10/10/2024 | lượt xem: 488 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai Ngày 04/10/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (bao gồm: hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện), hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, đối tượng bị xử phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai bao gồm vi phạm trong sử dụng đất và vi phạm trong thực hiện dịch vụ về đất đai. Nghị định quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là 02 năm. Hình thức xử phạt hành chính bao gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền. Hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề tư vấn có thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn có thời hạn từ 09 tháng đến 12 tháng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký đất đai; Buộc thực hiện thủ tục để được phê duyệt dự án chăn nuôi tập trung có quy mô lớn; Buộc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và làm thủ tục để được bàn giao đất trên thực địa; Buộc bên nhận chuyển quyền, bên thuê, bên thuê lại, bên nhận góp vốn, bên nhận tài sản gắn liền với đất phải trả lại đất; Buộc chấm dứt hợp đồng cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, chuyển đổi, góp vốn, mua, bán tài sản gắn liền với đất; mua, bán tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất; Buộc lập phương án sử dụng đất nông nghiệp đối với tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; Buộc thành lập tổ chức kinh tế và lập phương án sử dụng đất trồng lúa đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lúa vượt hạn mức; Buộc trả lại tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất; Buộc ký lại hợp đồng thuê đất; Buộc phải nộp hồ sơ để làm thủ tục xin chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án; Buộc đưa đất vào sử dụng; Buộc nộp hồ sơ để làm thủ tục chuyển sang thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai; Hủy bỏ kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; Buộc phải cung cấp, cung cấp lại thông tin, giấy tờ, tài liệu. Nghị định quy định cụ thể mức phạt đối với từng trường hợp sử dụng đất trồng lúa sang loại đất khác mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Cụ thể, hành vi chuyển đất trồng lúa sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp bị phạt tiền từ 2 triệu đến 30 triệu đồng; hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở) thuộc địa giới hành chính của xã bị phạt từ 3 triệu đến 150 triệu đồng; Hành vi chuyển đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất lâm nghiệp sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã bị phạt từ 10 triệu đến 150 triệu đồng tùy theo diện tích đất vi phạm. Nghị định nêu rõ hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì hình thức và mức xử phạt bằng 2 lần mức phạt tương ứng với quy định trên. Nghị định quy định hành vi sử dụng các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép bị phạt từ 20 triệu đến 100 triệu đồng tùy thuộc vào diện tích đất vi phạm. Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước đã quản lý, được thể hiện trong hồ sơ địa chính thuộc địa giới hành chính của xã hoặc các văn bản giao đất để quản lý thì mức xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng tùy thuộc vào diện tích đất vi phạm. Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất nông nghiệp (không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất) không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này mà thuộc địa giới hành chính của xã thì mức xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng tùy thuộc vào diện tích đất vi phạm. Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất không thuộc trường hợp quy định trên đây mà thuộc địa giới hành chính của xã thì mức xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng tùy thuộc vào diện tích đất vi phạm. Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất phi nông nghiệp không thuộc trường hợp quy định trên đây mà thuộc địa giới hành chính của xã thì mức xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng tùy thuộc vào diện tích đất vi phạm. Hành vi sử dụng đất mà Nhà nước đã có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng người được giao đất, cho thuê đất chưa được bàn giao đất trên thực địa thì mức xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng tùy thuộc vào diện tích đất vi phạm. Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và mức phạt tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức. Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình, khu vực; đất xây dựng các công trình, khu vực có hành lang bảo vệ an toàn; đất trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công thì hình thức và mức xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chuyên ngành. Trường hợp pháp luật chuyên ngành không quy định xử phạt thì xử phạt theo Nghị định này. Nghị định số 123/2024/NĐ-CP quy định về thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền: phạt cảnh cáo, phạt đến 5.000.000 đồng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt đến 100.000.000 đồng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền phạt đến 500.000.000 đồng. Cùng với thẩm quyền xử phạt, Chủ tịch ban nhân dân cấp tỉnh có quyền: Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất; Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn; Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này. Về thẩm quyền của thanh tra chuyên ngành, Nghị định 123 nêu rõ: Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành đất đai của Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Trưởng đoàn thanh tra do Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 50.000.000 đồng; Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất; Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn; Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này. Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng đoàn thanh tra do Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 250.000.000 đồng; Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất; Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn; Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này. Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất có quyền: Phạt tiền đến 500.000.000 đồng. Thanh tra Quốc phòng có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong sử dụng đất quốc phòng theo quy định tại Nghị định này. Chánh Thanh tra Công an tỉnh, Chánh Thanh tra Bộ Công an có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong sử dụng đất an ninh theo quy định tại Nghị định này. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 04 tháng 10 năm 2024. Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Điều 1 Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ hết hiệu lực từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. NVĐ
Quyết định ban hành Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu đối với sản phẩm trên báo in, báo điện tử thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
Quyết định sửa đổi khoản 2 Điều 3 Quyết định số 20/2023/QĐ-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Công Thương
Quyết định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Quy định ban hành kèm theo các Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về phân cấp và phân công nhiệm vụ trong quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; quản lý chất lượng công trình xây dựng; quy hoạch xây dựng, kiến trúc trên địa bàn tỉnh