03/11/2020 | lượt xem: 8 Tăng trưởng 2-3% GDP là con số tuyệt vời Các đại biểu Quốc hội cho rằng, kết quả thực hiện mục tiêu kép của Việt Nam tuy còn khiêm tốn nhưng rất đáng ghi nhận, con số tăng trưởng từ 2 - 3% GDP là con số tuyệt vời trong bối cảnh đặc biệt năm 2020. Mục tiêu Chính phủ đề ra năm 2021 GDP tăng từ 6-6,5% là hợp lý và hoàn toàn có thể đạt được. Sáng 3/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội bắt đầu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch năm 2021 (trong đó có thảo luận một số nội dung liên quan các vấn đề về an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ, đập và phát triển điện lực; báo cáo kết quả 03 năm thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng); mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong quá trình thảo luận, các thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội phát biểu một số vấn đề liên quan. Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường sáng 3/11. (Ảnh: ĐT) Cần chính sách đột phá phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Mở đầu phiên thảo thuận, đại biểu Nguyễn Thị Lan (TP. Hà Nội) bày tỏ thống nhất với các nhận định, đánh giá được nêu trong các báo cáo của Chính phủ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và giai đoạn 5 năm 2016 - 2020. Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, mặc dù trong những năm qua, đặc biệt là năm 2020 chúng ta đã phải gánh chịu những tổn thất nặng nề chưa từng có do dịch bệnh, thiên tai khó lường, do những yếu tố bất lợi nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, sáng tạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Việt Nam đã vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực hoạt động; đã trở thành ngôi sao sáng trong công cuộc khắc phục ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và khôi phục phát triển kinh tế. Báo cáo của Chính phủ đã đề cập đến nhiều nhiệm vụ, giải pháp có tính khả thi cao để vừa chủ động ứng phó, giảm thiểu những thiệt hại do COVID-19 và thiên tai bão lũ gây ra, vừa để phục hồi phát triển kinh tế trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Trong nhiệm vụ, giải pháp thứ năm của Báo cáo, Chính phủ đã đặc biệt chú trọng đến đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao, coi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Bày tỏ hoàn toàn đồng tình với quan điểm của Chính phủ, đại biểu Lan cho rằng, đây là một giải pháp đúng đắn mang tính đột phá, tạo động lực then chốt để phát triển nền kinh tế tri thức nhanh và bền vững. Đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng đề xuất với Quốc hội một số cơ chế, chính sách để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong trường đại học, đặc biệt là chú trọng mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ từ nguồn tài nguyên nguyên bản là spin-off, một mô hình mà thế giới coi là có hiệu quả thiết thực để phát triển và thương mại hóa các công nghệ được nghiên cứu thành công từ các trường đại học, viện nghiên cứu. Đại biểu Lan đề nghị cần rà soát hoàn thiện văn bản dưới luật liên quan để thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ (KHCN), thương mại hóa như Luật Giáo dục ĐH, Luật KH&CN… ; bổ sung chiến lược, quy hoạch phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, dự báo đổi mới công nghệ; có chính sách đột phá, thích hợp để huy động được đội ngũ đông đảo những người làm khoa học trong nước khoa học tham gia đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, thu hút các nhà khoa học nước ngoài và Việt kiều. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) phát biểu. (Ảnh: ĐT) Không nên để đường sắt Cát Linh thêm lỡ hẹn Đại biểu Nguyễn Phi Thường (TP. Hà Nội) nêu thực trạng triển khai các dự án đường sắt đô thị đang tồn tại nhiều vấn đề như dự án lớn, đầu tư lớn nhưng đội vốn, kéo dài, gây bức xúc, cần rút kinh nghiệm để không lặp lại các dự án sau. Ông Nguyễn Phi Thường cho rằng các dự án đường sắt đô thị cần phải gắn kết với định hướng phát triển hệ thống vận tải công cộng, liên kết chặt chẽ với không gian đô thị, bảo đảm tiện nghi phù hợp, có kết nối giữa nhà ga và đô thị, mạng lưới bãi xe, xe buýt trung chuyển,… Đầu tư đường sắt đô thị cần gắn với tái cấu trúc không gian đô thị, hệ thống giao thông công cộng nếu không đây chỉ là loại hình giao thông nhập khẩu. Chúng ta cũng cần xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn đường sắt đô thị phù hợp điều kiện của Việt Nam, nghiên cứu mô hình đường sắt đô thị tư nhân như ở Nhật Bản. Đại biểu TP. Hà Nội cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để Đường sắt Cát Linh-Hà Đông vận hành vào cuối năm 2021, không để sai hẹn đến lần thứ 9 với Nhân dân. Nếu không răn đe mạnh mẽ thì nông sản sẽ mất luôn ưu thế cạnh tranh Đề cập đến việc quản lý phân bón thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian qua, Đại biểu Trần Văn Cường (Đồng Tháp) cho biết, qua tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến cho rằng phân bón thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại hiện như mê hồn trận trong nền nông nghiệp của chúng ta. Đây là thách thức lớn trong việc hướng đến 1 ngành nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và hội nhập quốc tế. Theo đại biểu, việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật đã và đang phá vỡ cấu trúc hệ sinh thái tự nhiên, đánh mất hình ảnh nền nông nghiệp chất lượng mà đất nước đang cố gắng triển khai thời gian qua. Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn vừa qua đã ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép và cấm sử dụng tại Việt Nam. Trong đó, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong nông nghiệp có khoảng 1.795 loại chất. Dù các ngành chuyên môn tăng cường quản lý, nhưng với số lượng lớn như trên, lực lượng có hạn, việc kiểm tra thuốc lưu thông trên thị trường gặp nhiều khó khăn. Theo Đại biểu Cường, nguyên nhân của tình trạng trên, trước hết là do, chế tài đối với các hành vi của người sản xuất và người buôn bán, sử dụng chưa đủ sức răn đe. Ngược lại một bộ phận người dân không được truyền thông đầy đủ các tác hại của các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật đã lạm dụng gây tổn hại sức khỏe người tiêu dùng và bản thân. Hai là, danh mục chất cấm chưa được đồng bộ giữa các ngành nên có những hoạt chất bị cấm trong lĩnh vực này nhưng lại không cấm trong lĩnh vực khác dẫn đến việc sử dụng tràn lan khó kiểm soát và khó quản lý. Ba là, chưa có quy định rõ ràng về truy xuất nguồn gốc đối với các nông sản lưu thông trên thị trường nhất là nông sản nội địa. Đại biểu Cường kiến nghị cần có sự đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực trong việc quy định về danh mục cũng như phương pháp quản lý và kiểm soát các hoạt chất, hóa chất độc hại trên thị trường. Tăng cường chế tài đối với các hành vi vi phạm về sản xuất, mua bán và kinh doanh phân bón thuốc bảo vệ thực vật. “Nếu không có sự răn đe mạnh mẽ thì nông sản của Việt Nam sẽ mất luôn ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt hậu quả nặng nề đối với sức khỏe người dân, ảnh hưởng tới giống nòi của dân tộc ta”, ông Cường nói. Cùng với đó, cần thực hiện thí điểm việc áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và quản lý chặt chẽ chất lượng đối với các mặt hàng nông sản ở các thành phố lớn. Đầu tư hẳn vào nghiên cứu chế phẩm thay thế các chất hóa học gây nguy hại cho sức khỏe con người. Ban hành những quy định và chế tài để bảo đảm thực thi trách nhiệm của cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. “Ban đầu có rất nhiều khó khăn để thay đổi nhận thức của người dân nhưng quan trọng hơn nữa là phải mạnh dạn giúp người dân thay đổi từ nhận thức mới giúp họ hiểu được tầm quan trọng của bảo vệ sức khỏe. Giữ gìn tốt hệ sinh thái tự nhiên cho thế hệ tương lai vì quê hương vì giống nòi mai sau và vì sự phát triển bền vững của Việt Nam”, đại biểu tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh. Tăng trưởng 2 - 3% GDP là con số tuyệt vời trong bối cảnh đặc biệt năm 2020 Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) khẳng định, năm 2020, kết quả thực hiện mục tiêu kép còn nhiều khiêm tốn nhưng tăng trưởng dương rất đáng ghi nhận, thành công và con số tăng trưởng từ 2 - 3% GDP là con số tuyệt vời trong bối cảnh thế giới như trên. Dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID - 19 nhưng GDP vẫn tăng trưởng dương, cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng 2020 thặng dư gần 17 tỷ USD. Dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI vào Việt Nam tăng trưởng mạnh lại cả vốn cam kết và vốn giải ngân. Vừa kiểm soát dịch bệnh vừa giữ vững kinh tế là kết quả của sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ được nhiều đại biểu và chuyên gia nhấn mạnh. Đây là những thành tựu rất đáng tự hào của Việt Nam trong bối cảnh cú sốc COVID-19 toàn cầu. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh Tuy nhiên, năm sau nền kinh tế sẽ tăng trưởng được bao nhiêu? Đặt câu hỏi này, Đại biểu Chiến cho rằng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 đã được dự thảo với mục tiêu tổng quát và tập trung thực hiện kết quả mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới. Đồng thời một số chỉ tiêu cụ thể cũng được đưa ra đó là tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%/năm. Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 4%, tỉ trọng đóng góp vào năng suất các nhân tố tổng hợp TFP vào khoảng tăng trưởng 45-47%, năng suất lao động xã hội tăng vào khoảng 4,8%. Như vậy, so với kết quả dự kiến đạt được năm 2020 thì tốc độ tăng trưởng GDP vào 2021 đang đặt ra ở mức khá cao nhưng mức năng trưởng 2020 thấp thì việc đặt mục tiêu tăng 6-6,5%/ năm vào năm 2021 là hợp lý và hoàn toàn có thể đạt được vì kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi. Đại biểu kiến nghị, bên cạnh chính sách tiền tệ đã làm tốt trong thời gian qua thì cần tập trung hơn chính sách tài chính, tài khóa, điều kiện phát triển du lịch để khai thác tiềm năng đặc biệt này. Hiện tại, nhiệm vụ quan trọng nhất là làm sao để đạt mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội 2020 sau đó chuẩn bị Đại hội bắt đầu từ năm đầu tiên kế hoạch 2021-2025. Đại biểu cho rằng, năng suất lao động vẫn là vấn đề cần quan tâm, nhưng tăng năng suất lao động phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố như ứng dụng công nghệ, nâng cao trình độ người lao động. Đại biểu đề nghị phát huy các nguồn lực, hoàn thiện thể chế, quy định, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, hoàn chỉnh chính sách an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chú trọng chính sách việc làm, tăng lương… Đồng tình với đại biểu Nguyễn Văn Chiến, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đánh giá năm 2020 có nhiều thách thức như hạn mặn đầu năm, dịch bệnh COVID-19, những ngày qua thiên tai, bão lũ liên tục tại miền Trung nhưng đất nước vẫn đạt được những thành tựu phát triển ấn tượng. Việt Nam là nằm trong số ít những nước đạt mức tăng trưởng dương, vị thế của đất nước được nâng cao./. Nguồn tin: dangcongsan.vn