25/10/2021 | lượt xem: 7 Tăng cường giám sát chuyên đề phòng chống tham nhũng, lãng phí Đây là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận trực tuyến sáng 24/10 của Quốc hội vào các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm; phòng chống tham nhũng… Tập trung thanh tra, giám sát các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá, năm 2021, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các ngành tư pháp phối hợp với hệ thống chính trị cùng toàn dân tham gia, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật đã đạt nhiều kết quả tích cực, bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện trọng đại của đất nước. Tuy nhiên, ĐB chỉ ra, vẫn còn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công. Đặc biệt là trong lĩnh vực nhân dân nghĩ rằng an toàn, liêm khiết, trong sạch nhưng lại có một bộ phận vi phạm tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, gây bức xúc, giảm lòng tin của nhân dân. Dự báo trong thời gian tới tội phạm sẽ tiếp tục phát sinh ở các lĩnh vực, ĐB Hòa đề nghị: Cần có sự quyết tâm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm tình hình tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công; lợi ích nhóm, “sân sau”. “Để việc phòng ngừa, ngăn chặn đạt hiệu quả, phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho công chức, viên chức và người lao động để “không dám, không muốn, không ham” tham nhũng. Tăng cường thanh tra, kiểm toán, giám sát các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, nhất là thời gian gần đây xảy ra trong mua sắm thiết bị y tế, gói hỗ trợ an sinh xã hội, đóng góp của nhân dân trong công tác từ thiện”, ĐB Hoà kiến nghị. Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: TL. Đồng quan điểm, ĐB Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) bày tỏ lo ngại khi hoạt động nhân đạo, từ thiện, kêu gọi, vận động trong công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh vừa qua xảy ra việc tranh chấp, nói xấu lẫn nhau trên mạng xã hội, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục, văn hoá truyền thống Việt Nam. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan điều tra, cơ quan tư pháp cần vào cuộc một cách mạnh mẽ, kịp thời hơn, làm rõ để trả lời cho công luận, cử tri biết ai đúng, ai sai, từ đó có giải pháp. Đặc biệt, đại biểu kiến nghị Chính phủ, Quốc hội có hành lang pháp lý một cách minh bạch, rõ ràng để làm tốt hơn công tác nhân đạo, từ thiện trong thời gian tới, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Khắc phục trình trạng đùn đẩy, chậm trễ trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo Phân tích số cuộc thanh tra, kiểm tra ở khu vực ngoài nhà nước giảm 74% số đơn vị so với năm 2020, nhưng số vụ việc phát hiện tham nhũng lại tăng. Cụ thể, năm 2020 tổ chức 49 đoàn kiểm tra, chỉ phát hiện 2 vụ. Trong năm 2021 chỉ kiểm tra 13 đơn vị nhưng phát hiện dấu hiệu tham nhũng 13 vụ, ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) đặt vấn đề: “Báo cáo chưa phân tích nguyên nhân là do chọn đúng đối tượng thanh tra, kiểm tra, do đổi mới phương pháp hay do tình hình tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước có xu hướng gia tăng?”. Cũng theo ĐB Thuỷ, báo cáo của Chính phủ cũng không thấy đề cập nguyên nhân tại sao việc thu hồi tài sản tham nhũng giảm nhiều như vậy (chỉ thu hồi được 5% số tiền vi phạm, trong khi trong năm 2020 con số này là 43,42%), có phải là do số vụ việc thi hành không đủ điều kiện thi hành hay do nguyên nhân khách quan dịch bệnh không thi hành được. Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân tích rõ các số liệu, từ đó xác định nguyên nhân chủ quan. ĐB cũng đề nghị Quốc hội tăng cường hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề phòng chống tham nhũng, lãng phí trong bộ máy nhà nước. Đề cập đến công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) phản ánh, thực tế cho thấy trong thời gian qua, mặc dù công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, song tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vẫn còn phức tạp. Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bởi sự bất cập ngay trong quy định về trách nhiệm và trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là giải quyết khiếu nại. Theo quy định của Luật Khiếu nại hiện hành, người khiếu nại được chọn cơ quan hành chính hoặc Tòa án để khiếu nại đối với các hành vi hành chính. Song trên thực tế, những khiếu nại chủ yếu được gửi đến cơ quan hành chính xem xét giải quyết, các vụ việc đưa ra Tòa án hành chính giải quyết không nhiều. Điều này không tránh khỏi có sự thiếu khách quan, thiếu nghiêm túc, đùn đẩy, chậm trễ trong việc giải quyết, dẫn tới nhiều vụ việc khiếu kiện, tố cáo phức tạp, đông người, vượt cấp kéo dài, thậm chí trở thành những điểm nóng, gây bức xúc trong xã hội. Để khắc phục tình trạng này, đại biểu đề nghị cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo, nhất là Luật Khiếu nại theo hướng giao cho Tòa án giải quyết./. Nguồn tin: dangcongsan.vn