03/06/2022 | lượt xem: 7 Tập trung khắc phục hạn chế trong quyết toán ngân sách Nhà nước Trước tình trạng vẫn còn những hạn chế, thiếu sót trong công tác lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách Nhà nước, các đại biểu Quốc hội kiến nghị cần áp dụng các biện pháp khắc phục, tập trung vào siết chặt kỷ cương tài chính, tăng cường quản lý nguồn thu và xử lý nợ đọng thuế. Tăng cường quản lý nguồn thu và xử lý nợ đọng thuế Tham gia thảo luận tại phiên họp của Quốc hội chiều 2/6, đại biểu Phạm Đình Toản (Hưng Yên) bày tỏ đồng tình với các báo cáo quyết toán, kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ để có nguồn chi trong điều kiện ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Trong khi đó, bội chi ngân sách Nhà nước là 3,44% GDP, vẫn nằm trong giới hạn quy định; thu nội địa đạt 85,6%, vượt mục tiêu đề ra. Đại biểu Phạm Đình Toản phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 2/6. (Ảnh: NGUYÊN KHOA) Bên cạnh đó, chất lượng công tác lập dự toán ngân sách Nhà nước được nâng lên và có chuyển biến, khoảng cách giữa dự toán và thực tế thực hiện đã dần được thu hẹp. Chính phủ cũng đã chỉ đạo kịp thời, cắt giảm, tiết kiệm những nhiệm vụ chi không cần thiết. Đối với chi đầu tư, đại biểu Phạm Đình Toản đánh giá công tác lập và giao dự toán chi đầu tư công cơ bản tuân thủ theo quy định Luật Đầu tư công, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công có nhiều tiến bộ, được triển khai sớm hơn các năm trước. Chính phủ cũng tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra có hiệu quả, chống thất thu ngân sách. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu cũng chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, số vượt thu vẫn chủ yếu từ tiền sử dụng đất, vượt 1,8 lần dự toán, trong khi số thu từ 3 khu vực sản xuất kinh doanh chưa đạt. Tình trạng này cũng lặp lại từ nhiều năm, do đó đại biểu kiến nghị cần làm rõ nguyên nhân ngoài nguyên nhân do Covid-19 để bảo đảm tính bền vững của ngân sách. Công tác xử lý nợ đọng thuế tuy có tiến bộ, giảm 0,63% so năm 2019 nhưng thực tế vẫn còn rất lớn, đến 31/12/2020, số nợ thuế là 99.074 tỷ đồng. Tình trạng trốn thuế vẫn diễn ra phức tạp, dẫn đến giảm thu ngân sách nhà nước. Đối với chi đầu tư phát triển, vẫn còn tồn tại mang tính chất lặp lại như kế hoạch vốn đầu tư công phải điều chỉnh nhiều lần, phải hủy dự toán vốn ngoài nước, phân bổ kế hoạch vốn, giao kế hoạch vốn chậm, nhiều đợt bổ sung sau ngày 31/12 là một trong những nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm. Từ những phân tích trên, đại biểu Phạm Đình Toản đề nghị Chính phủ siết chặt thực hiện nghiêm kỷ cương tài chính, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nguồn thu và xử lý nợ đọng thuế để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước - nhất là ở các địa phương có số thuế lớn, nợ đọng thuế tăng cao, số nợ thuế quá hạn lớn; phân tích xác định rõ giới hạn nợ đọng thuế trong từng giai đoạn, giảm nợ đọng thuế, tăng cường kiểm tra hoàn thuế, chống chuyển giá. Đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu để khắc phục những tồn tại, tránh lặp lại trong chỉ đạo xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023; xem xét kỹ việc quyết toán vốn ngoài nước và số chi chuyển nguồn, xác định lại giới hạn số chuyển nguồn để giảm số phải chuyển nguồn hằng năm; đồng thời ưu tiên giảm bội chi theo quy định của Luật Ngân sách trong phân bổ số vượt thu hằng năm so với dự toán. Tránh thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội, chiều 2/6. (Ảnh: NGUYÊN LINH) Nêu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình) chỉ rõ, thất thoát, lãng phí vẫn còn diễn ra trong tất cả các ngành, lĩnh vực, trong khi kỷ luật, kỷ cương, quản lý, sử dụng tài chính, quản lý ngân sách Nhà nước không nghiêm, dẫn đến còn nhiều thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng các nguồn vốn này. Đại biểu dẫn số liệu kiểm toán, quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020 cho thấy, có rất nhiều tồn tại, hạn chế, vi phạm