Quy hoạch sử dụng đất phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Đại biểu đề nghị quy hoạch sử dụng đất phải gắn chặt với quy hoạch xây dựng và các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, đô thị, nông thôn; cần dành đủ quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu và bổ sung chỉ tiêu rừng ngập mặn ven biển.

 Các đại biểu thảo luận tại Hội trường Quốc hội chiều 30/10. Ảnh: quochoi.vn

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 30/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Tại phiên thảo luận trực tuyến, đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia. Nhiều ý kiến đại biểu đánh giá cao kết quả thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2011-2020, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015 và 2016-2020) quốc gia. Các đại biểu nhận thấy, thời gian qua, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; nguồn thu từ đất đai đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước; phân bổ nguồn lực đất đai đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đáng chú ý, diện tích đất trồng lúa được bảo vệ, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, có dự trữ chiến lược và xuất khẩu; độ che phủ rừng được nâng từ 39,1% năm 2010 lên 42,01% năm 2020 góp phần bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, một số đại biểu cũng chỉ rõ một số bất cập, hạn chế như việc đánh giá thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian qua, nhiều chỉ tiêu chỉ mới đề cập dưới dạng thống kê và phản ánh tình hình thực hiện, chưa đi sâu phân tích chất lượng của quy hoạch. Nhiều vấn đề tồn tại, yếu kém, bức xúc chưa được đề cập một cách đầy đủ, như: chất lượng quy hoạch, việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư; một số tỉnh, thành phố chậm trễ trong việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020)…

Cho ý kiến về chỉ tiêu đất trồng lúa, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, diện tích đất trồng lúa bị giảm sẽ dẫn đến nhiều lao động nông thôn bị thất nghiệp, trở thành lao động tự do. Thực tế sau khi có dự án thu hồi đất lúa xong nhưng bị bỏ hoang rất lãng phí, trong khi người dân không có đất sản xuất; chưa kể một số địa phương vẫn để tình trạng tự ý chuyển đổi đất lúa sang mục đích khác.

Do đó, đại biểu đề nghị xác định rõ nguyên tắc, tiêu chí cho phép chuyển đổi đất trồng lúa, khu vực cần chuyển đổi hoặc cần giữ. Đồng thời, để phát triển kinh tế cần có quỹ đất dành cho khu công nghiệp, nhưng cần hạn chế thấp nhất việc chuyển đổi đất lúa sang đất khu công nghiệp vì đất này khó có thể bảo đảm quay trở lại trồng lúa. Đối với địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn, Chính phủ cần tổng kết thực hiện chính sách hỗ trợ để đưa ra các chính sách phù hợp hơn và có giải pháp tăng giá trị lúa gạo.

Ở khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) phân tích người trồng lúa rất vất vả, thu nhập thấp, hiệu quả sản xuất chỉ bằng 1/10 thuỷ sản, trong khi lại chiếm nhiều không gian phát triển. Theo đại biểu Phương, mức tiêu thụ gạo bình quân đang giảm rõ rệt, trong bối cảnh đó thì giữ lại tới 3,5 triệu ha đất lúa là quá lớn. Hơn nữa, việc đồng bằng song Cửu Long  gánh tới 50% diện tích đất lúa là quá lớn, khiến cho vùng này khó có thể đạt được hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, đại biểu đề nghị tính toán kỹ theo hướng giảm bớt diện tích đất lúa xuống khoảng 3,2 triệu ha vào năm 2025.

Cho ý kiến về vấn đề quy hoạch, sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP Hồ Chí Minh) phân tích một số vướng mắc hiện nay liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đại biểu nêu rõ, quy hoạch sử dụng đất phải gắn chặt với quy hoạch xây dựng và các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, đô thị, nông thôn, các khu chức năng… Đơn cử, tình trạng không rõ ràng trong quy hoạch sử dụng đất hỗn hợp đã khiến cơ quan chức năng không dám phê duyệt cho người dân sử dụng đất, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của Nhân dân…

Đại biểu cho hay, trong những năm gần đây, thiên tai dịch bệnh xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng nên quy hoạch sử dụng đất phải phù hợp với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đại biểu Nguyễn Thị Lệ cũng đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật Đất đai và các văn bản có liên quan theo nguyên tắc này.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường nhận định, với định hướng phát triển kinh tế xanh thì cần giảm diện tích đất bãi thải, đồng thời với việc chú trọng đầu tư cho công nghệ xử lý chất thải. Ngược lại, cần dành đủ quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu và bổ sung chỉ tiêu rừng ngập mặn ven biển.

Về giải pháp quy hoạch, sử dụng đất, theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình), báo cáo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đưa ra 6 giải pháp. Đối với nhóm giải pháp về nguồn lực, đại biểu đề nghị cần phải cụ thể hóa như việc huy động tổng hợp các nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương đến địa phương; thực hiện cơ chế công - tư kết hợp dưới nhiều hình thức huy động nguồn vốn dầu tư từ doanh nghiệp, đón các làn sóng chuyển dịch đầu tư thời kỳ hậu COVID- 19; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tài chính, tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách chính quyền linh hoạt và chủ động hơn./.

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
27 người đang online