23/08/2021 | lượt xem: 17 Tài nguyên thiên nhiên 1. Tài nguyên đất Nguồn tài nguyên thiên nhiên của tỉnh Hưng Yên chủ yếu là đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa và cây công nghiệp ngắn ngày khá phong phú là yếu tố quan trọng cho phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Dựa trên nguồn gốc hình thành các loại đất, sự chia cắt bởi các sông ngòi tự nhiên và giao thông, đất trồng cây hàng năm của tỉnh được chia ra thành 3 loại đất: - Đất phù sa ngoài đê được bồi hàng năm bởi hệ thống sông Hồng, sông Luộc. Đặc điểm chính là đất màu nâu tươi, không chua, TPCG cát, cát pha, thịt nhẹ. Diện tích 4.471 ha, chiếm 7,83% so với đất trồng cây hàng năm của tỉnh và phân bố tại các huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và TP Hưng Yên. - Đất phù sa không được bồi nằm trong đê sông Hồng, sông Luộc. Đặc điểm chính là đât màu nâu tươi, thành phần cơ giới thịt trung bình đến thịt nhẹ. Diện tích là 37.084 ha, chiếm 64,95% so với đất trồng cây hàng năm của tỉnh và phân bố tại các huyện Văn Giang, Văn Lâm, Khoái Châu, Yên Mỹ, Tiên Lữ và TP. Hưng Yên. - Đất phù sa không được bồi nằm trong đê của hệ thống sông Thái Bình. Đặc điểm chính là màu nâu nhạt, xám vàng, đất chua, thành phần cơ giới từ trung bình đến thịt nặng. Diện tích là 15.519 ha, chiếm 27,22% so với đất trồng cây hàng năm của tỉnh và phân bố tại các huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, Ân Thi và Phù Cừ. 2. Tài nguyên nước Bên cạnh tài nguyên đất đai, tỉnh Hưng Yên còn có nguồn tài nguyên nước bao gồm nước mặt và nước ngầm. Nước mặt là nguồn cung cấp trực tiếp cho sản xuất và đời sống qua các hệ thống sông ngòi tự nhiên và hệ thống trung đại thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải. Nguồn nước ngầm ở Hưng Yên hết sức phong phú. Theo kết quả điều tra, trong địa phận Hưng Yên có những mỏ nước ngầm rất lớn, nhất là khu vực dọc Quốc lộ 5 từ Như Quỳnh đến Quán Gỏi, không chỉ thỏa mãn cho yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị và đời sống của nhân dân trong tỉnh mà còn có thể cung cấp khối lượng lớn cho các khu vực lân cận. Hiện nay, tại thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, Công ty nước khoáng Lavie đang hoạt động và khai thác nguồn nước này cung cấp nước khoáng tinh khiết trên thị trường và một nhà máy nước của Công ty nước và môi trường Việt Nam đang được xây dựng 3. Tài nguyên khoáng sản Hưng Yên là tỉnh có khoáng sản hạn chế về chủng loại, khoáng sản chủ yếu là nguồn cát sông, Đất sét sản xuất gạch ngói, Nước khoáng, nước nóng thiên nhiên và Than nâu thuộc bể than đồng bằng sông Hồng. - Qua điều tra cơ bản, dự báo nguồn cát sông tại Hưng Yên có trữ lượng lớn khoảng 73.216.960 m3, đã cấp phép khai thác được 14.474.250 m3 và thực tế đã khai thác, sử dụng11.867.370m3. Do thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, phức tạp, để ra một giấy phép khai thác khoáng sản phải mất khoảng 2 đến 3 năm và khi đã được cấp phép hoạt động khai thác phải chi phí rất nhiều nên rất khó cạnh tranh với các loại cát bán trôi lổi trên thị trường. - Đất sét sản xuất gạch ngói phân bố trên diện rộng trữ lượng khoảng 121.079.000 m3, đã cấp phép khai thác 848.228 m3 và thực tế đã khai thác, sử dụng20.400m3.Đất sét đa phần nằm trên các khu vực trồng lúa nước, giá trị kinh tế đất sét thấp và thủ tục cấp phép rườm rà nên các doanh nghiệp cũng không mặn mà đầu tư khai thác, sử dụng. - Nước khoáng thiên nhiên tại trị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm chưa được điều tra, đánh giá một cách tổng thể đối với khu vực và hiện nay đã cấp phép cho Công ty LaVie khai thác nhưng xung quanh khu vực vẫn còn rất nhiều các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng gây thất thoát nguồn tài nguyên. - Nước nóng tại xã Tống Trân, huyện Phù Cừ đang được điều tra, đánh giá nhưng chưa được khai thác, sử dụng một cách hợp lý. - Than nâu thuộc bể than đồng bằng sông Hồng đang được Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam tổ chức thăm dò, đánh giá trữ lượng khoảng trên 30 tỷ tấn nhưng rất khó thực hiện khai thác. 4. Tài nguyên nhân văn Tỉnh Hưng Yên được thành lập vào năm 1831, là nơi sinh sống của người Việt từ xưa (từ thời Hùng Vương), đây là vùng đất tập trung nhiều di tích lịch sử - văn hoá nổi tiếng, đến nay Hưng Yên còn lưu giữ được hàng nghìn di tích có giá trị, trong đó có tổng số 1802 di tích, trong đó có 03 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 172 di tích xếp hạng cấp quốc gia (là tỉnh đứng thứ 3 cả nước về số lượng di tích được xếp hạng quốc gia), 257 di tích xếp hạng cấp tỉnh như: Khu di tích Phố Hiến, Đa Hòa - Dạ Trạch, Bãi Sậy, khu tưởng niệm lương y Hải Thượng Lãn Ông, đền Phù Ủng,... đặc biệt Phố Hiến là một đô thị phồn hoa xưa kia, thành phố Hưng Yên ngày nay là trung tâm kinh tế trính trị, văn hoá của tỉnh với 60 di tích kiến trúc như: Văn Miếu, Đền Mây, Đền Mẫu, Chùa Chuông,... Hàng năm tại nhiều di tích lích sử - văn hoá đã diễn ra lễ hội đón tiếp nhiều khách đến thăm quan, du lịch. Nhân dân Hưng Yên với truyền thống hiếu học, có nền văn hiến lâu đời, nhân dân cần cù lao động; từ xưa đã có nhiều tiến sỹ, danh y; trong lịch sử hiện đại có nhiều nhà hoạt động cách mạng và lãnh đạo xuất sắc. Với truyền thống đó, sau khi tái lập tỉnh, cán bộ và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, nhất trí thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, đưa Hưng Yên hoà nhập với sự phát triển chung của cả nước.