Thông tư ban hành phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá

Ngày 01/7/2024, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 45/2024/TT-BTC ban hành phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Theo Thông tư, phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá quy định tại Thông tư này bao gồm hai phương pháp định giá là phương pháp chi phí và phương pháp so sánh. Căn cứ đặc tính của hàng hóa, dịch vụ, các điều kiện cụ thể về sản xuất kinh doanh, về thị trường, lưu thông hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân lựa chọn phương pháp định giá phù hợp với hàng hóa, dịch vụ cần định giá.

* Về một số nguyên tắc chung phương pháp chi phí:

+ Trong quá trình sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nếu làm phát sinh khoản thu khác thì phải trừ mức tương ứng ra khỏi chi phí của sản phẩm chính; nếu thu hồi được sản phẩm phụ để bán hoặc tiếp tục sử dụng làm nguyên vật liệu để sản xuất sản phẩm khác thì phải phân bổ chi phí để trừ khỏi chi phí sản xuất của sản phẩm chính, nếu sản phẩm phụ không thể thu hồi để bán hoặc sử dụng thì không phải phân bổ chi phí.

+ Đối với các chi phí, yếu tố tính giá liên quan đến nhiều hàng hóa, dịch vụ mà không thể tách riêng ra được thì cần tập hợp và phân bổ theo tiêu thức thích hợp như doanh thu, chi phí, số lượng, khối lượng, thời gian và các tiêu thức khác phù hợp với ngành, lĩnh vực và quy định của pháp luật liên quan của hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp các chi phí, yếu tố tính giá có thời gian sử dụng cho sản xuất, kinh doanh trong nhiều kỳ, nhiều năm thì thực hiện phân bổ dần vào chi phí sản xuất, kinh doanh. Trường hợp các chi phí, yếu tố tính giá phát sinh trong nhiều kỳ, nhiều năm thì phải tập hợp số liệu của nhiều kỳ, nhiều năm để phân bổ.

+ Trong các khoản chi phí tính giá, khoản nào có trong định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, có chế độ chính sách của Nhà nước, có giá do Nhà nước quy định, có quy định pháp luật (về thuế, về kế toán, về thống kê và các pháp luật có liên quan), có quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị theo quy định của pháp luật thì tính theo các quy định đó. Đơn vị có trách nhiệm thường xuyên rà soát quy chế chi tiêu nội bộ bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quy chế chi tiêu nội bộ của mình. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm thường xuyên rà soát định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do mình ban hành để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp theo quy định của pháp luật.

+ Trường hợp có thông tin về chi phí vật tư, chi phí thuê ngoài, chi phí tiền công, chi phí bán hàng, chi phí quản lý trên thị trường thì được quyền xác định trên cơ sở thông tin về giá, mức giá theo quy định tại Điều 13, Điều 14 và Điều 15 Thông tư này.

+ Các chi phí cần thiết để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực theo quy định (nếu có) được tính vào giá như: chi phí tổ chức bản thảo, biên soạn, sáng tác, dựng vở, biểu diễn, kiểm nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn; chi phí bản quyền, nhuận bút tác giả; chi phí biên tập, đọc duyệt, thiết kế, chế bản; chi phí thẩm định; chi phí dạy thực nghiệm; chi phí tập huấn sử dụng sách; chi phí quản lý xuất bản; chi phí tem chống giả, học liệu điện tử; chi phí in sách mẫu; chi phí nhà hạt; chi phí nhà tạm để ở và điều hành thi công; chi phí ca máy, thiết bị thi công; chi phí bảo dưỡng nhà hạt, nhà tạm để ở và điều hành thi công; chi phí thiết kế sửa chữa; chi phí giám sát thi công; chi phí tổ chức đảm bảo an toàn giao thông phục vụ thi công; chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn; chi phí bảo hiểm công trình; chi phí quản lý, điều hành đảm bảo giao thông trong thời gian tài sản kết cấu hạ tầng giao thông dừng hoạt động theo quyết định của cấp có thẩm quyền và các khoản chi phí khác.

+ Chi phí khấu hao tài sản cố định thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.

+ Đối với trường hợp thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì giá vật tư, yếu tố đầu vào không bao gồm thuế giá trị gia tăng. Đối với trường hợp không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng hoặc thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp thì giá vật tư, yếu tố đầu vào bao gồm thuế giá trị gia tăng.

+ Các khoản chi không được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ để xác định giá hàng hóa, dịch vụ.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định cụ thể phương pháp so sánh; quy định chuyển tiếp.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 và thay thế Thông tư số 25/2014/TT-BTC ngày 17 tháng 02 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Đức Mạnh

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
31 người đang online