một tăng 0,09%. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,50% (lương thực tăng 7,56%; thực phẩm tăng 2,13%; ăn uống ngoài gia đình tăng 6,89%); đồ uống và thuốc lá giảm 1,41%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép giảm 0,40%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,39%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,33%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,16%; dịch vụ giao thông giảm 14,53%; dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 1,90%; giáo dục tăng 0,16%; văn hóa, thể thao, giải trí giảm 2,67%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,21%.

Bình quân chung mười một tháng, Chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,06% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 12,84%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,15%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 0,49%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,45%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,99%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,77%; dịch vụ giao thông giảm 11,17%; bưu chính, viễn thông giảm 1,09%; dịch vụ giáo dục tăng 2,57%; dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí tăng 0,35%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,42%.

b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Giá vàng tháng Mười Một liên tục biến động với chiều hướng tăng. So với tháng trước, chỉ số giá vàng trong tỉnh đã tăng 1,01% so với tháng trước, mức giá bình quân là 5.426.250 đồng/chỉ.

Đồng đô la Mỹ tháng Mười Một giảm nhẹ - giảm 0,04% so với tháng trước, mức giá bình quân 23.269 đồng/USD.

6. Hoạt động vận tải  

a) Hoạt động vận tải hành khách

Vận tải hành khách tháng Mười Một ước đạt 1.676 nghìn lượt người vận chuyển và 84.161 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt giảm 2,23% về lượt người vận chuyển và giảm 4,24% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 80.597 triệu đồng, giảm 0,84%. Tính chung mười một tháng, vận tải hành khách ước đạt 15.821 nghìn lượt người vận chuyển và 823.488 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt giảm 7,73% về lượt người vận chuyển và giảm 8,51% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 768.054 triệu đồng, giảm 7,70%.

b) Hoạt động vận tải hàng hóa

Vận tải hàng hoá tháng Mười Một ước đạt 4.211 nghìn tấn vận chuyển và 178.299 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 12,22% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 8,99% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 475.179 triệu đồng, tăng 14,56%. Tính chung mười một tháng, vận tải hàng hóa ước đạt 38.171 nghìn tấn vận chuyển và 1.610.577 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 4,89% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 4,04% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 4.289.019 triệu đồng, tăng 6,10%.

7. Hoạt động tài chính, ngân hàng

a) Thu ngân sách nhà nước

Thu ngân sách nhà nước tháng Mười Một ước đạt 1.400.924 triệu đồng, tăng 35,06% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: thu nội địa 1.075.225 triệu đồng, tăng 38,87%; thu hải quan 325.699 triệu đồng, tăng 23,85%. Một số khoản thu trong tháng dự tính như sau: thu từ doanh nghiệp nhà nước 17.614 triệu đồng, tăng 16,73%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 160.736 triệu đồng, tăng 27,03%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 406.173 triệu đồng, tăng 82,92%; thu phí, lệ phí 35.123 triệu đồng, giảm 14,73%; thu thuế thu nhập cá nhân 64.153 triệu đồng, tăng 7,04%; các khoản thu về nhà đất 333.721 triệu đồng, tăng 32,53%;...

Tính chung mười một tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 14.267.900 triệu đồng, tăng 9,82% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 95,98% kế hoạch năm. Trong đó: thu nội địa 11.135.000 triệu đồng, tăng 15,98%, vượt 5,40% kế hoạch năm; thuế xuất nhập khẩu 3.132.900 triệu đồng, giảm 7,63%, đạt 72,86% kế hoạch năm. Một số khoản thu nội địa như sau: thu từ doanh nghiệp nhà nước 189.000 triệu đồng, giảm 13,36%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 1.800.000 triệu đồng, tăng 5,50%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 3.185.000 triệu đồng, tăng 11,29%; thu phí, lệ phí 389.000 triệu đồng, giảm 3,11%; thuế thu nhập cá nhân 920.000 triệu đồng, tăng 16,39%; các khoản thu về nhà đất 3.999.000 triệu đồng, tăng 31,32%; thu khác ngân sách 227.000 triệu đồng, tăng 53,86% so với cùng kỳ năm trước.

b) Chi ngân sách nhà nước địa phương

Tính từ ngày 01/01/2020 đến ngày 20/11/2020, chi ngân sách nhà nước địa phương đạt 10.921.004 triệu đồng, vượt 6,19% so với kế hoạch năm. Trong đó: chi đầu tư phát triển 5.028.260 triệu đồng, đạt 150,27% kế hoạch; chi thường xuyên 5.892.744 triệu đồng, đạt 84,94% kế hoạch. Một số lĩnh vực chi thường xuyên như sau: chi sự nghiệp kinh tế 570.288 triệu đồng; chi giáo dục, đào tạo 2.019.740 triệu đồng; chi sự nghiệp y tế 543.620 triệu đồng; chi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao 113.484 triệu đồng; chi đảm bảo xã hội 632.572 triệu đồng; chi quản lý hành chính 1.456.933 triệu đồng; chi khác 528.319 triệu đồng;...

c) Hoạt động ngân hàng

Tính đến thời điểm 31/10/2020, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 93.180.874 triệu đồng, tăng 11,36% so với thời điểm 31/12/2019. Trong đó: nguồn vốn huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 86.553.305 triệu đồng, tăng 14,18% và chiếm 92,89% tổng nguồn vốn.

