20/10/2020 | lượt xem: 8 Tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế Việt Nam - Nhật Bản "Nhật Bản là một quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sẽ tiếp tục góp phần cho hòa bình và thịnh vượng ở khu vực. Tôi chọn Việt Nam vì Việt Nam là một địa điểm thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp này lần đầu tiên ra thế giới”, Thủ tướng Sư-ga I-ô-si-hi-đê nói trong cuộc gặp gỡ báo chí sau buổi hội đầm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm nay (19/10). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Sư-ga I-ô-si-hi-đê gặp gỡ báo chí. Ngay sau khi kết thúc hội đàm và chứng kiến hai bên trao đổi các văn kiện hợp tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Sư-ga I-ô-si-hi-đê đã có cuộc gặp gỡ báo chí. Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc Thủ tướng Sư-ga I-ô-si-hi-đê chọn Việt Nam là nước đầu tiên đến thăm thể hiện mối quan hệ tốt đẹp truyền thống Việt Nam – Nhật Bản. "Hai bên đã có cuộc hội đàm thành công với nhiều nội dung rất quan trọng, tiếp tục khẳng định quyết tâm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước, khôi phục và đẩy mạnh hợp tác trong điều kiện bình thường mới trên tất cả các lĩnh vực", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói. Thông báo một số nội dung của cuộc hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hai bên nhất trí tăng cường tin cậy chính trị thông qua duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc, các cơ chế đối thoại các cấp, đặc biệt là cấp cao, tăng cường hợp tác thực chất, đi vào chiều sâu hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả quốc phòng, an ninh, phòng chống Covid-19, đặc biệt là về kinh tế; tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ trong phòng chống Covid-19, tạo mọi điều kiện thuận lợi đẩy mạnh khôi phục các hoạt động hợp tác giữa hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết đã đề nghị ngài Thủ tướng Sư-ga I-ô-si-hi-đê tiếp tục quan tâm hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản. Hai bên đã thỏa thuận về việc áp dụng quy chế đi lại ưu tiên, nhất trí sớm khôi phục đường bay thương mại, thúc đẩy sớm mở cửa thị trường cho quả nhãn tươi của Việt Nam và quả quýt unshu Nhật Bản. Hai bên khẳng định tiếp tục tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, nông nghiệp, nguồn nhân lực. "Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng điều kiện về đất đai, nguồn nhân lực, môi trường, chính sách để chung tay hợp tác cùng với các doanh nghiệp Nhật Bản có thể đầu tư kinh doanh thành công ở Việt Nam", Thủ tướng nói. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc hai bên trao đổi một loạt các văn kiện hợp tác là minh chứng sinh động cho phát triển mạnh mẽ, vững chắc, nhiều mặt của hợp tác Việt Nam – Nhật Bản. Hai bên thống nhất tăng cường hợp tác tại các diễn đàn quốc tế đa phương. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) năm 2020-2021, Việt Nam hoan nghênh Nhật Bản, một cường quốc hàng đầu trên toàn cầu, tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, phồn vinh của khu vực và thế giới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của ngài Thủ tướng Sư-ga I-ô-si-hi-đê về tăng cường hợp tác trong khuôn khổ ASEAN-Mekong, LHQ, về sự phối hợp hỗ trợ hiệu quả để Việt Nam tổ chức thành công các Hội nghị cấp cao ASEAN tháng 11/2020, thực thi hiệu quả các cơ chế liên kết kinh tế như CPTPP và trong tương lai là RCEP; bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Sư-ga I-ô-si-hi-đê đã mời Thủ tướng dự Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản 2020. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) trong các hoạt động trên biển, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với UNCLOS 1982. Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Sư-ga I-ô-si-hi-đê bày tỏ vui mừng được đến thăm Việt Nam, là nước công du đầu tiên sau khi ông nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản. Năm nay, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản và đóng vai trò trọng yếu khi Nhật Bản tiến hành chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. " Nhật Bản là một quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sẽ tiếp tục góp phần cho hòa bình và thịnh vượng ở khu vực. Tôi chọn Việt Nam vì Việt Nam là một địa điểm thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp này lần đầu tiên ra thế giới”, Thủ tướng Sư-ga I-ô-si-hi-đê nói. Thủ tướng Sư-ga I-ô-si-hi-đê cho biết, hai Thủ tướng đã trao đổi ý kiến về nhiều vấn đề và vun đắp mối quan hệ tin cậy lẫn nhau, dù trong tình hình thảm họa dịch bệnh Covid-19, mối quan hệ Nhật Bản-Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng hợp tác và buổi hội đàm hôm nay rất hữu ích và hiệu quả để xác nhận lại tiềm năng này. Thủ tướng Sư-ga I-ô-si-hi-đê cho biết, Nhật Bản quyết định cung cấp vật tư hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra ở miền Trung Việt Nam. Về hợp tác hướng tới phục hồi từ dịch bệnh Covid-19, hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc bắt đầu quy trình đi lại ngắn ngày (business trip) và tái khởi động đường bay quốc tế hai chiều. Nhật Bản và Việt Nam sẽ thúc đẩy thực hiện đa dạng hóa chuỗi cung ứng, vừa tận dụng tối đa trang thiết bị y tế mà Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ với tổng số tiền là 4 tỷ Yen. Thủ tướng Sư-ga I-ô-si-hi-đê khẳng định, Nhật Bản sẽ hỗ trợ người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản đang gặp khó khăn do đại dịch gồm thực tập sinh, lưu học sinh và những người gặp khó khăn chưa thể về nước. “Tôi xin cam kết nắm chặt tay với ngài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tiếp tục phát triển mối quan hệ hai nước, đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng ở khu vực”, Thủ tướng Sư-ga I-ô-si-hi-đê nói. Về hợp tác để giải quyết các vấn đề khu vực, hướng tới Hội nghị cấp cao ASEAN tháng 11 sắp tới mà Việt Nam là nước Chủ tịch, Thủ tướng Nhật Bản cho biết, hai bên nhất trí sẽ thắt chặt hợp tác trước những thách thức trong khu vực bao gồm cả vấn đề Biển Đông và bán đảo Triều Tiên. Việc hai bên đã cơ bản đạt được thỏa thuận về hiệp định chuyển giao thiết bị và kỹ thuật quốc phòng là một bước phát triển lớn trong sự hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước. Thủ tướng Sư-ga I-ô-si-hi-đê bày tỏ tin tưởng hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy. Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế cũng có bước phát triển. Hai bên đã trao đổi 12 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực gồm các lĩnh vực kỹ thuật số, môi trường, năng lượng, cơ sở hạ tầng. Thủ tướng Sư-ga I-ô-si-hi-đê khẳng định, Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ sự phát triển kinh tế của Việt Nam với dự án tiêu biểu của dự án cơ sở hạ tầng là dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh. Về lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng Sư-ga I-ô-si-hi-đê cho biết, sẽ hợp tác để sớm thực hiện việc xuất khẩu quả quýt unshu của Nhật Bản cho Việt Nam, đơn giản hóa cơ chế giám sát kiểm tra, mở cửa cho quả nhãn Việt Nam xuất khẩu cho Nhật Bản. Nhật Bản mong muốn thúc đẩy sự đi lại giữa hai nước. Hai bên đã nhất trí Chính phủ hai nước tiếp tục nỗ lực giải quyết các vấn đề mà thực tập sinh Việt Nam đang đối mặt. Về Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản dự kiến sẽ được tổ chức tại Nhật Bản năm sau, Thủ tướng Sư-ga I-ô-si-hi-đê bày tỏ mong muốn được đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhật Bản./. Nguồn tin: dangcongsan.vn