trong công tác lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nhiều vi phạm Kiểm toán Nhà nước chỉ nêu chung chung, chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm, không yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương xử lý, điều chỉnh ngay, dẫn đến nhiều sai phạm, vi phạm kéo dài nhiều năm và nhiều trường hợp các cấp có thẩm quyền phê chuẩn các nội dung không đúng quy định cũng gây thất thoát, lãng phí. Để khắc phục các tồn tại, hạn chế này, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần có chính kiến rõ ràng trong việc xử lý các khoản thu, chi ngân sách Nhà nước không đúng quy định để các Bộ, ngành, địa phương kịp thời điều chỉnh, tránh thất thu, lãng phí nguồn lực. Bên cạnh đó, đại biểu cũng nêu vấn đề liên quan số chi chuyển nguồn năm sau tăng cao hơn năm trước, với quy mô ngày càng lớn. Trong đó, chi chuyển nguồn năm 2020 sang năm 2021 là trên 643.406 tỷ đồng, chiếm 27,3% tổng chi ngân sách nhà nước, theo số thực chi ngân sách Nhà nước thì chiếm tới 37,6% tổng chi ngân sách nhà nước, không phù hợp với các Nghị quyết của Quốc hội. Đặc biệt, đối với số chuyển nguồn chi đầu tư ngân sách Nhà nước năm 2020 sang năm 2021 rất lớn, hơn 274.426,7 tỷ đồng, bằng gần 55% kế hoạch năm 2020 và bằng 47,6% số vốn giải ngân năm 2020, chiếm 42,7% tổng số chi chuyển nguồn, cho thấy hiệu quả đầu tư và hiệu quả sử dụng các nguồn vốn này chưa đạt yêu cầu. Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục rà soát toàn bộ số chuyển nguồn này, kịp thời thu hồi các khoản chuyển nguồn tạm ứng không đúng quy định. Để bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước, giảm bội chi ngân sách trung ương, đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương thực hiện các khuyến nghị tại Nghị quyết số 22 của Quốc hội về việc giao Chính phủ nghiên cứu rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách Nhà nước so với hiện hành để trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm. Vì sao lập dự toán ngân sách chưa sát với thực tế? Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: LINH KHOA) Tiếp thu ý kiến đại biểu nêu về các hạn chế, thiếu sót trong quyết toán ngân sách, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị khắc phục tình trạng như các đại biểu đã nêu. Bộ trưởng cũng giải thích vì sao lập dự toán ngân sách, đặc biệt dự toán thu ngân sách chưa sát với thực tế. Theo đó, niên độ tài khóa hiện tại là đến ngày 31/12 dương lịch, do đó khi lập dự toán theo Luật Ngân sách là vào khoảng tháng 9, 10, nghĩa là còn khoảng 4 tháng nữa mới hết năm ngân sách, nên ước thực hiện nhiều lúc chưa sát. Bộ trưởng cho biết sẽ khắc phục vấn đề này. Liên quan chi cho giáo dục đào tạo, theo Bộ trưởng, trong những năm qua, chi cho lĩnh vực này vẫn bảo đảm theo yêu cầu của Luật Giáo dục là hơn 20% tổng chi ngân sách. Cụ thể, năm 2018, tỷ lệ này là 20,6%, năm 2019 bằng 20,07% và năm 2020 là 20,67%. Giải trình nội dung dự phòng ngân sách 1.150 tỷ đồng, Bộ trưởng cho biết, khoản này được chi vào đầu tư xây dựng cơ bản. Theo đánh giá của Bộ trưởng Tài chính, nguồn chi vào đầu tư phát triển này có tác động rất tốt, khi chúng ta tiết kiệm được khoản dự phòng để có thể chi cho an ninh, quốc phòng, hay phòng, chống thiên tai, lũ lụt, thảm họa. Bộ trưởng nêu rõ, theo Luật Đầu tư công, nguồn vốn có 3 loại gồm vốn giao theo kế hoạch đầu năm, nguồn vốn vượt thu ngân sách thuộc thẩm quyền Quốc hội, và dự phòng ngân sách đã được Quốc hội giao thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Theo Bộ trưởng, Thủ tướng đã bổ sung cho hơn 30 tỉnh đầu tư công trình xây dựng cơ bản phòng, chống lũ lụt. Như vậy, đến hết niên độ, ngân sách được kéo dài theo Luật Đầu tư công và sẽ quyết toán 850.236 tỷ đồng, số còn lại là 291,9 tỷ đồng sẽ hủy quyết toán vào năm 2021. Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có kế hoạch để hoàn thiện và khắc phục những tồn tại đã nêu, trong đó tập trung tiếp tục hoàn thiện pháp luật về ngân sách, đầu tư công, quản lý tài sản công, đất đai… Nguồn tin: nhandan.com.vn