Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội

Ngày 08/10/2024, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 126/2024/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

Nghị định 126/2024/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước đối với hội được thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Áp dụng đối với tổ chức, công dân Việt Nam có liên quan đến thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về hội. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về tổ chức, hoạt động của hội khác với Nghị định này thì áp dụng quy định của pháp luật chuyên ngành đó.

Nghị định 126/2024/NĐ-CP sẽ không áp dụng với các tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam; các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng; tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động.

Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội như sau: Tự nguyện, tự quản; Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; Tự bảo đảm kinh phí hoạt động; Không vì mục tiêu lợi nhuận; Tuân thủ Hiến pháp, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và điều lệ hội.

Theo Nghị định 126/2024/NĐ-CP, việc thành lập hội phải đảm bảo các điều kiện:

1- Tên gọi của hội phải đảm bảo các điều kiện sau: Viết bằng tiếng Việt hoặc phiên âm theo tiếng Việt, nếu không phiên âm ra được tiếng Việt thì dùng tiếng nước ngoài; tên gọi riêng của hội có thể được phiên âm, dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật; Phù hợp với tôn chỉ, mục đích, phạm vi, lĩnh vực hoạt động chính của hội; Không trùng lặp toàn bộ tên gọi hoặc gây nhầm lẫn, bao trùm tên gọi với các hội khác đã được thành lập hợp pháp trước đó; Không vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc.

2- Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động.

3- Có tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động phù hợp quy định pháp luật.

4- Có điều lệ, trừ hội quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định này.

5- Có trụ sở theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này.

6- Có đủ số lượng tổ chức, công dân Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác:

Hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh có ít nhất 100 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

Hội hoạt động trong phạm vi tỉnh có ít nhất 50 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

Hội hoạt động trong phạm vi huyện có ít nhất 20 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

Hội hoạt động trong phạm vi xã có ít nhất 10 tổ chức, công dân tại đơn vị hành chính cấp xã có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

Hiệp hội của các tổ chức kinh tế hoạt động trong phạm vi toàn quốc có hội viên là đại diện các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân của Việt Nam, có ít nhất 11 đại diện pháp nhân ở nhiều tỉnh; hiệp hội hoạt động trong phạm vi tỉnh có ít nhất 5 đại diện pháp nhân trong tỉnh cùng ngành nghề hoặc cùng lĩnh vực hoạt động có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hiệp hội.

7- Có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội.

Điều 11, Nghị định 126/2024/NĐ-CP nêu rõ tổ chức, công dân Việt Nam có nhu cầu thành lập hội phải thành lập ban vận động thành lập hội (trong đó dự kiến trưởng ban, phó trưởng ban và các uỷ viên) theo quy định và đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội.

Thành viên ban vận động thành lập hội là tổ chức, công dân Việt Nam tâm huyết, trách nhiệm, hoạt động trong lĩnh vực hội dự kiến hoạt động hoặc có liên quan đến lĩnh vực hội dự kiến hoạt động. Các thành viên ban vận động thành lập hội phải đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Ban vận động đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch, phương hướng hoạt động ban đầu của hội, đồng thời là cầu nối giữa các thành viên sáng lập và cơ quan quản lý nhà nước. Quy định này giúp đảm bảo hội được thành lập trên cơ sở tổ chức và hoạt động minh bạch, có định hướng rõ ràng ngay từ khi còn là ý tưởng.

Nghị định 126/2024/NĐ-CP cũng quy định rõ ràng về thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc phê duyệt điều lệ và quản lý hoạt động của các hội. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ là người có thẩm quyền phê duyệt điều lệ đối với các hội hoạt động trên phạm vi toàn quốc có đảng đoàn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác về thành lập, phê duyệt điều lệ hội.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội; cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi tỉnh.

Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội; cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi huyện, xã.

Nghị định cũng quy định chính sách của Nhà nước đối với hội như sau: Khuyến khích, tạo điều kiện để các hội tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ, tham gia tư vấn, phản biện chính sách, chương trình, dự án, đề tài, đề án và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật; Hỗ trợ kinh phí theo quy định của pháp luật gắn với nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 8 Nghị định này giao; Cung cấp thông tin, tuyên truyền phổ biến chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 11 năm 2024 và thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP.

NVĐ

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
185 người đang online