Quy định rõ các khoản phí hòa giải để giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước

Theo đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long), cần xác định rõ khoản chi phí hòa giải được Nhà nước hỗ trợ, nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, đồng thời nâng cao trách nhiệm cho các bên trong quá trình hoà giải, đối thoại.

Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Xác định rõ các khoản phí hòa giải được Nhà nước hỗ trợ

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết: Về chi phí hòa giải, đối thoại, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng đa số các trường hợp Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long). Ảnh: TL.

Nhà nước chỉ thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án với 03 trường hợp: (1) Pháp nhân, cá nhân nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch; (2) Chi phí phát sinh khi tiến hành hòa giải, đối thoại trong trường hợp các bên thống nhất hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; chi phí khi hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi lãnh thổ của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc có trụ sở, trước khi Hòa giải viên lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành; (3) Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài.

Góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) thống nhất sự cần thiết quy định nhà nước thu một số khoản chi phí nhất định đối với một số trường hợp như quy định tại Điều 9 của Dự thảo.

Theo đại biểu Dung, nếu thu chi phí tất cả các trường hợp hòa giải sẽ làm cho các bên e ngại không chọn hòa giải. Do đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới nên cần có thời gian để đi vào cuộc sống phát huy hiệu quả và cần khuyến khích người dân lựa chọn.

Ngoài ra, theo đại biểu, tuy dự thảo Luật có giao cho Chính phủ quy định chi tiết mức thu, trình tự, thủ tục thu, nhưng cần bổ sung một quy định mang tính nguyên tắc. Đó là phải có sự thỏa thuận thống nhất trước của các bên đối với các trường hợp chi phí phát sinh khi tiến hành hòa giải ngoài trụ sở Tòa án.

Đồng quan điểm, đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho biết, chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định. Tuy nhiên, nếu quy định như Dự thảo Luật thì chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ do Ngân sách Nhà nước đảm bảo. Do đó, cần quy định rõ Nhà nước đảm bảo những khoản nào. Bởi có rất nhiều khoản chi phí khác như: phụ cấp cho hoà giải viên, chi phi in ấn tài liệu và chi phí khác nữa phát sinh trong quá trình hoà giải, đối thoại. Vấn đề này chưa được làm rõ trong dự thảo Luật.

Theo đại biểu Lưu Thành Công, nếu quy định chung như dự thảo Luật thì ngân sách Nhà nước hàng năm sẽ phải gánh thêm một khoản khá nhiều. Do đó, đại biểu đề nghị cần xác định rõ thêm chi phí nào được Nhà nước hỗ trợ, chi phí nào được các bên có yêu cầu hoà giải đối thoại chi trả chứ không phải 3 vụ việc như dự thảo Luật quy định.

“Điều này sẽ bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, đồng thời khiến các bên tranh chấp sẽ nâng cao trách nhiệm hơn trong quá trình hoà giải, đối thoại”, đại biểu nói.

Thu hút, mở rộng đối tượng hoà giải viên

Về tiêu chuẩn của Hòa giải viên, sự thảo Luật quy định ngoài những đối tượng là những người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu (Thẩm phán, Kiểm sát viên…), thì Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới có thể được xem xét, bổ nhiệm làm Hòa giải viên.

Theo đại biểu Lưu Thành Công, đối với đối tượng là luật sư, chuyên gia pháp luật, yêu cầu phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác là cao sẽ khó để thu hút có đội ngũ hoà giải viên đủ thành phần, chỉ cần 5 năm kinh nghiệm là đủ. Hơn nữa, tiêu chuẩn Hoà giải viên ở Điều 1 của dự thảo phải có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, kinh nghiệm, có kỹ năng hoà giải, đối thoại... đã quá rõ nên không cần thiết yêu cầu nhóm Luật sư, chuyên gia có kinh nghiệm đến 10 năm.

Dẫn chứng Luật Tổ chức Toà án (sửa đổi) quy định điều kiện bổ nhiệm thẩm phán có thời gian làm công tác pháp luật từ 05 năm trở lên, đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) cho rằng quy định thời gian 10 năm như trên là quá dài, chỉ cần quy định 5-7  năm là đủ điều kiện xem xét bổ nhiệm, nhằm huy động nguồn lực trong xã hội, đóng góp vào thành công của công tác hoà giải.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị bổ sung cán bộ, công chức ngành luật đã về hưu, trợ giúp viên pháp lý nếu đủ điều kiện được bổ nhiệm làm hoà giải viên nhằm thu hút, mở rộng đối tượng hoà giải viên.

Giải trình thêm về nội dung này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết: Đây là lần đầu tiên đặt ra vấn đề tiêu chuẩn hòa giải viên, vì vậy việc quy định 10 năm hướng tới mục tiêu bảo đảm chất lượng hoà giải, kinh nghiệm tốt hơn thì việc bảo đảm chất lượng hoà giải sẽ được nâng cao. Ban soạn thảo sẽ xem xét tiếp thu ý kiến của các đại biểu./.

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
28 người đang online