Quyết liệt làm sạch không gian mạng

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Thời gian qua, Bộ xác định làm sạch không gian mạng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và làm rất quyết liệt. Về thể chế, đã ban hành Nghị định 75 về xử lý vi phạm hành chính trên mạng xã hội...

Chiều 6/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Cơ quan điều tra luôn tạo điều kiện cho luật sư tham gia tố tụng

Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều nay, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) về việc nợ quyết định ban hành danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; chất vấn của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) về việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong quá trình tố tụng và tình trạng công an cơ sở đi thu tiền của bà con buôn bán, nhất là trong các dịp lễ, tết; chất vấn của đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) về giải pháp khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật do nguyên nhân xã hội, văn hóa, đạo đức xuống cấp...

 Đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ tại Hội trường chiều 6/11. (Ảnh: ĐT)


Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng, Bộ Công an đã tích cực xây dựng các văn bản có liên quan để triển khai thực hiện. Đến nay, đã cơ bản ban hành các nghị định, các quy định theo yêu cầu của Luật An ninh mạng.

Về danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, Bộ Công an đã dự thảo xong và cũng đã báo cáo Thủ tướng. Hiện nay còn 1 nghị định quy định chi tiết về một số điều của Luật An ninh mạng đã dự thảo xong và đã báo cáo với Thủ tướng nhưng chưa ban hành là do một số các yêu cầu về đối ngoại, đặc biệt là sự cân đối, xem xét phù hợp với một số quy định quốc tế, trong đó phù hợp với luật pháp Việt Nam. Chưa ký ban hành nghị định này thì chưa có căn cứ để thực hiện, để ban hành danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Về chủ trương chung cũng như trên thực tế, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, các cơ quan điều tra luôn tạo điều kiện cho luật sư tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Công an cũng đã ban hành Thông tư số 46 quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa cho người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã người bị tạm giữ, bị can và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Trong đó, đã quy định rất cụ thể các biện pháp để thực hiện các quyền nêu trên và tạo điều kiện cho luật sư tham gia vào thực hiện.

Tiêu cực của công an cơ sở là hết sức cá biệt

Về tiêu cực của một số công an cơ sở, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, nếu có thì chỉ là trường hợp hết sức cá biệt. Hiện nay, Bộ Công an đã triển khai một lượng lớn Công an xuống cơ sở, từ cấp phường, thị trấn và cấp xã được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Quan điểm của Bộ Công an là kiên quyết xử lý các sai phạm, tiêu cực và đã thực hiện nhiều biện pháp để phòng ngừa, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, tiêu cực của cán bộ, chiến sĩ, không bao che bất kể trường hợp nào.

Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, một số biện pháp cụ thể để chống nhũng nhiễu, tiêu cực trong lực lượng Công an cũng như Công an các cấp cơ sở là: Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn lực lượng Công an nhân dân với quan điểm danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Gắn trách nhiệm thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm quản lý cán bộ theo từng đơn vị được phân công phụ trách, nếu cán bộ có vi phạm thì xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị đó. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật Đảng trong Công an nhân dân, kiên quyết xử lý các vi phạm không bao che, né tránh, đồng thời công khai, minh bạch kết quả xử lý.

Kịp thời nắm tình hình, hòa giải mâu thuẫn 

Trả lời chất vấn của Đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) xung quanh vấn đề tội phạm xã hội, phòng, chống tội phạm, việc xâm hại phụ nữ, trẻ em, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, tình hình tội phạm do nguyên nhân xã hội xảy ra rất đáng quan ngại. Gần đây, những tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội có chiều hướng gia tăng. Năm 2020 đã xảy ra 1.113 vụ, tăng 7 % so với cùng kỳ năm 2019, trong đó có 212 vụ là người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau. Điều này thể hiện những vấn đề rất đáng lo ngại vì xuống cấp của đạo đức xã hội.

Để giải quyết tận gốc loại tội phạm này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, phải tiến hành đồng bộ các biện pháp về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành luật pháp để xây dựng một môi trường xã hội lành mạnh, khắc phục sự xuống cấp về đạo đức xã hội, đạo đức con người. Trong quá trình phát triển, không chỉ quan tâm đến kinh tế mà phải coi trọng đầy đủ hơn những vấn đề xã hội.

Trước mắt, để hạn chế loại tội phạm này, Bộ Công an đề nghị các cấp, các ngành cùng với lực lượng Công an tăng cường nắm tình hình, phối hợp giải quyết, hòa giải mâu thuẫn trong nhân dân ngay từ khi mới phát sinh; quản lý, giáo dục, cảm hóa các loại đối tượng, không để nảy sinh tội phạm. Riêng lực lượng Công an sẽ tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng cơ sở, nhất là hoạt động của công an cấp xã, phường để góp phần giải quyết các mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở để ngăn ngừa các điều kiện nảy sinh các tội phạm, đặc biệt những tội phạm do mâu thuẫn trong gia đình. Quản lý tốt các đối tượng dễ manh động xảy ra những loại tội phạm kiểu dạng như đối tượng ngáo đá, tâm thần...

