23/10/2024 | lượt xem: 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 Ngày 22/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1236/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo Quyết định, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là tận dụng thế mạnh của công nghệ chuỗi khối, phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi khối quốc gia; mở ra không gian phát triển mới cho ngành công nghiệp công nghệ số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; hoàn thiện dần các quy định, hành lang pháp lý, tạo lập môi trường cạnh tranh, hình thành nên hệ sinh thái các doanh nghiệp có năng lực vươn ra toàn cầu; đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới trong ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối. * Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đưa ra sáu quan điểm chỉ đạo, cụ thể: - Hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số: Công nghệ chuỗi khối là một trong những xu hướng công nghệ hàng đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối góp phần quan trọng xây dựng hạ tầng số tiên tiến, bảo đảm độ tin cậy và an toàn dữ liệu trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, góp phần tạo lập nền tảng phát triển công nghiệp công nghệ số, đóng góp tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. - Kiểm soát để phát triển: Duy trì kiểm soát các rủi ro và thường xuyên cải biến công nghệ chuỗi khối. Hướng dẫn tuân thủ quy định của pháp luật về chuỗi khối để thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối một cách an toàn, có trật tự. - Công nghệ tăng cường giá trị: Tận dụng thế mạnh công nghệ và xu hướng phát triển công nghệ chuỗi khối, như là công nghệ vũ trụ số, công nghệ Web 3.0 để tạo ra không gian trải nghiệm mới, khơi gợi các mô hình kinh doanh mới cũng như cách thức mới để thực hiện phát triển và quảng bá văn hóa số. - Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện: Với các đặc tính kỹ thuật cốt lõi khác biệt là phi tập trung, bảo đảm tính toàn vẹn và an toàn dữ liệu, công nghệ chuỗi khối gợi mở tư duy thiết kế mới, thúc đẩy đổi mới quy trình và mô hình cung cấp dịch vụ, phát triển các dịch vụ thông minh hơn, minh bạch và an toàn hơn, góp phần thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và toàn diện hơn. - Hướng tới nền kinh tế số, xã hội số: Trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tính sở hữu không còn chỉ áp dụng với các tài sản vật chất mà còn với tri thức, trí tuệ, dữ liệu... Công nghệ chuỗi khối đảm bảo được sự sở hữu tài sản thông qua tính minh bạch và chống chối bỏ; tính sở hữu được xã hội hoá, thúc đẩy tính đa sỡ hữu của tài sản hướng tới nền kinh tế số minh bạch, an toàn và phát triển bền vững. - Phát triển công nghệ chuỗi khối toàn diện, tiếp cận tới toàn dân: Công nghệ chuỗi khối sẽ phát huy một cách tối đa hiệu quả khi được triển khai, tuyên truyền tới toàn dân. Để đạt được mục tiêu đó, công nghệ chuỗi khối cần được phổ thông và xã hội hóa để có thể tiếp cận tới các lĩnh vực, ngành nghề khác, cũng như đến toàn thể nhân dân. * Mục tiêu đến năm 2025 + Thiết lập nền tảng phát triển công nghệ chuỗi khối - Hình thành Hạ tầng chuỗi khối Việt Nam bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về an ninh, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân phục vụ các hoạt động phát triển, triển khai, vận hành và bảo trì các ứng dụng chuỗi khối; hỗ trợ khả năng tương tác, tích hợp và chia sẻ giữa các chuỗi khối; hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về hoạt động ứng dụng và phát triển chuỗi khối; - Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ chuỗi khối tại 03 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; - Xây dựng và nâng cấp được 10 cơ sở nghiên cứu và đào tạo nhằm xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho công nghệ chuỗi khối; công nghệ chuỗi khối được đưa vào khung chương trình đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, các cơ sở nghiên cứu. + Thúc đẩy, tăng cường ứng dụng công nghệ chuỗi khối - Lựa chọn, hình thành tối thiểu 01 trung tâm/đặc khu/địa bàn thử nghiệm về chuỗi khối để hình thành mạng lưới quốc gia về chuỗi khối; ưu tiên triển khai tại các đơn vị đã có kinh nghiệm triển khai về mạng lưới chuỗi khối của địa phương; - Hình thành hệ sinh thái “Blockchain+” thông qua hoạt động ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong các ngành, lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, giao thông - vận tải, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại, logistic, bưu chính - chuyển phát, sản xuất công nghiệp, năng lượng, du lịch, nông nghiệp, cung cấp dịch vụ công và các lĩnh vực khác. * Mục tiêu đến năm 2030 + Củng cố và mở rộng Hạ tầng chuỗi khối quốc gia cung cấp dịch vụ cả trong và ngoài nước; ban hành tiêu chuẩn về ứng dụng và phát triển chuỗi khối tại Việt Nam. + Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển chuỗi khối. + Xây dựng được 20 thương hiệu blockchain uy tín về nền tảng, sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ chuỗi khối trong khu vực. + Duy trì vận hành tối thiểu 03 trung tâm/đặc khu thử nghiệm về công nghệ chuỗi khối tại các thành phố lớn để hình thành mạng lưới quốc gia về chuỗi khối. + Có đại diện nằm trong Bảng xếp hạng nhóm 10 Cơ sở đào tạo và nghiên cứu về chuỗi khối dẫn đầu trong khu vực châu Á. Ngoài ra, Quyết định cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện Chiến lược. Hoàng Hà
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước
Nghị quyết của Chính phủ phiên họp thường kỳ tháng 9 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương
Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19 tháng 3 năm 2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII