Thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND

Nghị quyết thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

 
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu 

Sáng ngày 18/9, trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, quy định việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND ở 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trên cơ sở tách Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm theo quy định tại Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 04/10/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND là cơ quan tương đương cấp sở, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của thường trực HĐND, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có chức năng tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các ĐBQH, Đoàn ĐBQH và HĐND, Thường trực HĐND, các ban, các Tổ đại biểu của HĐND, các đại biểu HĐND, cấp tỉnh.

Về số lượng phòng, theo Tờ trình, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND có 3 phòng: Phòng Công tác Quốc hội, Phòng Công tác Hội đồng nhân dân, Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Thường trực HĐND cấp tỉnh sau khi thống nhất với Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH có thể quyết định thành lập thêm 01 phòng để phụ trách mảng công việc có tính chất tương đối độc lập, thuộc chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh.

Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng phòng trực thuộc sau khi xin ý kiến của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND cấp tỉnh.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng dự thảo Nghị quyết quy định cứng Văn phòng có 03 phòng và giao cho địa phương có thể quyết định thành lập thêm 01 phòng căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương là cần thiết. Tuy nhiên, để phù hợp với chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) và thống nhất với cách quy định về tổ chức các đơn vị cấp phòng trong các Nghị định của Chính phủ về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, tránh việc lạm dụng thành lập thêm tổ chức bộ máy, Ủy ban Pháp luật đề nghị trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quy định rõ tiêu chí, điều kiện thành lập thêm phòng thứ tư của Văn phòng.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc giao địa phương quyết định thành lập thêm 01 phòng vì nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn ĐBQH và HĐND đã được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương nên rất ít phát sinh thêm và nếu phát sinh thêm thì có thể tăng số lượng cấp phó, biên chế chuyên viên giúp việc mà không nhất thiết phải có thêm cơ cấu phòng.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, qua lấy ý kiến các địa phương và qua các hội thảo về vấn đề này, hầu hết các Đoàn ĐBQH và các địa phương đề nghị, thực tế hiện nay các văn phòng có phòng thứ tư phục vụ chung cho cả Đoàn ĐBQH và HĐND là Phòng Dân nguyện, có chức năng tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân hay tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật…

Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, không nên quy định 3 phòng "cứng" mà nên có 1 phòng "mềm", việc đặt tên phòng như thế nào thì để địa phương tự quyết định.

Giải trình thêm, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, phương án “ba cứng một mềm” được nhiều địa phương đồng tình. Phương án này đã được báo cáo gửi xin ý kiến của Chính phủ, Chính phủ cũng đồng tình quan điểm này. “Địa phương nào không có nhu cầu, chỉ cần 3 phòng thôi thì hoan nghênh, trong này không ghi bắt buộc phải 4 phòng mà cứng có 3 phòng, còn 1 phòng thì tùy theo điều kiện thực tế địa phương thì địa phương sẽ quyết định việc có hay không” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất nghị quyết có tên gọi là “Nghị quyết về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh”. Về thẩm quyền thành lập, nhất trí giao cho HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với cơ cấu tổ chức, Văn phòng sẽ có cơ cấu “cứng” gồm 3 phòng, đồng thời căn cứ trên tình hình địa phương có thể bổ sung 1 phòng. Biên chế văn phòng sẽ do địa phương quyết định trên cơ sở xác định vị trí, việc làm và không vượt quá số lượng hiện nay.

Kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH vẫn do Văn phòng Quốc hội bảo đảm còn kinh phí hoạt động của HĐND và Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND nằm trong kinh phí của địa phương. Chánh Văn phòng là chủ tài khoản của 2 nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương.

Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết này./.

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
32 người đang online