Quyết liệt làm sạch không gian mạng

Về chất vấn của Đại biểu Vũ Thị Thủy (Hải Dương), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông  (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tin sai, tin giả đang là vấn nạn toàn cầu và tin giả ở Việt Nam chủ yếu xảy ra trên các nền tảng xuyên biên giới, chủ yếu trên mạng xã hội Facebook và  kênh Youtube. Việt Nam là nước có chủ quyền trên không gian mạng, do vậy các nền tảng nội dung xuyên biên giới buộc phải tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ TT&TT trả lời chất vấn tại Hội trường chiều 6/11. (Ảnh: ĐT)

Thời gian qua, Bộ TT&TT xác định làm sạch không gian mạng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và làm rất quyết liệt. Về thể chế, đã ban hành Nghị định 75 về xử lý vi phạm hành chính trên mạng xã hội.

Về công cụ quản lý, Bộ đã xây dựng và nâng cấp Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, có năng lực xử lý mỗi ngày 300 triệu tin, có thể phân tích, đánh giá, phân loại và phát hiện sớm; cũng đã hình thành các đường dây nóng của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, các Sở Thông tin và Truyền thông để tiếp nhận phản ánh về các tin giả, tin xấu độc.

Về thực thi pháp luật, Bộ đã làm việc cứng rắn với các nền tảng xuyên biên giới, nhất là Facebook và Youtube. Tỷ lệ đáp ứng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook đã tăng từ 10% lên 95% và của Youtube tăng từ 50% lên 90%. Số lượng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook năm 2020 tăng 30 lần so với năm 2017. Số lượng video xấu độc được gỡ bỏ trên YouTube năm 2020 là tăng 8 lần so với năm 2017. Số trang giả mạo được gỡ bỏ cũng tăng 8 lần so với năm 2017.

Về xử lý vi phạm hành chính, từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ TT& TT cùng các Sở TT&TT các tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng địa phương đã xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm về tin sai, tin giả; xử lý hàng ngàn đơn thư khiếu nại và phản ánh tố cáo về tin giả.

Thời gian tới, đặc biệt là năm 2021, Bộ sẽ tập trung tiếp tục sửa Nghị định liên quan về mặt xã hội và tin giả; ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng; yêu cầu đích danh người sử dụng mạng xã hội để người sử dụng không còn nghĩ rằng lên mạng xã hội vô danh và vì thế mà vô trách nhiệm; tiếp tục phát triển các công cụ rà quét và quản lý không gian mạng bắt buộc phải bằng công nghệ; nền tảng xuyên biên giới buộc phải tuân thủ luật pháp Việt Nam…

Không hạn chế quyền chống tiêu cực, tham nhũng của báo chí

Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) về việc các cơ quan báo chí hoạt động theo mục đích, tôn chỉ liệu có ảnh hưởng tới mục tiêu chống tiêu cực, tham nhũng?, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tập trung hoạt động theo tôn chỉ, mục đích sẽ giúp cho báo chí viết chuyên sâu. Đây là vấn đề mà báo chí hiện nay đang còn yếu và đây là cách tiếp cận của Việt Nam đã được luật định.

Song cũng có ý kiến cho rằng, thực hiện tôn chỉ, mục đích sẽ hạn chế quyền của cơ quan báo chí, đặc biệt là trong việc chống tiêu cực, tham nhũng. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, điều này là không hạn chế quyền đó. “Khi cơ quan báo chí đi theo mảng chuyên ngành thuộc lĩnh vực của cơ quan chủ quản thì họ có toàn quyền đăng tải thông tin về các vụ việc tiêu cực, tham nhũng theo chuyên ngành của mình, thậm chí còn thuận lợi vì có thể viết rất sâu”, ông nói.

Thời gian vừa qua, có nhiều nhà báo, cơ quan báo chí đã đi tác nghiệp hoặc được giao đi tác nghiệp không đúng với tôn chỉ, mục đích, chuyên ngành của mình. Việc này gây khó khăn cho nhiều cơ quan, tổ chức và ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của cơ quan báo chí, nhà báo đang hoạt động đúng quy định của pháp luật. Bộ Thông tin và Truyền thông đã và sẽ nghiêm túc xử lý các cơ quan báo chí thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích.

Về việc “sáng đăng, trưa gặp và chiều gỡ” thì việc này đã xảy ra và đỉnh điểm là năm 2017. Mỗi tuần có đến hàng chục vụ bị phát hiện. Đây là hành vi sai trái. Từ năm 2018, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã dùng công nghệ để phát triển công cụ phát hiện tự động các bài báo “sáng đăng, chiều gỡ”; thực hiện nhắc nhở các cơ quan báo chí và yêu cầu giải trình tại các cuộc giao ban báo chí hàng tuần; xử lý hành chính theo quy định về đạo đức nghề nghiệp của họ. Hiện nay, hiện tượng này đã giảm đáng kể. Mỗi tuần chỉ còn 1 - 2 vụ phải giải trình nhưng chủ yếu là do lỗi biên tập, sửa lại./.

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
38 người đang online