Tổng dư nợ đối với nền kinh tế đạt 64.072.862 triệu đồng, tăng 4,60% so với thời điểm 31/12/2019. Trong đó: dư nợ cho vay ngắn hạn 44.922.820 triệu đồng, tăng 5,69%; dư nợ cho vay trung và dài hạn 19.150.042 triệu đồng, tăng 2,14%. Dư nợ cho vay bằng nội tệ 61.878.339 triệu đồng, tăng 5,46%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 2.194.523 triệu đồng, giảm 14,91%. Về chất lượng tín dụng: nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 748.492 triệu đồng (chiếm 1,17% tổng dư nợ), giảm 30,93% so với thời điểm 31/12/2019.

8. Một số hoạt động xã hội

a) Hoạt động văn hóa, thể thao

Hoạt động văn hóa: Toàn tỉnh thực hiện tốt việc treo băng rôn, pano, áp phích tuyên truyền Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 được tổ chức từ ngày 24-26/10/2020. Chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh, đồng thời bảo tồn, phát huy và khơi dậy hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh, ngày 29/10/2020, tại Trung tâm Văn hóa huyện Phù Cừ đã diễn ra “Liên hoan văn nghệ quần chúng các làng, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu tỉnh Hưng Yên năm 2020” với sự góp mặt của trên 300 diễn viên, nhạc công không chuyên đến từ 10 câu lạc bộ văn nghệ của làng, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu xuất sắc, đại diện cho gần 800 làng, tổ dân phố văn hóa trong tỉnh.

Ngày 27/10/2020, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký các quyết định về việc xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với 04 di tích tỉnh Hưng Yên, gồm: Di tích lịch sử Khu lưu niệm Nguyễn Thiện Thuật, xã Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào; di tích kiến trúc nghệ thuật đình Sầm Khúc, xã Việt Hưng, huyện Văn Lâm; di tích kiến trúc nghệ thuật đình An Dân, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu; di tích lịch sử Khu lưu niệm Tô Hiệu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang. Tính đến nay, tỉnh Hưng Yên có 172 di tích - cụm di tích xếp hạng cấp quốc gia, 250 di tích - cụm di tích xếp hạng cấp tỉnh, 02 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt và 03 bảo vật quốc gia.

Ngày 06/11/2020 tại Hưng Yên, Tổng cục Du lịch phối hợp với tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch Hưng Yên và phát động Chương trình kích cầu du lịch năm 2020. Hội nghị nhằm đánh giá lại các tiềm năng du lịch của tỉnh, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên hiện có; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá; đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, các trung tâm thông tin xúc tiến du lịch, các doanh nghiệp du lịch trong vùng; xác định và phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn; triển khai các nhiệm vụ kích cầu du lịch, góp phần khôi phục ngành du lịch Hưng Yên sau đại dịch Covid-19.

Hoạt động thể thao: Từ ngày 01/11- 08/11/2020, tại Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Tổng cục Thể dục thể thao phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế tổ chức Giải vô địch các câu lạc bộ mạnh Karate toàn quốc lần thứ XX năm 2020. Tham dự giải có 41 tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc, với 55 câu lạc bộ, gần 800 vận động viên. Các vận động viên tranh tài ở 75 bộ huy chương ở các nội dung Kata và Kumite theo 5 nhóm tuổi: 10 -11; 12 - 14; 15 - 17; trên 18 và trên 35 tuổi. Tham gia giải, đội tuyển Karate Hưng Yên đạt 06 Huy chương: 01 huy chương vàng, 03 huy chương bạc, 02 huy chương đồng, đứng thứ nhì toàn đoàn nhóm tuổi I, có 2 vận động viên được phong đẳng cấp I quốc gia năm 2020.

b) Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

Từ ngày 16/10/2020 đến ngày 15/11/2020, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã phát hiện 15 vụ vi phạm môi trường, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 15 vụ với số tiền xử phạt là 454 triệu đồng. Nguyên nhân xử phạt: Vi phạm về lĩnh vực xả thải, quản lý chất thải nguy hại, vi phạm về công tác kiểm dịch thú y,…

Từ ngày 16/10/2020 đến ngày 15/11/2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1 vụ cháy tại Công ty cổ phần Đại Thành tại huyện Văn Giang, thiệt hại tài sản ước tính 800 triệu đồng, vụ cháy hiện đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân và chưa thống kê được giá trị thiệt hại.

c) An toàn giao thông     

Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên, từ ngày 15/10/2020 đến 14/11/2020, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông, đều là tai nạn đường bộ, làm chết 3 người, làm bị thương 5 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn giảm 13 vụ, giảm 65,0%; số người chết giảm 5 người, giảm 62,50%; số người bị thương giảm 18 người, giảm 78,26%. Tính từ đầu năm đến hết ngày 14/11/2020, toàn tỉnh đã xảy ra 135 vụ tai nạn giao thông, làm chết 95 người, làm bị thương 91 người. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ tai nạn giảm 6 vụ, giảm 4,26%; số người chết giảm 12 người, giảm 11,21%; số người bị thương giảm 10 người, giảm 9,10%.

Nguồn tin: thongkehungyen.gov.vn

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
52 người đang online