Thủ tướng mong muốn Israel hỗ trợ Việt Nam về đổi mới sáng tạo, start-up

Chiều 7/10, tại trụ sở Chính phủ, tiếp Đại sứ Israel tại Việt Nam, ông Nadav Eshcar, đến chào xã giao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn phía Israel hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, start-up; hoan nghênh các doanh nghiệp Israel đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong lĩnh vực này.

 


Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển, đặc biệt là về kinh tế, nông nghiệp và khoa học - công nghệ của Israel, góp phần đưa Israel từ một quốc gia nhỏ bé với nguồn tài nguyên thiên nhiên khiêm tốn trở thành một quốc gia có nền kinh tế vững mạnh với nền khoa học - công nghệ phát triển cao trên thế giới.

Khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác với Israel, Thủ tướng vui mừng trước những bước phát triển trong quan hệ hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, khoa học - công nghệ, an ninh - quốc phòng... Những bước phát triển đáng ghi nhận trên đã đưa Israel trở thành một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông.

Nhân dịp này, Thủ tướng đánh giá cao các đóng góp của Đại sứ trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Israel.


Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cảm ơn Thủ tướng dành thời gian tiếp, Đại sứ đánh giá Việt Nam đã làm tốt trong phòng chống COVID-19, là mô hình điển hình về kiểm soát thành công dịch bệnh này. Israel ngưỡng mộ, mong muốn học hỏi kinh nghiệp của Việt Nam khi Israel đang trải qua làn sóng thứ 2 của dịch.

Đại sứ cho biết, Israel là nền kinh tế đổi mới sáng tạo, là một trong những những dành nhiều ngân sách nhất cho nghiên cứu và phát triển. Là quốc gia nhỏ với dân số trên 8 triệu dân, Israel có hơn 5.000 doanh nghiệp start-up, là nơi đóng trụ sở của nhiều tập đoàn công nghệ lớn. Hai bên có nhiều tiềm năng thúc đẩy hợp tác về nông nghiệp công nghệ và quản lý nước bởi Israel có nhiều kinh nghiệm về đối mặt với hạn hán, có công nghệ hiện đại về tưới tiêu, nông nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo, sử dụng thiết bị bay không người lái trong nông nghiệp…

Bên cạnh đó, hai nước có thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác như an ninh mạng, công nghệ hàng không.

Đại sứ mong muốn hai bên sớm đi đến các bước cuối cùng để ký kết Hiêp định Thương mại tự do Việt Nam-Israel cũng như có thể sớm mở đường bay thẳng giữa Hà Nội và Tel Aviv qua đó sẽ thúc đẩy giao lưu, thương mại, đầu tư giữa hai nước.


Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhất trí với ý kiến của Đại sứ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, không gian hợp tác còn rất lớn.

Theo Thủ tướng, khi điều kiện cho phép, hai bên sớm tiến hành các hoạt động trao đổi đoàn và các cơ chế họp tác như ủy ban hỗn hợp, Tham vấn chính trị giữa hai Bộ ngoại giao. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các hoạt động trao đổi đoàn giữa các bộ, ngành, địa phương hai bên.

Hai bên cần phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương tăng lên gấp 2-3 lần vào năm 2025. Cần thúc đẩy hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến khích các doanh nghiệp Israel thăm và tham dự triển lãm, hội chợ tại Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam triển khai các hoạt động xúc tiến tại Israel.

Hai bên cần thúc đẩy đàm phán, tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Israel (VIFTA). Thủ tướng đề nghị Israel hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, start-up; hoan nghênh các doanh nghiệp Israel đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong lĩnh vực này.

Về nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng, đây là lĩnh vực Việt Nam ưu tiên phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là về việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Thủ tướng đánh giá cao các hoạt động hợp tác gần đây giữa hai nước trong trao đổi kinh nghiệm về quản lý và sử dụng nguồn nước. Đây là lĩnh vực mà Israel có thế mạnh và Việt Nam đang rất có nhu cầu. Do đó, trong thời gian tới hai bên cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này.

Đánh giá cao kết quả chương trình Thực tập sinh nông nghiệp giữa hai nước, Thủ tướng mong muốn Israel tăng cường tiếp nhận thực tập sinh nông nghiệp của Việt Nam (năm 2020, Israel tiếp nhận 635 thực tập sinh nông nghiệp của Việt Nam). Ngày 25/9 vừa qua, hai bên phối hợp tổ chức thành công chuyến bay đưa hơn 300 thực tập sinh mới sang Israel, thay thế cho 300 thực tập sinh đã hoàn thành thời gian thực tập.

Thủ tướng nhất trí việc hai bên sớm ký kết Nghị định thư sửa đổi Hiệp định vận chuyển hàng không giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Israel cũng như hoan nghênh việc mở đường bay thẳng giữa hai nước, qua đó, không khí hợp tác đầu tư, thương mại, giao lưu sẽ sôi nổi hơn.

Thủ tướng cũng đề nghị hai bên thúc đẩy đàm phán, tiến tới ký kết thỏa thuận song phương về hợp tác lao động; thúc đẩy hơn nữa hợp tác về giáo dục-đào tạo giữa các viện, các trường đại học hai nước có thể dưới các hình thức chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy; trao đổi giảng viên, sinh viên; cấp học bổng nghiên cứu, học tập cho nghiên cứu viên, sinh viên của nhau.

Thủ tướng chúc mừng việc Israel ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain, hy vọng rằng việc này sẽ đóng góp vào hòa bình, ổn định tại khu vực Trung Đông.

Nguồn tin: chinhphu.vn

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
43 người đang online